Làng xã – cộng đồng và cá nhân

Trời lấy đình để nuôi muôn vật. Đất lấy đình để chứa muôn loài. Người ta lấy đình làm nơi tụ họp.                                (Ngô Thì Nhậm) Làng xã Việt Nam được hình thành từ khi nào và như thế nào luôn là câu hỏi lớn với lịch sử văn minh Việt Nam, khi cho đến nay đời sống làng xã vẫn tiếp tục ảnh hưởng vào xã hội hiện đại bằng rất nhiều nét không tích cực. Thói quen a dua, soi mói vào người khác, ghen tỵ, kéo chân nhau, san bằng các cá tính, làm ăn không đếm xỉa đến năng suất và thời gian… tất cả những điều đó đều do tính cách con người làng xã đem ra hiện tại. Thậm chí có thế nói Hà Nội là một thành phố lớn, nhưng sinh hoạt y hệt một cái làng lớn.

Trong khi đó Đà Nẵng, Sài Gòn, thậm chí nhỏ như thị trấn miền núi Sapa cũng không có nhiều tính cách làng như vậy. Những người ở làng thường không thừa nhận điều xấu, hoặc là họ chỉ muốn giữ ở trong bụng, rồi cũng không cần cả phát triển và điều tốt, nếu điều đó ảnh hưởng đến thói quen hằng ngày đã hình thành hàng ngàn năm qua. Những con đường mà làng xã vạch ra, người Việt hiện đại đi lại, thiết kế nó trên những xa lộ, đường cao tốc. Họ không thể thiếu được làng, và khó hiểu thay, chính họ đang đập nốt những ngôi làng cuối cùng, và giống như một câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp, tráng sỹ đi giết con quái vật trong một mê cung lại không trở ra được vì biến thành chính con quái thú đó. Làng có thể không còn, nhưng tính cách làng tồn tại còn ghê gớm hơn khi ở phố.

Cho đến thế kỷ 19, người Việt vẫn dùng từ Kẻ để chỉ các miền và vùng đất, ví dụ như Kẻ Ngo, Kẻ Sở, Kẻ Sặt, Kẻ Chợ… Khái niệm này gốc tiếng Mường là một vùng đất, với người Việt (Kinh) có thể tương đương với một làng, nhưng cũng không hẳn, mà có tính địa phương, sắc tộc, hay văn hóa. Ví dụ Kẻ Chợ là Hà Nội, Kẻ Mọi là chỉ Tây Nguyên, Kẻ Chiêm chỉ một vùng đất của người Champa. Khái niệm Làng người ta cho rằng cùng xuất phát từ khái niệm Lang của người Mường, tức là người đứng đầu một Mường. Khái niệm Mường (Muang) là một từ gốc Thái cũng có nghĩa là một vùng đất có bản làng. Nhiều mường nhỏ tập hợp thành một mường lớn, ở Hòa Bình có bốn Mường lớn là  Mường Bi (Tân Lạc), Mường Vang (Lạc Sơn), Mường Thàng (Cao Phong), Mường Động (Kim Bôi). Ở Tây Bắc cũng có bốn Mường lớn, là  Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Văn Chấn, Yên Bái), Mường Than (Than Uyên, Lai Châu), Mường Tấc (Phù Yên, Sơn La). Trong mường lớn có một mường trung tâm gọi là  Mường Chiềng. Như vậy Chiềng có nghĩa là trung tâm, là hành chính và quan trọng. Về đất đai, cấu tạo Mường không quá chặt chẽ như cái làng, nơi ruộng canh tác và đất thổ cư được quy hoạch phân chia rất rõ ràng với các làng bên, nhưng chế độ ruộng đất, nhất là ruộng trồng lúa ở Mường là chặt chẽ, và vĩnh viễn những ruộng lớn tốt nhất thuộc về nhà Lang, kẻ đứng đầu các giai tầng Mường (Lang, Ậu, Noóc và Noóc chọi). Ruộng có thể mua bán với hai hình thức sở hữu tư nhân và công cộng. Đứng về quyền lực, nhà vua có quyền sở hữu tất cả của cải và đất đai, tùy ý phân chia, nhưng trên thực tế hoàng triều luôn tôn trọng quyền sở hữu làng xã, nếu họ muốn phân bổ đất cho quan lại thì phải tiến hành điều đình, mua bán sòng phẳng với làng. Điều này từng thể hiện trong bia Phụng lệnh chỉ, thế kỷ 17, chùa Bút Tháp, khi bà hoàng Trịnh Thị Ngọc Trúc và các công chúa muốn có đất xây dựng chùa và ruộng tế tự lại làng Nhạn Tháp, họ chuyển đổi ruộng của họ từ Yên Mô, cho dân bản xứ. Và xa hơn khi các vua Lý xây thành Thăng Long đã dời làng Ngọc Thụy từ nội thành Hà Nội sang Gia Lâm, bèn đền bù cho họ thu thuế đò sông Hồng, điều này được dân Ngọc Thụy khắc vào bên trong quả chuông chùa Ngọc Thụy – một việc rất kỳ công và rành mạch.


An Nam. Huế. Thui bò cho một buổi hội lễ. Ảnh: P.Dieulefils. Bưu ảnh cổ Pháp đầu thế kỷ 20. (Sưu tập NXB Thế Giới)
Thời phong kiến, trâu bò là sức kéo quan trọng, không mấy khi người ta giết thịt để ăn, trừ trường hợp chúng chết do bệnh hoặc có hội lễ lớn. Bản thân triều đình cũng ra lệnh cấm giết trâu bò. Bức ảnh này được chụp ở Huế, có lẽ từ một làng ven đô. Nhiều người trong làng đang chuẩn bị thui bò, một cách thức làm thịt thường thấy ở người Việt. Tất cả đều mặc trang phục phổ biến của người Việt xưa với chiếc áo dài lưng gối.

Như vậy làng xã và các mường có quyền tự chủ tương đối trong xã hội phong kiến, bên cạnh đó rừng, sông, hồ, đầm được coi như sở hữu toàn dân, nếu ai bần cùng hóa, không mảnh đất cắm dùi có thể xuống sông sống trên thuyền, lên rừng làm nương. Sự tách ra giữa người Mường và người Việt (Kinh) vốn cùng gốc có lẽ diễn ra ngay từ đầu công nguyên, hoặc lâu hơn, nếu theo truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân về một nhóm xuống biển và một nhóm ở lại rừng. Dẫu thế nào thì một bộ phận lớn người Việt Mường cũng đã xuống đồng bằng Bắc bộ, bỏ lại miền Tây cho người Mường gốc và người Mường luôn nằm ở ranh giới hòa bình với người Việt (Kinh) và các sắc tộc khác, lớn nhất là người Thái ở ven biên phía Tây và Tây Bắc. Do đó người ta gọi người Việt chính là người Mường bị Hán hóa, hay chịu ảnh hưởng văn hóa Hán. Người Mường không có chút nào Tam giáo (Nho Lão Phật) trong đời sống tinh thần và do đó họ rất khác về mọi mặt với người Việt trong lối sống và ứng xử. Đó cũng là trường hợp của người Champa, khi họ theo các giáo phái của Ấn Độ giáo, và chỉ có một thời kỳ ngắn biết đến chút ít Phật giáo Đại thừa, còn lối sống theo Tam giáo không có chút ảnh hưởng nào. Người Mường ở một phạm vi khá rộng từ Quảng Bình cho đến Phú Thọ và xét theo ngôn ngữ thì tiếng Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa cổ là trung gian giữa tiếng Việt Bắc bộ và tiếng Mường, tuy về lối sống thì người Thanh Nghệ Tĩnh lại rất thay đổi và năng động so với người Mường. Cái mô hình làng xã khép kín chỉ thấy được ở Bắc bộ, còn từ Thanh Hóa trở vào, làng xã cởi mở hơn rất nhiều, các thủ tục tập quán được duy trì theo nề nếp khác, tính cát cứ binh quyền lớn hơn tính cát cứ hành chính làng Bắc bộ. Với 500 năm phát triển từ thời Lê sơ, làng xã Bắc bộ trở thành một hình ảnh văn hóa và tổ chức sống của xã hội Việt Nam phong kiến.

Khác với Mường của người Mường và người Thái, làng xã Bắc bộ không có một tổ chức hành chính đương nhiên và một tầng lớp thống trị có trước như Lang hay Phìa tạo. Lý trưởng và hội đồng kỳ hào kỳ mục làng xã được dựng lên do sự thống nhất của cả làng, (và cho đến nay, vai trò của trưởng thôn, trưởng làng – tương đương với lý trưởng xưa cũng do dân làng hoàn toàn quyết định). Chính quyền phong kiến chấp nhận điều này và ban ấn chức sắc. Do vậy mà bộ máy hành chính và đời sống dân sự trong làng có vẻ sinh ra từ nền dân chủ tự phát làng xã. Nhà nước phong kiến thông qua bộ máy này thu thuế đinh (thuế đánh vào đàn ông trong tuổi lao động) và thuế điền (thuế ruộng), cùng việc tuyển lính, đi phu. Tình hình đó, thực chất là bộ máy thượng tầng không hề hay biết hoạt động thực sự của làng xã, cũng như nhân khẩu, họ chỉ biết suất đinh do làng khai báo, xu hướng khai gian là tất yếu, vì như vậy sẽ trốn được thuế. Đến thế kỷ 19, mà thống kê nhân khẩu năm 1847, chỉ có 1.024.388 suất đinh là quá vô lý (Đại Nam nhất thống chí, năm 1882), trong khi theo thống kê của M. Retord (Amales de la Propagation de la Foi) năm 1859, dân số Việt Nam đạt 17 triệu người. Việc này khác hẳn với xã hội từ thời Lý đến đầu thời Lê sơ (thế kỷ 11 – 15), các làng xã chưa phát triển, dân tình nằm trong các điền trang thái ấp nhiều, và chế độ thủ lĩnh cát cứ khá mạnh, nên mới huy động quân đội được lớn. Thời vua Lê Lợi (nửa đầu thế kỷ 15) số quân huy động đông nhất tới 25 vạn, trong khi đó quân đội thời Lê Trịnh, (thế kỷ 17 – 18), mà chỉ có 56.500 người. Dù phát triển theo kiểu khép kín, nhưng thực chất làng lại không đóng kín hoàn toàn. Tất cả các làng Bắc bộ dường như là phát triển theo một mô hình, giống nhau đến mức cả nước thực ra là tổng số của các làng và trở thành một cái làng lớn, nhưng tập tục, làng nghề, giọng nói lại rất khác biệt, thậm chí hai làng chỉ cách nhau một con đường, một con sông mà giọng nói hoàn toàn khác.

Đời sống làng xã là tổng hòa của những gia đình, và lớn hơn là những dòng họ trong làng. Dòng họ này sẽ quyết định tương lai của một cá nhân, làm gì, học gì, cho đến nay vẫn nhiều làng dòng họ có tiếng nói như vậy. Các dòng họ sẽ có đại diện của mình trong hội đồng hương lão và kỳ hào kỳ mục, mà lý trưởng chỉ là người thực thi các quyết định của cộng đồng làng. Ông ta là người trung gian giữa quan trên (nhà nước) và dân chúng, chứ không tự mình quyết định việc gì. Cơ cấu cộng đồng như thế này: Hội đồng làng xã (kỳ hào, kỳ mục, quan viên hương lão, lý trưởng…) – dòng họ – gia đình – cá nhân. Ở đây vai trò cá nhân rất mờ nhạt và luôn có xu hướng bị thủ tiêu và được sắp đặt theo cộng đồng. Ở làng xã nông thôn hiện nay hội nghị Quân – Dân – Chính – Đảng (quân sự, nhân dân, chính quyền, Đảng) cũng chính là một mô hình cộng đồng dựa trên các tập tục cũ, mà ở đó vai trò, tiếng nói của người già và bình dân nói chung luôn là khá lớn.

Có lẽ cái cơ cấu hội đồng làng xã phải bàn trong một đề tài riêng vì chúng phức tạp và đông đúc thành phần đến mức độ không tưởng tượng được. Một làng cổ (nếu tính trong thế kỷ 18 – 19) với khoảng từ 600 – 900 nhân khẩu, thì thành viên hội đồng làng xã có lẽ đến 100 người. Người thực thi thì chỉ có lý trưởng, phó lý, thư ký, thủ quỹ, trương tuần (vài người) và mõ, còn tất cả chỉ để bàn họp và đánh chén. Mỗi khi có việc lớn của làng thì người ta có thể huy động cả làng tham gia, nếu có tiếng nói các ông trưởng họ và hội đồng hương lão, kỳ hào kỳ mục. Để hình dung cái ban bệ làng như thế nào, chúng ta tham khảo Hương ước làng Ngọc Than (Ngọc Than đồng khoán ấp – xã Ngọc Than, tổng Ngọc Thán, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, nay là huyện Quốc Oai, Hà Nội. Sách dẫn Hương ước làng xã Bắc bộ Việt Nam với luật làng Kanto Nhật Bản thế kỷ 17 – 19). Đây là bố trí thông thường cho quan viên làng xã họp và khao vọng.

“…Phía trước gian giữa đình đặt hương án, phía ngoài chia làm hai bên tả hữu để trải chiếu ngồi.
Bên trái:
Chiếu thứ nhất (cạp đỏ) là chỗ ngồi của hàng văn đại khoa.
Chiếu thứ hai (cạp đỏ): Cử nhân, văn giai hiển đạt từ chức quan lớn tòng tứ phẩm trở lên cùng ngồi.
Chiếu thứ ba (cạp xanh): Văn giai hiển đạt được bổ vào thụ chức Tri phủ, Tri huyện, Thông phán, Kinh lịch, Ấm thụ, Cống cử, Ấm sinh, Tú tài cùng ngồi.
Chiếu thứ tư (cạp xanh): Bổ thụ, thường thụ văn giai phẩm hàm, chức Chánh tổng, quan viên, con quan viên, đương thứ thí sai (chức dịch thời kỳ tập sự), Chánh tổng, trước ngạch, Thư lại, Thông lại cùng ngồi.
Chiếu thứ năm (cạp xanh): Người thọ 80 tuổi trở lên cùng ngồi.
Chiếu thứ sáu (cạp xanh): Người có quyền và được cấp Thưởng thụ văn giai hiển đạt, người thi đỗ nhất, nhị trường cùng ngồi.
Chiếu thứ bẩy: Đương thứ Chánh Phó Lý trưởng cùng ngồi.
Bên phải:
Chiếu thứ nhất (cạp đỏ): hàng Võ đại khoa ngồi.
Chiếu thứ hai (cạp đỏ): Võ cử võ giai hiển đạt tự tòng tam phẩm, được ấn quan trở lên cùng ngồi.
Chiếu thứ ba (cạp đỏ): trở xuống võ giai hiển đạt, bổ thụ Chánh phó Quản cơ, Chánh phó Suất đội cùng ngồi.
Chiếu thứ tư: Bổ thụ, Thưởng thụ, Đội trưởng, Thiên hộ, bách hộ, dưỡng giáo, quan viên, con quan viên, đương thứ Phó tổng đang làm, cấp bằng Đội trưởng, Thư lại cùng ngồi.
Chiếu thứ năm: người thọ 70 tuổi cùng ngồi.
Chiếu thứ sáu: Cựu thí sai, Chánh tổng, cựu Phó tổng, đương thú Tuần tổng, cựu Chánh tổng, Phó lý trưởng đủ 6 năm mãn việc, cựu cấp bằng đội trưởng, Thư lại, cựu tuần tổng cùng ngồi.
Chiếu thứ bẩy: Đương thứ tư văn giáp, Câu đương cùng ngồi.

Dân gian có câu: Bầu dục không đến bàn thứ tám, chính là từ điều này. Cái chiếu giữa đình phân vai vế chỉ sắp có bảy cái, từ cái thứ tám ra ngoài là của dân chúng, cỗ bàn không có những món quan trọng mà chỉ quan viên được hưởng.

Làng hình thành trên cơ sở quần cư của vài dòng họ lớn trong làng, nếu làng phát triển hơn, người ta chia thành các Giáp, mỗi Giáp lại có một vài dòng họ và  Giáp phải có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của mình trước. Giáp có đền, miếu, quán, giếng, thậm chí cả chợ riêng (như trường hợp các Giáp ở Đường Lâm). Dòng họ, như trên nói, sẽ quyết định tương lai của một cá nhân. Trước tiên nó đảm bảo an ninh, quyền sở hữu ruộng đất và vai trò với cộng đồng làng cho tất cả các gia đình trong họ. Do đó bao giờ nó cũng có xu hướng cử các thành viên tham gia được tất cả những ngành nghề nào có lợi cho làm ăn và quyền chính trị xã hội của dòng họ. Một gia đình thì không thể làm được điều đó, ví dụ góp tiền cho một Nho sinh đi thi đỗ làm quan bằng được, góp tiền mua trâu, tậu ruộng (một con trâu cày chung cho nhiều gia đình). Ngày nay cái mô hình dòng họ vẫn phát huy hiệu quả, và có nhiều dòng họ ở nông thôn cử người bằng được vào các nghề: chính quyền, ngân hàng, luật pháp, công an, phòng thuế… đó chính là thứ rượu cũ trong cái bình mới của xã hội Việt Nam. Và đương nhiên công thức Một người làm quan cả họ được nhờ, còn phát huy tác dụng mạnh hơn quá khứ. Thời xưa những cá nhân dốt nát trong dòng họ thì đương nhiên đi cày cấy, làm ruộng, đó là điều không phải bàn, làm ruộng cần nhiều kinh nghiệm, nhưng không nhất thiết có học thức. Khá hơn thì cử đi học làm thợ (thủ công), thông minh sáng sủa thì cho đi học chữ Thánh hiền, thi đỗ đạt thì làm quan. Ngày nay, ruộng đất không còn nhiều và dường như không được chia cho các thế hệ trẻ nữa, việc từ bỏ nông nghiệp sớm được tính đến, con đường còn lại là  xuất khẩu đại học (chữ của làng Mão Điền, Thuận Thành, Bắc Ninh), xuất khẩu trí thức (chữ của làng Tư Thế, Thuận Thành, Bắc Ninh- Tư Thế bút mực đi lên, bút mực làm giàu), học và chạy vào các nghề danh giá nói trên để trước tiên nâng đỡ gia đình và dòng họ; kém hơn thì đi làm công nhân cho các doanh nghiệp, đi xuất khẩu lao động, bần cùng thì làm cửu vạn. Đó là một triết lý đáng nhẽ phải ghi vào môn kinh tế chính trị học Việt Nam. Thế thì vai trò cá nhân có gì ở đây? Tất nhiên chế độ đại gia đình đã từ lâu không còn được duy trì, và vai trò của dòng họ chi phối đến từng cá nhân không có tiếng nói quyết định như trước, trong xã hội hiện tại.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)