“Người kể chuyện”

Việc Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn 2012 đã gây ra nhiều ý kiến phản đối ở phương Tây và trong giới bất đồng chính kiến người Hoa, chủ yếu xoay quanh thái độ chính trị của Mạc Ngôn. Trong bối cảnh đó, Diễn từ Nobel của ông được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm.

Lời giới thiệu: Giải Nobel Văn chương luôn gây ra tranh cãi ồn ào. Bởi vậy Diễn từ Nobel của chủ nhân giải này đọc tại Viện Hàn lâm Thụy Điển ít ngày trước Lễ trao giải trở thành phát biểu quan trọng nhất của người đó trong chuyến đi Stockholm nhận giải thưởng. Nó được coi là sự bày tỏ quan điểm của tác giả đối với cuộc tranh cãi xung quanh giải thưởng mình được tặng.

Việc Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố Mạc Ngôn được trao giải Nobel Văn 2012 đã gây ra nhiều ý kiến phản đối ở phương Tây và trong giới bất đồng chính kiến người Hoa, chủ yếu xoay quanh thái độ chính trị của Mạc Ngôn. Trong bối cảnh đó, Diễn từ Nobel của ông được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm. Trong đoàn 14 người của Mạc Ngôn đi Stockholm lần này có tới chín chuyên gia phiên dịch. GS Lương Vĩnh An (Trung Quốc) cho rằng có thể chia diễn từ Nobel ra làm loại “chú trọng trình bày giá trị cơ bản của văn học”, như Faulkner (Nobel 1949), và loại “chú trọng trình bày văn hóa dân tộc” như Yasunari Kawabata (Nobel 1968). Có người nói Mạc Ngôn sẽ tham khảo diễn từ của Kawabata. Tối 7/12, Mạc Ngôn trong bộ Tôn Trung Sơn màu xám đã dùng tiếng Trung Quốc đọc diễn từ Nobel của mình dưới tiêu đề “Người kể chuyện”. Toàn văn diễn từ in bằng sáu thứ tiếng được phát trước một giờ cho khoảng 400 thính giả tới dự. Video của BBC cho thấy phần đầu bài này có dịch miệng ra tiếng Anh. Bài nói kéo dài 37 phút, sớm 6 phút so dự kiến.

Kính thưa các Viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển, thưa các quý bà quý ông.

Tôi nghĩ rằng, qua truyền hình hoặc mạng Internet, các vị có mặt ở đây đã có hiểu biết hoặc nhiều hoặc ít về cái làng Cao Mật vùng Đông Bắc xa xôi. Có lẽ các vị đã nhìn thấy ông bố 90 tuổi của tôi, các ông anh bà chị của tôi, thấy vợ và con gái tôi cùng đứa cháu ngoại 1 năm 4 tháng tuổi của tôi. Nhưng có một người mà giờ đây tôi nhớ tới nhất là mẹ tôi thì quý vị sẽ mãi mãi không thể thấy được. Sau khi có tin tôi được tặng giải Nobel, nhiều người đã chia xẻ với tôi niềm vinh quang này, song mẹ tôi thì lại không thể nào chia xẻ được.

Mẹ tôi sinh năm 1922, mất năm 1994. Tro xương của bà được mai táng trong vườn đào phía Đông làng tôi. Năm ngoái có một con đường sắt cần đi qua chỗ đó, chúng tôi không thể không chuyển phần mộ của bà đến một chỗ xa hơn. Sau khi mở phần mộ, chúng tôi thấy cỗ quan tài đã mục nát, tro xương của mẹ đã lẫn với đất. Chúng tôi đành đào lấy một ít đất có tính tượng trưng chuyển đến ngôi mộ mới. Cũng từ lúc ấy trở đi tôi cảm thấy mẹ tôi là một phần của đất, tôi đứng trên mảnh đất này nói gì tức là nói với mẹ.

Tôi là con út của mẹ tôi.

Câu chuyện sớm nhất trong trí nhớ của tôi như sau. Hôm ấy tôi xách chiếc phích duy nhất của nhà mình đến nhà ăn tập thể lấy nước sôi. Vì đói ăn sức yếu, tôi lỡ tay đánh rơi làm chiếc phích vỡ tan tành. Sợ muốn chết, tôi trốn vào bụi cỏ suốt ngày không dám ló ra. Lúc trời nhá nhem tối, khi nghe thấy mẹ gọi tên tục của mình, tôi mới chui ra, cứ tưởng sẽ bị đánh mắng, nhưng mẹ không đánh cũng không mắng mà chỉ xoa đầu tôi, miệng thở dài.

Chuyện đau lòng nhất trong trí nhớ của tôi là chuyện theo mẹ đi mót lúa mạch ngoài cánh đồng tập thể. Khi thấy người gác ruộng đến, những người mót lúa nháo nhào bỏ chạy. Mẹ tôi chân nhỏ [bị bó chân theo hủ tục ngày xưa] nên chạy chậm, bị bắt được. Ông gác ruộng người cao lớn vả vào mặt bà một cái. Mẹ lảo đảo ngã xuống. Ông ta tịch thu chỗ lúa chúng tôi mót được rồi vênh váo bỏ đi, miệng huýt sáo. Mẹ tôi ngồi phệt trên đất, khóe miệng chảy máu. Suốt đời tôi không thể quên được nét mặt tuyệt vọng của mẹ. Nhiều năm sau, khi người gác ruộng kia đã trở thành một ông lão tóc bạc phơ, một hôm gặp ông ta ở ngoài chợ, tôi xông đến định trả thù thì mẹ kéo tôi lại điềm tĩnh bảo: “Con ơi, cái người đánh mẹ ấy không phải là ông này đâu.”

Có một chuyện tôi nhớ sâu sắc hơn cả là buổi trưa hôm tết Trung thu ấy, khó khăn lắm nhà tôi mới làm được một bữa sủi cảo [bánh bao nhỏ có nhân, luộc chín], mỗi người chỉ được một bát. Đúng vào lúc chúng tôi đang ăn thì một ông lão ăn mày đi vào nhà. Tôi bưng nửa bát khoai lang khô đem ra cho để đuổi ông ta đi. Ai ngờ ông lão đùng đùng nổi giận nói: “Tôi già cả thế này, các người ăn sủi cảo mà lại cho tôi ăn khoai khô. Lòng dạ các người để đâu rồi hả?” Tôi tức điên ruột nói: “Nhà tôi cả năm cũng không ăn nổi vài bữa sủi cảo, mỗi người một bát nhỏ thôi, ăn còn chẳng đủ no nữa kia! Cho ông khoai khô là tốt rồi, ông cần thì lấy, không cần thì xéo!”. Mẹ mắng tôi mấy câu rồi bưng nửa bát sủi cảo của bà trút vào bát ông lão.

Chuyện làm tôi ân hận nhất là hôm theo mẹ đi bán cải bắp, Không rõ vô tình hay cố ý, tôi tính thừa một hào của ông già mua hàng. Bán xong tôi đi học. Khi tan học về nhà, tôi thấy mẹ ràn rụa nước mắt, tuy ngày thường rất ít khi mẹ khóc. Bà không mắng tôi mà chỉ nhẹ nhàng bảo: “Con ơi, con làm mẹ mất mặt rồi.”

Khi tôi đã mười mấy tuổi, mẹ bị lao phổi nặng. Đói ăn, bệnh tật, lao lực làm cho gia đình tôi rơi vào cảnh khốn cùng, chẳng nhìn thấy chút ánh sáng và hy vọng nào cả. Trong lòng tôi nảy sinh một điềm gở mãnh liệt, nghĩ rằng mẹ tôi lúc nào cũng muốn tìm đến cái chết. Mỗi khi đi lao động về, vừa vào nhà là tôi gọi mẹ rõ to, chỉ khi nghe thấy mẹ trả lời thì tôi mới cảm thấy nhẹ hẳn người. Nếu không nghe thấy tiếng mẹ thì tôi kinh hồn bạt vía, lao ngay xuống bếp và nhà xay lúa tìm kiếm. Có lần đã tìm tất cả các phòng mà chẳng thấy bóng dáng mẹ đâu cả, tôi bèn ngồi ngoài sân khóc hu hu. Lúc ấy mẹ cõng một bó củi đi vào. Mẹ rất không bằng lòng khi thấy tôi khóc nhưng tôi lại không thể nói ra nỗi lo của mình. Hiểu nỗi lòng của tôi, mẹ bảo: “Con yên tâm, dù mẹ sống chẳng vui sướng gì, nhưng chừng nào Diêm Vương chưa gọi thì mẹ sẽ còn chưa bỏ con mà đi đâu, con ạ.”

Tôi sinh ra mặt mũi xấu xí, bị nhiều người trong xóm chê cười. Mấy bạn học tính tình ngang ngạnh thậm chí còn vì thế mà đánh tôi nữa kia. Tôi về nhà rất khổ tâm, mẹ bèn bảo: “Con ơi, con không xấu đâu. Con không thiếu mũi, thiếu mắt, tứ chi đầy đủ khỏe mạnh, thế thì xấu ở chỗ nào? Hơn nữa, chỉ cần con tốt bụng, thường xuyên làm việc tốt thì dù xấu cũng có thể thành đẹp.” Về sau tôi lên sống ở thành thị, một số người rất có văn hóa vẫn chê cười tướng mạo của tôi, nói sau lưng thậm chí trước mặt, nhưng khi nghĩ lại lời mẹ nói, tôi bèn hòa nhã xin lỗi họ.

Mẹ tôi không biết chữ nhưng rất kính trọng người biết chữ. Nhà tôi sống khó khăn, thông thường ăn bữa này không biết có bữa sau hay không. Nhưng mỗi lần tôi đòi mẹ mua sách vở giấy bút thì bao giờ mẹ cũng cho mua. Bà hay lam hay làm, ghét những đứa con lười biếng, thế nhưng mỗi khi tôi vì mải học mà chậm đi làm lao động, chưa bao giờ bà quở trách tôi.

Hôm ấy có một người thuyết thư đến chợ làng tôi thuyết thư [biểu diễn các loại khúc nghệ như bình thư, bình thoại …], tôi lẩn đi nghe mà quên mất phần việc mẹ phân công cho mình. Vì thế tôi bị mẹ quở trách. Buổi tối, khi mẹ ngồi khâu áo bông cho con dưới ánh sáng ngọn đèn dầu hỏa, tôi không nhịn được bèn kể lại cho mẹ câu chuyện nghe được từ người thuyết thư. Thoạt tiên mẹ có vẻ không muốn nghe, vì bà luôn nghĩ rằng những người thuyết thư đều là hạng người giỏi mồm mép, không có nghề nghiệp chính đáng, chẳng thể nói được những lời hay ý đẹp. Nhưng câu chuyện tôi kể đã dần dà thu hút sự chú ý của mẹ. Từ đó trở đi mỗi lần đến ngày họp chợ, mẹ không giao việc cho tôi nữa mà ngầm cho phép tôi ra chợ nghe thuyết thư. Để báo đáp ân tình của mẹ và cũng là để khoe khoang trí nhớ của mình, mỗi lần kể lại chuyện nghe được từ người thuyết thư, tôi đều cố gắng kể thật sinh động.

Chẳng bao lâu sau tôi đã không còn thỏa mãn với việc kể lại chuyện người thuyết thư nói, mà trong quá trình kể, tôi luôn luôn thêm mắm thêm muối. Để lấy lòng mẹ, tôi thường bịa thêm một số tình tiết, có lúc còn thay đổi cả kết cục câu chuyện. Người nghe cũng không chỉ còn một mình mẹ nữa mà chị tôi, thím tôi và bà tôi cũng đều trở thành thính giả. Có lần nghe xong câu chuyện tôi kể, mẹ buồn bã như nói với tôi lại cũng như nói một mình: “Con à, sau này lớn lên con sẽ trở thành người thế nào đây? Chả lẽ lại kiếm cơm bằng cái nghề bán nước bọt ư?”

Tôi hiểu nỗi lo của mẹ, bởi vì nếu trong làng có thằng bé nào lắm điều thì nó sẽ bị người ta ghét, có khi nó còn chuốc vạ cho bản thân và gia đình. Trong tiểu thuyết “Con bò» có kể về một thằng bé vì nói lắm mà bị người trong xóm ghét — đứa bé ấy có hình ảnh tôi thủa nhỏ. Mẹ tôi thường nhắc tôi nói ít thôi, bà muốn tôi trở thành một đứa kiệm lời, đằm tính, đàng hoàng. Thế nhưng con người tôi lại thể hiện rõ khả năng ăn nói và rất ham muốn nói. Rõ ràng đây là một mối nguy cực lớn. Song le tài kể chuyện của tôi đã làm mẹ vui lòng; điều đó khiến bà rơi vào tình trạng khó xử.

Tục ngữ nói “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó sửa”. Mặc dầu có sự dạy dỗ ân cần của cha mẹ nhưng tôi hoàn toàn không sửa được cái tính trời cho là thích nói. Điều đó làm cho cái tên của tôi “Mạc Ngôn” [tức “Chớ nói”] tựa như là sự châm biếm chính mình.

Tôi chưa tốt nghiệp tiểu học đã phải bỏ học. Vì tuổi nhỏ sức yếu chưa làm nổi những việc nặng nhọc, tôi đành phải đi chăn bò chăn dê ngoài bãi hoang. Khi dắt bò dê đi qua cổng trường, nhìn thấy các bạn cũ của mình đang nô đùa trong sân, lòng tôi vô cùng buồn bã, cảm thấy sâu sắc nỗi khổ của con người — dù chỉ là một đứa trẻ — sau khi xa rời bầy đàn của mình.

Ra tới bãi, tôi thả lũ dê bò cho chúng tự gặm cỏ. Trời xanh lồng lộng, bãi cỏ rộng mênh mông xung quanh chẳng hề thấy một bóng người nào, chẳng nghe thấy tiếng người nói mà chỉ có lũ chim kêu trên trời. Tôi cảm thấy rất cô đơn, thanh vắng im ắng, trong lòng trống rỗng. Có lúc tôi nằm trên bãi cỏ, ngắm những đám mây lờ lững trôi trên trời, trong óc hiện lên nhiều ảo ảnh kỳ lạ không sao hiểu nổi. Quê tôi lưu truyền nhiều chuyện cáo biến thành gái đẹp, tôi ước sao có một chú cáo biến thành cô gái xinh tươi đến làm bạn chăn bò với mình, nhưng người ấy lại chưa bao giờ xuất hiện. Có lần thấy một chú cáo lông đỏ rực từ bụi cỏ trước mặt nhảy phóc ra, tôi sợ quá ngồi thụp xuống. Con cáo chạy mất hút rồi mà tôi vẫn còn ngồi đấy run lập cập.

Đôi khi tôi ngồi bên chú bò, ngước nhìn con mắt xanh thẫm của nó và thấy bóng mình trong đấy. Có lần tôi bắt chước tiếng chim định trò chuyện với lũ chim trên trời. Có khi tôi tâm sự với một gốc cây. Nhưng lũ chim phớt lờ tôi, cây cối cũng chẳng để ý đến tôi. Bao năm sau, khi đã trở thành nhà văn, nhiều mơ tưởng năm xưa đều được tôi viết vào tiểu thuyết. Lắắắm người khen tôi có óc tưởng tượng phong phú. Một số bạn yêu văn học còn mong muốn tôi cho họ biết bí quyết trau dồi óc tưởng tượng. Tôi chỉ có thể trả lời họ bằng nụ cười gượng gạo.

Như các bậc tiên hiền Trung Quốc [bản tiếng Anh viết rõ là Lão Tử] từng nói: “Trong may có rủi; trong rủi có may” [福兮祸之所伏,福祸福所倚]. Thư nhỏ tôi bỏ học, chịu đủ nỗi khổ, đói ăn, cô đơn, không có sách để đọc. Nhưng cũng vì vậy mà tôi giống như nhà văn lớp trước Thẩm Tùng Văn, đã sớm được “đọc” cuốn sách lớn xã hội-đời người ấy. Trên kia có nhắc tới chuyện tôi ra chợ nghe người thuyết thư kể chuyện, đấy chỉ là một trang trong cuốn sách lớn này.

Sau khi bỏ học, tôi che giấu tung tích mình trong đám người lớn, bắt đầu cuộc đời dài dằng dặc “dùng tai để đọc”. Trước đây hai trăm năm, vùng quê tôi từng xuất hiện một thiên tài vĩ đại là Bồ Tùng Linh. Nhiều người làng, kể cả tôi, đều là truyền nhân của ông. Những lúc lao động tập thể ở ngoài đồng, khi dọn chuồng bò chuồng ngựa, những lần nằm gối đầu trên tay ông bà nội, thậm chí cả khi ngồi trên chiếc xe bò đung đưa trên đường, tôi từng được nghe kể bao nhiêu là câu chuyện thần thánh ma quỷ, truyền kỳ lịch sử, chuyện thú vị tản mát … những chuyện đó gắn liền với hoàn cảnh thiên nhiên của địa phương và lịch sử các gia đình đã khiến tôi sinh ra cảm giác hiện thực mãnh liệt.

Dù nằm mơ tôi cũng chưa nghĩ tới chuyện có ngày những thứ kể trên lại trở thành nguyên vật liệu để tôi viết văn. Hồi xưa tôi chỉ là một đứa bé mê nghe kể chuyện, say sưa lắng nghe người khác kể lể. Ngày ấy tôi là kẻ tuyệt đối theo chủ nghĩa hữu thần, tin rằng mọi vật đều có trí khôn. Khi gặp một cây đại thụ tôi đều cung kính với nó. Nhìn thấy một chú chim, tôi bèn cảm thấy nó có thể sẵn sàng biến thành người. Khi gặp một người lạ, tôi lại nghi hoặc đây là một con vật nào đó biến thành người. Mỗi buổi tối, khi từ phòng ghi công của đội sản xuất về nhà, một nỗi sợ hãi vô bờ bến lại vây quanh tôi; để lấy can đảm, tôi vừa chạy vừa hát to. Hồi ấy tôi đang ở tuổi vỡ tiếng, giọng khàn khàn, rất chối tai, tiếng hát của tôi chỉ làm khổ lỗ tai bà con trong làng.

Tôi ở quê mình 21 năm, chưa bao giờ đi đâu xa, trừ một lần đáp xe lửa đi Thanh Đảo. Tại đấy tôi suýt nữa bị lạc giữa đống gỗ cao như núi trong một xưởng cưa. Khi mẹ tôi hỏi con đi Thanh Đảo có thấy cảnh nào đẹp không thì tôi buồn bã trả lời: Chẳng thấy gì cả mẹ ạ, chỉ thấy những đống gỗ mà thôi. Nhưng cũng chính là chuyến đi Thanh Đảo ấy đã làm tôi nảy sinh nguyện vọng mãnh liệt muốn rời bỏ quê nhà đi ra ngoài xem thế giới như thế nào.
Tháng Hai năm 1976, tôi được gọi vào bộ đội. Mang theo trong ba lô 4 cuốn “Trung Quốc thông sử giản biên” mua bằng tiền bán đồ nữ trang ngày cưới của mẹ, tôi ra khỏi cái làng Đông Bắc Cao Mật nơi vừa làm tôi yêu vừa làm tôi ghét, bắt đầu một thời kỳ quan trọng trong cuộc đời của mình. Cần phải thừa nhận một điều là nếu không có sự phát triển và tiến bộ lớn lao của xã hội Trung Quốc trong hơn ba mươi năm qua, nếu không có cải cách mở cửa thì tôi sẽ chẳng trở thành một nhà văn như ngày nay.

Trong cuộc đời lính tráng khô khan, tôi đón nhận phong trào giải phóng tư tưởng và trào lưu văn học hồi những năm 80. Từ một đứa trẻ dùng tai nghe chuyện, dùng miệng kể chuyện, tôi bắt đầu thử dùng bút để thuật lại câu chuyện. Chặng đường mới đầu hoàn toàn chẳng bằng phẳng chút nào; lúc ấy tôi còn chưa hiểu được rằng những kinh nghiệm cuộc sống ở nông thôn hơn hai chục năm qua chính là cái mỏ tư liệu phong phú về văn học. Tôi cứ tưởng văn học là phải viết về người tốt việc tốt, tức là viết về những người anh hùng gương mẫu; cho nên dù có vài tác phẩm được đăng song giá trị văn học rất thấp.

Mùa thu năm 1984, tôi thi vào khoa văn Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng. Được ân sư của mình – nhà văn nổi tiếng Từ Hoài Trung gợi ý và chỉ đạo, tôi viết được một loạt truyện vừa và ngắn như “Dòng nước mùa thu”, “Dòng sông khô”, “Củ cải đỏ trong suốt”, “Cao lương đỏ”. Trong tiểu thuyết “Dòng nước mùa thu”, lần đầu tiên xuất hiện từ “Làng Đông Bắc Cao Mật”. Từ đó trở đi, như một anh nông dân phiêu bạt khắp nơi nay đã có thửa ruộng của mình, tôi, kẻ lang thang văn học này cuối cùng đã có một nơi để yên thân lập phận.

Tôi cần phải thừa nhận rằng trong quá trình sáng lập lãnh địa văn học “Làng Đông Bắc Cao Mật”, nhà văn Mỹ William Faulkner và nhà văn Columbia Garcia Marquez đã đem lại cho tôi những gợi ý quan trọng. Tuy rằng tôi chưa đọc kỹ các tác phẩm của họ nhưng khí phách hào hùng khai sơn phá thạch của hai ông đã khích lệ tôi, khiến tôi hiểu được rằng mỗi nhà văn phải có mảnh đất của riêng mình. Trong đời sống hàng ngày, người ta cần khiêm tốn nhún nhường, nhưng trong sáng tác văn học thì lại phải tự tin tới mức quá đáng, phải độc đoán chuyên quyền. Sau hai năm trời bám theo dấu chân hai nhà văn bậc thầy này, tôi hiểu ra rằng phải rời bỏ họ thật nhanh. Tôi từng viết trong một bài báo như sau: Họ là hai lò lửa nóng rực, còn tôi là tảng băng; nếu ở quá gần họ thì tôi sẽ bị họ làm bay hơi mất. Theo tôi hiểu, sở dĩ một nhà văn này chịu ảnh hưởng của một nhà văn khác là do trong chiều sâu tâm hồn của người gây ảnh hưởng và người chịu ảnh hưởng có những điểm tương đồng. Cái ấy gọi là “Những trái tim cùng nhịp đập”. Cho nên mặc dù chưa đọc kỹ sách của họ song chỉ qua vài trang thôi là tôi hiểu được họ đã làm gì, làm thế nào, qua đó tôi bèn biết rõ mình nên làm gì và làm như thế nào.

Việc tôi cần làm thực ra rất đơn giản, đó tức là dùng phương cách của mình kể câu chuyện của mình. Đây là cách người thuyết thư dùng ở ngoài chợ mà tôi đã thuộc lòng, là cách kể chuyện của ông bà tôi, của các già làng. Nói thẳng ra, khi kể chuyện tôi không nghĩ tới việc ai là thính giả của mình; có lẽ thính giả của tôi là những người như mẹ tôi, cũng có lẽ chính là tôi, là câu chuyện của tôi, ban đầu là trải nghiệm thiết thân của tôi. Chẳng hạn đứa bé bị đòn đau trong truyện “Dòng sông khô”, chẳng hạn thằng nhóc con từ đầu tới cuối không nói một câu nào trong truyện “Củ cải đỏ trong suốt”. Đúng là tôi từng có lần vì làm hỏng việc mà bị bố đét cho một trận đòn nên thân. Đúng là tôi từng kéo quạt thụt bễ lò cho một bác thợ rèn ở công trường làm cầu.

Đương nhiên trải nghiệm của cá nhân mình dù ly kỳ tới đâu cũng không thể cứ thế bê nguyên xi vào tác phẩm. Tiểu thuyết cần phải hư cấu, phải có tưởng tượng. Nhiều bạn tôi cho rằng “Củ cải đỏ trong suốt” là tiểu thuyết hay nhất của tôi. Tôi không phản bác nhận xét ấy song cũng không tán thành; có điều tôi nghĩ rằng nó là thiên tiểu thuyết có ý nghĩa tượng trưng nhất, có ý vị sâu xa nhất trong các tác phẩm của mình. Đứa trẻ đen nhẻm, có khả năng siêu phàm chịu đựng khổ đau và có năng lực cảm thụ hơn người đó chính là linh hồn toàn bộ các cuốn tiểu thuyết của tôi. Dù rằng trong các tiểu thuyết sau này tôi tạo dựng rất nhiều nhân vật nhưng chưa có nhân vật nào gần gũi với tâm hồn tôi như đứa trẻ đó. Hoặc giả có thể nói, trong vô số nhân vật do nhà văn dựng nên, bao giờ cũng có một nhân vật dẫn đầu. Thằng bé ít nói ấy chính là nhân vật như vậy. Nó chẳng nói gì cả nhưng lại có sức mạnh dẫn dắt mọi nhân vật đủ màu sắc khác thỏa sức biểu diễn trên cái sân khấu làng Cao Mật.

Chuyện của mình bao giờ cũng hữu hạn; kể hết chuyện mình thì tất phải kể chuyện người khác. Thế là chuyện những người thân của tôi, chuyện những người làng và những chuyện của tổ tiên tôi nghe được từ các ông bà già đã từ ký ức sâu thẳm của tôi ùa ra như những người lính nghe thấy tiếng kèn tập hợp. Họ nhìn tôi bằng ánh mắt chờ đợi, mong mỏi tôi viết về họ. Ông tôi, bà tôi, cha tôi, mẹ tôi, các ông anh bà chị, cô tôi, chú tôi, vợ và con gái tôi đều đã xuất hiện trong tác phẩm của tôi. Ngoài ra còn rất nhiều bà con trong làng Cao Mật cũng đều có mặt trong tiểu thuyết của tôi. Dĩ nhiên tôi đều tiến hành xử lý văn học hóa các nhân vật ấy, khiến họ siêu việt bản thân, trở thành nhân vật trong văn học.

Trong tiểu thuyết mới viết “Những con ếch”, có xuất hiện hình ảnh bà cô của tôi. Sau khi biết tin tôi được tặng giải Nobel, nhiều nhà báo đã đến thăm bà. Mới đầu cô tôi còn kiên nhẫn trả lời các câu hỏi của họ nhưng được mấy hôm vì không chịu nổi các rắc rối ấy, bà bèn chạy lên phố huyện trốn ở nhà con trai. Cô tôi đúng là hình mẫu mà tôi viết “Những con ếch”, song bà cô trong tiểu thuyết thì khác một trời một vực với bà cô trong đời sống hiện thực. Bà cô trong tiểu thuyết hống hách bạo ngược, đôi lúc chẳng khác gì tướng cướp; còn bà cô trong hiện thực thì hiền lành, thuộc loại mẹ hiền vợ thảo chuẩn mực. Bà cô trong hiện thực cuối đời được sống hạnh phúc mỹ mãn còn bà cô trong tiểu thuyết cuối đời do nỗi khổ lớn trong tâm hồn mà mắc chứng mất ngủ, mặc chiếc áo dài đen suốt đêm lãng du trong bóng tối như một hồn ma. Tôi cảm ơn lòng khoan dung của cô tôi, bà không tức giận vì việc tôi mô tả bà thành một người như thế trong tiểu thuyết. Tôi cũng rất kính phục sự sáng suốt của cô tôi, bà ấy đã hiểu đúng mối quan hệ phức tạp giữa nhân vật trong tiểu thuyết với nhân vật thực ngoài đời.

Sau khi mẹ qua đời, tôi vô cùng đau khổ, quyết định viết một cuốn tiểu thuyết dâng lên bà. Đó là cuốn “Phong nhũ phì đồn” [Vú đầy mông béo; tiếng Anh: “Big Breasts and Wide Hips”; bản tiếng Việt đã in: “Báu vật của đời”]. Vì có sẵn chủ ý, vì tình cảm tràn trề nên chỉ trong 83 ngày tôi viết xong bản thảo bộ tiểu thuyết dài tới nửa triệu chữ này.

Trong cuốn “Phong nhũ phì đồn” ấy, tôi không kiêng dè sử dụng những nguyên vật liệu có liên quan tới trải nghiệm thiết thân của mẹ tôi. Có điều trải nghiệm về mặt tình cảm của bà mẹ trong sách thì là trải nghiệm hư cấu hoặc lấy mẫu từ trải nghiệm của nhiều bà mẹ làng Cao Mật. Trong lời nói đầu tiểu thuyết tôi có viết “Kính dâng hương hồn mẹ trên trời” nhưng thực ra cuốn sách này là để tặng cho tất cả các bà mẹ trên thế giới. Đây là dã tâm điên cuồng của tôi, nó cũng tựa như việc tôi muốn viết cái làng đông bắc Cao Mật nhỏ bé kia thành một hình ảnh thu nhỏ của Trung Quốc, thậm chí của cả thế giới.

Quá trình sáng tác của mỗi nhà văn đều có đặc sắc riêng; mỗi cuốn sách của tôi đều có cấu tứ và phản ứng linh cảm không hoàn toàn như nhau. Có thiên tiểu thuyết sinh ra trong giấc mơ, như cuốn “Củ cải đỏ trong suốt”, có những truyện lại bắt nguồn từ sự việc xảy ra trong đời sống hiện thực, như “Bài ca nõn tỏi thiên đường” [“The Garlic Ballads” (Cây tỏi nổi giận)]. Song dù là bắt nguồn từ giấc mơ hoặc khởi đầu từ hiện thực, cuối cùng đều phải kết hợp với kinh nghiệm của cá nhân thì mới có thể biến thành một tác phẩm văn học có cá tính rõ rệt, dùng vô số chi tiết sinh động tạo dựng nên những nhân vật điển hình, ngôn ngữ phong phú muôn màu sắc, kết cấu nghệ thuật tài tình. Ở đây cần đặc biệt nhắc đến là trong “Bài ca nõn tỏi thiên đường”, tôi để cho một người thuyết thư đích thực lên sân khấu và diễn một vai rất quan trọng trong cuốn sách. Tôi rất xin lỗi là đã dùng tên họ thật của người thuyết thư đó; dĩ nhiên mọi hành vi của ông ta trong sách đều là hư cấu. Trong các sáng tác của tôi từng xuất hiện nhiều lần hiện tượng này: mới bắt đầu viết, tôi sử dụng tên thật của họ, những mong qua đó tìm được một cảm giác gần gụi; nhưng sau khi hoàn thành tác phẩm, tôi muốn thay tên cho họ thì lại cảm thấy không thể làm thế được nữa. Bởi vậy từng xảy ra chuyện người cùng tên với nhân vật trong tiểu thuyết của tôi tìm đến gặp cha tôi trút nỗi bất mãn; cha tôi phải thay tôi xin lỗi họ song đồng thời ông cũng bảo ban họ rằng chớ coi đấy là chuyện thật. Cha tôi nói: “Trong “Cao lương đỏ”, câu đầu tiên nó đã viết Cái giống thổ phỉ cha tôi; bản thân tôi chẳng để bụng thì các bác còn để bụng nỗi gì cơ?”

Khi viết cuốn tiểu thuyết sát sao với hiện thực xã hội “Bài ca nõn tỏi thiên đường”, vấn đề lớn nhất mà tôi đối mặt thực ra không phải là chuyện tôi dám hay không dám phê bình các hiện tượng đen tối trong xã hội mà là chuyện những cảm xúc và lòng căm giận bừng bừng ấy có thể làm cho chính trị áp đảo văn học, khiến cho bộ tiểu thuyết đó trở thành một phóng sự tường thuật sự kiện xã hội. Nhà tiểu thuyết là một con người trong xã hội, lẽ tự nhiên phải có lập trường và quan điểm của mình, nhưng khi sáng tác thì nhà tiểu thuyết phải đứng trên lập trường của con người, coi tất cả mọi người đều là con người để mà diễn tả. Chỉ có như vậy thì văn học mới có thể khởi đầu sự kiện và vượt qua sự kiện, quan tâm chính trị nhưng lớn hơn chính trị.

Có thể là do tôi từng trải qua cuộc sống gian khó lâu dài, điều đó khiến tôi có sự hiểu biết khá sâu sắc về tính người. Tôi biết thế nào là dũng cảm thật sự, cũng hiểu được buồn thương là gì. Tôi hiểu trong cõi lòng mỗi người đều có một vùng mờ ảo; cái vùng ấy khó có thể diễn tả thỏa đáng bằng một từ ngữ đơn giản nó là phải hay trái, thiện hay ác. Cái vùng ấy chính là vùng trời đất bao la mà nhà văn có thể thi thố tài hoa của mình. Chỉ cần là một tác phẩm mô tả chuẩn xác, sinh động cái vùng mờ ảo đầy những mâu thuẫn ấy, thì cũng tất nhiên sẽ vượt qua chính trị và có được những phẩm chất văn học ưu tú.

Thao thao bất tuyệt kể lể về tác phẩm của mình là chuyện làm mọi người ớn ghét, nhưng đời tôi thì gắn liền với tác phẩm của tôi; không nói về tác phẩm thì tôi cảm thấy chẳng biết bắt đầu nói từ đâu, cho nên vẫn phải xin quý vị thứ lỗi.

Trong các tác phẩm thời kỳ đầu, với tư cách là người thuyết thư hiện đại, tôi ẩn mình ở phía sau văn bản. Nhưng bắt đầu từ tiểu thuyết “Đàn hương hình”, cuối cùng tôi từ phía sau sân khấu nhảy ra phía trước. Nếu nói các tác phẩm thời kỳ đầu của tôi là tự nói với mình, trong mắt không có người đọc, nhưng bắt đầu từ cuốn tiểu thuyết này tôi cảm thấy mình đang đứng trên một quảng trường và kể chuyện một cách sinh động trước đông đảo người nghe. Đó là truyền thống của tiểu thuyết thế giới, càng là truyền thống của tiểu thuyết Trung Quốc. Tôi cũng từng tích cực học tập tiểu thuyết của phái hiện đại ở phương Tây, cũng từng nghịch ngợm đủ kiểu kể chuyện nhưng cuối cùng vẫn trở về truyền thống. Dĩ nhiên sự trở về ấy không phải là sự trở về không thay đổi gì cả. Các tiểu thuyết sau “Đàn hương hình” là dạng văn bản hỗn hợp kế thừa truyền thống tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc lại có tham khảo kỹ thuật tiểu thuyết phương Tây. Cái gọi là sáng tạo mới trong lĩnh vực tiểu thuyết, về cơ bản đều là loại sản phẩm hỗn hợp ấy. Không những pha trộn truyền thống văn học nước mình với kỹ sảo tiểu thuyết nước ngoài mà cũng là sự pha trộn tiểu thuyết với các loại hình nghệ thuật khác. Như “Đàn hương hình” là pha trộn với hý khúc dân gian, như một số tiểu thuyết thời kỳ đầu của tôi đã hấp thu chất dinh dưỡng từ mỹ thuật, âm nhạc, thậm chí tạp kỹ.

Cuối cùng xin cho phép tôi nói qua về tiểu thuyết “Nỗi mệt sống và chết” [“Life and Death Are Wearing Me Out” (Sống đọa thác đầy)]. Tên sách lấy từ kinh Phật. Theo tôi biết, giới phiên dịch ở các nước đều rất đau đầu khi dịch tên cuốn kinh Phật này. Tôi chưa nghiên cứu sâu về kinh điển Phật giáo, dĩ nhiên còn hiểu biết rất nông cạn về đạo Phật. Sở dĩ tôi lấy tên bộ kinh này làm tên sách của mình là do tôi cảm thấy nhiều tư tưởng cơ bản của Phật giáo đều là ý thức vũ trụ chân chính; trong mắt nhà Phật, nhiều cuộc tranh giành trong thế gian là hoàn toàn vô nghĩa. Dưới tầm mắt cao cả ấy, thế giới của loài người rõ ràng thật đáng buồn. Dĩ nhiên tôi không viết cuốn sách của mình thành những lời giảng đạo. Tôi vẫn viết về số phận con người và tình cảm của con người, sự hạn hẹp của con người và sự khoan dung của con người, cũng như sự cố gắng và hy sinh mà họ bỏ ra vì để theo đuổi hạnh phúc, kiên trì niềm tin của mình. Nhân vật Mặt Xanh [Lan Lian] dùng cuộc đời của mình để đối kháng với trào lưu thời đại là một vị anh hùng đích thực trong tâm khảm tôi. Nguyên mẫu nhân vật ấy là một bác nông dân ở làng bên. Hồi nhỏ tôi thường thấy ông đẩy một chiếc xe bò bánh gỗ kêu ken két đi qua con đường trước nhà tôi. Một con lừa què kéo xe, người dắt lừa là bà vợ bó chân của ông ta. Cái tổ hợp lao động kỳ quặc như thế rõ ràng là cổ quái và lỗi thời trong xã hội tập thể hóa hồi ấy. Bọn nhóc con chúng tôi cũng coi họ là những vai hề đi ngược lại trào lưu lịch sử. Thậm chí chúng tôi còn bừng bừng tức giận ném đá vào họ khi thấy họ qua đường. Nhiều năm sau, khi tôi cầm bút viết lại chuyện cũ, nhân vật ấy, hình ảnh ấy lại hiện lên trong đầu óc tôi. Tôi biết rằng nhất định có ngày tôi sẽ viết một cuốn sách về con người ấy, sớm muộn thì tôi cũng phải kể cho thiên hạ nghe câu chuyện của ông ta. Nhưng mãi cho đến năm 2005, khi nhìn thấy bức bích họa “Sáu vòng luân hồi” trong một ngôi chùa, tôi mới nắm được phương pháp đúng đắn để kể câu chuyện này.

Thông báo tôi được tặng giải Nobel văn đã gây ra một số tranh cãi. Mới đầu tôi cứ tưởng đối tượng bị mọi người tranh cãi là tôi. Dần dà tôi cảm thấy cái đối tượng ấy là một người hoàn toàn chẳng liên quan gì đến mình. Tôi như một khán giả xem kịch, chỉ xem người ta biểu diễn. Tôi thấy hoa rơi đầy trên người được tặng giải thưởng, người ấy cũng bị thiên hạ ném đá, té nước bẩn. Tôi sợ người đó sẽ bị đánh gục, nhưng ông ta chui từ đống hoa và gạch đá ra, mỉm cười lau khô nước bẩn trên mình, thản nhiên đứng sang một bên nói với công chúng rằng:

Cách phát ngôn tốt nhất của một nhà văn là sáng tác. Những gì tôi cần nói đều được viết vào trong tác phẩm của mình. Lời nói gió bay, còn những câu chữ viết ra thì mãi mãi không phai mờ. Tôi mong rằng quý vị sẽ có thể chịu khó đọc sách của tôi. Dĩ nhiên tôi không có tư cách buộc các vị phải đọc những cuốn sách ấy. Dù rằng quý vị đã đọc, tôi cũng không kỳ vọng mọi người có thể thay đổi được quan điểm đối với tôi. Trên thế gian này chưa hề có nhà văn nào được tất cả bạn đọc đều yêu thích. Trong thời đại như ngày nay lại càng như vậy.

Mặc dù tôi chẳng muốn nói gì sất, nhưng trong trường hợp hôm nay cần phải nói, thì tôi xin qua quít nói thêm mấy câu.

Là một người kể chuyện, cho nên tôi vẫn cứ phải kể vài câu chuyện cho quý vị nghe.

Những năm 1960 khi tôi học lớp ba tiểu học, nhà trường có tổ chức cho lũ học trò chúng tôi đi xem một cuộc trưng bầy tố khổ. Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, chúng tôi khóc rống lên. Do muốn để cho thầy nhìn thấy biểu hiện của mình, tôi không nỡ lau nước mắt trên mặt. Tôi trông thấy mấy bạn lẳng lặng bôi nước bọt lên mặt để giả làm nước mắt. Tôi còn thấy trong đám người khóc thật khóc giả ấy có một bạn mặt khô khốc không một giọt nước mắt, miệng im thin thít và cũng chẳng biết lấy tay che mặt. Cậu ta giương to mắt nhìn chúng tôi, ánh mắt lộ vẻ kinh ngạc hoặc ngỡ ngàng. Khi về trường, tôi báo cáo cho thầy giáo biết về hành vi của bạn ấy. Vì thế cậu ta bị nhà trường thi hành kỷ luật cảnh cáo. Nhiều năm sau, khi tôi sám hối với thầy giáo vì chuyện mình từng tố cáo bạn thì thầy bảo hôm ấy có mười mấy bạn đến gặp thầy mách chuyện đó. Anh bạn kia đã mất cách đây mười mấy năm. Mỗi lần nghĩ đến anh, tôi đều cảm thấy vô cùng áy náy. Câu chuyện này khiến tôi hiểu ra một đạo lý, đó là: khi mọi người đều khóc thì nên cho phép có người không khóc; khi khóc trở thành một trò diễn thì càng nên cho phép có người không khóc.

Tôi kể thêm một chuyện nữa: Hơn ba chục năm trước khi tôi còn đang công tác trong quân đội, tối hôm ấy tôi đang ngồi đọc sách trong phòng làm việc bỗng một cán bộ cấp trên đẩy cửa bước vào. Sau khi liếc nhìn về phía tôi, ông nói một mình: ”Ơ, không có ai à?” Tôi liền đứng dậy nói to: “Chẳng lẽ tôi không phải là người hay sao ạ?”. Vị cán bộ kia bị tôi cự cho đỏ mặt tía tai, ngượng ngùng bỏ đi. Chuyện ấy làm tôi dương dương tự đắc khá lâu, nghĩ rằng mình là một đấu sĩ dũng cảm. Nhưng nhiều năm sau tôi rất ăn năn về chuyện này.

Xin cho phép tôi kể câu chuyện cuối cùng. Đây là chuyện cha tôi kể cho tôi nghe từ nhiều năm trước: Có tám anh thợ nề đi ra ngoài làm thuê. Hôm ấy vì để tránh mưa bão, họ ẩn vào một ngôi đền đổ nát. Sấm sét nổ ầm ầm, những cục sét hòn lăn đi lăn lại bên ngoài nhà. Dường như còn có cả tiếng rồng kêu rít trên trời. Ai nấy kinh hồn táng đởm, mặt xám ngoét. Một người bảo: “Trong tám đứa chúng mình nhất định có một đứa từng làm việc gì xấu hại trời hại đất. Ai từng làm chuyện xấu ấy thì hãy ra ngoài trời nhận sự trừng phạt đi, để tránh làm cho người tốt bị liên lụy.” Dĩ nhiên chẳng ai chịu ra cả. Lại có người đề nghị: “Vì chẳng ai muốn ra nên chúng mình quẳng mũ cói ra ngoài vậy. Mũ ai bị rơi ra ngoài đền chứng tỏ người ấy đã làm việc xấu, hãy mời hắn ta đi ra chịu trừng phạt.” Thế là tất cả đều quăng mũ ra cửa. Bảy chiếc mũ bay trở vào trong nhà, chỉ có mũ của một người bị gió cuốn ra ngoài. Mấy người kia bèn đẩy anh ta ra khỏi ngôi đền để trời phạt. Dĩ nhiên anh không chịu. Họ bèn khiêng anh ta quẳng ra ngoài. Chắc hẳn quý vị đã đoán được kết cục của câu chuyện — khi người kia vừa bị quẳng ra ngoài cửa thì ngôi đền đổ sập.
Tôi là một người kể chuyện.

Vì kể chuyện mà tôi được tặng giải Nobel.

Nhiều câu chuyện thú vị đã xảy ra sau khi thiên hạ biết tin tôi được trao giải. Những chuyện ấy khiến tôi tin chắc rằng trên đời này có tồn tại chân lý và chính nghĩa.

Bởi vậy trong những năm tháng tiếp theo tôi sẽ tiếp tục kể câu chuyện của mình.
Xin cảm ơn tất cả quý vị!

Nguyễn Hải Hoành dịch theo bản gốc tiếng Trung, có tham khảo bản dịch tiếng Anh của Howard Goldblatt.

Tác giả

(Visited 10 times, 1 visits today)