Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc: Âm nhạc đẹp như cuộc sống

Âm nhạc cổ điển, với tất cả sự đẹp đẽ và bí ẩn của nó, không chỉ trao cho nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc những trải nghiệm riêng biệt mà còn hé mở cho anh thấy giao điểm, nơi nghệ sĩ tương tác với khán giả và nghệ thuật ươm mỹ cảm cho người yêu nhạc.

Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc.

Nếu từng tình cờ nhìn thấy logo “Schubert in a Mug” ngộ nghĩnh với lọn tóc bù xù và gọng kính quen thuộc mà người ta thường hình dung về nhạc sĩ Lãng mạn Franz Schubert, hẳn bạn sẽ tò mò. Schubert trong chiếc cốc ư? Nếu tò mò lên tới cao độ, có thể bạn sẽ thử bấm chuột vào một tác phẩm Schubert sẵn có trên tài khoản “Schubert in a Mug” ở nền tảng chia sẻ âm nhạc YouTube: chương hai Andante con moto từ tam tấu Mi giáng trưởng Op. 100 do ba nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn… Một giai điệu đẹp đẽ, trong trẻo nhưng đượm buồn, giống như những gì người ta thường thấy ở âm nhạc của Schubert, được mở đầu với cello, gần như ngay sau những nốt piano đầu tiên…

Và nếu kiên nhẫn lắng nghe trong vòng 10 phút, hẳn bạn sẽ nhận được món quà mà nhà soạn nhạc và các nghệ sĩ có thể mang tới bằng cả trái tim: giai điệu chính trở đi trở lại với những sắc thái biểu cảm khác nhau, từ sự bi thương, sầu muộn chuyển sang kịch tính, cao trào. Có lẽ vì thế, trong một bức thư gửi tới nhà xuất bản vào năm 1828, Schubert đã ghi rõ là trao tặng tác phẩm này cho “không ai khác ngoài những người tìm thấy niềm vui trong đó”.

Trích đoạn tác phẩm này, với Phan Đỗ Phúc, cũng là món quà mà “Schubert in a Mug”, dự án về một chuỗi hòa nhạc thính phòng do anh thành lập vào tháng 8/2020, gửi tới tất cả những ai yêu nhạc. “Chính sự giản dị trong cuộc sống lẫn âm nhạc của Schubert khiến mình rung động. Chuỗi concert được lấy hình ảnh đại diện là Schubert, với mong muốn được chia sẻ cùng khán giả những khoảnh khắc đẹp và đầy chất thơ trong âm nhạc – theo một cách mộc mạc và tự nhiên nhất có thể… Mình mong mọi người khi tới những concert của ‘Schubert in a Mug’ sẽ có cảm giác như được về nhà, được đắm chìm trong những gì đẹp đẽ nhất của âm nhạc cổ điển, được chia sẻ suy nghĩ tâm tư của mình với những nghệ sĩ biểu diễn, và với cả những khán giả khác”, lời chia sẻ của anh trên trang facebook của dự án.

Cánh cửa “Schubert in a Mug” mà Phan Đỗ Phúc đã mở ra, mời tất cả những ai “có duyên” bước vào thế giới âm nhạc cổ điển.

Trao chiếc cốc âm nhạc

“Âm nhạc là cách biểu lộ vô cùng thiêng liêng với trái tim về những điều tuyệt đẹp và giàu chất thơ”, nghệ sĩ cello Pablo Casals từng thốt lên như vậy về âm nhạc cổ điển, thứ mà cả cuộc đời ông hạnh phúc đắm chìm. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhạc cổ điển vẫn chưa có nhiều cơ hội. Có những rào cản vô hình dựng lên giữa khán giả và sân khấu cổ điển khiến những người nghệ sĩ cảm thấy như bị cô lập trong khi luôn khao khát được biểu diễn, được chia sẻ thứ âm nhạc mình say mê và tan tỏa xúc cảm đôi khi khó diễn tả thành lời.

Khi trở về nước với lời mời làm bè trưởng bè cello cho dàn nhạc Sun Symphony và để được gần bố mẹ vào đúng “năm COVID thứ nhất”, nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc không nghĩ rằng tất cả sẽ diễn ra không theo dự tính của mình. Dàn nhạc tạm dừng hoạt động, vợ anh – nghệ sĩ piano Liao Hsin-Chiao, bị kẹt lại ở New York. “Trở thành freelance bất đắc dĩ, mình sẽ làm gì đây?”, câu hỏi Phan Đỗ Phúc đặt ra cho mình đã “đánh động” dự án mà thực ra có sẵn trong đầu từ lâu: tạo một không gian âm nhạc ấm cúng để nghệ sĩ và khán giả có thể trao đổi với nhau như những người bạn. “Schubert in a Mug” (SiaM) ra đời như vậy.

“Khán giả mới liên tục nhưng tôi luôn cảm nhận được năng lượng của họ. Dù khán giả có thể không hiểu lắm về ngôn ngữ âm nhạc cổ điển nhưng họ vẫn ‘bắt’ được tình cảm của người biểu diễn. Khó có thể diễn tả thành lời nhưng nếu anh chăm chút cho bản nhạc, dồn hết tâm lực vào đó thì khán giả vẫn có thể cảm nhận được”. (Nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc)

Là nghệ sĩ cổ điển, anh ao ước được biểu diễn trong những không gian như vậy, vừa vặn cho khoảng 20 đến 30, 40 khán giả ngồi quanh, lắng nghe trong vòng một đến một tiếng rưỡi. “Khi đó, khán giả cách mình chừng vài mét, mình có thể có cơ hội trò chuyện, hỏi han, thấy được họ tập trung hay không, thích thú hay lơ đãng, đồng thời cảm nhận được rất rõ năng lượng của khán giả… Nó đã tiếp sức cho mình”, anh nói. Khi còn ở New York, anh đã tham gia biểu diễn ở nhiều sân khấu khác nhau, thậm chí lập một nhóm tam tấu. Cũng như ở nhiều nơi phát triển về âm nhạc cổ điển khác, New York có môi trường biểu diễn hết sức đa dạng và phong phú, không chỉ gồm các điểm biểu diễn chuyên nghiệp như phòng hòa nhạc lớn hàng nghìn khán giả, các phòng hòa nhạc thính phòng vài chục, vài trăm người mà còn có cả “những cộng đồng nhỏ tự tìm đến nhau, ví dụ nhà này có phòng khách có thể mời mọi người đến, có nhóm nhạc có thể biểu diễn… vậy là tất cả có thể cùng nhau biểu diễn và lắng nghe”, anh kể.

Với suy nghĩ này, Phan Đỗ Phúc đã trao đổi với một số bạn bè chơi nhạc ở Hà Nội như Hoàng Hồ Thu, nghệ sĩ piano tốt nghiệp ở Nhạc viện Liszt, Hungary, và Patcharaphan Khumprakob, nghệ sĩ viola người Thái Lan chơi cho dàn nhạc Sun Symphony, về một cơ hội biểu diễn, chứ không phải là một dự án thương mại. “SiaM” là vậy, chắc chắn rồi. “Ngay từ đầu, việc chơi tác phẩm mình yêu thích là yếu tố tiên quyết vì mình phải thích đã, phải thuyết phục được mình đã. Và tôi tin là khi mình được làm điều mình thích thì mình sẽ làm tốt và thu hút được khán giả.”, Phan Đỗ Phúc kể. Được làm nghề và có khán giả chẳng phải là ước mơ của mọi nghệ sĩ sao.

Mặc dù đều từng biểu diễn trong nhiều thính phòng quốc tế nhưng buổi ra mắt “SiaM” cũng khiến cả ba cảm thấy hồi hộp, thậm chí đôi chút lo lắng: Liệu khán giả có đến như đăng ký không? Khán giả có thể ngồi tập trung một chương trình cổ điển chừng tiếng rưỡi đồng hồ không? Liệu mọi người có thật sự thích nghe các tác phẩm đó không?… “Dĩ nhiên, tôi nghĩ bản thân mình hạnh phúc ngay cả trước 10 đến 12 khán giả, miễn là họ sẵn sàng lắng nghe. Mình muốn chơi cho những người muốn nghe”, anh chia sẻ.

Trong buổi ra mắt, Phan Đỗ Phúc đã chọn trích đoạn tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng, trải dài từ thời kỳ Baroque, Cổ điển, Lãng mạn đến đầu thế kỷ 20 để tạo một “chiếc cốc âm nhạc” với khẩu vị phong phú và nhiều sắc thái cảm xúc. Đến giờ, dù “SiaM” đã có tới 20 buổi hòa nhạc qua ba mùa diễn, ở nhiều địa điểm khác nhau, nhưng với Phan Đỗ Phúc, buổi hòa nhạc đầu tiên vẫn có giá trị đặc biệt: “Chỉ chừng 10 người và ngay lập tức tôi đã cảm nhận được sự chăm chú của khán giả. Cảm giác nguồn năng lượng từ khán giả đã rất tốt rồi, mọi người thấy thích nghe mình và phản hồi hết sức xúc động”. Có lẽ việc được lắng nghe âm thanh sống động ở khoảng cách gần như vậy đủ sức ươm tình yêu với nhạc cổ điển, bởi nói như nhạc trưởng Gustavo Dudamel “Không có người nào mà lại không thích nhạc cổ điển. Nếu có thì chỉ vì họ không có cơ hội để hiểu và trải nghiệm nó”.

Những câu chuyện âm nhạc mà Phan Đỗ Phúc và bè bạn kể cho khán giả ở những buổi diễn sau đó, bằng chính đam mê và tâm huyết, không chỉ gồm những trích đoạn quen thuộc với khán giả Việt Nam mà còn mở rộng đến cả những tác phẩm không mấy dễ nghe. Có vẻ như một thách thức với khán giả? Biết là khó nên trước khi biểu diễn, mình phải trao đổi với khán giả là bài này sẽ hay, thú vị ở những chỗ nào…, anh nói. Thật lạ là các vị mới của chiếc cốc âm nhạc cũng khiến khán giả thích thú. Vì vậy mà theo Phan Đỗ Phúc, “thời gian gần đây, nhóm bắt đầu chơi những tác phẩm dài hơn, không chỉ là trích đoạn nữa. Nói chung mình liều lĩnh hơn, ví dụ trio của Schubert trước đây chỉ chơi một chương, giờ chơi cả bài, cả chương trình độc nhất tác phẩm này thôi”.

Những trăn trở, dằn vặt của người làm nghề và yêu nghề khiến Phan Đỗ Phúc “luôn luôn phải nghe lại mình”, không phải vì quá tự hào về tiếng đàn của mình mà “có những lúc thấy mình diễn kinh quá, không tốt một chút nào”.

Khán giả đến dự các buổi hòa nhạc của SiaM, được tổ chức gần như đều đặn hai lần một tháng, không nghĩ rằng bản thân sự có mặt và lắng nghe một cách chăm chú, vui thích của mình đã là một món quà vô giá với các nghệ sĩ. “Khán giả mới liên tục nhưng tôi luôn cảm nhận được năng lượng của họ. Dù khán giả có thể không hiểu lắm về ngôn ngữ âm nhạc cổ điển nhưng họ vẫn ‘bắt’ được tình cảm của người biểu diễn. Khó có thể diễn tả thành lời nhưng nếu anh chăm chút cho bản nhạc, dồn hết tâm lực vào đó thì khán giả vẫn có thể cảm nhận được”, Phan Đỗ Phúc nói, không phải không hạnh phúc.

Tạm rời sân khấu lớn để đến với khán giả ở khoảng cách gần gụi hơn, Phan Đỗ Phúc không ngờ rằng mình còn gặp rất nhiều điều thú vị: cộng tác với những nghệ sĩ ở nhiều dòng nhạc khác nhau, từ Lê Cát Trọng Lý đến Quyền Thiện Đắc, từ jazz đến âm nhạc dân tộc. Không bao giờ nỗ lực bỏ ra cho những kết nối đó lại vô nghĩa. “Tôi tin là các loại hình nghệ thuật khác, khi đủ tốt, đủ sâu thì nó cũng có giá trị. Bản thân tôi thấy được những góc cạnh mới lạ của ngôn ngữ âm nhạc, cách nghệ sĩ của dòng nhạc khác xử lý các vấn đề âm nhạc và năng lượng của mọi người…”, anh lý giải.

Và rồi món quà mà âm nhạc trao cho Phan Đỗ Phúc đến ở giờ phút anh không nghĩ đến nó nhất: năm 2021, ông Tetsuji Honna, Giám đốc Nghệ thuật của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, mời anh làm nhạc trưởng của dàn nhạc trẻ của dàn nhạc. Đó là dự án tâm huyết của nhạc trưởng Honna bởi từ lâu ông tin là mối quan hệ mật thiết với âm nhạc cổ điển lúc nhỏ đủ sức đem lại cho người ta mỹ cảm, ngay cả khi sau này theo những ngành nghề khác. Điều này tốt cho từng người và sau đó, tốt cho xã hội. “Ông ấy nói là tin tôi sẽ điều hành tốt dàn nhạc và có thể đem lại giá trị. Vậy có muốn làm không? Tôi đồng ý và rút cục làm thì vui và hạnh phúc”, anh kể. Chính niềm vui được làm việc với các bạn trẻ, ngây thơ trong sáng và yêu âm nhạc thực sự đã khiến anh từ chối trở lại với Sun Symphony khi dàn nhạc hoạt động trở lại.

Dường như, tất cả đã sắp xếp vừa khéo để anh đi đúng con đường âm nhạc cổ điển?

Thấy mình trong âm nhạc

Một buổi diễn của “Schubert in a Mug”.

Có lẽ, khi nhìn lại con đường của mình, Phan Đỗ Phúc luôn cảm thấy may mắn và những gì mình nhận được vừa đủ để có thể theo đuổi âm nhạc. Học đàn organ từ năm bốn tuổi, không vì ham thích hay gia đình có truyền thống âm nhạc mà vì “bố tôi, một người từng có thời gian làm ở Viện Vật lý, luôn tin là âm nhạc giúp cho người ta lành tính hơn”, anh kể. Sự nghiêm túc trong việc học của bố, khi luôn tập đàn cùng con mình và cái roi bên cạnh, ở khía cạnh nào đó, đã tạo thành nếp cho Phúc.

Từ những bài học nhạc với cái roi của bố đến những năm tháng học tại Ý và Mỹ bằng học bổng toàn phần, khi đã chuyển sang cây đàn cello, Phan Đỗ Phúc nhận ra, chỉ có thể đi theo con đường âm nhạc nếu mình nghiêm túc và dành nhiều thời gian cho nó hơn. Anh không biết mình thực sự gắn bó với cello từ bao giờ nhưng mỗi ngày, anh cảm thấy thêm yêu tiếng cây đàn này: “Chơi nhạc cụ gì sẽ thích nhạc cụ đấy. Có thể nói là tiếng cello nó đâm rất sâu vào con người mình, thôi thúc gan ruột mình. Tôi đã từng nghe nhiều nghệ sĩ chơi đàn, âm thanh của họ rất sâu, dằn vặt…”.

“Bất cứ nhạc cụ nào cũng dễ chơi: tất cả những gì anh cần phải làm là chạm đúng nốt và đúng thời điểm, còn lại nhạc cụ nó sẽ tự chơi”, câu nói của Johann Sebastian Bach cho thấy, để “chạm đúng nốt và đúng thời điểm”, người nghệ sĩ phải trải qua một quãng đường dài khổ luyện. Với Phan Đỗ Phúc, ngoài việc luyện đàn theo sự hướng dẫn của thầy là nghệ sĩ Colin Carr, anh còn dành nhiều thời gian học hỏi, chiêm nghiệm tiếng đàn của nhiều nghệ sĩ bậc thầy. “Việc mình xem lại có khi là tìm hiểu cách xử lý vĩ, phân câu nhạc…, qua đó đặt câu hỏi là cùng một câu nhạc, có nhiều người chơi mà tại sao mình thích ông này nhất? ông ấy chú trọng vào nốt nào? Không có gì đúng sai ở đấy cả nhưng tại sao nó lại hấp dẫn mình. Mình ngồi bóc tách và thử lý giải”, anh chia sẻ. Sự tiếp nhận và học hỏi từ những bậc tiền bối đem lại cho Phúc rất nhiều điều bổ ích. Anh lý giải “Tôi muốn họ cho mình một vài gợi ý. Nhiều khi tập luyện thì mình đã có được ít sắc thái biểu cảm, luyến láy rồi nhưng tại sao âm thanh vang lên mà mình không thấy hay? Nghe mới hiểu ra là nghệ sỹ bậc thầy có thêm chi tiết, làm rõ được kết cấu, mình ghi lại và tìm cách phù hợp để xử lý”.

Có phải mỗi nghệ sĩ đều có một thần tượng? Ồ đúng đấy, từng người lại hướng một cách tự nhiên về những huyền thoại, tùy gu, Phúc cười. “Thường thì tùy tác phẩm mà mình thích người này người nọ nhưng về toàn diện thì tôi thích Yo Yo Ma hơn cả. Ông ấy biết cách bắt được cái thần của từng bài và cách ông ấy dàn dựng tác phẩm rất hấp dẫn, logic, nó lôi được người nghe đi từ câu nhạc này tới câu nhạc khác. Cùng một câu nhạc ấy thôi mà khi ông ấy đánh thì nghe không dứt ra được, ông ấy cứ lôi mình đi như theo dòng của người kể chuyện vậy”, anh nói.

Trên con đường nghệ thuật, Phúc có cơ hội học hỏi trực tiếp từ những bậc thầy, ví dụ nhạc trưởng huyền thoại Valery Gergiev, khi biểu diễn giao hưởng số 9 của Schubert với dàn nhạc Trẻ Thái Bình dương. “Trong âm nhạc, mình cảm thấy ông ấy có gì đó vĩ đại và khác biệt. Ông không diễn giải nhiều, đơn thuần phát ngôn những triết lý âm nhạc nghe tưởng như đơn giản nhưng lại rất sâu sắc. Điều đáng kể nhất là năng lượng ông tỏa ra, rất trừu tượng, nhưng cảm nhận được, khiến người ta cảm thấy có gì đó hùng vĩ bên trong”, anh kể. Có lẽ, mức năng lượng mà mỗi nghệ sĩ mang lại, ngoài tài năng, còn có cả trải nghiệm, tâm huyết của những người đặt hết cuộc đời mình vào đó.

Quãng thời gian học tại ĐH Stony Brook (Mỹ), anh gặp gỡ tứ tấu đàn dây Emerson, khi họ là Nghệ sĩ lưu trú (Artist Resident) của trường. Việc được học những nghệ sĩ xuất sắc như vậy đem lại nhiều gợi ý cho anh khi về Việt Nam. “Tôi cũng được diễn cùng họ. Dù họ ở đẳng cấp khác nhưng lại rất thoải mái, coi tất cả cùng là đồng nghiệp nên rủ cả sinh viên chơi cùng một vài concert, hai người trong tứ tấu Emerson, hai sinh viên”, anh cho biết. “Tôi cũng tin điều đó tốt, nên cũng thử áp dụng chơi một vài tác phẩm với học sinh. Cái hay trong âm nhạc là nó không phân biệt tuổi tác, một bạn nhỏ cũng có thể chơi hay hơn cả người trưởng thành”.

Sống trong thế giới âm nhạc, chưa bao giờ Phan Đỗ Phúc thấy mất đi sự cuốn hút, mới mẻ. Năm 2022, âm nhạc trao thêm cho anh một món quà: trở thành nghệ sĩ solo với hai kiệt tác, concerto cello của Antonin Dvorak và concerto ba đàn của Beethoven, cùng dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và nhạc trưởng Honna. Cả hai tác phẩm đều rất khó với người chơi, không chỉ vì sự hùng vĩ và đồ sộ mà còn sự thách thức về mặt kỹ thuật. “Concerto Drovak rất lớn, quy mô của dàn nhạc Lãng mạn rất lớn, nhiều kèn đồng nên nếu mình không đủ năng lượng thì mình sẽ bị chìm trong cả 50 phút trình tấu. Mặt khác, Dvorak trao cho cello nhiều cơ hội nên để nó chạy trên âm vực rất là rộng, gần như violin. Người chơi phải đủ năng lượng để tạo ra tiếng đàn trong vòng 50 phút, đủ lỏng để giữ sức nhưng vẫn phải có sức mạnh, không thì èo uột”, anh phân tích. “Concerto của Beethoven thậm chí khó hơn bởi nó rất tinh gọn, chặt chẽ, hoàn hảo, từng nốt một phải được đầu tư chăm chút một cách tỉ mỉ, chỉn chu. Tác phẩm đó được viết cho cello ở âm vực cao trong khi lên cao, âm chuẩn của cello dễ bị cảm giác chơi vơi”.

Những trăn trở, dằn vặt của người làm nghề và yêu nghề khiến Phan Đỗ Phúc “luôn luôn phải nghe lại mình”, không phải vì quá tự hào về tiếng đàn của mình mà “có những lúc thấy mình diễn kinh quá, không tốt một chút nào. Tại sao lại như vậy? Tự mình phân tích, tự nghe và tự vấn. Đừng cho là khán giả không thấy đâu, có thể nhiều thứ họ không nắm hết nhưng đủ tinh tế cảm nhận được nghệ sĩ chơi với 100% khả năng hay 80%”. Có một điểm mà Phúc cho là mình may mắn khi vợ anh là một nhà tư vấn nghiêm khắc, “chơi phô quá, nhịp phách không chuẩn. Tôi luôn được học ở nhà. Chắc là nhờ vậy mà hiểu âm nhạc sâu sắc hơn”.

Vậy thì chắc hẳn khi chuyển đổi môi trường từ New York về Hà Nội sẽ không bị sốc chứ? Ồ không sốc lắm, mới sang đó thì sao khác thế nhưng ở lâu rồi, thấy con người ở đâu cũng giống nhau, cũng có những mối lo tương tự nhau. Quan trọng là mình, người nghệ sĩ phải thực sự đam mê và tìm cách truyền tình yêu âm nhạc đó đến mọi người.□    

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)