Gốm Lý-Trần của Đại Việt

Gốm Lý - Trần đã trở thành khái niệm mỹ học, giống như thơ Đường, tranh Tống, nghĩa là nhắc đến nó là nhắc đến cái đẹp, mặc nhiên về giá trị của nó. Cho đến nay, vẫn chưa có phong cách gốm nào ở Việt Nam vượt qua được gốm Lý - Trần.

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung
Như kim khám phá đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.

Thủa trẻ không từng hiểu sắc không
Ngày xuân tâm sự rối hoa lòng
Chúa xuân nay đã từng quen mặt
Chiếu cọ giường sư ngắm bóng hồng.

(Trần Nhân Tông)

Mặc dù đứng về mặt nghệ thuật người ta hay nhắc chung một từ là nghệ thuật Lý – Trần, nhưng đây là hai thời đại rất khác nhau, có xu hướng phát triển riêng biệt và mỗi thời đại kéo dài đến hai trăm năm, khoảng thời gian không nhỏ để có được những thay đổi căn bản. Nhà Lý (1009 – 1225) và nhà Trần (1226 – 1400) có lẽ với đặc điểm chung lớn nhất là đều lấy Phật giáo làm quốc đạo, và ít nhiều chung nhau phương thức sản xuất nông nghiệp khai thác lao động nông nô và nông dân. Số dân ít dao động từ một triệu thời Lý đến ba triệu vào cuối thời Trần cho phép xây dựng một quốc gia quy mô nhỏ và thống nhất, đặc biệt là tạo ra một phong cách nghệ thuật toàn thể (phong cách phổ quát), nghĩa là cả nước chỉ có một phong cách nghệ thuật. Phong cách này thống nhất từ kiến trúc, điêu khắc, trang trí đến đồ gốm.

Nếu như kiến trúc và điêu khắc thời Lý – Trần còn chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Champa và không ít công trình có người Champa tham gia xây dựng, thì gốm Lý – Trần không có đặc điểm gì chung với gốm Champa, và có thể nói gốm Champa không có gì để so sánh với gốm Lý – Trần. Người Champa quan tâm không nhiều đến nghệ thuật gốm, gốm với họ cốt chỉ để đựng tạm thời.
Giữa gốm thời Lý và gốm sứ Đường Tống Trung Hoa có nhiều đặc điểm chung về thẩm mỹ và kỹ thuật, nhất là phong cách nghệ thuật Lý rất gần gũi với phong cách nghệ thuật Đường, trong khi đó gốm thời Trần là cái gì đó rất riêng biệt, đặc biệt là gốm hoa nâu. Ở Trung Hoa người ta không tìm thấy được cái gì tương tự. Thực ra thì gốm Lý – Trần cũng không rơi từ trên trời xuống và không phải phát triển từ mảnh đất tưởng chừng như trống không của thời Bắc thuộc. Các kỹ thuật gốm đất nung và gốm mộ Hán trước thời Lý cũng được thời Lý tiếp thu rất sáng tạo.

Theo các tài liệu truyền thuyết và lịch sử, cho đến thời Lý – Trần, gốm đã có ba trung tâm, mà còn tồn tại cho đến ngày nay, đó là làng gốm Bát Tràng, Phù Lãng và Thổ Hà, riêng làng Thổ Hà thì ngưng làm gốm đầu thế kỷ 20. Ba làng này do ba vị đại quan thời Lý – Trần là Đào Tiến Trí, Hứa Vĩnh Kiều và Lưu Phong Tú do đi sứ ở Trung Hoa học được nghề gốm mà truyền lại do dân làng. Bát Tràng thì sản xuất gốm sắc trắng, Thổ Hà gốm sắc đỏ, Phù Lãng gốm sắc vàng. Gốm sắc đỏ chính là đồ sành men nâu và đồ sành đất nung thô, gốm sắc vàng chính là gốm sành men da lươn. Riêng gốm sắc trắng chính là gốm men trắng và men trắng vẽ hoa lam của Bát Tràng. Loại gốm vẽ hoa lam xuất hiện nhiều vào thời Trần và được nâng thành đỉnh cao ở thời Lê sơ thế kỷ 15.

Địa bàn có thể khảo cổ được của gốm Lý – Trần rất rộng, nhưng tập trung chủ yếu vào các tỉnh đồng bằng: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa và Hà Nội. Đặc biệt trong các mộ chí vùng Mường xưa kia từ Lương Sơn hắt lên thị xã Hòa Bình cũng có nhiều gốm Lý – Trần chôn theo người chết. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi, thì làng Bát Tràng hằng năm sản xuất gốm, đem bán mối lợi rất to, điều đó chứng tỏ, gốm Lý – Trần là mặt hàng thương mại quan trọng của hai thời đại đó. Trên một cái đĩa men ngọc thời Lý ở bảo tàng Lịch sử Việt Nam có vòng chữ thành hình tròn: Tố xuất phù dung dạng thanh khí/ Mại mãi khách nhân giai phú quý (Sản xuất đĩa gốm men ngọc vẽ hoa phù dung/ Khách mua bán đều là người phú quý). Chiếc đĩa này cho biết một thông điệp về tình hình thương mại đồ gốm có vẻ phát đạt vào thời Lý và con người thời đó không chỉ dùng đồ gốm để ăn uống thông thường mà nhu cầu thưởng ngoạn vẻ đẹp của món đồ cũng hết sức quan trọng. Không có đồ gốm Lý – Trần nào mà không đẹp, dường như cái đẹp là nhu cầu rất phổ biến của thời này, một chiếc chậu mà chúng ta nâng niu yêu thích thì vào thời đó chắc chỉ để rửa chân mà thôi, những chiếc thạp hoa nâu lớn bây giờ là một tài sản đáng giá thì vào thời Trần nó chỉ có chức năng như chiếc tiểu cải táng thông thường của người Việt.

Gốm Lý – Trần dù rất sang trọng nhưng dường như không có sự phân biệt giữa Quan diêu và Dân diêu, cách thức phân biệt của người Trung Hoa về loại gốm sứ dành cho vua quan và cho dân thường, được chế tác và nung từ hai cơ sở khác nhau, chất lượng khác nhau hoàn toàn. Cũng theo Nguyễn Trãi, thì các lò gốm trong nước hằng năm chọn những món đồ tốt nhất dâng lên triều đình, như vậy về căn bản không có sự phân biệt hoàn toàn giữa gốm dân gian và gốm nội phủ (dành cho vua chúa quý tộc). Gốm Đại Việt chủ yếu phân biệt ở chất lượng của từng sản phẩm, đặc biệt là cách nung hàng loạt dùng viên sỏi kê lòng, nên từng cái bát, cái đĩa đều có dấu ấn của ba đến năm vệt sỏi giữa lòng, còn đĩa bát chất lượng hơn thì lòng trơn, nghĩa là không kê một chồng mà nung từng chiếc một. Khi khảo cổ học đào bởi di tích Hoàng thành Thăng Long, đã tìm được những chồng bát nung dính vào nhau, người ta cho rằng ngay trong thành cổ có những lò gốm và như vậy thì bát dùng thông thường của quý tộc cũng không nhất thiết là phải nung từng cái một.

Gốm trắng nổi lên là loại gốm phổ thông, nhưng rất tinh nhã của thời Lý. Chúng được làm với nghệ thuật bàn xoay rất cao, dáng vuốt to nhỏ chênh lệch ngay trong đồ gốm rất lớn, thành gốm rất mỏng chứng tỏ một trình độ tạo hình thành thạo. Hình dáng thường là các loại bát nở miệng, thắt lại rất nhỏ ở chân đáy; những chiếc âu đủ các loại các cỡ, cái thì giống như bát khất thực của nhà sư, cái thì rộng lòng như quả dưa lớn; những chiếc đĩa đựng cong thành; những chiếc ấm hình quả dưa có vòi và quai, nắp rất cân đối. Men bên ngoài thành gốm, có lẽ đương thời rất trắng, nay tìm được từ lòng đất lâu năm ngả thành mầu vàng nhạt hoặc vàng ngà, rất trong, bóng, và mỏng. Phần lớn các gốm trắng không có chút hoa văn nào, tự dáng hình và chất lượng men tạo ra vẻ đẹp của nó.

Gốm đen có một vẻ đẹp giản dị mà mạnh mẽ khác, thường đi với các loại đồ gia dụng loại nhỏ, những bát loe miệng có bôi mầu đen như nước mật, đặc biệt là những bát mầu đen có trang trí hoa văn chân chim. Những hoa văn này được in khéo tới mức, người ta có cảm tưởng người thợ dùng một cái chân chim ấn vào lòng bát, hay giống như một con chim đi qua lòng bát khi nó còn đang ở dạng đất ướt. Thực ra mầu đen của gốm đen là biến thể của gốm hoa nâu, các ôxít sắt dùng làm mầu vẽ có biến dạng mầu khá phong phú, tùy theo độ nung như thế nào.

Đỉnh cao của gốm Lý được xác định là gốm men ngọc, khái niệm chữ Hán gọi là Thanh khí (đồ men xanh), người phương Tây gọi là gốm Celadon. Đặc điểm của gốm men ngọc có mầu xanh ngọc bích và nhiều biến sắc của mầu xanh đó. Men ngọc tạo ra nhiều cảm giác thẩm mỹ trái ngược, men rất trong nhưng nhìn thì rất đục, thành gốm dày nặng nhưng cảm giác rất mỏng nhẹ, hoa văn chìm (ám họa) nhưng nhìn rất nổi và tiếng gõ nghe trong trẻo như tiếng ngọc. Tất nhiên từ gốm men ngọc đến sứ men ngọc có một khoảng cách lớn về các giá trị thẩm mỹ khác nhau. Giữa gốm men trắng và gốm men ngọc có mối quan hệ qua lại mật thiết và vô số sản phẩm trung gian hình thành.

Con người thời Lý rất sang trọng, đồ đạc của họ nói lên điều đó. Chúng ta không biết người thời Lý ăn những món gì, nhưng đồ đựng của các món ăn cho thấy họ có cuộc sống lịch thiệp quý phái, có sự tinh tế mà đơn giản. Những chiếc bát hình bông hoa sen, hoa súng được chuốt các lớp cánh hoa nổi nhẹ lên thành gốm, miệng lượn cong hoặc trổ khuyết nhẹ từng điểm cách đều nhau, cầm cái bát trên tay mà như hứng một đóa hoa đang nở. Những chiếc ấm men trắng và hoa nâu thời Lý vừa đúng công dụng tùy từng kích cỡ, vừa đẹp mỹ mãn. Có những chiếc ấm tu chỉ nhỏ như quả quít, tức là người ta dùng cái ấm đó để uống luôn chứ không cần rót nước ra chén. Những chiếc ấm pha trà, đựng rượu có thể tích lớn như quả dưa bở hình khối rất nở nang, chân thắt nhỏ lại miệng loe cao và vòi nhỏ như một núm nổi trên thành mặt cong. Lại có cả những đồ đựng chiêu rượu hình con vẹt, hình tiên nữ đầu người mình chim (con Kinnari), mà lại có cả một đôi đực cái. Đồ đựng phấn là một chiếc hộp hai nửa chạm nổi cánh sen bên trong trổ hoa cúc dây, các quý cô quý bà sẽ nhón chút phấn hoa từ đó mà thoa lên má… Chỉ có những xã hội phát triển có tính tổ chức cao, lấy đạo Phật di dưỡng tinh thần, mới có thể sinh ra được những sản phẩm phổ biến và đặc trưng như vậy. Trong xã hội đó không có chỗ cho sự phàm ăn tục uống, sự nhỏ nhen và tỵ hiềm, một xã hội có vẻ rất bình an và đi tới bình an.

Xã hội Lý và xã hội Trần có nhiều vấn đề cách biệt, nhất là khi nhà Trần phải ba lần vất vả chống Nguyên Mông, một thế lực hùng mạnh trên thế giới lúc bấy giờ. Nhà Trần phải giải quyết nhiều mặt về tinh thần xã hội đối với sự thay đổi của Phật giáo sao cho thích hợp với thời cuộc, và giữ sự cân bằng cho đời sống dân sinh. Cái không khí hùng tráng của những trận đánh chống Nguyên Mông tạo ra âm hưởng cho nhiều nghệ thuật và văn thơ, trong đó có gốm. Gốm thời Trần bớt đi vẻ tinh nhã của gốm Lý, thay vào đó là sự bề thế, mạnh mẽ, cái đẹp của trí lực. Những chiếc bát chân cao cho thấy người cầm nó cũng cần phải khỏe tay, những chiếc thạp gốm khắc hình hoa sen và bôi mầu nâu với hình khối lớn kết hợp hình dáng hoa quả và hoa sen, trở nên độc đáo không thời nào có được. Gốm hoa nâu thời Trần có vẻ gần gũi với nghệ thuật tạo hình hơn là đồ gốm có công năng.

Tục hỏa táng và cải táng có lẽ phổ biến trong tang ma của người Việt thời Trần. Cải táng mang tính truyền thống của dân Việt cổ, và hỏa táng do ảnh hưởng của Phật giáo từ Ấn Độ. Những chiếc thạp gốm lớn chính là một đồ vật dùng trong nghi lễ cải táng, nghĩa là sau khi bốc mộ, hoặc thiêu, thì cốt hay tro hài của người chết sẽ được đựng trong những chiếc thạp. Đôi khi người ta làm hai cái thạp lồng vào nhau, cái to đựng cái bé, cái bé đựng di hài. Những chiếc tháp kép được làm rất cầu kỳ: một tiêu bản của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho thấy thạp nhỏ được nung trước (nung tới đâu, còn chưa biết), sau đó đặt thạp nhỏ vào trong thạp lớn chưa nung, rồi nung cả hai. Quá trình nung cả hai như vậy đôi khi hai sản phẩm co ngót khác nhau và làm hỏng cả hai. Đây là một kỹ thuật khá cao. Cốt gốm hoa nâu đương nhiên rất dày so với gốm trắng và gốm men ngọc, và với nhiều đồ đựng lớn, gốm hoa nâu được cấu tạo nhiều phần lắp ghép: nắp – miệng – vai – thân – chân đế. Xu hướng sản xuất chuyên nghiệp và tạo hình đơn giản quán xuyến nền gốm thời Trần.

Trong cốt gốm Lý – Trần thành phần gồm cao lanh và đất sét, hàm lượng cao lanh chỉ chiếm 50% đến 60%; khi nung ra, mầu của đất khá xám chứ không được trắng như gốm Trung Quốc (mỏ cao lanh nằm ở Giang Tây, được coi có chất lượng tốt nhất thế giới, đến mức chẳng cần bất kỳ một máy móc nào để khử từ – loại bỏ các nguyên tố sắt trong đất cả). Mỏ đất sét trắng ở Việt Nam cho loại cao lanh trung bình, và có ở mỏ Trúc Thôn (Hải Dương), Giếng Đáy (Quảng Ninh). Về chất lượng cao lanh như vậy, gốm Đại Việt không tài nào nâng lên thành đồ sứ được cả. Muốn nung thành đồ sứ, trong nguyên liệu phải có đá bạch đôn tử, theo như Vương Hồng Sển, trong cuốn Khảo về đồ sứ cổ Trung Hoa, tỷ lệ pha trộn là 75% cao lanh, 25% bạch đôn tử. Cốt gốm Lý – Trần cũng được pha thêm bã thực vật, sau khi thành phẩm, cốt tương đối xốp và nhẹ. Người ta cho rằng do đặc điểm của cốt gốm không bạch đôn tử như vậy, nhiệt độ nung của gốm Lý – Trần chỉ đạt tối đa là 1.200 độ C, nên lò nung nhiệt cao là không cần thiết, nếu cốt gốm đó mà nung trên 1.270 độ C thì cấu trúc dễ vỡ hoặc giòn quắt, hoặc tự vỡ. Theo phán đoán thì nhiệt độ nung của gốm Lý – Trần đạt từ 1.100 độ – 1200 độ C.

Men trắng gốm Lý – Trần được chế từ phù sa và tro củi; men nâu từ oxit sắt và sunfua thủy ngân; men ngọc từ oxit sắt và oxit đồng. Trên gốm hoa nâu, người ta thường gạt đi một số chỗ men trắng để bôi mầu nâu, có thể làm theo hai cách: nền trắng hoa văn nâu, hoặc ngược lại nền nâu hoa văn trắng. Mầu nâu chế tạo từ đá son, bản chất của mầu nâu đỏ và đen chế từ các oxit sắt và một thành phần nữa là sunfua thủy ngân, cái này nằm trong đá chu sa, thần sa. Mầu đen cũng chỉ là biến thể của mầu nâu. Mầu lục của gốm men ngọc do sự tham gia của oxit đồng, nhưng ít hơn nhiều so với sử dụng oxit sắt và oxit đồng tạo ra mầu xanh khi nung trong môi trường oxy, thực chất là oxit sắt được nung trong môi trường khử, tức là môi trường thiếu oxy, tạo ra lửa hoàn nguyên. Công thức thì đơn giản như vậy, nhưng gốm luôn luôn là bí ẩn, phụ thuộc vào nhiệt độ lò nung tạo ra các phả ứng hóa học cụ thể với cốt và men gốm, cùng kinh nghiệm của người thợ. Kết quả của sản xuất gốm thủ công không lần nào giống lần nào, chỉ có thể tạo ra các sản phẩm tương tự chứ không lặp lại chính xác như gốm sứ công nghiệp. Các sắc độ mầu trên đồ gốm Lý – Trần, ra rất phong phú, nhìn thoáng qua thì thấy giống nhau, nhưng đặt cạnh từng đồ, mầu sắc rất khác. Mầu men ngọc biến đổi từ xanh ngọc bích, xanh lục nhạt, lục sẫm, lục vàng, lục tím, tím xanh thẫm. Mầu trắng cũng biến đổi vô cùng, trắng, trắng nhờ nhờ, trắng ngả vàng, trắng ngả xanh nhạt, trắng vàng, vàng và vàng sẫm. Mầu nâu có từ nâu đỏ, nâu vàng, nâu nhạt, nâu đậm, mầu nâu bánh mật, nâu sẫm, nâu rất sẫm, nâu đen và đen.

Hiện nay nhiều người đã mày mò trở lại phục chế gốm Lý – Trần và cũng đạt đến những hiệu quả nhất định, nhất là trong lĩnh vực gốm hoa nâu. Với gốm men ngọc, sản phẩm phục chế còn rất vụng dại. Gốm trắng và gốm đen tưởng là dễ nhưng lại khó phục chế nhất. Riêng cái tinh thần, sự cao nhã mà thô phác của gốm Lý – Trần thì con người hiện nay không có cách gì trở lại được. Nó sinh ra từ hai thời đại khởi đầu của nền độc lập dân tộc, từ sự thông tuệ và từ bi Phật giáo, sự hào sảng của những cuộc chiến chống ngoại xâm… – tất cả những yếu tố xã hội đó mới quyết định giá trị thẩm mỹ của một đồ gốm Lý – Trần rồi mới đến những vấn đề kỹ thuật.

Tác giả