Hồ sơ: Ấn Độ, Pakistan và bom

Tháng 5/1998: 5 vụ thử hạt nhân được Ấn Độ thực hiện ở Pokharan, sau đó ba tuần là 6 vụ nổ hạt nhân do Pakistan thử ở vùng Tây Nam Chaghai. Những động thái ăn miếng trả miếng này có vẻ giống như bản sao thu nhỏ của cuộc chạy đua hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô cũ. Nhưng ở đây có một sự khác biệt cơ bản: hai siêu cường quốc thời chiến tranh lạnh bị ngăn cách nhau cả một đại dương và không bao giờ đánh nhau công khai. Trong khi đó, "những người hàng xóm" Ấn Độ và Pakistan đã từng đánh nhau ba lần kể từ thời Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh và bị phân chia vào năm 1947 thành các nước theo Hồi giáo và theo đạo Hindu.

Phần 1: Những cuộc chạy đua đáng sợ
Thậm chí, cho đến những năm gần đây, những quả đạn pháo của hai nước này vẫn thường được bắn qua vùng biên giới trong khu vực tranh chấp ở Kashmir. Vào tháng 5/1999, chỉ một năm sau những vụ thử hạt nhân, những trận đánh ác liệt hơn đã nổ ra nhằm tranh giành một vùng núi ở thị trấn Kashmiri thuộc Kargil. Cuộc xung đột trong hai tháng này đã cướp đi sinh mạng của khoảng từ 1.300 (theo báo cáo của Ấn Độ) đến 1.750 (theo Pakistan) người. Các quan chức cấp cao của hai nước cũng đã từng đề cập nhiều đến vấn đề đe dọa bằng hạt nhân. Có người vẫn cho rằng, những vũ khí hạt nhân sẽ đảm bảo sự hòa bình và ổn định, bởi vì các quốc gia hạt nhân được cho là sẽ cảm thấy lo sợ các cuộc xung đột hơn. Nhưng ở đây, với Ấn Độ và Pakistan, người ta không nhìn thấy hòa bình và ổn định ở đâu cả.
Cuối cùng thì cuộc xung đột Kargil cũng kết thúc, nhưng đó không phải là sự kết thúc của những đối đầu hạt nhân ở Nam Á.

 

Những vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất được Ấn Độ thực hiện ngày 11/5/1998. Đo đạc địa chấn cho thấy tổng sức nổ khoảng từ 16 đến 30 kiloton, bằng một nửa số liệu mà Ấn Độ tuyên bố.

Học cách sống chung với bom
Cả hai nước Ấn Độ và Pakistan đều đã bắt đầu phát triển chương trình hạt nhân kể từ khi họ có được độc lập từ Anh. Mặc dù xung khắc nhau nhưng cả hai nước này đều phải nhờ rất nhiều vào các nước hạt nhân khác. Các nguyên liệu được dùng trong các quả bom của họ được chế tạo theo công nghệ phương Tây. Lý lẽ để gia nhập “câu lạc bộ hạt nhân” của hai nước này cũng chủ yếu dựa trên tư duy kiểu chiến tranh lạnh. Trong khi Mỹ và Nga vẫn tiếp tục tàng trữ những kho vũ khí hạt nhân khổng lồ thì cả Ấn Độ và Pakistan cho rằng họ cũng cần phải có những hầm tên lửa hạt nhân.
Trong khi thành lập Hội đồng Năng lượng Nguyên tử (IAEC) năm 1948, Jawaharlal Nehru, thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ đã bày tỏ mong muốn rằng đất nước của ông sẽ “phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.” Nhưng khi ấy ông cũng đã nhấn mạnh rằng “nếu chúng ta phải đối mặt với việc một dân tộc nào đó sử dụng nó cho những mục đích khác thì có lẽ không có sự thuyết phục đạo đức nào có thể ngăn chặn được. Sự mâu thuẫn tư tưởng đó vẫn còn là đặc trưng cốt lõi trong chính sách hạt nhân của Ấn Độ những năm gần đây.
Đối với các nhà lãnh đạo Ấn Độ, chương trình hạt nhân chính là để biểu tượng hóa vị thế chính trị quốc tế cũng như sự hiện đại trong công nghệ. Trong hai thập kỷ tiếp theo, Ấn Độ đã bắt đầu xây dựng và vận hành các lò phản ứng hạt nhân, khai thác uranium, sản xuất nhiên liệu và tách chiết plutonium. Căn cứ vào sản lượng điện được tạo ra thì những hoạt động này tỏ ra hầu như không mang tính chất kinh tế. Ấn Độ vẫn thường tỏ ra khoa trương về sự phát triển hạt nhân của họ, điều này có hơi tương phản với thực tế là nước này vẫn thường dựa dẫm vào sự giúp đỡ của Canada, Mỹ và các nước khác.
Sau thất bại của Ấn Độ trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962, một số chính khách cánh hữu đã lần đầu tiên công khai đòi xây dựng những kho vũ khí hạt nhân. Những vấn đề này càng trở nên ầm ĩ hơn sau khi Trung Quốc có vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1964. Tuy đã có nhiều người phản đối vũ khí hạt nhân với lý do tốn kém về kinh tế nhưng nhiều nhà khoa học hàng đầu lại tán thành việc chế tạo bom. Homi Bhabha, nhà vật lý lý thuyết hoạt động trong IAEC đã tuyên bố rằng, tổ chức của ông ta có thể làm ra bom hạt nhân “trong vòng 18 tháng”. Căn cứ vào một báo cáo của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore, Bhabha cho rằng, những quả bom hạt nhân sẽ là rẻ tiền. Ông này cũng hứa hẹn về các lợi ích kinh tế từ “những vụ nổ hạt nhân hòa bình”, cái kiểu lợi ích mà nhiều nhà nghiên cứu hạt nhân Mỹ vẫn tán tụng, chẳng hạn như có thể dùng những vụ nổ hạt nhân để đào kênh!
Vào tháng 11/1964, thủ tướng Ấn Độ Lal Bahadur Shastri đã cho phép nghiên cứu công nghệ về một vụ nổ kiểu như vậy. Thực ra là Bhabha cũng đã có một số nghiên cứu từ trước. Ngay từ năm 1960, ông đã gửi một nhà hóa học trẻ tên là Vasudev Iya sang Pháp để thu thập càng nhiều càng tốt những thông tin về công nghệ điều chế plutonium. Bhabha qua đời vào năm 1966, và công việc dự kiến chế tạo những thiết bị nổ “hòa bình” đã ngừng lại trong hai năm. Nhưng đến cuối thập kỷ đó, khoảng từ 50 đến 70 nhà khoa học và kỹ sư đã lại tiếp tục nghiên cứu phát triển vũ khí. Và vụ thử nguyên tử đầu tiên của Ấn Độ đã xảy ra vào ngày 11/5/1974, đó là một loại vũ khí plutonium với sức nổ khoảng từ 5 đến 12 kiloton. Để tiện hình dung, quả bom thả xuống Hiroshima cũng chỉ khoảng 13 kiloton.

 
A.Q. Khan (bên trái) và Homi Jehangir BhaBha (bên phải)

Những vũ khí nhạy cảm
Vụ thử năm 1974 đã trở thành sự kiện tưng bừng ở Ấn Độ và cũng gây sốc cho nhiều nước khác. Các nước phương Tây sau đó đã cắt đứt những nỗ lực hợp tác về vấn đề hạt nhân và thành lập nên Nhóm Cung cấp Hạt nhân nhằm hạn chế việc xuất khẩu các công nghệ và vật liệu hạt nhân cho những nước nào không chịu ký vào Hiệp ước Không Phổ biến Hạt nhân năm 1968, trong đó có Ấn Độ và Pakistan.
Trong những năm sau đó, những vận động hành lang ở Ấn Độ đã đẩy các thử nghiệm đến mức cao hơn, chẳng hạn như một thiết kế khơi mào nhiệt hạch và một quả bom hydro. Có vẻ như là vào cuối năm 1982 và đầu năm 1983, thủ tướng Indira Gandhi đã từng lưỡng lự đồng ý với một thử nghiệm hạt nhân khác, nhưng bà đã thay đổi quyết định đó chỉ trong vòng 24 giờ. Một trong những nguyên nhân của sự thay đổi đó được cho là do nguồn tin về việc người Mỹ đã phát hiện qua vệ tinh những hoạt động ở khu vực thử nghiệm. Nguồn tin đó đã khiến Gandli lo ngại rằng, phản ứng của Mỹ sẽ là những hành động gây khó khăn kinh tế đối với Ấn Độ. Thành ra, thay vì thử nghiệm hạt nhân, Ấn Độ đưa ra thông báo là “phát triển những thứ khác và chuẩn bị sẵn sàng”.
“Những thứ khác” mà Gandli nghĩ có lẽ là những tên lửa đạn đạo. Năm 1983, Chương trình Phát triển Tên lửa Dẫn đường Tích hợp được khởi động dưới sự chỉ huy của Abdul Kalam, một kỹ sư tên lửa nổi tiếng. Chương trình này nối tiếp một nỗ lực bí mật trước đó nhằm cải tiến tên lửa phòng không của Liên Xô mà Ấn Độ đã mua hồi thập kỷ 1960. Mặc dù không thành công nhưng nỗ lực này đã dẫn đến sự phát triển của một vài công nghệ quan trọng, đặc biệt là động cơ tên lửa. Lường trước được những hạn chế về khả năng nhập khẩu, Ấn Độ đã tập trung đi mua rất nhiều các thiết bị hồi chuyển, gia tốc kế và bộ mô phỏng chuyển động từ những nhà cung cấp ở Pháp, Thụy Điển, Mỹ và Đức.
Năm 1988, Ấn Độ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn đất-đối-đất đầu tiên của nước này. Một năm sau đó, Ấn Độ lại thử nghiệm tên lửa tầm trung và đến tháng 4/1999 là tên lửa tầm xa. Loại tầm xa của Ấn Độ có thể bay 2.000 kilômét.

Cho dù phải ăn cỏ

Chương trình hạt nhân của Pakistan có mục tiêu nói chung là chạy đua cho kịp với Ấn Độ. Pakistan đã thành lập Hội đồng Năng lượng Nguyên tử từ năm 1954, bắt đầu vận hành lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân năm 1965 và khánh thành lò phản ứng thương mại đầu tiên của nước này vào năm 1970. Khi ấy, cố vấn khoa học của chính phủ, nhà vật lý lý thuyết lừng danh Abdus Salam (nhận Giải Nobel năm 1979) đã đóng một vai trò quan trọng.

 
Abdus Salam

Trên thực tế thì chương trình hạt nhân của Pakistan đã từng bị thiếu nhân lực nghiêm trọng. Năm 1953, nhóm hoạt động chỉ có 31 nhà khoa học và kỹ sư, dưới sự chỉ huy của Nazir Ahmad, vốn là cựu trưởng ban dệt may. Họ đã tìm cách gửi hơn 600 nhà khoa học và kỹ sư sang Mỹ, Canada và Tây Âu. Với sự giúp đỡ của các nước này, Pakistan đã có một vài phòng thí nghiệm nghiên cứu hạt nhân vào giữa những năm 1960.
Sau chiến tranh năm 1965 với Ấn Độ, nhiều chính trị gia, nhà báo, và nhà khoa học đã trở rất nóng ruột phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Zulfikhar Ali Bhutto đã tuyên bố rằng, nếu Ấn Độ làm được một quả bom nguyên tử thì Pakistan sẽ theo kịp cho bằng được, “cho dù phải ăn cỏ và lá cây, hoặc nhịn đói.” Sau thất bại của Pakistan trong chiến tranh tháng 12/1971, Bhutto đã trở thành thủ tướng. Vào tháng giêng năm 1972, ông ta đã triệu tập các nhà khoa học Pakistan để bàn về việc làm bom.
Trong những cố gắng để có được vật liệu bom, các nhà nghiên cứu đã tìm cách mua các lò tái sinh plutonium từ Pháp và Bỉ. Sau thời gian đầu đồng ý bán, Pháp đã gặp phải những sức ép từ phía Mỹ. Nhưng có một số nhà khoa học Pakistan chắc chắn đã đến Bỉ để học về công nghệ tái sinh. Trở về nước, họ đã xây dựng một phòng thí nghiệm tái sinh quy mô nhỏ vào đầu thập kỷ 1980. Với một lò phản ứng sinh plutonium, phòng thí nghiệm này mỗi năm có khả năng sản xuất ra từ hai đến bốn quả bom.
Các nhà nghiên cứu Pakistan cũng có một hướng khác là tìm cách nắm bắt kỹ thuật làm giàu uranium, tức là điều chế đồng vị uranium 235 nồng độ cao đến mức có thể sử dụng để làm bom. Năm 1975, A.Q. Khan, nhà luyện kim Pakistan từng làm việc trong một nhà máy làm giàu urani ở Hà Lan đã tham gia vào chương trình. Họ đã bắt đầu thành công vào năm 1979 khi làm giàu được một lượng nhỏ uranium. Kể từ đó, người ta ước đoán rằng, Pakistan mỗi năm sản xuất được lượng uranium được làm giàu đủ dùng cho 4 đến 6 quả bom.
Năm 1984, những thiết kế bom có thể mang trên máy bay đã được thông báo là thành công. Với sự kiện này, một số quan chức Mỹ bắt đầu đổ thừa rằng, Trung Quốc đã cung cấp cho Pakistan một loại thiết kế bom. Thực ra, Trung Quốc và Pakistan cũng đã có trao đổi công nghệ và thiết bị trong một vài lĩnh vực, bao gồm cả các lĩnh vực có liên quan đến tên lửa và vũ khí hạt nhân. Chẳng hạn, người ta tin rằng, Pakistan đã nhập khẩu các tên lửa tầm xa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc quy tội  Trung Quốc đã cung cấp cho Pakistan thiết kế vũ khí là hoàn toàn chưa có cơ sở. Các nhà khoa học Pakistan cũng đã phủ nhận chuyện đó.

 

Lò phản ứng Khushab ở Pakistan, dựa trên kích cỡ tháp làm mát nhìn thấy qua ảnh chụp từ vệ tinh thương mại, các nhà phân tích hạt nhân đã dự đoán rằng lò phản ứng này có công suất khoảng 50 MW.

Mùa xuân năm 1990, những sự kiện ở Kashmir đã có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến lớn. Theo một bài báo năm 1993 đăng trên tờ New Yorker của nhà báo Seymour M. Hersh, các vệ tinh Mỹ đã phát hiện được một đoàn xe tải được hộ tống đi ra khỏi Kahuta – cơ sở làm giàu uranium của Pakistan tiến về phía căn cứ không quân, nơi mà những chiếc máy bay phản lực F-16 đã nằm chờ sẵn. Hersch viết rằng, các nhà ngoại giao Mỹ đã báo tin này cho Ấn Độ khiến quân đội nước này kéo hết cả ra biên giới. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của các chuyên gia khi phân tích sự kiện này là: Pakistan chưa bao giờ dự tính sử dụng vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia cũng tỏ ra nghi ngờ về chuyện phát hiện của các vệ tinh Mỹ.
Mặc dù vậy, luận điệu chính để biện hộ cho việc phát triển các vũ khí hạt nhân ở Pakistan là chúng sẽ bảo vệ đất nước này trước sự tấn công của Ấn Độ. Còn ở Ấn Độ, các quan chức chưa bao giờ công nhận câu chuyện của Hersh.
(Còn nữa)

Trung Trung dịch từ Scientific American
M. V. RAMANA và A. H. NAYYAR

Tác giả