“Lolita”, tác phẩm giàu chất thơ nhất của Nabokov

Tôi nghĩ, những ai háo hức tìm đọc Lolita xuất phát từ “nghe nói” về nó hoặc suy đoán do đọc một bài viết ở trình độ thẩm mỹ thường thường bậc trung chỉ quan tâm khai thác khiên cưỡng cái khía cạnh được họ cho là đậm chất dâm dật ở câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết này, có lẽ sẽ sớm thất vọng.

Một kiểu độc giả khác, có lẽ đông hơn, họ tìm đọc Lolita với tâm lý cố sống cố chết để hiểu xem “tác giả định nói gì?! hoặc “ý tưởng hoặc ý nghĩa xã hội của cuốn sách này là gì?!” (như chính tác giả Vladimir Nabokov đã nói trong phần hậu từ cho Lolita của ông). Cả hai cách đọc, hoặc thô thiển hoặc duy lý tuyến tính, có thể gọi gộp chung thành cách đọc của kiểu độc giả cựu trào.

Của đáng tội, cách nào đó, cả hai lỗi nói trên không hẳn là do độc giả. Bởi, gạt sang một bên cái sức ì của truyền thống, dư tàn của tập tục, thói quen thẩm mỹ cố hữu và tác hại của kiểu giảng dạy văn học xưa nay theo lối bình và tán (cả trong nhà trường phổ thông lẫn đại học), thì cuốn tiểu thuyết Lolita tự bản thân nó là một tác phẩm cực kỳ khó đọc vỡ. Thậm chí khó hiểu ngay cả với những người rất, vâng, rất giỏi Anh ngữ!

Thoạt nhìn, Lolita giống như một câu chuyện nhạt nhẽo, tầm thường mà ta có thể đọc thấy trong một cuốn sách tầm phào hoặc một tờ báo lá cải. Câu chuyện liên quan đến một người đàn ông trung niên (Humbert Humbert) bị dày vò bởi một nỗi ám ảnh nhục dục với một kiểu bé gái được ông ta gọi chung là các “tiểu nữ thần” (“nymphet”, một từ do Nabokov bịa và đã đậu được trong từ vựng tiếng Anh) và mối quan hệ của ông ta với cô bé Lolita 12 tuổi.

Song, có thể nói không ngoa rằng Lolita là tác phẩm giàu chất thơ nhất của Nabokov, mọi thứ ở đó đều được đưa qua mẻ chưng cất của trí tưởng tượng thượng thặng để sản sinh ra cái tối giản nhưng đồng thời vẫn giữ được trọn vẹn tính chính xác của toàn thể (một yếu tố đặc trưng của thơ), giống như những hạt giác quan nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc những đầu mút thần kinh ở mô biểu bì mà chỉ khẽ chạm vào là làm phục hiện lại biết bao những cảm giác, ấn tượng, liên tưởng, hồi ức liên quan – tất cả được triển khai trên nền một câu chuyện được pha chế một chút “thực tế thường thường bậc trung” (average reality), để dùng lại chữ của Nabokov ở phần hậu từ.

Cuốn tiểu thuyết mang hình thức của một cuốn tiểu thuyết về một bản thảo do chính nhân vật Humbert ghi lại những hồi ức về cuộc đời của ông ta và về những ngày tháng ông ta cùng Lolita lang thang qua các vùng của nước Mỹ (với quãng đường tổng cộng là hơn 43 nghìn cây số). Những hồi ức được kể lại bằng những liên tưởng chồng chéo, đan xen, như những “mớ gai chằng chịt” (lời của Humbert) và bằng một văn phong chói màu, lúc thống thiết lúc giễu cợt. “Tôi không nghĩ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Tôi nghĩ bằng hình ảnh[1]“. Nabokov ưa những chi tiết cụ thể mang tính chủ quan hơn là những sự khái quát hóa hoặc những ý niệm. Màu đỏ, chẳng hạn, đối với ông không phải là màu đỏ chung chung (của định nghĩa) mà là màu đỏ này hoặc nói đúng hơn là những sự chuyển sắc này của màu đỏ dưới con mắt quan sát của một chủ thể cụ thể, màu đỏ được duy ngã hóa, để dùng lại một thuật ngữ quan trọng trong cuốn tiểu thuyết Lolita: thuyết duy ngã (solipsism). Và thật dễ hiểu khi trong Lolita cứ có dịp là ông lại chọc giễu tâm phân học của Freud (những khái quát hóa của tâm phân học). Thậm chí ông còn nhại giễu thủ pháp dòng lũ ý thức của James Joyce, bởi ông cho rằng James Joyce vẫn còn quá lệ thuộc vào việc phải cấp cho tư duy một hình hài “chữ”.[2]

Vượt thoát khỏi chữ hoặc đúng hơn là vượt bỏ ngữ nghĩa phàm thông của chữ (“chúng ta không suy tưởng bằng chữ mà chúng ta suy tưởng bằng cái bóng hắt lại của chữ”),[3] như vậy, toàn bộ những hình ảnh hồi ức lụn vụn được kết liên với nhau nhờ những mẩu vụn liên tưởng để phóng chiếu lên thành cái gì đó gợi âm hưởng bao trùm tác phẩm: sự mộng mơ và thực tế hoặc thực tế và mộng mơ hoặc đồng thời cả hai, tùy theo cách nhìn của độc giả. Cũng có thể nói không ngoa rằng Lolita, mặt khác, bày ra một mỹ học của tưởng tượng. Tưởng tượng ở dạng thức trong trẻo nhất.

Thật vậy, Nabokov nói rằng trong toàn bộ các cuốn sách của ông thì Lolita là tác phẩm tinh khiết nhất, trừu tượng nhất và được ông tính toán cẩn thận nhất. “Lolita là một tác phẩm được tôi đặc biệt ưng. Đó là tác phẩm khó khăn nhất của tôi, nó xử lý một chủ đề quá xa, quá tách biệt với đời sống xúc cảm của tôi, bởi vậy nó cho tôi niềm vui được vận dụng kết hợp nhiều tài năng của mình để làm cho câu chuyện không trở thành giả tạo.”[4]

Việc đi sâu phân tích tác phẩm ở nhiều mặt khác nhau xin dành cho các nhà nghiên cứu, ở đây, chỉ xin mạn phép thử cung cấp một “chìa khóa”, nếu có thể gọi như thế, cho công chúng độc giả để khả dĩ bước đầu tiếp cận tác phẩm.

Bản thân Nabokov đã hé lộ một sở thích của ông và chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng sở thích ấy được ông vận dụng như là một thủ pháp độc đáo nghe tưởng như nghịch dị (xin công chúng độc giả – có Trời Đất chúng giám, trong số đó có cả rất nhiều sinh viên và nhà nghiên cứu văn học! – hãy tạm tự thoát mình ra khỏi cái suy nghĩ định kiến cũ rích về cái gọi là “cảm hứng” mê li hoặc “ý tưởng”, “ý niệm”” siêu việt trong sáng tác văn học): đó là việc sáng tác các ván cờ thế (chess problem). Vâng, trong lần trả lời phỏng vấn tạp chí Playboy (năm 1964) Nabokov nói rằng việc sáng tác các ván cờ thế cũng giống như sáng tác trong mọi lĩnh vực nghệ thuật khác, trong đó có đầy đủ hết những yếu tố sáng tạo như sự độc đáo (bởi vì đó là sản phẩm “bịa” hoàn toàn), sự chính xác, hài hòa (không thừa không thiếu), tính chất phức tạp (nếu dễ thì “đố”, “thách thức” làm gì), sự đánh lừa (để gây khó khăn cho người giải ván cờ thế) và điều quan trọng nhất là yếu tố thời gian hoàn toàn bị loại bỏ và người giải ván cờ thế phải có khả năng “phục hiện” (trong đầu) những nước cờ được cho là đã đi trước đó. Ông hé lộ: “Lolita được sáng tác giống như sáng tác một ván cờ thế tuyệt đẹp – cấu trúc của nó đồng thời lại là lời giải, bởi vì cái này là chiếc gương phản chiếu cho cái kia, tùy thuộc vào cách nhìn của độc giả”.

Điều hé lộ nói trên là có cơ sở. Như chúng ta biết, Nabokov đã viết một tác phẩm (bằng tiếng Nga) có đầu đề Những bài Thơ và những ván cờ thế (Poems and Problems), xuất bản năm 1969, trong đó ông trình bày hơn 50 bài thơ và 18 ván cờ thế và trong tác phẩm có tính tự sự rõ rệt nhất của ông, Hãy nói đi, ký ức (Speak, Memory), xuất bản năm 1966, ông cũng đưa ra một ván cờ thế.

Vậy, toàn bộ tác phẩm Lolita đã bày ra ván cờ thế hoặc những ván cờ thế kỳ thú. Những “quân cờ”, những “nước đi của quân cờ” được tác giả sử dụng ở cấp độ siêu đẳng: liên tưởng đa nghĩa, chơi chữ tiếng Mĩ và chơi chữ cùng một lúc với nhiều ngôn ngữ, đảo ngữ (angram), điệp vần (alliteration), nhại giễu (parody), nhại (pastiche), nghĩa lồng trong nghĩa (double-entendre), bịa chữ (coinage) và dày đặc những quy chiếu tới các nguồn văn học khác nhau mà ông nắm vững (xin lưu ý: Nabokov là giáo sư giảng dạy văn học). Ngay cả cách đặt tên cho nhân vật cũng không bao giờ là tùy tiện. Theo chú thích số 1 của dịch giả Dương Tường trong bản dịch Lolita thì “nếu những liên tưởng đủ phong phú, một ngón chơi chữ có thể đạt đến chỗ phóng chiếu một chủ đề trung tâm cho tác phẩm” (hình ảnh về con hồ Hourglass, câu nói “waterproof” (không thấm nước), cụm từ “the Enchanted Hunters” (những thợ săn bị mê hoặc), hình ảnh con chó chạy theo chiếc xe hơi, hình ảnh chiếc xe hơi lao lên một bờ dốc đầy cỏ v.v.).

Thậm chí, cả nguyên cớ ra đời của Lolita cũng tuồng như thách thức sự lý giải duy lý, thậm chí cách nào đó thách thức cả hai chủ thuyết tâm lý học đang thịnh hành thời bấy giờ: tâm lý học hành vi (behaviourism) và tâm phân học (psychanalysis):

Nhịp đập phập phồng đầu tiên của Lolita sẽ sàng thót lên trong tôi vào quãng cuối năm 1939 hay đầu năm 1940 gì đó, hồi tôi nằm liệt giường vì một cơn đau thần kinh liên sườn nghiêm trọng ở Paris. Trong tầm trí nhớ của tôi, thoáng run rẩy sơ khởi của cảm hứng, cách nào đó, được dấy lên bởi một bài báo về câu chuyện một con khỉ ở Vườn Bách Thảo, sau nhiều tháng được một nhà khoa học khéo léo dỗ dành, đã sản sinh ra bức hoạ chì than đầu tiên được sáng tạo bởi một con thú: bức kí hoạ này thể hiện những song sắt rào quanh chuồng con vật tội nghiệp. Xung động mà tôi ghi nhận không có liên quan gì về phương diện văn bản với dòng ý nghĩ tiếp sau đó, tuy nhiên chuỗi ý nghĩ này dẫn đến một mẫu gốc đầu tiên cho cuốn tiểu thuyết của tôi …” (Hậu từ của Lolita).

Và, để không tước mất khoái cảm của sự tự mình khám phá, thưởng thức trong khi đọc Lolita, xin được chuyển sang nói đôi lời về bản dịch tiếng Việt mà người viết lời tựa này may mắn được dịch giả Dương Tường ưu tiên cho đọc ở dạng bản thảo và chính vì thế có dịp được quan sát quá trình làm việc của ông (trích thư ông gửi: “Tuấn yêu quý, rất cảm ơn Tuấn đã bỏ nhiều công sức, thời gian giúp soạn lại bản thảo Lolita. Nếu trong quá trình làm công việc biên tập tình nguyện ấy, Tuấn tìm thấy some rewarding pleasure [một niềm khoái thú nào đó bù đắp xứng đáng], thì chú rất vui. Và chú chợt nẩy ra ý muốn nhờ / mời Tuấn viết lời tựa (hoặc bạt) cho bản dịch này với tư cách là một trong những độc giả đầu tiên và, hơn thế nữa, là người đã đi vào “bếp núc” của quá trình dịch. Liệu Tuấn có vui lòng giúp? Tường“).

Nhà thơ-dịch giả Dương Tường từng nói đại ý rằng ông thích ngắm một họa sĩ vẽ bởi ngoài cảm giác được ưu tiên ngó vào “bếp núc” của anh ta thì còn có cái thú khám phá sự vận hành của cơ chế sáng tạo. Tôi chia sẻ nhận xét này của ông, đồng thời liên hệ với việc tôi cũng chí ít lần này được quan sát tỉ mỉ cách làm việc của ông.

Đặc điểm nổi bật nhất được thấy ở mục đích của công việc dịch thuật do ông chủ trương. Mục đích tối hậu của một dịch giả không chỉ đơn thuần là chuyển tải trung thành một tác phẩm mà hơn nữa còn làm sao để độc giả thưởng thức tối đa tác phẩm. Làm việc với một tác phẩm hết sức tinh tế như Lolita (Nabokov nói rằng một tác phẩm nghệ thuật phải có sự kết hợp giữa sự “chính xác” của thi ca và trạng thái “say mê” của khoa học thuần túy) đòi hỏi sự khổ não và tinh thần trách nhiệm ghê gớm (nhiều khi mất ngủ vì một chữ, một đoạn, một chỗ nào đó trong bản dịch). Toàn bộ tinh thần làm việc này chỉ có thể được gọi chính xác bằng từ “lương tâm” của một dịch giả hoặc đúng hơn là “văn đức” của một dịch giả.

Xin được mách độc giả một chi tiết: hãy đọc thật cẩn thận, đừng bỏ sót bất kỳ một chú thích nào trong số gần 500 chú thích trong bản dịch Lolita. Hầu hết các chú thích đều dứt khoát là sự “sáng tác” của chính dịch giả. Bởi, nhân đây xin được chia sẻ một nhận xét: bản dịch tiếng Pháp của nhà xuất bản lừng danh Gallimard của Pháp do E.H.Kahane dịch (bản in năm 2000, sinh thời Nabokov vẫn coi bản dịch tiếng Pháp Lolita là đạt nhất) tuyệt nhiên không có bất kỳ một chú thích nào! Bản tiếng Pháp của Maurice Couturier năm 2005 cũng do nhà xuất bản Gallimard ấn hành (được đánh giá cao hơn bản dịch của E.H.Kahane) cũng chỉ có khoảng dăm chục chú thích. Song, một số chú thích hết sức quan trọng thì bản tiếng Pháp này lại bỏ qua hoặc nếu có thì lại không chú thích cặn kẽ đến cùng, trong khi bản dịch tiếng Việt không mắc lỗi này, thậm chí chú thích do bản tiếng Việt đưa ra còn là tuyệt đối cần thiết để giúp độc giả hiểu và thưởng thức tối đa văn bản. Chẳng hạn, với câu “in a Michigan town bearing his name” (một thành phố của bang Michigan mang tên hắn) thì bản tiếng Việt có chú thích số 204 chú giải chữ “hắn” trong khi bản tiếng Pháp dịch mập mờ là “une ville de Michigan partageant le prénom du manant” (một thành phố ở bang Michigan lấy tên thằng nhà quê) do không cảm nhận được cái “allusion” (ám chỉ) nhằm vào Guilty. Theo chú thích 204 của dịch giả Dương Tường cho câu này: đúng là ở bang Michigan có một thành phố tên là Clare, vậy “hắn” ở đây chính là Clare Quilty, một trong những nhân vật trung tâm của cuốn sách, hắn là cái bóng, thậm chí là “nhân dạng thứ hai” hoặc cái “hồn phách” (doppelganger) của nhân vật Humbert Humbert – một nỗi ám ảnh thường trực của Humbert Humbert, và, cách nào đó, trong một tình huống nào đó ở câu chuyện trong cuốn sách thì Humbert Humbert, Clare Quilty, Nabokov (tác giả) là một, và chỗ tinh tế này đã không qua được mắt dịch giả Dương Tường, ông đã lẩy nó ra để cho độc giả thưởng thức (xin xem thêm chú thích 279 của Dương Tường về câu “tất cả chúng tôi” để hiểu cái ý này; ngoài ra có thể xem thêm cả chú thích số 5 về chữ “Cue” liên quan đến nhân vật quan trọng Quilty). Cũng vậy, chú thích ở trang 414 bản Pháp văn của M. C. giải thích việc H. H. nói linh tinh là do sảng loạn (incohérene due à son délire) rõ ràng suy diễn sai trật. Chú thích 336 trong bản dịch của Dương Tường đã phân tích sự võ đoán sau trật ấy. Có thể dẫn thêm một ví dụ nữa về dịch sai trong bản tiếng Pháp: Câu nguyên văn tiếng Anh ở trang 219 (của Penguin Books, 1980) “… the pitch dark pit where we all heavily sat…” được bản của M.C. dịch là “…l’obscurité totale de la fose où nous etions pesamment prostrés…” (tôi gạch dưới hai chữ heavily và pesamment). “Heavily” ở đây không hàm nghĩa “nặng nề” mà là “đông đảo”; thí dụ: a heavily populated region (một vùng đông dân), hay heavy trafic (giao thông đông đúc), không thể dịch là pesamment (nặng nề). We all ở đây chỉ khán giả trong thính phòng.
Và, người dịch đã chủ động giành lấy cho mình một vai trò nào đó đối với văn bản gốc, để tự do sáng tạo, để tự do thể hiện cá tính. Người dịch gia giảm chỗ này, chỗ kia, và cách nào đó, bản thân người dịch đã chủ động “tham gia” vào văn bản gốc. Và như thế trên thực tế người dịch đã sáng tạo, đã thêm cho độc giả một tác phẩm Lolita “khác” bằng tiếng mẹ đẻ của họ, trong khi vẫn trung thành với nguyên tác, tức là “người dịch phải là đồng tác giả”[5].

Và nhân tiện, để gọi là “khởi động” cho cuộc thưởng thức bản dịch tiếng Việt vừa tài hoa (dấu ấn của một nhà thơ) vừa tài ba (dấu ấn của một học giả uyên thâm nhiều nguồn văn học và nắm vững ngôn ngữ Anh và Pháp) xin mời độc giả nếm náp trước tí chút một đoạn dịch thơ trong Lolita cho thấy một ngón dịch thể hiện “đặc sản” Dương Tường:

Ôi, Carmen của tôi, Carmen bé bỏng của tôi
Ấy-mấy-là, ấy-mấy-là, những ấy-mấy-là đêm

Nào trăng sao cùng xe cộ, nào quán bar cùng barmen

Và, em iêu, những cuộc đấu long trời lở đất của hai ta

Và giữa thành phố ấy-mấy-là tay khoác tay, ta vui bước

Và cuộc xô sát cuối cùng của đôi ta.

(O my Carmen, my little Carmen!
Something, something those something nights

And the stars, and the cars, and the bars, and the

 [barmen –
And, O my charmin’, our dreadful fights

And the something town where so gaily, arm in

Arm, we went, and our final row).

Đề cập lương tâm, văn đức của dịch giả trong trường hợp của bản dịch Lolita này thiết nghĩ là để khơi ra một vấn đề liên quan đến thị trường sách dịch hiện nay tràn ngập những bản dịch ẩu hoặc những bản dịch xoàng xĩnh. Dường như đâu đó có những tiếng nói biện hộ cho tình trạng này bằng cách phê phán một kiểu dịch giả cầu toàn thái quá (những dịch giả bị họ gọi là ngồi trong “tháp ngà”) và/ hoặc bằng cách viện dẫn những lý do chẳng hạn như “phục vụ nhu cầu đại chúng”. Nhưng chẳng phải là điều khôi hài đến nực cười hay sao, rằng trong khi cả xã hội hô hào vươn tới cái hiện đại, cái tân tiến nhất (sản phẩm công nghiệp, thời trang, sản phẩm tiêu dùng v.v.) thì trình độ thẩm mỹ, nói chung, vẫn chỉ dừng lại ở cái thời nảo thời nào so với thế giới.

Cuối cùng xin nói thêm về tác giả. Vladimir Nabokov sinh năm 1899 ở St. Petersburg, Nga. Năm 1918 gia đình ông rời nước Nga sang Anh. Năm 1922, ông sang sống ở Berlin, Đức. Mười tám năm sau đó ông sống ở Berlin và có thời gian ở Paris. Ngoài viết văn (trong thời gian này ông viết rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Nga dưới bút danh Sirin, kiếm sống bằng nghề dịch thuật, dạy Anh văn, quần vợt và sáng tác các trò chơi ô chữ (crossword) bằng tiếng Nga). Năm 1940, Nabokov sang Mỹ sinh sống. Ngoài viết văn ông còn giảng dạy văn học ở bậc đại học đồng thời làm chuyên viên nghiên cứu tại bảo tàng động vật học so sánh ở đại học Havard. Ông được thừa nhận là một nhà côn trùng học xuất sắc (chuyên về bọ cánh vẩy [lepidotere]). Nhiều loài bướm do ông phát hiện đã được mang tên ông (và mẫu bướm quan trọng nhất do ông săn được ở Telluride, gần Dolores thuộc bang Colorado đã được ông dùng để đặt tên cho tiểu nữ thần của mình trong Lolita: Dolores). Tác phẩm đầu tiên ông viết thẳng bằng tiếng Mĩ là Cuộc đời thực của Sebastian Knight (The Real Life of Sebastian Knight, 1941). Ngoài Lolita (1955), các tác phẩm chính khác viết bằng tiếng Mĩ gồm Vạch chéo trên chiếc gia huy (Bend Sinister, 1947), Pnin (1957), Lửa trắng (Pale Fire, 1962), Hãy nói đi, ký ức (Speak, Memory, 1951).

Bản thân Nabokov cũng là một dịch giả cự phách. Ông dịch nhiều nhà thơ Nga sang tiếng Anh, trong đó có đại thi hào Pushkin. Tuyệt tác Eugene Onegin của Pushkin được ông dịch sang tiếng Anh và tập chú giải đi kèm có tên Ghi chép về vần luật thi ca (Notes on Prosody) được giới nghiên cứu văn học coi như một công trình khảo cứu hoàn toàn đứng tách riêng bên cạnh bản dịch tiếng Anh Eugene Onegin của ông.

Thật khó để xếp thi pháp tiểu thuyết Nabokov thuộc phong cách, trường phái hoặc thậm chí một “ism” (chủ nghĩa) nào. Ông là một người sống khép kín, sống như thể ngốn ngấu cuộc đời của chính mình, sống đến cùng, sống trọn vẹn (thậm chí hiểu theo cả nghĩa đen) với cái đẹp, thi ca, nghệ thuật của riêng bản thân ông. Ông không biết lái xe, không biết nấu ăn, không biết cách gấp một cái ô, không tham gia bất kỳ câu lạc bộ hoặc nhóm nào. Không quảng cáo sách cũng chẳng ký tặng sách. Ngay cả cách ông mường tượng về cái chết tất yếu của mình cũng rất “duy mỹ”, giống như thể ông suy ngẫm về một bài thơ. “Tôi sống hai mươi năm ở nước Nga, hai mươi năm tiếp theo ở Tây Âu còn hai mươi năm sau đó, từ 1940 đến 1960, ở Mỹ. Từ 5 năm nay, tôi lại sống ở châu Âu, nhưng tôi không dám chắc sẽ còn sống ở đây thêm 15 năm nữa để cho khỏi ngắt cái nhịp [bốn câu][6]“.

Ông, một kẻ lưu vong kinh điển. Ông qua lại đôi bờ học thuật và thi ca, văn hóa Nga và văn hóa Tây Phương, cõi mộng mơ và thực tế …cho đến khi qua đời vào ngày 2 tháng 7 năm 1977 tại Montreux, Thụy Sĩ. Đời ông, như một khổ thơ bốn câu dang dở (ông ưa sự chính xác và đẹp), nhưng ông đã kịp thêm cho đời sống[7] một cái chưa hề có trước đó, một tuyệt tác hoàn chỉnh, Lolita-nhan đề cuốn sách, Lolita-chữ mở đầu cuốn sách, và Lolita-chữ kết thúc cuốn sách, như một điệp vần gợi ba tiếng âu yếm Lo-Li-Ta, âm hưởng tên em, LOLITA

[1] Nabokov trả lời phỏng vấn đài BBC năm 1962.

[2] Nabokov trả lời phỏng vấn tạp chí Playboy năm 1964.

[3] Nabokov trả lời tạp chí Playboy năm 1964.

[4] Nabokov trả lời đài BBC năm 1962.

[5] Quan niệm của Dương Tường về dịch thuật (tạp luận Chỉ tại con chích chòe do nhà xuất bản Hải Phòng in năm 2003).

[6] Nabokov trả lời phỏng vấn năm 1965.

[7] Chúng ta liên tưởng tới một phát biểu của nhà thơ Dương Tường “Thi sĩ, tôi quan niệm, là kẻ đầu tiên kéo thế giới ra khỏi vùng khuyết danh….Thi sĩ cho sự vật một cái tên mà trước đó nó chưa có, tức là đưa nó vào tồn tại” (Tạp luận Chỉ tại con chích chòe của Dương Tường, nhà xuất bản Hải Phòng in năm 2033).

 

Tác giả

(Visited 67 times, 1 visits today)