Giáo sư Nguyễn Thế Anh: Biên giới là nơi để gặp gỡ

LTS: GS. Nguyễn Thế Anh, một trong những nhà sử học về Việt Nam hàng đầu thế giới đã qua đời vào ngày 19/3/2023 vừa qua, hưởng thọ 87 tuổi. Ông đã viết hơn 120 ấn phẩm và các bài báo, hầu hết bằng tiếng Pháp, trải rộng về các chủ đề và giai đoạn lịch sử Việt Nam, Đông Á và Đông Nam Á với tinh thần độc lập chính trị và nghiêm cẩn với các tiêu chuẩn nghiên cứu. Trong số đó, có một số ít tác phẩm đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam như: Việt Nam: Thời Pháp đô hộ, Việt Nam vận hội và Phương pháp sử học: Những nguyên tắc căn bản. Bài viết dưới đây là của Keith Weller Taylor, giáo sư Đại học Cornell (Mỹ) về lịch sử Việt Nam, được rút ra từ lời mở đầu của cuốn sách tri ân những đóng góp và ảnh hưởng của GS. Nguyễn Thế Anh: Vietnam World: Hommage à Nguyen The Anh, xuất bản năm 2008.

GS. Nguyễn Thế Anh.

Đóng góp của giáo sư Nguyễn Thế Anh đối với nền học thuật đương đại về Việt Nam đã truyền cảm hứng và duy trì một dòng tư tưởng học thuật vừa hiện đại vừa mang tính dân tộc. Khả năng chấp nhận sự đa dạng văn hóa và một phép sử luận dân tộc đa trung tâm của ông đi tương phản với sự tái tuần hoàn chủ nghĩa độc tôn trong truyền thống được ngụy tạo dưới danh nghĩa chủ nghĩa dân tộc. Ông đã tạo ra một di sản không chỉ bằng sự nghiệp xuất sắc ở cả hai đất nước và bằng những nội dung trong công trình của ông, mà còn bằng việc nuôi dưỡng sự khích lệ mà ông đã dành cho các sinh viên và đồng nghiệp.
Nghiên cứu của giáo sư Nguyễn Thế Anh bao trùm những chủ đề trong phạm vi rộng lớn và cho thấy một trí óc mới mẻ và sống động, không bị ràng buộc bởi bất cứ hình thức giáo điều nào. Ông đã tiên phong nghiên cứu về triều Nguyễn từ rất lâu trước khi nó trở thành trào lưu. Đây là triều đại lớn duy nhất của Việt Nam không đóng đô ở Hà Nội. Bằng việc nghiên cứu về triều đại này, giáo sư Nguyễn Thế Anh không chỉ đơn thuần thể hiện sự phản kháng đối với việc lãng mạn hóa tính anh hùng bài ngoại của chủ nghĩa dân tộc cách mạng, và cũng không chỉ mở ra không gian trí thức cho những cách thức khác để khái hóa sử luận Việt, mà còn cung cấp một nội dung tích cực cho phương cách này, một Việt Nam tiếp cận tham gia với thế giới bên ngoài thay vì chỉ có phản ứng và cố thủ.

Đánh giá của riêng tôi về giáo sư Nguyễn Thế Anh có thể được chuyển tải qua ba chủ đề mà tôi tin là điển hình trong cuộc đời và sự nghiệp của ông: Ông cho thấy tinh hoa được tạo ra bởi những cuộc gặp xuyên biên giới, dù các cuộc tiếp xúc đó xảy ra ở trong lãnh thổ của một quốc gia hay ở tầm quốc tế; Tránh những sự đơn giản không thể tránh khỏi của ý thức hệ. Ông cho thấy tính hiện đại dân tộc trong trải nghiệm của những người đã phải sống qua những thăng trầm của cải cách và thay đổi. Cuối cùng, ông cho thấy làm thế nào, trong cộng đồng tha hương, một tầm nhìn sử luận tích cực về dân tộc Việt Nam được duy trì thông qua các nỗ lực cho phép Việt Nam có chỗ đứng trong thế giới đương đại.

Giáo sư Nguyễn Thế Anh không chỉ đơn thuần thể hiện sự phản kháng đối với việc lãng mạn hóa tính anh hùng bài ngoại của chủ nghĩa dân tộc cách mạng, và cũng không chỉ mở ra không gian trí thức cho những cách thức khác để khái hóa sử luận Việt, mà còn cung cấp một nội dung tích cực cho phương cách này, một Việt Nam tiếp cận tham gia với thế giới bên ngoài thay vì chỉ có phản ứng và cố thủ.

Trong ba chủ đề này là một sự căng thẳng giữa hai hình thức căn bản khác biệt để hình dung lối vào thế giới hiện đại của Việt Nam; hai cách thức này được minh họa bởi hai con người đã trở thành biểu tượng của tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX: Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Trong khi Phan Bội Châu ủng hộ bạo lực cách mạng để chống lại thực dân Pháp, Phan Chu Trinh lại chủ trương mượn người Pháp để cải cách và đổi mới dân tộc mà không dùng bạo lực. Thời gian đã cho thấy sự thông thái của Phan Chu Trinh sâu sắc hơn của Phan Bội Châu. Bạo lực không đi tắt vào tương lai; trái lại, nó gây ra đau đớn và sợ hãi cho con người.

Sự thông thái của Phan Chu Trinh là chủ trương cởi mở giao thiệp với người nước ngoài. Ông hiểu rằng dân tộc không phải là một bản sắc cố định đòi hỏi sự tuân thủ mà là một công trình đang chuyển động và mời gọi sự tham gia. Ngược lại, sự nghiệp của Phan Bội Châu được thúc đẩy bởi một quyết tâm đơn giản là đánh đuổi ngoại nhân dưới danh nghĩa một bản sắc dân tộc mà một cách tự nhiên nó sẽ tái khẳng định mình một khi công cuộc này đã hoàn thành. Việt Nam đã đi theo con đường của Phan Bội Châu và bây giờ chúng ta có thể đánh giá những kết quả của cuộc thử nghiệm này trong lúc Việt Nam tiếp tục phục hồi sau hàng thập niên chiến tranh và hiện đang phải đấu tranh để bước vào thế giới hiện đại theo con đường của Phan Chu Trinh.

Phạm vi học thuật của giáo sư Nguyễn Thế Anh thực sự đáng chú ý. Ông đã viết nhiều nghiên cứu chi tiết về các chủ đề cụ thể cũng như các nghiên cứu tầm vóc cần tổng hợp và phân tích thông tin từ những khoảng thời gian dài. Công trình của ông gồm các nghiên cứu lịch sử về địa chất học, nông nghiệp, và khí hậu học; hệ tư tưởng và tôn giáo, bao gồm Phật giáo, Nho giáo, tín ngưỡng dân gian, và chủ nghĩa Marx; giao thương và thương mại; chiến tranh; quan hệ Trung-Việt; quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây; lịch sử Đông Á và Đông Nam Á; lịch sử Hoa Kỳ; sử Việt nói chung; các chủ đề trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, đặc biệt nhấn mạnh triều Nguyễn và thời kỳ Pháp thuộc; và các nghiên cứu về lịch sử Việt Nam sau năm 1945. Số tác phẩm này bao gồm cả ba chủ đề nêu trên (những trải nghiệm biên giới, chủ nghĩa dân tộc phi cách mạng, và một góc nhìn toàn cầu về dân tộc) với một lòng tin cởi mở là người Việt có thể tập trung theo hướng tiếp xúc và thay đổi thay vì khía cạnh của danh tính và đối đầu.

Điển hình là, trong công trình của ông, biên giới chủ yếu là nơi gặp gỡ thay vì là ranh giới. Trong khi biên giới Bắc Việt đã được cố định ở một nơi trong nhiều thế kỷ thì biên giới miền Nam được mở rộng đáng kể và mở ra sự tiếp xúc với nhiều nhóm dân và chính thể. Sự nghi ngờ đối với “ngoại nhân” và thái độ phòng vệ đối với biên giới thường được xem là một “quan điểm truyền thống của người Việt,” nhưng nếu vậy thì nó đã bỏ qua trải nghiệm của miền Nam, nơi đã thử thách thành công một cảm quan về việc “là người Việt trong sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, xã hội, và kinh tế”.

Tương tự là một dòng tư duy về cách đất nước bước vào cái mà chúng ta gọi là thế giới hiện đại. Theo giáo sư Nguyễn Thế Anh, đất nước Việt Nam hiện đại là một món quà của miền Nam. Nó phát sinh từ miền Nam, từ Sài Gòn, cuối thế kỷ XVIII, với những người sáng lập triều Nguyễn, triều đại lần đầu tiên lập nên nước Việt Nam chúng ta thấy trên bản đồ ngày nay.

Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến khía cạnh thứ tư trong di sản của giáo sư Nguyễn Thế Anh, theo một trật tự khác, đó là danh tiếng của ông là một sử gia xuất sắc, người đã nghiêm túc nghiên cứu các văn bản và tài liệu lưu trữ. Ông là thầy của nhiều sinh viên đã học được cách trở thành học giả từ tấm gương của ông, và điều này sẽ tiếp tục có tác động tích cực đến ngành Việt Nam học trong tương lai. Tuy đưa ra những hàm thuyết, công trình của ông lại phát triển từ kỷ luật nghiên cứu khoa học hơn là từ những định kiến về ý thức hệ trước đây.

Với nhiều học giả thuộc thế hệ giáo sư Nguyễn Thế Anh, sống qua những biến động to lớn do sự suy tàn của chủ nghĩa thực dân, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cách mạng, và các cuộc nội chiến giành quyền kiểm soát quốc gia dân tộc, học thuật là một hình thức chính trị, một phương tiện để khẳng định tính chính nghĩa của mình trước những kẻ thù chính trị, một hình thức phẫn nộ gián tiếp, không chỉ nhằm vào những gì được hiểu như một quyền lực ngoại kiều thống trị hay một quyền lực quốc gia đối đầu, mà còn nhằm vào bản thân đất nước của một người do đất nước ấy không có khả năng duy trì sự tinh khiết không bị ô nhiễm của những nguồn gốc tiền thuộc địa của mình. Công trình của giáo sư Nguyễn Thế Anh không quy phục trước sự thu hẹp đơn giản hóa từ học thuật thành ý thức hệ này. Ngược lại, nó là nguồn cảm hứng không ngừng cho nền học thuật nhằm hồi đáp sự tò mò không giới hạn của con người về quá khứ và sự tôn trọng các chuẩn mực phương pháp luận khoa học. Đây là một thành tựu không nhỏ trong bối cảnh của ngành Việt Nam học hiện đại. □

Tác giả