Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản: Những góc khuất trong lịch sử Duy tân Minh Trị

Ít người biết đây giai đoạn duy tân Minh Trị cũng là khoảng thời gian diễn ra các phong trào đòi tự do, dân quyền mà trước đấy chưa từng có. Những điều đó đã được phác họa trong cuốn sách Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản của Uehara Etsujirō.


Uehara Etsujirō (1877-1962).

Vào những năm 1860, trước đòi hỏi phải mở cửa và canh tân đất nước, Nhật Bản đã tiến hành một cuộc cải cách toàn diện, đầu tiên là chính phủ tổ chức chính quyền mới thay thế chế độ Mạc phủ, xóa bỏ chế độ các phiên, quy chế đặc quyền của samurai cũng bị dẹp đi, giương cao khẩu hiệu phú quốc cường binh, thay đổi lịch pháp, chuyển sang dùng Dương lịch, học hỏi văn minh kỹ thuật Tây Âu, đặc biệt là tìm hiểu về Hiến pháp các nước…Người ta vẫn thường đánh giá, đây cũng là quãng thời gian hàng loạt tư tưởng dân chủ khai sáng của phương Tây được lan tỏa vào xã hội Nhật Bản.
Nhưng ít người biết đây cũng là khoảng thời gian diễn ra các phong trào đòi tự do, dân quyền mà trước đấy chưa từng có. Những điều đó đã được phác họa trong cuốn sách Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản của Uehara Etsujirō (1877-1962).
 
Phong trào tự do dân quyền vốn là phong trào xã hội, chính trị nhằm thúc đẩy việc mở ra nghị hội (quốc hội) và chế định hiến pháp. Một trong những sự kiện được đánh giá là tiền đề quan trọng đánh dấu sự ra đời sớm của chính thể lập hiến ở Nhật Bản chính là “Chinh Hàn luận”. Ngoại giao với Triều Tiên là một trong các vấn đề quan trọng hàng đầu đối với chính giới Nhật Bản. Sau khi phái đoàn do Iwakura Tomomi đi thị sát Âu Mỹ trở về, thấu hiểu tình hình Âu Mỹ, họ cho rằng việc tiến đánh Triều Tiên lúc này không phải là thời điểm thích hợp, trong khi phái thủ cựu ở trong nước dứt khoát muốn tấn công. Điều này đã khiến chế độ tham nghị phân tách, những nhà khai sáng duy tân Minh Trị chia thành hai phái khác nhau ở triều đình và ngoài xã hội. Kẻ sĩ ở ngoài công kích mạnh mẽ sự chuyên quyền của đám kẻ sĩ trong triều đình.
 
Trước tình hình đó các chí sĩ có tư tưởng tiến bộ, thấu hiểu tình hình ngoại quốc lại ở bên ngoài xã hội chứ không nằm trong chính phủ mới tập hợp nhau lại, dâng kiến bạch thư đề xuất chính phủ thành lập Dân tuyển nghị viện. Kéo theo hàng loại đảng phái được ra đời, các cuộc bạo động nổ ra. Và trong giai đoạn này chính phủ cũng bị phơi bày những thói tệ đáng xấu hổ. Điển hình như vụ tài sản sở hữu nhà nước liên quan đến Khai thác sứbị bán với giá bèo bọt. Trước đó, vào năm Minh Trị thứ 4 (1871), chính phủ đã có chủ trương lập Khai thác sứ ở Hokkaido, với số tiền đầu tư rất lớn – 14 triệu yên. Tuy Khai thác sứ có nỗ lực khai hoang, mở mang sự nghiệp nhưng đến thời hạn kết thúc, quyết định bị phế trừ thì đám quan lại trong Khai thác sứ đã âm mưu với bọn hào thương Godai Tomoatsu [Ngũ Đại Hữu Hậu]2, đem toàn bộ tài sản nhà nước ở Khai thác sứ trao cho Godai Tomoatsu chỉ với 300 ngàn yên, không có lợi tức trong vòng ba mươi năm. Đây rõ ràng là bán tài sản nhà nước, nhưng cuộc đấu giá này lại được chính phủ chấp thuận.
 
Vụ việc tiếp theo là vấn đề sách giáo khoa. Xưa nay sách giáo khoa tiểu học đều do các nhà xuất bản tư nhân trong xã hội được tùy ý biên soạn, sau khi được Văn bộ sảnh thẩm định,. Những nhà xuất bản như Kinkōdō [Kim Cảng Đường]3, Shūeidō [Tập Anh Đường]4, Fukyūsha [Phổ Cập Xá]5… đều muốn sách giáo khoa do nhà xuất bản mình biên soạn được chọn nên đã cạnh tranh nhau hết sức khốc liệt, đến mức hối lộ rất nhiều tiền cho quan chức các phủ huyện, hiệu trưởng các trường trung học, sư phạm, tiểu học để mong sách của nhà xuất bản mình làm được chọn. Kết quả điều tra đã vạch trần những sự hủ bại trong nội bộ hội giáo dục, vụ việc này đã gây chấn động cả nước.
 
Cùng khoảng thời gian này, vấn đề sở giao dịch cũng gây nhiều chú ý. Tháng Sáu năm Minh Trị thứ 35 (1903), chính phủ ban lệnh rút ngắn kỳ hạn cổ phần sở giao dịch; lại quy định giá đô la Mỹ khi mua vào bán ra đều cần được Nông thương vụ đại thần chấp thuận. Mệnh lệnh này vừa ban ra, dư luận xã hội xôn xao, doanh nhân đứng lên phản đối, chính phủ bất đắc dĩ phải ban sảnh lệnh sửa đổi6. Fujisawa Ikunosuke [Đằng Trạch Cơ Chi Phụ]7 nhân việc chính phủ dùng sảnh lệnh để thay đổi sắc lệnh, là hành động vi hiến, để xuất ra nghị quyết cật vấn sự vô trách nhiệm của chính phủ.
 

Tranh Ban hành hiến pháp Minh Trị. Nguồn: Wikipedia.

Bên cạnh đó, chính phủ ban bố điều lệ tập hội nhằm hạn chế việc tụ tập đảng phái đã khiến các chí sĩ đều phẫn uất, gửi gắm tinh thần cách mạng qua các bài ca dao, tục ngữ, để rồi chúng được xướng vịnh khắp các hang cùng ngõ hẻm, khơi dậy được nhiệt huyết trong thanh niên. Sau đó không lâu, chính phủ lại triển khai sửa đổi điều lệ xuất bản, đè thêm một tầng áp bức lên dư luận quốc dân. Giả như khi ấy, chính phủ vừa khoan dung hài hòa lại vừa nghiêm khắc cẩn thận trong việc đánh giá và giám sát dư luận, thì có lẽ lịch sử lập hiến Nhật Bản sẽ tránh được những vệt máu đầy thê lương. Tiếc rằng những thành viên trong chính phủ đương cục đã không sáng suốt xem nhẹ ý chí của quần chúng nhân dân,  là nguồn cơn cho hàng loạt sự kiện nảy sinh như sự kiện Fukushima8, ngục tù ở Takada9, bạo động ở Gunma10, Kabasan11, Chichibu12 cho tới những vụ gây xôn xao dư luận ở Nagoya, Shizuoka13  là những tổn thương rất lớn trong lịch sử hiến chính Nhật Bản.

Tiêu biểu, có lẽ phải kể tới sự kiện Nijūroku seiki [Nhị thập thế kỷ], đã thu hút sự quan tâm của toàn thể quốc dân. Thủ lĩnh Đảng Tiến bộ Takahashi Kenzō, Nội các thư ký quan trưởng [quan phụ tá Thủ tướng], trước đây là ký giả của tờ Osaka Asahi shimbun [Đại Bản Triều nhật tân văn], khi ấy là chủ bút của tạp chí Nijūroku seiki đăng bài viết “Cung nội đại thần luận” [Bàn về các vị đại thần trong cung nội sảnh] phơi bày mối quan hệ giữa Hijikata Hisamoto [Thổ Phương Cửu Nguyên] và Itō Hirobumi, đã làm dấy lên làn sóng dư luận mạnh mẽ. Xưa nay Cung nội sảnh vốn là cơ quan vô cùng bí mật, đứng ngoài mọi làn sóng phê phán, chỉ trích của dư luận. Vậy mà khi ấy Takahashi Kenzō cương trực và quả cảm đã một mình phóng bút, vạch trần bí mật trong Cung nội sảnh, giải thích cụ thể, dẫn chứng chân thực, nhằm tố cáo hành vi mờ ám, tư lợi của Hijikata Hisamoto và Itō Hirobumi. Bài ký sự đã gây rúng động xã hội, các báo và tạp chí tranh nhau đăng tải, dư luận dậy sóng cực kỳ mãnh liệt. Vụ việc này đã khiến nội bộ nội các mâu thuẫn. Tuy nhiên dưới sự thúc ép mạnh mẽ của phiên Chōshū, chính phủ phải ra lệnh cấm phát hành tạp chí Nijūroku seiki cùng với tất cả những tờ báo khác có liên quan đến việc đăng bài. Quyết định này đã khiến uy tín của chính phủ bị tổn thất, thành viên nội các nảy sinh hiềm khích.

Trên đây chỉ là một vài vụ việc mà Uehara Etsujirō đề cập đến trong cuốn Lược sử phát triển dân quyền Nhật Bản, cho thấy những góc khuất trong lịch sử của phong trào này thời kỳ manh nha, đồng thời phần nào thấy được những mặt hạn chế của phong trào, cũng như lột trần được bộ mặt của chính phủ đương thời.

Soi gương người xưa để rút ra bài học cho ngày nay chính là vai trò quan trọng của lịch sử. Chỉ ra những góc khuất trong lịch sử duy tân Minh Trị không phải là muốn phủ nhận công tích kỳ vĩ của nó, mà là cách để khẳng định rằng, mọi con đường đến thành công, cũng không tránh khỏi những khi phải trả giá bằng sai lầm, thất bại.

Uehara Etsujirō cũng là một chính trị gia. Ông sinh ra tại tỉnh Nagano. Năm 1899 ông sang Mỹ học, cho đến năm 1907 tốt nghiệp Đại học Bang Washington. Hồi còn học đại học, ông theo học chuyên ngành Kinh tế chính trị từ John Smith. Sau khi tốt nghiệp đại học, học tiếp lên cao học tại Đại học London, và năm 1910 ông có bằng tiến sĩ Kinh tế chính trị. Sau khi về nước, ông trở thành giáo sư, giảng dạy tại Đại học Meiji, Đại học Rikkyo. Từ năm 1932 đến năm 1936 ông đảm nhận chức vụ Phó Nghị trưởng Chúng nghị viện. Năm 1946 ông gia nhập nội các trong vai trò Quốc vụ đại thần của Nội các Yoshida lần thứ nhất.
—–

Chú thích:

1開拓使 Kaitakushi là tên một cơ quan hành chính được lập ra trong khoảng thời gian từ ngày 8 tháng 7 năm 1969 tới ngày 8 tháng 2 năm 1882 nhằm khai hoang vùng phương Bắc.

2五代 友厚 Godai Tomoatsu (1836-1885) là võ sĩ, nhà thực nghiệp người Nhật, sống từ khoảng cuối thời Edo cho tới giữa thời Minh Trị. Ông từng đi du học ở Anh, là nhân vật quan trọng đối với nền kinh tế Osaka thời Minh Trị.

3金港堂 Kinkōdō là tên một nhà xuất bản do 原 亮三郎 Hara Ryōzaburō (1848-1919) (nhà thực nghiệp, chính trị gia và từng là nghị viên Chúng nghị viện) thành lập tại Yokohama vào thời Minh Trị. Nhà xuất bản này chuyên xuất bản sách giáo khoa, vào thời đó 金港 Kinkō còn trở thành tên gọi khác của thành phố Yokohama.

4集英堂 Shūeidō tên một nhà xuất bản được thành lập vào khoảng năm 1874, ở thành phố Tochigi.

5普及舎 Fukyūsha, nhà xuất bản này được thành lập vào khoảng năm 1881, ở thành phố Tokyo.

6Sảnh lênh tức là nghị định sửa đổi bổ sung nghị quyết của chính phủ do một bộ ban hành.

7藤沢 幾之輔 Fujisawa Ikunosuke (1859-1940), là chính trị gia, luật sư người Nhật Bản, sống trải các thời Minh Trị, Đại Chính, Chiêu Hòa. Ông sinh ra tại thành phố Sendai, tỉnh Miyagi. Con đường chính trị của ông trải giữ các chức như Nghị viên Chúng nghị viện, Nghị trưởng Chúng nghị viện, Bộ trưởng bộ Công thương trong nội các Wakatsuki Reijirō lần thứ nhất, Nghị viên Quý tộc viện.

8Là sự kiện đảng viên Đảng Tự do khuấy động quần chúng nhân dân đứng lên đấu tranh trước sự chuyên quyền của huyện lệnh Mishima Michitsune tại Fukushima diễn ra vào ngày 28 tháng 11 năm 1882, bằng cuộc tấn công đầu tiên vào Thự Cảnh sát Kitakata và xung đột quyết liệt với đám tuần binh.

9Năm 1883, Hasegawa Saburō giữ chức Kiểm sự bổ ở Sở tài phán Takada, thuộc chính phủ, đã cải trang thành phần tử theo phe tự do rồi xâm nhập vào chỗ của Đảng Tự do ở Kubiki, tự kích động phơi bày, khảng khái phê phán và công kích chính phủ hòng lừa gạt chúng dân. Tuy nhiên các chí sĩ đảng Tự do đã phát hiện ra âm mưu này của Hasegawa. Hasegawa vì không thực hiện được âm mưu kích động đảng viên Đảng Tự do đã lấy các tội danh “ám sát đại thần”, “âm mưu nội loạn” nhằm vu cáo cho đảng viên đảng Tự Do ở Kubiki và có tới hơn mấy chục người bị bắt.

10Vào năm 1882 thế lực của đảng Tự do ở Gunma ngày một cường thịnh, tổ chức nhiều cuộc diễn thuyết hòng thu phục nhân tâm, việc này khiến chính quyền lo lắng, do đó cảnh sát ở tỉnh Gunma mới cho triệu vời Hibi Herikuda là trụ trì chùa Quang Minh tới, ngầm truyền ý bảo rằng cấm được diễn thuyết. Tuy nhiên Hibi lại là người cực lực chủ trương tự do dân quyền, còn giương cao các khẩu hiệu trước chùa như “Thay trời tru diệt nghịch tặc” hay “Kẻ sĩ kiên chí, người giàu nhân ái, liều sinh mạng mình thành toàn điều nhân”. Lại kết hợp với mối bất hòa giữa đám quan lại và dân chúng trong vùng ngày càng chồng chất, đã khiến xung đột nổ ra.

11Là sự kiện xảy ra trên núi Kaba, các chí sĩ theo chủ trương tự do dân quyền lập đại bản doanh trên núi Kaba, để ném bom thị uy, tấn công thự cảnh sát, uy hiếp hào phú, với khẩu hiểu là “Một lòng hy sinh báo quốc”, “Đại bản doanh ở núi Kaba”… cuối cùng bị chính quyền trấn áp và vu cáo cho họ tội giết người. Có lẽ đây là một vết nhơ rất lớn trong lịch sử duy tân Minh Trị. Bởi các chí sĩ vốn là tội phạm chính trị, thế nhưng họ lại bị chính phủ vu cáo cho tội giết người.

12Là sự kiện quần chúng nổi dậy vào ngày 30 tháng Mười năm 1885, quần chúng nổi dậy tập trung ở núi Chichibu, tập kích cơ quan trưng thu tô thuế, tấn công và cướp bóc những địa chủ hào phú. Tuy nhiên hầu hết quần chúng nổi dậy quá nửa là nông dân, đám cờ bạc và người đi săn, không được huấn luyện, không có tinh thần, vũ khí đạn dược thiếu thốn, nên sau ba ngày chiến đấu đã bị chính phủ dẹp tan.

13Đảng Tự do ở Shizuoka muốn nhân sự kiện, vào tháng Bảy năm 1887, chính phủ tổ chức dạ hội khiêu vũ ở Lộc Minh quán, sau đó ngày 10 sẽ tổ chức lễ khánh thành cung điện ở Hakone, đó là thời điểm các quần thần tụ hội, để tấn công hòng báo thù cho các chí sĩ trước đó đã bị bắt hoặc bị chết. Tuy nhiên kế hoạch bị đám do thám của chính phủ biết được, thành ra bị bại lộ.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)