Đôi nét về nghệ thuật của bậc thầy Phạm Hậu

Nhắc đến họa sĩ Phạm Hậu, một nhân vật quan trọng, góp phần không nhỏ vào phong cách Sơn mài mỹ thuật Đông Dương, đương thời tề danh và từng triển lãm chung với Nguyễn Gia Trí (năm 1944), không thể không nhắc đến hai dấu ấn quan trọng trong cuộc đời ông.

Việc thứ nhất là ông sinh ra trong một gia đình đông con, mồ côi sớm, thiếu thời lận đận. Việc thứ hai là trước khi học mỹ thuật khóa V (1929 – 1934), ông từng theo đuổi bốn năm học tại Trường Bách nghệ Hải Phòng. Việc rèn giũa nghiêm cẩn để làm thợ, làm nghệ nhân trước khi học làm nghệ sĩ sẽ cho ông “đôi bàn tay khôn” số một. Còn hoàn cảnh truân chuyên từ bé dường như khiến cho thiên hướng mỹ cảm của tâm hồn nghệ sĩ ưa những cuộc đối thoại với thiên nhiên; gạt bỏ những bi ai của thời cuộc; lánh qua mặt trái sự tiêu điều của phong cảnh, tìm về vẻ đẹp hoặc hoang sơ, hoặc nhuần nhị của đời sống tiền công nghiệp, ở đây là đời sống ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ xưa – nửa trước của thế kỷ 20 – chắc không có thay đổi so với nhiều trăm năm trước đó. Trong số tranh họa sĩ để lại, ít thấy chân dung vẽ người, trừ một số bức tự họa hoặc ngẫu hứng vẽ người trong gia đình. Mặc dù ở một bậc thầy như ông thì thể loại nào dù chớp qua, người ta cũng nhận ra ngay sự già dặn xuất sắc. Việc ông không đi sâu thêm và có những thay đổi tìm tòi về tạo hình, có lẽ một phần do tính cách cá nhân, phần nữa do thời cuộc đã chuyển hướng. Và ông đã thuộc hẳn về một thế hệ khác.


PHẠM HẬU, Phong cảnh trung du Bắc Bộ, 1940-1945, sơn mài trên gỗ, gồm 8 tấm, kích thước mỗi tấm 124,5cm x 33cm. Đã được bán đấu giá € 181.280 tại Sotheby’s Hongkong, tháng 03/2016. Ảnh do gia đình họa sĩ cung cấp.

Các bộ tác phẩm kỳ vĩ của họa sĩ Phạm Hậu là các bộ tranh bình phong hoặc sơn mài tấm lớn, đa phần được thực hiện từ năm 1934 cho tới đầu những năm 1950. Chúng có sự thống nhất kỹ lưỡng của bố cục hội họa từ tổng thể cho tới chi tiết; sự sâu thẳm của nhiều lớp nền huyền, son tương phản với ánh hoàng kim cổ tích, dù là ánh vàng đó diễn tả cái khỏa nước lóng lánh của người đi cấy, mái ngôi chùa cổ, chú nai, con cá hay bầu trời trong vắt. Tiếc là hầu hết những kiệt tác này hoặc đã bán ra nước ngoài, hoặc thuộc về những tư gia quyền quý, rất khó được chiêm ngưỡng.

Dù ở trên những bình phong vẽ phong cảnh nông thôn, chùa chiền, trung du miền núi, hoa điểu, cá vàng, hươu nai… tấm lớn rộng nhiều mét vuông, hay những bức tranh sơn mài nhỏ ngang dọc chỉ trên dưới 20 cm (họa sĩ có biệt tài có một không hai vẽ tranh khổ nhỏ với nhiều lớp lang chi tiết và ánh sáng của một phong cảnh hội họa góc rộng) thì thiên nhiên, con người, sự vật ở Bắc Bộ đều hiện lên một vẻ đặc trưng Á Đông – Việt Nam với thẩm mỹ vô cùng sang trọng, tinh tế, được chắt lọc ở mức thuần khiết bậc nhất; kỹ thuật sơn mài được khám phá và biểu hiện ở trình độ rất cao, dưới bàn tay điêu luyện đặc biệt, đạt giá trị trở thành chuẩn mực cổ điển của Nghệ thuật sơn mài Việt. Các tác phẩm lớn của ông, giống như một số tác phẩm lớn của Nguyễn Gia Trí, xứng đáng được định danh là những báu vật của quốc gia.


PHẠM HẬU, Chùa Thầy ở Bắc Bộ, 1939, sơn mài trên gỗ, 100cm x 200cm; đã được bán đấu giá € 152.240, Sotheby’s Hongkong, tháng 10/2013. Ảnh do gia đình họa sĩ cung cấp.

Giới nghệ thuật cho rằng, từ năm 1934 đến 1945 là giai đoạn hoàng kim của nghệ thuật sơn mài thuần túy, khi nó không phục vụ cho mục đích nào khác ngoài tôn vinh cái đẹp. Cha tôi tốt nghiệp năm 1934, đúng vào giai đoạn này, lại là một trong những người đầu tiên sáng tác tranh sơn mài truyền thống. Tranh của ông được giới thượng lưu và người Pháp [sống ở Việt Nam] ưa chuộng nên tác phẩm ông làm ra được mua hết, nhiều khi còn phải làm theo đơn đặt hàng, với giá cao (mẹ tôi kể, hồi đó bán được một bức tranh có thể ăn dư dật trong hai năm). Làm tranh sơn mài phải có xưởng và có thợ. Sau năm 1954, nếu thuê nhiều hơn hai nhân công thì bị quy là tư sản, nên cha tôi dẹp xưởng. Từ đó, ông không thể làm các tác phẩm khổ lớn mà chỉ làm tranh khổ nhỏ thôi. Ngoài ra, trong giai đoạn khó khăn này, ít người có đủ điều kiện sưu tầm một bức tranh sơn mài truyền thống vì nó rất đắt, tranh có làm ra cũng không bán được nữa. Về sau, lúc đã lớn tuổi thì ông ít vẽ mà chuyển qua chơi cây cảnh và đồ cổ. Hiện nay, phần lớn tác phẩm sơn mài của ông đều nằm trong các bộ sưu tập cá nhân tại Pháp. Ở Việt Nam, còn một số tác phẩm tiêu biểu như Sen mùa hạ, Cơn giông được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật (Hà Nội) hay bức Hươu tại Dinh Bảo Đại (Đà Lạt), bên cạnh ba-bốn bức khác thuộc các sưu tập cá nhân. KTS Phạm Yên, con trai thứ bảy của họa sĩ Phạm Hậu

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)