Maria Callas – Di sản huyền thoại

Khi Maria Callas tròn trăm tuổi, hậu thế nghĩ gì về giọng ca và di sản huyền thoại bà để lại?

Maria Callas trên sân khấu Paris năm 1958.

Giọng soprano huyền thoại – và gây tranh cãi – Maria Callas, người tròn trăm tuổi vào ngày 2 tháng 12 năm 2023, tiếp tục thu hút sự chú ý của hậu thế. Dĩ nhiên những người hâm mộ opera vẫn luôn bị mê hoặc trước giọng ca của bà nhưng nhiều người trong giới nghệ thuật và giải trí, chẳng hạn như Angelina Jolie, cũng bị cuốn hút trước cuộc đời bà. “Tôi chịu trách nhiệm một cách rất nghiêm túc về cuộc đời và di sản của Maria,” Angelina Jolie gần đây đã nói trong một tuyên bố về Maria, bộ phim tiểu sử về Maria Callas sắp ra mắt do Jolie trong vai chính. “Tôi sẽ cố gắng hết mình để vượt qua thử thách”. Một trong những thách thức lớn nhất khi kể chuyện Callas là việc đối mặt với nhiều mâu thuẫn của bà, cả trong cuộc đời lẫn trong di sản những quan điểm trái chiều về giọng hát của bà. 

Bộ phim đang trong quá trình sản xuất đó chỉ là một trong vô số cách mà cái bóng của Callas vẫn lồng lộng tỏa rộng 47 năm sau khi bà qua đời. Các album của bà thường xuyên được tái bản và mùa thu năm nay, hộp 131 CD sang trọng La Divina được phát hành. Bà đã là đề tài của các cuốn tiểu sử gần đây, các cuốn sách trên bàn cà phê, các vở kịch, các vở opera, các bộ phim tài liệu, các chuyến tham quan bằng ảnh ba chiều và các bộ phim tiểu sử trước đó.

Tại sao Callas lại trường tồn? Phải chăng đó là câu chuyện phất lên đầy kịch tính của bà? Cuộc đời tình ái bi đát của bà? Cái chết sớm đột ngột của bà? Nơi tốt nhất để bắt đầu tìm kiếm câu trả lời chính là giọng hát – một giọng hát được vô số người yêu mến nhưng lại bị nhiều người khác căm ghét. Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên WQXR vào những năm 1970, Callas nói: “Vấn đề là mọi người có yêu thích kiểu giọng của tôi hay không. Có người thì bảo tôi có giọng đẹp song có người lại bảo không. Dĩ nhiên, đó chỉ là vấn đề quan điểm”. Ngay cả ngày nay, một số ít người hâm mộ opera vẫn không bị thuyết phục khi nghe giọng hát của Callas và cách bà xử lý giọng hát đó. 

Tuy vậy, giới nghệ sĩ lại nghĩ khác. Giọng soprano Angel Blue, người hiện đang hát nhiều vai nổi tiếng nhất của Callas, tuyên bố: “Theo quan điểm của tôi, bà đã và đang là nữ hoàng opera. Nếu để nói về giọng hát của Maria Callas thì đó là sự dâng trào mọi cảm xúc trong cùng một lúc. Khi lắng nghe bà, tôi đồng thời cảm thấy cả niềm vui lẫn nỗi đau”.

Ngay cả những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của Callas cũng thừa nhận rằng giọng hát của bà không hoàn hảo, hay có lẽ là không phải lúc nào cũng đẹp theo kiểu truyền thống. Lyndsy Spence, tác giả cuốn tiểu sử Cast a Diva: The Hidden Life of Maria Callas, nói rằng ban đầu đã có một cú sốc nghệ thuật mới khi sự nghiệp của Callas trỗi dậy từ đống tro tàn của Thế chiến Thứ hai. Spence nhận xét: “Bà có thể hát như một cơn sóng thần. Bà có thể mang đến cho bạn vẻ đẹp, bà có thể mang đến cho bạn bóng tối, sự phong phú trong giọng hát của bà. Và bà ít nhiều là một người lập dị khi làm điều đó.”

Callas không chỉ tìm thấy vẻ đẹp trí tuệ và giọng hát trong các vai mình hát mà còn khắc lên đá các bức chân dung của mình, định vị bản chất của nhân vật để cho  những người đi sau chỉ việc vươn tới.

Theo tác giả và nhà sản xuất William Berger của Nhà hát Metropolitan Opera, Callas thuộc về một thể loại riêng. “Đối với tôi, đó là cách bà khiến các nhân vật sống bằng giọng hát của bà. Và khi nói đến các nhân vật, tôi không chỉ muốn nói đến các nhân vật trong bản tóm tắt cốt truyện. Ý tôi muốn đề cập tới các nguyên mẫu”. Berger nói rằng Callas không chỉ tìm thấy vẻ đẹp trí tuệ và giọng hát trong các vai mình hát mà còn khắc lên đá các bức chân dung của mình, định vị bản chất của nhân vật để cho  những người đi sau chỉ việc vươn tới.

Ông nói thêm rằng sự nghiêm ngặt đó có thể gây bối rối: “Theo một cách nào đó thì thật đáng sợ khi chúng ta nghe bà hát Lucia hay Tosca, bởi bà tìm thấy những khía cạnh không chỉ đẹp của vai diễn.” Trong bản ghi âm Tosca nổi tiếng năm 1953 của bà, khi nhân vật phải viện đến cách đâm kẻ tấn công mình, lúc khích hắn chết, bà lặp lại từ “Mori” bằng hơi thở hắt ra, giống như dùng miệng lưỡi bồi thêm những vết thương. Berger tin rằng đó là một phần của hiện tượng Callas – tạo ra những màn trình diễn có chất lượng mang tính huyền thoại, gần như là các nghi lễ. Blue giải thích: “Khi nghe Maria Callas, tôi có thể nghe thấy câu chuyện cuộc đời bà. “Cách bà hát “Vissi d›Arte” hoàn toàn chân thực”. Blue cho rằng Callas là một diễn viên tuyệt vời, sẵn sàng ngắt vặn lời thoại theo một cách độc đáo để diễn như thật. Việc đó đôi khi có nghĩa là phát ra những nốt kém hấp dẫn, điều mà theo như lời Blue là bà có thể cũng hiểu. Bà nói: “Tôi không cố làm mọi thứ đẹp đẽ vì cuộc sống không phải lúc nào cũng đẹp dẽ. Không phải lúc nào cũng hát đẹp.”

Sinh ra từ một cặp cha mẹ là người Hy Lạp nhập cư, cãi vã và ly thân, Callas chuyển đến Athens từ New York vào năm 1937 cùng người mẹ độc đoán và cô chị gái – hai con người mà bà sẽ phải đấu tranh một cách cay đắng. Bà lao vào opera, hát vai chính đầu tiên ở tuổi 15. Năm 1947, tại Ý, sự nghiệp quốc tế của bà cất cánh và những bản thu âm đầu tiên ra đời hai năm sau đó.

Dẫu có mọi thành công, Callas vẫn đầy mâu thuẫn. Lẽ ra bà sẽ từ bỏ tất cả chỉ để tìm được tình yêu đích thực, ổn định cuộc sống và nuôi nấng gia đình. Thay vào đó, bà trở nên gần giống với một nhân vật trong bi kịch Hy Lạp – một nghệ sĩ vươn lên từ nghèo khó, hy sinh mọi thứ cho nghệ thuật của mình và qua đời trong đau khổ ở tuổi 53. Spence nói rằng Callas đã truyền tải toàn bộ nỗi đau và đôi khi là cả niềm vui của mình vào âm nhạc. “Tôi nghĩ đến bản thu âm Carmen [1964] của bà. Bà gần như đang trải qua thời kỳ phục hưng với mối quan hệ tình cảm với Aristotle Onassis, bà hạnh phúc và đang yêu. Bạn thực sự có thể nghe thấy điều đó trong bản thu âm.”

Nhưng Berger cảnh báo nguy cơ rơi vào một loại bẫy sung sướng trên đau khổ của người khác. “Tôi không thoải mái với việc người ta gần như tận hưởng bi kịch và không can đảm đi bước tiếp theo trong quá trình bi kịch mà bà đang diễn đạt đó. Quan niệm coi nghệ sĩ vĩ đại ấy là nạn nhân phủ nhận người nghệ sĩ đã chỉ cho bạn cách làm điều gì đó tốt đẹp hơn.»

Có hai con người trong Maria Callas. Vì vậy suốt đời mình, Callas người nghệ sĩ dữ tợn, tồn tại trong mối xung đột vĩnh viễn với Maria, người phụ nữ dễ bị tổn thương. Đó là mâu thuẫn mà Spence không thể không khám phá. Ông nói: “Theo tôi, câu chuyện của bà đã bị chiếm đoạt bởi những người không biết nhiều về người phụ nữ Maria trong bà. Và tôi thực sự muốn tìm hiểu sâu hơn về con người Maria”.

Maria mà Spence tìm thấy là một người nào đó, ngoài những câu chuyện lá cải và lối sống thời trang cao cấp, không quá khác biệt với chúng ta. Bà thích xem phim phương Tây trên truyền hình, chơi với chú chó của mình và sưu tầm công thức nấu ăn. Spence nói: “Cuối cùng thì tôi cảm thấy rằng đây chỉ là một người phụ nữ bình thường với tài năng phi thường. Việc bà là người vĩ đại nhất là có lý do và bà đã nỗ lực trong công việc. Đó không chỉ do may mắn. Đó không phải do bộ máy quảng bá. Bà xứng đáng với tất cả những lời khen ngợi mà chúng ta dành cho bà, ngay cả ngày nay.”

Dẫu có những lời khen ngợi, đau khổ vẫn là một phần có thật trong câu chuyện Callas. Bà phải đối mặt với một đời sống tình ái bất hạnh với Onassis, người chồng già chuyên đào mỏ và về sau là người tình lừa dối, một sự nghiệp chật vật với những ông bầu huênh hoang, vài lần dùng thuốc ngủ quá liều và giọng hát bắt đầu có dấu hiệu sớm suy kiệt một cách bất thường. Điều cuối cùng trong số đó là nguồn cung cấp dưỡng chất dồi dào không thể cưỡng lại đối với những kẻ thích gièm pha Callas, những người cho rằng vóc dáng thon gọn mới mẻ của bà vào đầu những năm 1950 đã dẫn đến những vấn đề giọng hát. Ấy thế nhưng một số bản thu âm sống động nhất của bà lại được thực hiện vào năm 1964 lúc gần cuối sự nghiệp, bao gồm một bản thu âm trọn bộ Carmen thể hiện kỹ thuật sành sỏi và cá tính bùng cháy, và một album Verdi nơi bà phô diễn một cadenza trải rộng gần ba quãng tám trong một aria trích từ I vespri siciliani. 

Từ một người đói ăn trong những năm chiến tranh ở Hy Lạp đến việc bị những người đàn ông trong đời bắt nạt, Callas đã kiên trì để trở thành ca sĩ opera thay đổi cuộc đời mình, và đồng thời là một biểu tượng văn hóa, bất chấp hoặc có lẽ là nhờ những gian khổ gặp phải. Angel Blue nói: “Có lẽ Maria Callas là người phụ nữ đã thực sự sống vì nghệ thuật và đã thực sự sống vì tình yêu”.

Cuối cùng, tình yêu đích thực có thể đã lẩn tránh Callas. Nhưng nghệ thuật của bà, William Berger nói, sẽ mãi trường tồn. “Tôi không hiểu làm sao mà Maria Callas lại có thể có lúc bị lãng quên. Cái tên này đã trở thành một phần trong tiềm thức cộng đồng”. □

Tom Huizenga

Ngọc Anh dịch

Nguồn: https://www.npr.org/sections/deceptivecadence/2023/12/02/ 1216549233/maria-callas-the-soprano-of-the-century?ft=nprml&f=129702125 

Tác giả

(Visited 17 times, 1 visits today)