Người dân thấm nhuần đạo Phật, xã hội được bình an
Theo TS Thái Kim Lan, nếu sống đúng tinh thần Đạo Phật, giới trẻ trang bị cho mình niềm tự tin, tinh thần khoa học, tinh thần trách nhiệm với thế giới bên ngoài, ý thức rõ tương quan của mỗi người đối với môi trường cộng sinh, sống tinh tấn và khoẻ mạnh.
– Tại Ấn Độ dưới triều vua A Dục (thế kỷ thứ hai trước công nguyên) Phật Đản đã là quốc lễ. Tại Tích Lan, thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, tại Trung Quốc thế kỷ thứ tư; tại Tây Tạng, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan, Lào Miến Điện… lễ Phật Đản phần lớn do nhà vua thiết lễ nhưng được cử hành với sự tham dự đông đảo của quần chúng nhân dân. Tại Nhật Bản lễ Phật đản dân chúng đi hái mọi loại hoa rừng, cắm vào cành tre vót nhọn, làm lễ Phật. Các bó hoa này gọi tên là hoa hướng thiên đường, hay là hoa tôn quý.
Ở Việt Nam, Lễ hội Phật Đản đã đi vào lòng người. Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu…
Nếu ai ở Huế vào những ngày này thì cũng chẳng cần đọc lại lịch sử. Những điều tôi vừa chứng kiến là nơi nơi từ miền quê xa xôi cho đến phố xá, treo đèn kết hoa, dòng người đến chùa lũ lượt, các gia đình Phật tử gia công nghệ thuật trang hoàng nhà cửa và xe hoa rước Phật…
Nhìn cảnh ấy ắt biết sức sống mãnh liệt của ngày Phật Đản. Lễ Phật Đản có sức sống mãnh liệt vì mang đúng ý nghĩa, một lễ hội dân gian, ai ai cũng nức lòng tự nguyện, không bị ép buộc. Ngày ấy là ngày đẹp nhất trong năm, ngày ấy xoá buồn, mang niềm tin và hi vọng, mang an lạc nội tâm, được cùng nhau chia xẻ trong đồng đẳng Phật tính và lạc quan giải thoát dưới ánh sáng từ bi của Đức Phật.
Ít có lễ hội truyền thống nào mang ý nghĩa thăng hoa cuộc sống cho con người như thế. Tôi nghĩ rằng sức sống được vun đắp từ người dân, được thăng hoa từ tâm hồn yêu đạo yêu đời của mỗi người. Phật Đản Huế đẹp như thế ấy. Mà không riêng chi Phật Đản Huế. Ngày Phật đản sanh đã được Liên Hiệp Quốc công nhận là ngày lễ quốc tế với thông điệp hoà bình của Đức Phật.
– Ở nhiều nước Phật giáo được xem là quốc giáo cho nên Phật giáo đi vào đời sống một cách rất tự nhiên. Điều đó đưa lại những lợi ích gì cho xã hội?
Tiến sĩ Thái Kim Lan nguyên là một trong những “thủ lĩnh” Sinh viên Phật tử Huế thời kỳ 1962-1965, sáng lập viên Đoàn Sinh viên Phật tử tại CHLB Đức (1968 – 1972), Tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Phật tử Âu châu (1972-1975). |
– Dù là quốc giáo hay không, đạo Phật không suy giảm ý nghĩa cứu đời độ thế. Tuy nhiên, việc truy nhận này tạo cơ hội tốt hơn để người dân dễ dàng thực hiện niềm tin của mình và học giáo lý của Đức Phật, “một vị hữu tình không bị chi phối đã sanh ra ở đời vì hạnh phúc của số đông, vì an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”. Người dân thấm nhuần đạo Phật, xã hội được bình an, đời sống con người theo đạo hạnh “làm lành tránh giữ”, “tu nhân tích đức”, “tu tâm dưỡng tánh” là điều kiện an ninh cho chính mình và cho xã hội, từ đó hạnh phúc quốc gia được bảo đảm.
– Theo chị, thời đại ngày nay giáo lý Phật giáo có những tác động tích cực như thế nào trong việc hình thành nhân cách, lối sống cho tuổi trẻ?
– Nếu sống đúng tinh thần Đạo Phật, giới trẻ trang bị cho mình niềm tự tin, tinh thần khoa học (chánh kiến) và lòng lân cảm với muôn loài, tinh thần trách nhiệm với thế giới bên ngoài, ý thức rõ tương quan của mỗi người đối với môi trường cộng sinh, sống tinh tấn và khoẻ mạnh. Tất cả những điều ấy cần thiết cho sự hình thành nhân cách và sự tiến thân có nhân cách.
– Một thời chưa xa Phật giáo đã có tác động tích cực đến tuổi trẻ ở các đô thị miền Nam trong phong trào đấu tranh vì hoà bình. Ngày nay, Phật giáo có thể đóng vai trò gì để tiếp sức cho các phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên phụng sự xã hội?
– Nhìn từ chính bản thân mình, nhờ sự dấn thân trong phong trào Phật giáo những năm đầu thập kỷ 60 mà tôi có cơ hội vượt qua tính vị kỷ, ích kỷ và mở rộng lòng cho những việc hữu ích đối với người khác. Tính đoàn kết vì lợi ích chung được phát triển đồng thời với việc học giáo lý của Phật. Biết nỗi khổ của người khác và công bằng đối với mọi người, lấy tâm không phân biệt đối xử để thông cảm với những người yếu kém hơn. Nhưng có lẽ điểm quan trọng nhất, theo tôi, là tinh thần sáng suốt và phương pháp phân tích nguyên nhân của mọi mâu thuẫn để biết mâu thuẫn nằm ở đâu sẽ tiếp sức cho sự thành công của những phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên phụng sự xã hội. Và dĩ nhiên, nhiệt tâm tham gia, trong đạo Phật gọi là “phát tâm vô lượng”.
– Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi bổ ích này!