Khoa học đằng sau “Everything everywhere all at once”

Bộ phim bội thu giải Oscar năm nay Everything everywhere all at once đem lại cho khán giả một cuộc du ngoạn không tưởng, một hình dung về một thực tại của vô số vũ trụ.

Vai diễn Evelyn Wang đem giải Oscar về cho Dương Tử Quỳnh. Ảnh: Vox

Không giống như những bộ phim siêu anh hùng không gian thông thường, Everything everywhere all at once (tên phim tiếng Việt là Cuộc chiến đa vũ trụ) là câu chuyện kể về cuộc sống của Evelyn Wang, một phụ nữ trung niên bình thường gốc Trung Quốc nhập cư và là chủ của một cửa hiệu giặt tự động đang phải vật lộn với thuế má. Bên cạnh việc điều hành cửa hiệu giặt ở tầng một, Evelyn còn phải chăm lo gia đình nhỏ sống ở tầng trên, gồm Joy, một đứa con gái đồng tính nổi loạn, và Waymond, ông chồng hiền lành, yếu đuối. Nhịp sống hiện tại của Evelyn bị phá vỡ khi Gong Gong, người cha già từ Trung Hoa sang chơi nhân dịp năm mới, và cùng vợ chồng con gái đi gặp nhân viên tư vấn thuế… Từ đây, Evelyn biết đến những vũ trụ khác song song tồn tại với vũ trụ mình đang sống và bắt đầu cuộc hành trình giải cứu thực tại vũ trụ khỏi một thảm họa phá hủy.

Chiến công rực rỡ của một người anh hùng xuyên không không đem lại cho Evelyn một vị trí lớn lao tầm cỡ người cai quản thế giới, ngược lại là một phần thưởng quá đỗi giản dị, mang tính hàn gắn và chữa lành: gia đình tưởng chừng chực chờ tan vỡ trở nên gắn kết bền chặt, xung đột thế hệ cha – con, mẹ – con được hóa giải bằng tình thương yêu vô điều kiện… Tất cả những gì người ta cần ở một bộ phim ăn khách mà vẫn đảm bảo tiêu chí nghệ thuật đều có ở đây: vừa sâu sắc triết lý lại vừa hài hước vụn vặt, vừa mãn nhãn với những pha xuyên không dồn dập, nhảy từ vũ trụ nọ sang vũ trụ kia lại vừa thỏa mãn với những cận cảnh tinh tế lột tả cuộc sống ngột ngạt, chật vật của người châu Á nhập cư trong lòng xã hội Mỹ…

Góp phần đem lại sức hấp dẫn của Everything everywhere all at once còn là hai yếu tố nền tảng, đa vũ trụ và lỗ đen, nơi mở ra những vũ trụ nối tiếp, những phiên bản nối tiếp của các nhân vật và sức mạnh phi phàm của vật thể kỳ dị bậc nhất vũ trụ khôn cùng…

Xuyên không qua các vũ trụ song song

Có lẽ, không có gì kích thích trí tưởng tượng hơn ý tưởng về một vũ trụ tồn tại song song với vũ trụ của chúng ta và ở đâu đó trong những vũ trụ khác, tồn tại những biến thân khác của chúng ta. Năm 1848, Edgar Allan Poe thậm chí còn viết một bài thơ văn xuôi, trong đó ông nghĩ về sự tồn tại của “một vũ trụ nối tiếp phi giới hạn”. Tất cả như những thực tại luân phiên, xen kẽ và thực tại vũ trụ mà chúng ta đang sống chỉ là nơi chứa chấp một biến thân của chính chúng ta. Và chỉ cần một số chồng lấn ngẫu nhiên nào đó của không thời gian là chúng ta có thể chuyển sang một vũ trụ song song, có thể “gặp” biến thân đang sống một cuộc đời hoàn toàn khác… Nó còn làm dấy lên ở chúng ta những câu hỏi không dễ giải đáp như vũ trụ của chúng ta có là một trong số nhiều vũ trụ trong một đa vũ trụ lớn hơn không? nếu có thì làm thế nào để xác nhận một cách trực tiếp sự tồn tại của một vũ trụ song song? cái gì nằm bên ngoài các cạnh biên của vũ trụ quan sát được của chúng ta?…

Tất cả những gì người ta cần ở một bộ phim ăn khách mà vẫn đảm bảo tiêu chí nghệ thuật đều có ở đây: vừa sâu sắc triết lý lại vừa hài hước vụn vặt, vừa mãn nhãn với những pha xuyên không dồn dập, nhảy từ vũ trụ nọ sang vũ trụ kia lại vừa thỏa mãn với những cận cảnh tinh tế lột tả cái ngột ngạt, chật vật của cuộc sống người châu Á nhập cư trong lòng xã hội Mỹ…

Mặc dù các giả thuyết mới về đa vũ trụ vẫn xuất hiện lặng lẽ trong các không gian học thuật qua các bài báo nghiên cứu (hằng tuần, trên trang arxiv vẫn xuất hiện các bài báo ở dạng tiền ấn phẩm về chủ đề đa vũ trụ) nhưng với điện ảnh, ý tưởng cơ bản ban đầu về đa vũ trụ vẫn còn đủ chỗ cho điện ảnh Hollywood khai thác. Không có cách nào hoàn hảo hơn việc đưa vũ trụ học hiện đại, khoa học viễn tưởng và văn hóa đại chúng hòa nhập làm một trong các bộ phim. Thậm chí, thật khó hình dung một bộ phim mới của “vũ trụ điện ảnh” Marvel lại thiếu đi cảnh những siêu anh hùng nhảy ra rồi lại nhảy vào các không thời gian kỳ lạ để chạy trốn hoặc truy lùng kẻ thù.

Sau sự choáng ngợp với màn xuyên không ở Doctor Strange in the Multiverse of Madness (tên phim tiếng Việt là Phù thủy tối thượng trong đa vũ trụ hỗn loạn), người xem lại rơi vào sức hút đa vũ trụ của Everything everywhere all at once. Chúng ta không khỏi thấy thú vị khi chứng kiến một con người có những hiện thân khác và trải nghiệm những số phận khác, ví dụ Evelyn ở vũ trụ hiện tại có thể gánh vác việc nhà lẫn cửa hiệu giặt là, thường quyết định mọi việc đối nhân xử thế thay cho ông chồng yếu đuối và bằng cách này hay cách khác, can thiệp vào đời sống cá nhân của đứa con gái nổi loạn nhưng ở những vũ trụ khác lại là một Evelyn dịu dàng có những ngón tay dài mềm như xúc xích, một nghệ sĩ Evelyn nổi tiếng, một Evelyn võ sĩ kung fu, một Evelyn đầu bếp pizza, thậm chí chỉ là ý thức mắc kẹt trong tảng đá giữa hoang mạc không dấu vết con người… Theo lời của Alpha- Waymond, phiên bản ông chồng Waymond của Evelyn ở vũ trụ Alpha, thì có hàng ngàn Evelyn tồn tại trong hàng ngàn vũ trụ nối tiếp nhau và Evelyn chủ hiệu giặt là phiên bản tệ nhất, thất bại nhất.

Câu chuyện của bà chủ hiệu giặt Evelyn đánh thức nỗi khao khát trong mỗi người: nếu thực tồn tại những vũ trụ song song thì mình sẽ tồn tại như thế nào? có thực sự sống một cuộc đời khác thành công hơn? đẹp đẽ hơn? tử tế hơn? giàu có hơn? hạnh phúc hơn? có thể tận hưởng nỗi thống khoái ở đời hơn? Ngay cả người nổi tiếng và thành công cũng không thoát khỏi ý nghĩ này. Trong một cuộc phỏng vấn vào cuối năm 2022, khi được hỏi là liệu nếu được làm lại từ đầu thì sẽ chọn trở thành ai, nữ diễn viên Hàn Quốc Song Hye Kyo trả lời, cô muốn sống một cuộc sống khác vì ở đời này, cô đã trải nghiệm cuộc sống của một Song Hye Kyo rồi.

“Đại ác nhân” Jobu Tupaki là phiên bản Joy, con gái của Evelyn ở vũ trụ Alpha. Ảnh: NYT.

Những khao khát ấy, dĩ nhiên không thể thực hiện được vì qua nhiều thập kỷ, đa vũ trụ mới chỉ là những lý thuyết đang được các nhà khoa học nghiên cứu và tranh cãi. Mới đây, nhà vũ trụ học McCullen Sandoval ở Viện Nghiên cứu Khoa học không gian Blue Marble, Seattle, người có công bố “Multiverse Predictions for Habitability: Planetary Characteristics” (Các dự đoán về khả năng sinh sống ở đa vũ trụ: Những đặc trưng của hành tinh) cho biết không thể kiểm chứng được lý thuyết này một cách trực tiếp bởi chúng ta đang bị giới hạn trong vũ trụ của chúng ta và sẽ không bao giờ xác nhận được trực tiếp sự tồn tại của vũ trụ khác.

Cái hay của khoa học viễn tưởng kết hợp điện ảnh là đem lại cho người ta cơ hội trải nghiệm cái không thể. Do đó, không chỉ Evelyn Wang mà các nhân vật của Everything everywhere all at once cũng đều có thể làm được những điều khác thường mà chúng ta còn không hình dung được: chạm đến các đường biên giữa các vũ trụ. Trong bộ phim này, không thiếu các nhân vật nhảy vào trí não và trải nghiệm của những phiên bản khác của chính mình bằng “cú nhảy vũ trụ” với những hành xử kỳ lạ và ngẫu nhiên, như ăn son dưỡng hay tè dầm. Trong khi hành xử như vậy, họ đã hội tụ được năng lực của những hiện thân khác của mình trong vô số các vũ trụ. Nhờ vậy, nhân vật chính của chúng ta có thể nhảy vào trí não của Evelyn khác làm trong một cửa hàng pizza, sau đó sử dụng kỹ năng thành thạo của cô xoay các tấm khiên của những kẻ tấn công hoặc dùng những đòn võ thuật của Evelyn võ sỹ kung fu để đánh bại kẻ thù… Ở đây, những gì diễn ra tương ứng với nghĩa của tên gốc bộ phim: tất tần tật mọi thứ, mọi nơi trong cùng một lúc.

Sức hút kỳ dị của lỗ đen

Everything everywhere all at once là một bộ phim khơi lên trong trí óc người xem nhiều vấn đề cùng một lúc: một số đã được chứng minh, một số vẫn là siêu thực, một số lố bịch, một số bao hàm cả ba thứ một lúc trong một không gian nhiều chiều. Trong Everything everywhere all at once, bên cạnh sự tồn tại của những vũ trụ tiếp nối là lỗ đen. Đây cũng không phải là lần đầu tiên lỗ đen xuất hiện trong phim của Hollywood. Ngót ba chục năm nay, lỗ đen đã từng chinh chiến trong nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng như The Black Hole (năm 1979), Event Horizon (năm 1997), Star Trek (năm 2009), Interstellar (năm 2014), High Life (năm 2018) …

Sự hiện diện của lỗ đen xuất hiện khắp muôn nơi trong bộ phim, trước khi người xem kịp nhận ra điều đó, ví dụ cái gương tròn ôm trọn ba khuôn mặt Evelyn – Waymond – Joy, những chiếc máy giặt cửa ngang xoay tròn không ngừng nghỉ, dấu hiệu vòng tròn do cây bút màu đen của người tư vấn thuế khoanh đậm trên các bản sao kê chứng từ hóa đơn, vật tô điểm trên mái tóc của Jobu hay đơn giản là cái bánh vòng xốp mà Evelyn và Waymond chọn ăn lót dạ…

Trong thế giới khoa học, nếu đa vũ trụ là một giả thuyết thì lỗ đen đã được khoa học chứng minh sự tồn tại. Người ta không chỉ “thấy” lỗ đen được biểu diễn dưới dạng các phương trình toán học mà đã thấy thực sự một lỗ đen, hay chính xác hơn là cái bóng của lỗ đen, nổi bật giữa đĩa bồi tụ phát sáng trong bức ảnh được dự án Event Horizon Telescope EHT (Kính thiên văn Chân trời Sự kiện) chụp được vào năm 2019, một “bóng ma” tăm tối siêu khối lượng nằm tại tâm thiên hà M87.

Lỗ đen được coi là một vật thể kỳ dị trong vũ trụ với mật độ vật chất cao và trường hấp dẫn mạnh đến mức có thể uốn cong không thời gian nhiều chiều và đủ sức hút được mọi vật chất xung quanh, kể cả các ngôi sao, đúng theo cách hoạt động của một cái máy hút bụi mà chúng ta vẫn dùng để dọn dẹp nhà cửa – nếu vật chất vượt qua chân trời sự kiện của lỗ đen thì nó sẽ không thể thoát nổi. Thoạt nghe khái niệm khoa học này có vẻ khó hiểu nhưng lỗ đen hiển thị trong Everything everywhere all at once lại rất đơn giản. Đó là một cái bánh vòng đặc biệt Everything Bagel chất đầy mọi thứ trên đó mà theo lời “đại ác nhân” Jobu Tupaki – phiên bản Joy, con gái của Evelyn ở vũ trụ Alpha tạo ra – “mọi hy vọng của tôi và giấc mơ của tôi. Phiếu báo điểm cũ, từng con chó, từng người được thêm vào trên trang Craigslist, những hạt vừng, hạt poppy, muối, và sự co sụp của chính tôi”. Việc chồng chất mọi thứ, kể cả nỗi sầu muộn, của Jobu để tạo ra cái bánh vòng đặc biệt cũng phản ánh một sự thật về lỗ đen – một vật thể kỳ dị có mật độ vật chất cao trong vũ trụ và “theo lý thuyết của Einstein, khi một vật thể được nén đến một mức độ nào đó thì nó biến thành lỗ đen… Trái đất của chúng ta nếu bị nén đến mức bán kính bằng 9 milimét cũng sẽ trở thành lỗ đen”, giáo sư Cao Chi viết như vậy trong cuốn Vũ trụ đột sinh 1.

Lý giải về việc tạo ra cái bánh vòng đặc biệt này, Daniel Scheinert, đồng đạo diễn và biên kịch bộ phim, cho rằng đây là biểu tượng đơn giản nhất và hữu dụng nhất để họ có thể cho khán giả thấy một lỗ đen trên màn ảnh và diễn giải về nó theo cách hài hước. Sự hiện diện của lỗ đen xuất hiện khắp muôn nơi trong bộ phim, trước khi người xem kịp nhận ra điều đó, ví dụ cái gương tròn ôm trọn ba khuôn mặt Evelyn – Waymond – Joy, những chiếc máy giặt cửa ngang xoay tròn không ngừng nghỉ trong hiệu giặt là, dấu hiệu vòng tròn do cây bút màu đen của người tư vấn thuế khoanh đậm trên các bản sao kê chứng từ hóa đơn, vật tô điểm trên mái tóc của Jobu hay đơn giản là cái bánh vòng xốp mà Evelyn và Waymond chọn ăn lót dạ…

Evelyn Wang đã tập hợp được sức mạnh của mọi biến thân của mình trong các vũ trụ khác để giải cứu vũ trụ thực tại. Ảnh: NYT

Trong bộ phim, bị phiên bản Evelyn ở vũ trụ Alpha thúc đẩy nhằm phát triển năng lực đến mức tới hạn, Jobu đã bị biến đổi đến mức có thể trải nghiệm được tất cả các vũ trụ cùng lúc và có thể điều khiển vật chất bằng ý chí của mình. Cô tạo ra cái bánh vòng chứa mọi thứ, một vật thể kỳ dị hình xuyến có khả năng phá hủy đa vũ trụ, và tự hủy chính mình, để tất cả hóa thành hư không. Cái bánh vòng cũng là biểu hiện cho sự phản kháng của Jobu trước mọi thứ trong cuộc đời, đặc biệt là mẹ cô.

Khi Jobu dùng năng lực của mình xây dựng cái bánh vòng đặc biệt, tất cả các vật chất cô đặt lên chiếc bánh được co nén lại tạo ra một trường hấp dẫn lớn đủ sức hút tất cả các vật thể ở gần. Quả thật, người xem đã thấy những luồng năng lượng hút vật chất trong không gian vào bánh vòng, thậm chí cả người. Nếu quan sát kỹ khoảnh khắc kinh hoàng ấy, người xem có thể thấy sự biến dạng của những hình hài vật chất quen thuộc như giấy tờ, con người… khi đi vào miệng bánh vòng: những tờ giấy bị kéo dài thành hình sợi mảnh, những khuôn mặt, bàn tay, cơ thể méo xệch không còn nguyên hình dạng… bởi tác động của trường hấp dẫn. Tất cả đều biến mất một cách vĩnh viễn một khi đã vượt qua lằn ranh chân trời sự kiện.

Do đó, đường đến lỗ đen vốn dĩ là con đường một chiều của mọi vật chất, “không có bất kỳ vật nào có thể thoát được ra ngoài, thậm chí cả ánh sáng, nếu vật đó rơi vào sau chân trời sự kiện của lỗ đen. Chân trời sự kiện của lỗ đen là ranh giới có vào mà không có ra của lỗ đen”, theo nhận xét của giáo sư Cao Chi. Tuy nhiên, một lần nữa, trong Everything everywhere all at once, người xem đã được trao cơ hội chứng kiến điều phi thường ngược lại. Ở một trong những cảnh áp chót, Jobu đau đớn nhưng cương quyết bước vào bánh vòng lỗ đen. Khuôn mặt đầy đặn của cô đã bị lực hút làm cho biến dạng, méo mó và bắt đầu rơi vào cái khôn cùng vô tận. Tuy nhiên, tình yêu thương vô điều kiện của Evelyn, với sự trợ lực của Gong Gong và Waymond, khiến bà không màng đến tính mạng, tiến sát tới lỗ đen rồi đưa bàn tay mẫu tử để kéo con gái mình trở lại. Nếu nhìn từ quan điểm vật lý thì đây là điều phi lý bởi không có khả năng nào để một vật thể thoát ra ngoài lỗ đen nhưng nếu nhìn từ quan điểm nghệ thuật thì mọi thứ đều có thể. Phi lý thành có lý trong tích tắc. Việc Evelyn chọn ở lại với vũ trụ này và không chịu bỏ cuộc, bất chấp việc có thể lựa chọn một vũ trụ khác với biến thân thành công hơn, đem lại một kết thúc có hậu cho gia đình nhỏ cũng như những người khác.

Khoa học giữa đời thường

Vào năm 2009, hai nhà vật lý Stanford là Andrei Linde và Vitaly Vanchurin, đã đếm số lượng của các vũ trụ có thể tồn tại trong một bài báo. Kết quả là có 10^10^10.000.000 vũ trụ. Con số này càng củng cố thêm niềm tin của nhiều người về một viễn cảnh đa vũ trụ là có thực.

Vì thế, dẫu người xem thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy mãn nguyện trước triết lý tình người giản dị thì đâu đó trong đầu họ vẫn còn vẩn vơ khái niệm đa vũ trụ: liệu có hay không những vũ trụ khác song song với vũ trụ của chính chúng ta? Nếu tồn tại trên thực tế những vũ trụ như vậy, có lẽ được vận hành theo những quy luật vật lý khác biệt với vũ trụ của chúng ta, thì nó có thể có sự sống bền vững không? Vũ trụ của chúng ta có hành tinh chứa sự sống như Trái đất là bởi được vận hành theo những quy luật vật lý hoàn hảo đến khó tin và vừa đủ cho sự sống tồn tại. Nhiều nhà khoa học cho là cũng có thể tồn tại những vũ trụ như vậy và loài người chúng ta đã trú ngụ ở một trong những nơi như vậy. Và trong đa vũ trụ, theo một số lý thuyết thì mọi sự kiện diễn ra trên một vũ trụ này có thể diễn ra song song trên các vũ trụ khác. Nói cách khác, với mỗi hành động chúng ta thực hiện, một biến thân khác của chúng ta có thể trải nghiệm một lựa chọn mà mình không chọn. “Trên thực tế thì khi lấy mãi mới được một cái vé đỗ xe, tôi thường cố nghĩ ‘ồ ở một biến thân khác trên một vũ trụ song song nào đó thì mình còn không lấy được vé cơ’, nhờ thế tôi cảm thấy một chút an ủi”, Max Tegmark, một nhà vật lý ở MIT, trả lời Wasingtonpost như vậy.

Trong lúc còn mơ mộng về một biến thân nào đó, một cuộc đời nào đó trên một vũ trụ song song thì có lẽ, chúng ta nên nhớ về lựa chọn của Evelyn Wang: chọn ở lại với hiện thân tệ nhất của mình nhưng đủ đầy yêu thương. Một cách trùng hợp, điều đó cũng gần đúng với lời nhắn gửi của Steven Weinberg, người đoạt giải Nobel Vật lý năm 1979 do thống nhất lực yếu và tương tác điện từ giữa các hạt cơ bản: “Mặc dù chúng ta không phải là những diễn viên trong một bộ phim vũ trụ, nhưng nếu đóng vai trong bộ phim duy nhất mà chúng ta kiến tạo khi đang sống, thì có lẽ cũng không hẳn là điều tồi tệ khi giữa một thế giới thờ ơ, vô cảm, chúng ta tạo ra một hòn đảo nhỏ với sự ấm áp, với tình yêu, với khoa học và với nghệ thuật cho chính mình” 2.□

——————————

1. “Vũ trụ đột sinh”. Cao Chi. NXB Tri thức

2. http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vai-dien-tron-ven-cua-steven-weinberg-28405/

Tác giả