Họa sĩ Lê Thiết Cương: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần công khai danh sách tác phẩm gốc

Sự việc nhà đấu giá Sotheby’s rút hai bức tranh của hai danh họa Tô Ngọc Vân và Trần Văn Cẩn chỉ cho thấy một phần rất nhỏ về vấn nạn tranh giả Việt Nam. Một lần nữa nó cho thấy thị trường tranh cần có những thay đổi và theo quan điểm của họa sĩ Lê Thiết Cương, cả Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhà đấu giá tranh và cả công chúng đều có trách nhiệm.

 



Bức tranh “Hai cô gái” của Trần Văn Cẩn được Sotheby’s đăng tải – Ảnh: Sotheby’s

Anh nghĩ gì về sự kiện nhà đấu giá Sotheby’s bị nghi ngờ đấu giá tranh giả của họa sĩ Trần Văn Cẩn và Tô Ngọc Vân?

Vào quãng thời gian trước năm 2000, thời điểm giới mỹ thuật Việt Nam bắt đầu được Sotheby’s và Christie’s Đông Nam Á để ý, có một lần Sotheby’s đã đưa tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái vào đấu giá, nhưng lại là tranh rởm. Lần này, khi họ chuẩn bị tiến hành cuộc đấu giá mùa thu ở Hong Kong và đưa một số tranh Việt Nam ra đấu giá, trong đó có hai bức mà các họa sĩ, nhà phê bình Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia cho rằng chúng không phải tranh thật. Sau một, hai tuần thì nhà đấu giá Sotheby’s gỡ hai bức tranh này xuống. 

Sotheby’s và Christie’s có một nguyên tắc: sách dành cho mỗi lần đấu giá chỉ bán chứ không phát miễn phí. Những bức tranh đấu giá khi được đưa lên mạng sẽ có chất lượng xem được, chứ không phải là file gốc. Những người Việt Nam phát hiện ra bức tranh được mang ra đấu giá là tranh giả thì cũng chỉ xem bản được đưa lên mạng, chứ họ không cầm trên tay cuốn sách có in những tác phẩm nghệ thuật chuẩn bị đưa ra đấu giá. Tuy nhiên, để đánh giá một bức tranh thật hay giả mà chỉ nhìn qua một cái file ở trên màn hình máy tính, mà cái file đó chất lượng không chuẩn, thì chưa đủ.

Có lẽ các nhà đấu giá đang đuối lý khi chính Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định đang giữ bản gốc tác phẩm của hai họa sĩ này? Điều này đã đủ thuyết phục tranh của các nhà đấu giá là giả hay chưa?

Để bàn về việc tranh của các nhà đấu giá có phải là tranh giả còn tranh của bảo tàng mới là tranh thật hay không cần phải xét trên nhiều yếu tố, ví dụ như lịch sử của bảo tàng. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ trước đến nay đã có truyền thống về việc lưu giữ và phát tán những bức tranh không chuẩn. Truyền thống này không phải do cố tình mà do hoàn cảnh lịch sử khách quan. Nguyên nhân đầu tiên là vì trong chiến tranh, lo sợ bị Mỹ ném bom, họ buộc phải chép lại tranh để đưa bản tranh gốc đi sơ tán. Và bản thân việc chép tranh cũng có ba trường hợp chép. Trường hợp thứ nhất là bảo tàng thuê chính tác giả của bức tranh mà bảo tàng sưu tầm được chép lại tác phẩm của mình. Trường hợp thứ hai, trong hoàn cảnh tác giả Nguyễn Văn A không còn sống hoặc sức khỏe không cho phép tiếp tục vẽ,  tác phẩm của ông ấy được một họa sĩ khác chép lại và bản thân họa sĩ chép lại là người thông hiểu bút pháp của ông ấy, thông hiểu chất liệu của bức tranh. Chẳng hạn như bức tranh của ông A là tranh lụa thì [bảo tàng] phải tìm một người rất giỏi về tranh lụa để chép lại. Và trường hợp thứ ba là các họa sĩ của bảo tàng chép ra để bán với tính chất là quà lưu niệm tại khu vực bán đồ thủ công mỹ nghệ, lưu niệm của chính bảo tàng. Thế là ngay trong bảo tàng cũng đã có những bức tranh không phải tranh gốc, ví dụ nổi tiếng nhất là bức “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Chưa kể có một số trường hợp mà bảo tàng cũng từng công khai, đấy là có một giai đoạn, do nhận thức không chuẩn, bảo tàng có nhờ họa sĩ chép tranh ra thành một vài bản để các vị lãnh đạo nước mình mang theo làm quà tặng cho các nguyên thủ nước ngoài. Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân cho thấy chúng ta không nên vội vàng đánh giá một bức tranh là tranh giả, chúng ta nên tạm gọi bức tranh đó là bản hai, bản ba. 

Cho nên bây giờ cứ mỗi lần có tranh cãi với các nhà đấu giá hoặc là nhà sưu tầm, bảo tàng lại nói rằng bức tranh ấy là tranh chép còn ở bảo tàng mới là tranh gốc thì không chính xác. Cứ cho là lần này bảo tàng nói đúng, rằng bức tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí và họa sĩ Trần Văn Cẩn của Sotheby’s là tranh giả, thì bản thân thuật ngữ “tranh giả” cũng có thể chưa chính xác. Nhỡ đâu bức tranh nằm trong trường hợp này là họa sĩ chép lại thì sao. 

Đặt vào trường hợp cụ thể là bức tranh được mang ra đấu giá lần này, bản thân tôi thấy thuật ngữ “tranh giả” là chưa chuẩn, vì chúng ta phải trực tiếp, tận mắt xem được bức tranh, chứ không thể nào xem qua file được. Và đồng thời, phải đối chiếu với lịch sử bảo tàng để thấy được những nguyên nhân khách quan dẫn đến việc chép tranh. 

 



Bức tranh lụa “Lá thư” của Tô Ngọc Vân được nhà đấu giá Sotheby’s đăng tải – Ảnh: Sotheby’s





Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cần có hành động gì để vấn đề tranh gốc – tranh chép này trở nên rõ ràng và minh bạch hơn? 

Bản thân Bảo tàng Mỹ thuật có hồ sơ ghi chép đầy đủ, vì vậy họ vẫn biết được tranh nào là tranh chép, tranh nào là tranh gốc trong bảo tàng của mình. 

Có lẽ, nhân sự kiện lần này, bảo tàng nên làm một hành động “tự rửa mặt” – công khai toàn bộ danh sách hoặc ít nhất công khai những tác phẩm nghệ thuật lớn của bảo tàng, trong số đó đâu là bản gốc, đâu không phải bản gốc. Nếu bảo tàng làm như thế thì uy tín của bảo tàng sẽ lên rất cao. Theo tôi, không nên chỉ tự nhiên mà nói tranh của bảo tàng mới là gốc còn của bên đấu giá thì là giả. Bởi vì việc cho rằng đó là tranh giả, thì đó cũng chỉ là ý kiến riêng của bảo tàng, chứ không mang tính khoa học. Khoa học thì bắt buộc phải có căn cứ.

Qua sự kiện này, theo anh, nên có những quy định gì để khiến những nhà đấu giá có trách nhiệm hơn với những người mua tranh và chính bản thân bức tranh được đấu giá?

Nhân sự kiện lần này, theo tôi cần sớm phải có văn bản quy định về việc nếu đã là công ty đấu giá tác phẩm nghệ thuật thì bắt buộc phải có đấu giá viên. Ví dụ, ở các Sở Tư pháp của những thành phố lớn phải có điều khoản yêu cầu trong hồ sơ xin cấp phép thành lập nhà đấu giá phải công khai hội đồng nghệ thuật, hội đồng giám tuyển, hội đồng giám định. Mỗi lần đấu giá phải có một giám tuyển riêng để phụ trách, chứ không thể có một giám tuyển làm được tất cả mọi việc. Người giám tuyển tranh của họa sĩ Đông Dương chắc gì đã đủ khả năng để làm giám tuyển một triển lãm gồm các tác phẩm của những họa sĩ thời Đổi mới. Ngoài ra cũng phải công khai hội đồng thẩm định, bởi vì thẩm định có hai việc cần làm: thẩm định về chất lượng tác phẩm, tức là tranh thật hay tranh giả, và thẩm định về giá. Bởi vì nếu không thẩm định được giá chuẩn theo mặt bằng của thị trường thì nhà đấu giá rất dễ làm giá cho những tác phẩm có chất lượng không tốt. 

Người sưu tầm tranh có thể giám định tranh mà họ muốn mua ở đâu? 

Thật ra, trung tâm giám định thì chúng ta có rồi, nhưng mà cũng không có ai đến nhờ giám định, bởi vì người ta không tin tưởng vào trung tâm này. Cho đến hôm nay, trung tâm giám định đã được thành lập hơn một năm, trụ sở ở trung tâm Hà Nội, số nhà 29 phố Hàng Bài thuộc Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Thế nhưng, theo như thông tin chính thức thì sau hơn một năm, ở đó không có khách hàng. Việc này cũng không có gì đáng ngạc nhiên, bởi cách đây mười năm, cũng có một trung tâm giám định thuộc Bảo tàng Mỹ thuật ra đời, và sau một năm thì trung tâm này đóng cửa vì không có khách. Bây giờ trung tâm hiện tại cũng rơi vào tình trạng tương tự. 

Trên thế giới có rất nhiều những trung tâm giám định tư nhân, nhưng ở Việt Nam hiện nay hầu như vẫn chưa có những trung tâm giám định nghệ thuật như vậy. Việc này chắc là vì nhu cầu của thị trường chưa cao và người mua tranh chưa có đủ lòng tin, nếu như thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ có thể có. 

Vấn nạn tranh giả ở Việt Nam cũng đã từng bị các họa sĩ, các nhà nghiên cứu tố cáo nhiều lần nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Theo anh đâu là lý do chính và trách nhiệm thuộc về ai?

Đấy là vấn nạn muôn đời rồi. Người ta chỉ làm giả cái gì mà bán được, thậm chí là bán chạy thì người ta mới làm. Luật ở nước mình không nghiêm, và việc thực thi pháp luật cũng như ý thức thực thi pháp luật cũng không nghiêm. 

Có một điều cũng cần phải nhắc đến, đó là xử phạt còn nhẹ quá. Ví dụ trường hợp bức tranh lụa ở Nhà đấu giá Chọn vào năm 2018, trong phiên đấu giá đó xuất hiện bức tranh giả mạo bức của họa sĩ Giáng Hương. Thế nhưng, đến bây giờ, thử hỏi xem có ai bị phạt hay không? Hoặc là sự kiện triển lãm các tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung vào năm 2016, những bức tranh đó bị nghi ngờ là giả. Và cuối cùng các bức tranh cũng bị gỡ xuống, triển lãm không được tiếp tục nữa, nhưng cũng không có ai bị phạt cả. 





Họa sĩ Lê Thiết Cương tại triển lãm “Ghế” của anh – Ảnh: Hoàng Nam



Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp tranh chép ở những ngõ phố, những cửa hàng chuyên sao chép tranh. Ngay bây giờ khi ta đi lên các phố hoặc cửa hàng tranh chép ở Lê Duẩn, ở Nguyễn Thái Học, ở Hàng Trống, đầy rẫy tranh chép đấy, nhưng có bao giờ họ bị phạt đâu. Và như thế thì họ tồn tại, mà có lẽ là lợi nhuận họ đạt được phải rất cao thì họ mới có thể thuê được nhà mặt tiền ở phố lớn, ở trung tâm. Nghề chép tranh mà không có lợi nhuận hoặc là lợi nhuận thấp thì các cửa hàng đã nằm ở trong ngõ, trong ngách hoặc ngoại ô Hà Nội, chứ không bao giờ ở những phố như tôi vừa kể. 

Muốn để hết dần vấn nạn này, thứ cần lưu ý đầu tiên là ý thức; thứ hai là luật, là thực thi pháp luật và xử phạt thật nghiêm.

Vậy làm thế nào để nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề bản quyền tranh?

Điều này cần phải có thời gian, vì các cụ nói là “Học ăn, học nói” mà. Thế có nghĩa là đến ăn còn phải học nữa, nói gì đến hiểu biết về nghệ thuật nói chung, trong đó có hội họa. Bản thân ý thức tự học của người Việt lại không cao, giả dụ bây giờ chúng ta đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hoặc là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở phố Tràng Tiền, liệu rằng có bao nhiêu người Việt đang đến xem vào chiều ngày hôm nay, một buổi chiều cuối tuần mùa thu đẹp như thế này, hay là chỉ nhìn thấy phần lớn người đến xem tranh là người nước ngoài? 

Không có lớp học nào có thể dạy trong vòng một năm mà giúp người ta hiểu về hội họa. Chúng ta có thể tham gia các lớp đó, nhưng mà sau một năm thì cũng không thể khẳng định là ta có thể hiểu về mỹ thuật hay không. Đó cùng lắm cũng chỉ là sự khởi đầu. Chúng ta chỉ có thể học hỏi qua sách vở, và bản thân mỗi người phải tự nâng cao tri thức mỹ thuật của mình bằng cách đi đến các bảo tàng và triển lãm. Tôi nghĩ phải như thế thì mới có thể nâng cao ý thức một cách bền vững.

Cảm ơn anh về cuộc trao đổi! 

Anh Thư thực hiện

Tác giả

(Visited 50 times, 1 visits today)