Nghệ sĩ Yo-Yo Ma: Những bài ca an ủi và gợi hi vọng

Vừa qua, nghệ sĩ cello Yo-Yo Ma đã phát trực tuyến loạt chương trình biểu diễn “Songs of Comfort” (Những bài ca an ủi) trên YouTube và mạng xã hội với các tổ khúc của Bach để tưởng niệm những người đã mất vì Covid-19. Và vào ngày 11/12 tới, ông sẽ phát hành “Songs of Comfort and Hope” (Những bài ca an ủi và hi vọng), một album được thu âm cùng nghệ sỹ piano Kathryn Stott. Quan điểm của ông là “mọi người cần nhau và cần cả âm nhạc.”


Nghệ sĩ Yo-Yo Ma sẽ phát hành “Songs of Comfort and Hope” (Những bài ca an ủi và hi vọng) vào ngày 11/12. Nguồn: qz.com

Trong đại dịch mọi người tìm đến âm nhạc để được khuây khỏa. Ông đã nhận ra những mẫu số chung trong thứ âm nhạc an ủi này chưa?

Suốt đời tôi đã tự hỏi “Mục đích của âm nhạc là gì?” Nó giống như việc cố gắng tìm kiếm ý nghĩa hầu như mỗi ngày, vì mục đích ngày hôm qua có thể không phải là mục đích ngày hôm nay. Điều mà đại dịch đã đúc kết trong tâm trí tôi là chúng ta cần âm nhạc vì nó giúp chúng ta đạt được những trạng thái tâm trí rất cụ thể. Không giống như “Hãy nghe nhạc của tôi; nó sẽ giúp ích” mà đúng hơn là mọi người đều muốn đạt được những trạng thái tâm trí nhất định trong ngày, trong chu kỳ mùa. Và trong một đại dịch, với sự xa lánh do không được tiếp xúc xã hội, âm nhạc cũng là một lực lượng vật chất, đó là năng lượng. Rối mới đến những thứ phức tạp hơn, như cách một số bài hát khơi gợi trí nhớ. Một số mùi nhất định có thể gợi ngay đến ký ức thời thơ ấu về chiếc bánh táo bà anh nướng. Âm nhạc có thể làm điều tương tự. Nụ hôn đầu của anh. Lễ cưới của anh. Và không may là, trong thời gian này chúng ta mất đi một số bạn bè, anh có những lễ tưởng niệm ảo và anh chơi nhạc cho những buổi lễ đó. Tất cả những điều đó là để nói rằng anh có thể làm bất cứ việc gì cần thiết với âm nhạc. Chúng ta cần âm nhạc để làm cho chúng ta cảm thấy cân bằng trong những thời gian khó khăn và tốt đẹp.

 

Các tác phẩm của Bach ban đầu được soạn để làm các khúc luyện tập nhưng nay chúng đã trở thành biểu tượng của sự thanh tẩy. Phép màu của chúng là gì?

Bach đã viết các tổ khúc Cello trong quãng thời gian duy nhất mà ông không phục vụ nhà thờ. Nó vào khoảng từ năm 1720 đến năm 1722. Đây là quãng thời gian ông không phải viết cantata cho các ngày Chủ nhật. Ông có thể thử nghiệm xa hơn. Vì vậy, cách tôi nhìn vào các tổ khúc – và đây là một cách vòng vo để trả lời câu hỏi của anh – là tôi tưởng tượng Bach đang tự nhủ: “Này, mình chơi rất nhiều nhạc cụ. Mình chơi organ, mình chơi harpsicord, mình chơi oboe và có cả đàn cello. Mình sẽ tìm ra những gì mình có thể làm với cello.” Ông nói: “Mình sẽ học mọi thứ về nhạc cụ này.” Ông viết tổ khúc thứ nhất, thứ hai và thứ ba. Ông khám phá ra điều gì? “Chà, giờ mình đã biết chính xác cách hoạt động của đàn cello.” Rồi ông bảo: “Vì bản tính của mình là thích thử nghiệm, giờ mình muốn tìm ra những gì cello không thể làm được.” Một việc mà cello không thể làm là giữ nhiều nốt nhạc cùng một lúc. Vì vậy, ông nói: “Được rồi, mình sẽ làm việc đó như thế nào? Có lẽ mình có thể tìm ra cách để phát minh ra thứ gì đó. Aha! Nếu mình dùng đôi tai thính giả để điền đầy những gì mình không thể làm theo lối phức điệu thì sao? Tôi cho anh một nốt để nó nằm trong bộ nhớ của anh, sau đó có thể tôi để nó lại đó, nhưng hãy làm theo cách để trong khoảng bảy giây tôi có nốt tiếp theo nhưng anh vẫn nhớ nốt thứ nhất”. Ông làm điều đó với các giọng khác nhau, và đặc biệt là với bè trầm.

Và bắt đầu với tổ khúc thứ tư, ông ngày càng có nhiều sáng tạo hơn khi tạo ra các cấu trúc lớn hơn – giống như một vũ trụ chứa đầy những ngôi sao neutron và vật chất tôi của thiên hà, kiểu như: “Tôi có thể đưa bạn đến một thế giới khác bằng cách nghịch ngợm các phép hoán vị của tôi và sự tiếp nhận chúng trong tiềm thức của bạn”.

Tổ khúc thứ tư, thứ năm và thứ sáu càng mang tính thử nghiệm hơn. Đến tổ khúc thứ năm, ông điều chỉnh cello xuống một nốt vì vậy ông có hợp âm phong phú hơn. Đến tổ khúc thứ sáu, ông thực sự viết cho một nhạc cụ năm dây thay vì một nhạc cụ bốn dây, cây đàn viola pomposa2. Ông đang mở rộng phạm vi của nhạc cụ và thay đổi nó theo đúng nghĩa đen.

 

Cảm xúc đi vào đâu? Điều này liên quan gì đến việc chữa lành hoặc an ủi?

Nếu anh chán nản và bế tắc, thì về cơ bản anh đang rơi vào một dạng tê liệt. Các tế bào thần kinh của anh đang vận hành ở mức độ thấp và công suất thấp. Âm nhạc là một chất kích thích. Anh đáp ứng nó nhưng anh đang phản ứng trong tiềm thức với một thứ gì đó khiến não anh hoạt động.

 

Vậy sự tài khéo trong âm nhạc của Bach kích hoạt các tế bào thần kinh gây ra cảm giác tích cực ư?

Chính xác. Theo một cách nào đó, đó là phương pháp Socrate: Về mặt âm nhạc, các tổ khúc đang hỏi “Bạn sẽ tìm câu trả lời như thế nào?” Có thể đó chỉ là tưởng tượng của tôi, nhưng bằng chứng là mọi người tìm thấy cái gì đó trong tác phẩm âm nhạc này. Tôi biết là mình cũng vậy.

 

Ông có nghĩ về việc mình hiện diện trước công chúng với thân phận là người Mỹ gốc Hoa không? Chúng ta đang ở thời điểm mà mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc gia tăng ở Hoa Kỳ còn cá tính của ông có vẻ trái ngược hẳn với những định kiến ​​tiêu cực về người Mỹ gốc Hoa. Đó có phải là cố ý?

Anh đang hỏi một câu hỏi khá rộng đối với Hoa Kỳ. Gần như là sáu hoặc tám quốc gia rất khác nhau về tính cách đã được kết hợp với nhau để tạo thành Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhưng đây là một cách trả lời: Khi tôi bắt đầu biểu diễn hòa nhạc thường xuyên vào đầu những năm 20 tuổi thì ở châu Âu câu hỏi thường được hỏi nhất là “Làm thế nào một người phương Đông như anh có thể hiểu âm nhạc?” Đó là một chút định kiến về người châu Á theo thói thường. Là nghệ sỹ chơi nhạc vào thời điểm đó là một điều dị thường. Giờ thì số lượng người châu Á trong các dàn nhạc đã khá lớn. Khi tôi khởi nghiệp, Seiji Ozawa3 là nhạc trưởng của Boston Symphony và tôi luôn ghi nhận công lao của ông trong việc là phá vỡ định kiến. Ông là một nhạc trưởng để tóc dài kiểu hippie. Ông khi ấy là một chàng trai tuyệt vời. Vì có ông mà tôi gần như chỉ là làn sóng thứ hai. Điều đó dễ dàng hơn. Giờ thì người ta lại hỏi “Cảm giác của anh thế nào khi là một trong số rất ít người Mỹ gốc Phi trong một dàn nhạc lớn?” – Anthony McGill4 hiện đang được đề cao. Anh ấy là một nghệ sĩ tuyệt vời. Anh ấy có một tâm hồn đẹp. Có những nghệ sỹ người Mỹ gốc Phi như cổ tích nhưng tôi nghĩ rằng môi trường cần phải thoải mái hơn.

 

Nói rộng hơn thì ông nghĩ thế nào về môi trường cụ thể mà ông đang chơi nhạc?

Với một nghệ sỹ như tôi, tôi cố gắng nhận thức được mình đang ở đâu. Là nghệ sỹ biểu diễn, nhiệm vụ của tôi là biến người nghe thành người quan trọng nhất trong thính phòng. Cách duy nhất để tránh kiệt sức là quan tâm đến vị trí của anh. Anh bạn tốt Manny Axe5 của tôi luôn nói với tôi rằng không quan trọng việc anh đã làm ngày hôm qua; việc anh ở đây hôm nay mới đáng kể. Sự hiện diện. Sự quan tâm. Anh đang làm việc với chất liệu sống. Điều trở lại với ký ức. Chất liệu sống chỉ sống nếu nó đáng nhớ. Nó không chỉ đáng nhớ mà anh còn truyền tải nó. Đó là điều tôi đang nghĩ đến mỗi lần tương tác. Cho dù đó là một đứa trẻ, một người nào đó trên phố, trong phòng hòa nhạc hay với anh, David. Cũng giống nhau thôi: hiện diện như thế nào. Bởi sẽ ra sao nếu anh không hiện diện?

 

Vậy tại sao chúng ta lại ở đây?

Thế đấy. Anh đang thừa nhận sự tồn tại của ai đó bằng sự hiện diện. Việc đó có thể tốn nhiều năng lượng hơn, nhưng này anh bạn, liệu nó có đáng hơn nhiều không. Việc đó khiến tôi vui. Việc đó khiến mọi người vui. Điều đó thật tuyệt vời!□

 

Ngọc Anh dịch

1. Ma đã phát hành ba bản thu âm các tổ khúc cello vào các năm 1983, 1997 và 2018 mà theo ông là lần cuối cùng ông trèo lên ngọn núi đặc biệt đó.

2. Không có sự nhất trí về tính chất của viola pomposa hay cách nó được chơi, và nó thường được kết hợp với một nhạc cụ khác kiểu cello nhỏ, violoncello piccolo.

3. Nhạc trưởng người Nhật là giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc Giao hưởng Boston từ năm 1973 đến năm 2002.

4. Nghệ sỹ bè trưởng bè clarinet của Dàn nhạc New York Philharmonic.

5. Nghệ sĩ piano Emanuel Axe, người bạn và cộng tác viên lâu năm của Ma.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)