Loạn dịch hay loạn… cảnh báo?

Việc “bới lông tìm vết” dễ hơn nhiều so với bỏ công sức ra dịch một cuốn sách. Cho nên, trong khoa học dịch thuật, việc đánh giá chất lượng bản dịch thường thuộc về những chuyên gia không chỉ giỏi ngoại ngữ để đối chiếu, khả năng phê bình thẩm định tác phẩm mà quan trọng nhất, là phải nắm chắc công cụ lý thuyết nghiên cứu dịch thuật.

Câu chuyện được khơi mào từ một trang mạng vào khoảng tháng 10.2011 – 2.2012. Một loạt bài viết của Vi Văn Tuyên và Hà Thúc Lang phân tích các lỗi dịch trong những dịch phẩm: Hạt cơ bản, Bản đồ và vùng đất (của Michel Houellebecq), truyện ngắn Quả táo vàng của ham muốn vĩnh cửu (Milan Kundera), một số bài phỏng vấn, lý thuyết trong cuốn Lỗi của Mallarmé, Cuộc phiêu lưu của lý thuyết văn học (Vincent Kaufmann)… do Cao Việt Dũng dịch.

Phê bình chuyện “dịch loạn”

Theo hai tác giả Vi Văn Tuyên và Hà Thúc Lang, các bản dịch trên của Cao Việt Dũng sai nhiều chỗ, khó chấp nhận được. Ngoài việc liệt kê, phân tích, chứng minh cái sai của Cao Việt Dũng, hai tác giả trên nhiều lần chỉ trích trình độ, thái độ làm nghề và tư cách cá nhân ông Dũng khá trực tiếp, nặng nề, như: “dốt”, “hạn chế về trình độ Pháp văn và lười động não”, “thiếu hiểu biết của dịch giả về hiện thực Pháp”, “coi chừng phải học lại ABC tiếng Tây quá”, “trình độ kiểu này… e rằng dịch hướng dẫn sử dụng máy rửa chén có khi cũng không xong”…

Nếu việc phân tích các lỗi dịch càng cho thấy hai tác giả này có trình độ, thiện chí, trách nhiệm cao với môi trường dịch thuật thì những chỉ trích nặng lời và đầy tính chủ quan của họ dành cho cá nhân Cao Việt Dũng càng làm suy yếu giá trị khoa học, tính chuyên môn mà văn bản đánh giá chất lượng dịch thuật cần có.

Tuy nhiên, nhiều báo trong nước ăn theo chuyện “thảm hoạ dịch thuật”. Sự việc trở nên ồn ào hơn khi giữa tháng 3 vừa qua, công ty sách Nhã Nam, đơn vị đầu tư xuất bản cuốn Bản đồ và vùng đất của Michel Houellebecq (NXB Văn Học, 2012) thông báo thu hồi dịch phẩm này để lập hội đồng thẩm định lại bản dịch và một tháng sau, ra thông cáo thu đổi sách.

Trong số những ký giả bày tỏ sự “đau lòng và thất vọng với tình hình dịch thuật nước nhà”, có cả những người không rành tiếng Pháp, thậm chí có lẽ chưa đọc qua bản dịch, lại không nghiên cứu kỹ đầu đuôi sự việc, dẫn đến việc copy dẫn chứng theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”…

Âm lượng khuếch đại từ “hồi chuông phát lại” của báo chí trong nước xoay quanh vụ việc đã gây ra một sự căng thẳng trong đời sống dịch thuật. Việc “bới lông tìm vết” đã xảy ra. Đơn cử, một trang báo điện tử mạnh dạn đăng một bài viết gom cuốn Lolita của Vladimir Nabokov do Dương Tường dịch vào hàng “dịch ẩu” khi tác giả bài báo chỉ tìm thấy một “lỗi” ở câu đầu tác phẩm (thực ra, có thật là lỗi hay không thì hiện vẫn còn tranh cãi).

Ai cũng có thể phê bình?

Bên cạnh cái được, đó là giúp các đơn vị làm sách kỹ lưỡng hơn trong khâu đọc duyệt dịch phẩm, các dịch giả cẩn thận hơn để đem đến cho người đọc những bản dịch hoàn thiện nhất có thể, thì những lùm xùm về “dịch ẩu” vừa qua gây ra ba tác động tiêu cực sau: thiếu công tâm khi phủ định hoàn toàn những nỗ lực của nhà sản xuất và dịch giả trong việc tổ chức giới thiệu văn học bên ngoài; làm giảm nhiệt huyết của người dịch; khiến người đọc bị nhiễu thông tin, thiếu chia sẻ, sự rộng lượng khi vấp phải những sơ suất dù nhỏ trong dịch phẩm.

Dịch thuật vừa là công việc đòi hỏi tính khoa học liên ngành, vừa lại là một lao động sáng tạo. Xưa nay không có dịch giả nào dám chắc chắn rằng mình dịch chính xác và hoàn hảo như bản gốc. Đối với các dịch giả, tâm lý không yên lòng về những dịch phẩm là thường trực, nên mới có chuyện một tác phẩm có thể cùng tồn tại nhiều bản dịch khác nhau, thậm chí, có trường hợp một dịch giả tạo ra nhiều phiên bản đích từ một văn bản nguồn.

Rõ ràng, việc “bới lông tìm vết” thì dễ hơn nhiều so với bỏ công sức ra dịch một cuốn sách. Cho nên, trong khoa học dịch thuật, việc đánh giá chất lượng bản dịch thường thuộc về những chuyên gia không chỉ giỏi ngoại ngữ để đối chiếu, khả năng phê bình thẩm định tác phẩm mà quan trọng nhất, là phải nắm chắc công cụ lý thuyết nghiên cứu dịch thuật.

Rất tiếc, do hoàn cảnh lịch sử, cho đến nay ở Việt Nam, đời sống dịch thuật nhìn chung vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Khoa học dịch thuật còn là một vùng đất quá sơ khai, sự thiếu vắng khung phương pháp luận đã làm cho việc đánh giá phê bình chất lượng bản dịch lâu nay bị khiếm khuyết, phần lớn rơi vào vùng xoáy ồn ào của những vụ bắt lỗi “từ đối từ” (word-for-word).

Những va chạm, tranh luận xảy ra không trên cơ sở những hệ quy chiếu lý thuyết, cho nên không giải quyết được bản chất vấn đề hay cải thiện thực tế môi trường dịch thuật, mà chỉ gây ra những cuộc chiến ngôn từ, gây thiệt hại cho uy tín và danh dự của người trong cuộc, đó là các dịch giả.

Phương Tây có một lịch sử dịch thuật (và song song, là đời sống phê bình dịch thuật) khá lâu đời. Trong cuốn Nhập môn nghiên cứu dịch thuật – Lý thuyết và ứng dụng (Trịnh Lữ dịch), tác giả Jeremi Munday cho rằng, ngay từ thời La Mã cổ đại, Cicero, Horace (thế kỷ 1 trước Công nguyên) đến St. Jerome (thế kỷ 4) đã xây dựng quan niệm, lý thuyết dịch thuật. Những tri thức đó vẫn còn chi phối đời sống dịch thuật thế kỷ 20. Nhưng mãi đến nửa sau thế kỷ 20 thì ngành nghiên cứu về dịch thuật mới được hình thành. Nhiều trường phái, quan điểm, lý thuyết dịch thuật được sinh ra trong thế kỷ này, nhưng nói như George Steiner, lý thuyết dịch thuật dường như vẫn bị khoá chặt trong cuộc tranh cãi “vô sinh” về bộ “tam đầu chế” của dịch thuật là “dịch chữ” (word-for-word), “dịch nghĩa” (sense-for-sense) và “dịch trung thành”. Những cuộc tranh luận về chất lượng các bản dịch thường ẩn sau đó là sự va chạm về quan điểm, trường phái, lý thuyết dịch thuật.

Việc nắm vững lý thuyết dịch thuật giúp dịch giả hình thành quan niệm về nghề, giúp nhà phê bình dịch thuật có những hệ quy chiếu để làm tốt nhiệm vụ của mình. Người đọc quan tâm cũng sẽ nhận ra, trong phê phán chất lượng một bản dịch, thì việc khảo sát tính chính xác chỉ là một phần rất nhỏ thuộc về thao tác so sánh ngữ nguồn với ngữ đích (ngoài ra, còn yêu cầu một số thao tác khác, như: tái tạo lại các quá trình tâm lý ngôn ngữ dẫn đến ngôn bản ngữ đích và tìm ra các quy tắc, thậm chí công thức để đánh giá sự thoả mãn liên ngôn bản…)

Người phê bình dịch thuật nhất định phải là người dịch giỏi và có trang bị đầy đủ lý thuyết để hạn chế sự chi phối chủ quan trong nhận định.

Vì vậy, trở lại việc đánh giá chất lượng các bản dịch của Cao Việt Dũng gần đây, có thể thấy, hầu hết chỉ là những vụ bắt lỗi từ đối từ. Dù qua đó, những lỗi cần chỉnh sửa được chỉ ra, thì tiếc thay, văn ngôn phê bình vẫn còn đậm dấu ấn chủ quan, thiếu vắng tính khoa học và sự chuyên nghiệp cần thiết. Điều này dễ hiểu khi đặt hoạt động phê bình này trong một bối cảnh khoa học dịch thuật còn quá hoang sơ. Và chính sự hoang sơ đó là điều kiện cho những trò thừa nước đục thả câu.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)