Giao hưởng “Lệ Chi Viên” – Giản dị trên những kỹ thuật phức tạp

Nhân dịp giao hưởng thơ một chương Lệ Chi Viên lần đầu ra mắt công chúng Việt Nam* sau khi đã ra mắt công chúng Đức cách đây gần hai năm, Tia Sáng có cuộc trò chuyện với tác giả Trần Mạnh Hùng chung quanh tác phẩm đang được đón đợi của anh, cũng như về công việc sáng tác đầy thách thức trong môi trường âm nhạc hiện nay của chúng ta.

Anh có thể chia sẻ về sự ra đời của giao hưởng thơ Lệ Chi Viên?

Tôi sáng tác giao hưởng này theo đơn đặt hàng của đài truyền hình Đức Deutsche Welle để Dàn nhạc Sinh viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn trong chương trình Liên hoan Âm nhạc quốc tế BeethovenFest diễn ra ở Đức trong hai tháng 9 và 10/2009.

Bi kịch vị công thần bị chu di tam tộc sau khi đất nước giành độc lập từ tay giặc Minh khiến tôi xúc động sâu sắc từ khi còn là học sinh phổ thông, mặc dù lúc đó câu chuyện oan khuất này chỉ được các thầy cô giảng mập mờ và qua quít.

Khi nhận được đơn đặt hàng, tôi đã mượn cảm xúc từ câu chuyện kịch tính đó để sáng tác nên giao hưởng. Tháng 3/2009, sau ba tuần sáng tác liên tục, tôi đã hoàn thành bản tổng phổ.

Chất liệu nào làm nên Lệ Chi Viên, thưa anh?

Ở giao hưởng này, tôi cố gắng kết hợp giữa thẩm mỹ âm nhạc phương đông – yêu thích giai điệu; và phương tây – yêu thích sự đồ sộ, tư duy đa chiều, tính triết lý, không gian và thời gian mở rộng. Tôi cố gắng viết giản dị, trữ tình, hoàn toàn phát triển âm nhạc bằng giai điệu, nhưng dựa trên những kỹ thuật phức tạp và đương đại.

Công chúng Đức cảm nhận về
Lệ Chi Viên như thế nào theo nhận biết của anh?

Vài nét về nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng
Sinh năm 1973
Học đàn bầu từ năm lên 10 tại Trường Nghệ thuật Hà Nội;
Chơi keyboard trong các ban nhạc pop – rock khi còn là sinh viên;
Học sáng tác giao hưởng thính phòng từ năm 1996 tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam;
Từ năm 2000, là giảng viên bộ môn sáng tác giao hưởng thính phòng tại ĐH Nghệ thuật Quân đội;
Tác phẩm chính: Các giao hưởng Lệ Chi Viên, Một nửa cõi trầm, Hào khí Thăng Long, Đất mẹ; các ca khúc thính phòng Gió lộng bốn phương, Giấc mơ mùa lá, Thế giới không chiến tranh, Ơi mẹ Làng Sen;
Từ năm 2007 đến năm 2010 liên tục có tác phẩm đoạt giải cao nhất của Hội Nhạc sĩ Việt Nam dành cho thể loại giao hưởng, có năm giành giải đúp cả ở thể loại giao hưởng và ca khúc thính phòng.

Một nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam có mặt tại buổi diễn để thu âm cho tôi biết anh đã đo được độ dài tràng pháo tay dành cho Lệ Chi Viên dài hơn các tác phẩm khác trong cùng buổi diễn.

Sau đó, tại tiệc chiêu đãi, tình cờ tôi gặp lại vị giáo sư người Đức mà tôi có cơ hội được thỉnh giảng cách đây hơn 10 năm. Tôi chạy đến chào thầy, giới thiệu mình từng học thầy và giờ là tác giả của Lệ Chi Viên. Thầy nói: “Tôi không nhận ra anh nhưng giai điệu của anh vẫn đang ở trong đầu tôi.”

Còn các sinh viên chơi trong dàn nhạc kể lại, chủ nhà người Đức của họ đã hỏi, “Anh tác giả đó đang gặp chuyện gì buồn lắm phải không?”

Tất cả những sự đồng cảm đó của khán giả Đức là sự khích lệ to lớn đối với tôi.

Mọi chuyện nghe thật hoàn hảo, vậy có điều gì khiến anh cảm thấy đáng tiếc ở những buổi diễn ra mắt đó không?

Thật ra, điều đáng tiếc là tác phẩm chỉ được dàn nhạc tập tổng cộng có ba ngày trước khi công diễn. Tôi cũng không hiểu tại sao, vì tôi đã nộp tổng phổ và phân phổ rất sớm. Buổi tập cuối cùng của dàn nhạc trước khi sang Đức, tôi ngồi nghe mà trong lòng buồn lắm. May mắn là trong buổi diễn chính thức, bằng nỗ lực của chỉ huy người Pháp, bà Claire Levacher, và từng nhạc công mà cuối cùng tác phẩm cũng đã cất lên được khoảng 85% những gì tôi muốn nói.

Nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét anh là trường hợp đặc biệt, được đào tạo hoàn toàn ở trong nước, nhưng lại được giới chuyên môn công nhận là một trong những nhà soạn nhạc hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực giao hưởng thính phòng hiện nay. Cá nhân anh có cho rằng được đào tạo ở nước ngoài là một lợi thế không?

Chắc chắn là như vậy rồi. Từ lúc còn là sinh viên nhạc, tôi đã nhận thấy bộ môn sáng tác ở Việt Nam bị lạc hậu quá xa so với thế giới, nhiều môn học thiết yếu đều dịch từ giáo trình của người Nga từ trước Thế chiến thứ hai. Ý thức được điều đó, tôi luôn tranh thủ nhờ bạn bè mua sách mỗi khi họ có dịp ra nước ngoài để đọc thêm. Nhiều khi tôi chỉ đủ tiền thuê dịch từng chương một, nhưng hễ có tiền là đổ hết vào thuê dịch sách; sau đó là nghiên cứu và thực hành. Bởi vậy tuy học ở Việt Nam, nhưng 2/3 kiến thức tôi có được là từ sách vở và các ông thầy nước ngoài.

Là giảng viên khoa sáng tác từ mười năm nay, tôi càng thấy rõ nhiều môn mà tất cả các sinh viên sáng tác khác trên thế giới đều được học nhưng ở Việt Nam vẫn chưa có, và giờ nếu đưa vào cũng chưa biết đặt tên là gì. Rất tiếc là sau khi khối Đông Âu tan rã, sinh viên khoa sáng tác ít có cơ hội nhận học bổng du học.

Anh có thần tượng và chịu ảnh hưởng từ nhà soạn nhạc nào không?

Tôi yêu sự mạnh mẽ, mạch lạc trong cấu trúc của âm nhạc Beethoven, sự rõ ràng trong trạng thái cảm xúc của âm nhạc Bartok, và yếu tố trữ tình trong âm nhạc Dvorak.

Anh đánh giá như thế nào về đời sống âm nhạc giao hưởng thính phòng ở Việt Nam?

Trần Mạnh Hùng là một trường hợp đặc biệt, trưởng thành hoàn toàn trong môi trường đào tạo âm nhạc có thể nói là tồi tệ ở Việt Nam nhưng tài năng của anh được giới chuyên môn thừa nhận. Một điều quan trọng không kém là các nhạc công trong dàn nhạc cũng cảm thấy hài lòng khi chơi tác phẩm của anh. Ở Lệ Chi Viên, tôi chỉ nhận thấy một điều đáng tiếc, đó là đôi chỗ anh viết hơi tham, sử dụng các kỹ thuật khó và cầu kỳ mà không mang lại hiệu quả tương xứng. Nhưng đó không phải do anh kém tài, mà là do tuổi nghề, nó sẽ được khắc phục khi nhạc sĩ có thêm thời gian để “tu luyện”.

                                             Nhạc sĩ Dương Thụ

Về đội ngũ sáng tác, như tôi đã nói, họ không có điều kiện du học nhiều như trước đây. Âm nhạc thị trường lại nổi lên mạnh quá, nhiều người lái sang hướng đó để thuận lợi hơn, do đó sáng tác giao hưởng thính phòng có nguy cơ suy yếu so với thế hệ trước.

Về mặt vật chất, nhạc sĩ giao hưởng thính phòng hầu như không thể thu lại gì từ các tác phẩm của mình. Bạn hình dung, mỗi năm ai đó trong số chúng tôi có tác phẩm được trình diễn hai ba lần đã là một may mắn lớn, mà mỗi tác phẩm được biểu diễn chỉ đem lại 500 nghìn đồng tiền bản quyền.

Về nghệ sĩ biểu diễn, tôi không định nói là tất cả, nhưng phần lớn đều tỏ ra thiếu nhiệt tình với các tác giả trong nước và thường chơi các tác phẩm của tác giả trong nước dưới phong độ. Tất nhiên tác phẩm của chúng tôi làm sao có thể so sánh với các bậc thầy kinh điển, nhưng nếu thiếu tinh thần dân tộc thì lấy đâu ra cơ hội cho nền âm nhạc của Việt Nam phát triển.

Về công chúng, theo tôi, đào tạo công chúng là một cách làm cho môi trường âm nhạc phát triển lành mạnh nhưng dường như cách làm của chúng ta hiện nay đang sai lầm. Ở trường phổ thông, thay vì đào tạo các em thành người nghe nhạc, nhận biết được các thể loại âm nhạc khác nhau và biết thưởng thức vẻ đẹp của chúng thì chúng ta lại đào tạo các em theo kiểu đào tạo nhạc sĩ sáng tác bằng cách dạy các em ký xướng âm.

Quả là không có nhiều điều để lạc quan khi chọn trở thành một nhạc sĩ giao hưởng thính phòng. Vậy anh xác định xu hướng sáng tác hàn lâm sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong sự nghiệp của mình?

Mặc dù thử sức ở nhiều lĩnh vực sáng tác và hòa âm phối khí, nhưng tôi xác định giao hưởng thính phòng là toàn bộ sự nghiệp của mình. Khi có cơ hội, chẳng hạn như được đặt hàng, tôi sẽ viết những tác phẩm lớn; còn không thì viết và tự thu âm những tác phẩm nho nhỏ. Năm tới, tôi dự định ra mắt CD ca khúc thính phòng đầu tiên của mình. Ở đây càng thấy rõ vai trò quan trọng của đặt hàng đối với giới nhạc sĩ. Chúng tôi đều có ý tưởng nhưng đơn đặt hàng sẽ gợi ý rõ ràng chúng tôi nên làm gì trước. Chúng tôi cũng tranh thủ đơn đặt hàng để thực hiện ý tưởng của mình.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

* Tại Hòa nhạc Điều còn mãi tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, ngày 2/9/2011.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)