Không gian cho tiếng cười trẻ thơ

Sân chơi trẻ em được hình dung như một điểm nhấn trong không gian đô thị, nơi đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, nơi sự trong sáng kết nối và truyền cảm hứng cho mọi người.

Sân chơi phục vụ nhu cầu thiết yếu của các em nhỏ như vui chơi, vận động thể chất, kết bạn, và khám phá thế giới xung quanh… Tuy nhiên, ở Việt Nam, sân chơi đang thiếu trầm trọng. Đó là chưa kể thiết kế sân chơi còn “nôm na”, nghèo ý tưởng, đa phần rập khuôn, bố trí thiết bị trò chơi công nghiệp như cầu trượt, bập bênh, xích đu,… thuần túy trên mặt phẳng. Cách làm này có ưu điểm đơn giản, dễ phổ biến nhưng kém thú vị. Trong quá trình nghiên cứu các mô hình sân chơi và tâm lý trẻ em, chúng tôi nhận thấy, sân chơi phải là không gian sáng tạo, bất ngờ, kích thích vận động, khơi gợi tò mò, trí tưởng tượng của các em, thậm chí cả người lớn. Có nhiều sân chơi như vậy trên thế giới, như Lion’s Park playground ở Alabama, Mỹ; The Woods of Net ở Hakone, Nhật Bản; The Brumleby ở Copenhagen, Đan Mạch; Sculptural playground ở Schulberg, Đức; v.v. Sân chơi được hình dung như một điểm nhấn trong không gian đô thị, nơi đầy ắp tiếng cười trẻ thơ, nơi sự trong sáng kết nối và truyền cảm hứng cho mọi người.

Đồng cảm với những suy nghĩ này, Trung tâm Hành động vì Sự phát triển đô thị (ACCD) cùng Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 đã tiến hành nghiên cứu, thí điểm mô hình sân chơi trẻ em tại Hội An. Nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể không gian công cộng đô thị Hội An, lần lượt Sân chơi An Mỹ đã hoàn thành tháng 1/2013, Sân chơi Cẩm Thanh hoàn thành tháng 3/2013, Sân chơi Thanh Tam Tây đưa vào sử dụng tháng 6/2013 (toàn bộ hình ảnh trong bài là chụp sân chơi này).


Sân chơi Cẩm Thanh theo mô hình sân chơi công nghiệp chuẩn, toàn bộ thiết bị (trị giá 80.000 USD) được tài trợ và lắp dựng bởi những người bạn đến từ bang Alberta, Canada. Trong khi đó, sân chơi An Mỹ (vốn đầu tư 180 triệu), sân chơi Thanh Tam Tây (vốn đầu tư 223 triệu) thử nghiệm mô hình xã hội hóa với sự tham gia, phối hợp sâu sát giữa đơn vị tài trợ (ACCD, Health Bridge), đơn vị thiết kế – thi công (1+1>2), chính quyền xã/phường và người dân khu vực.

Ba sân chơi trẻ em mới ở Hội An đều nằm trong khuôn viên của khu thiết chế văn hóa thôn/khối dân cư. Sân chơi An Mỹ có diện tích đất 400 m2, diện tích xây dựng 60 m2, diện tích mái 80 m2. Sân chơi Thanh Tam Tây có diện tích đất 500 m2, diện tích xây dựng 100 m2, diện tích mái 200 m2. Mỗi công trình đều có quỹ bảo dưỡng riêng, giao cho trưởng thôn quản lý. Bất cứ hỏng hóc gì sẽ lấy quỹ này ra để sửa chữa.

Với đặc thù nắng nhiều của miền Trung, thiết kế hai sân chơi An Mỹ và Thanh Tam Tây chủ ý tạo các trò chơi tập trung, liên hoàn trong những khối sàn có mái che, len lỏi dưới những tán cây bóng mát lớn. Tay nghề địa phương, vật liệu tầm vông, sắt thép, mái tôn nhẹ được tận dụng để đảm bảo quá trình thi công nhanh, giá thành rẻ. Ngoài một số trò chơi phải mua như cầu trượt, đu dây (zipline), đa phần các trò chơi đều tự chế từ tầm vông, dây xích, dây thừng, lốp xe. Người dân có thể dễ dàng tham gia vào các giai đoạn thi công, từ dọn mặt bằng, làm móng đến làm các trò chơi cho chính con em mình.

Trong khi Sân chơi An Mỹ thiết kế vuông vắn, cân đối với tương quan xung quanh thì Sân chơi Thanh Tam Tây tự do, phóng khoáng. Tổng thể sân chơi là những đường chạy, những cây cầu dẫn các em nhỏ qua nhiều cao độ khác nhau. Những hành lang lách qua gốc cây, khi thì giao nhau tạo chướng ngại vật khiến các em phải khom mình hoặc trèo qua, khi thì bung thành những diện sàn lớn, tập trung nhiều trò chơi tự chế hấp dẫn.

Càng gần hoàn thiện, niềm vui dành cho những người làm sân chơi càng tăng. Chứng kiến công trình thành hình, được cộng đồng đón nhận, đọng lại trong chúng tôi nhiều hình ảnh đẹp: cậu bé mải chơi khóc òa khi bị bà gọi về ăn tối; những cô bé, cậu bé tràn vào, xúm quanh trò chơi mới; hay hình ảnh một cụ ông hơn 70 vẫn chơi xích đu hăng chẳng kém các bé trai… Đó là phần thưởng giản dị, có ý nghĩa nhất với những người làm dự án.

Ba sân chơi được thực hiện trong một năm ở Hội An cho thấy nếu mỗi người góp một tay thì với số tiền nhỏ (trên dưới 200 triệu đồng), chúng ta có thể tạo ra những công trình công cộng có chất lượng. Xã/phường có thể dành một phần kinh phí hàng năm, mỗi doanh nghiệp có thể đóng góp vài triệu đồng, nhà thầu giảm bớt giá vật liệu và nhân công, người dân đóng góp ngày công lao động, kiến trúc sư tình nguyện sáng tạo và giám sát công trình… Từng giọt mồ hôi của mỗi người sẽ làm chuyển động trục quay của tuốc bin, tạo ra nguồn năng lượng mạnh mẽ và cao đẹp.

(Trung tâm Hành động vì Sự phát triển đô thị ACCD)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)