Nhà nghiên cứu Nguyễn Sử: Trên những cung đường đi tìm“câu thần bút hoa”

Mới đây, nhà nghiên cứu Nguyễn Sử đã hoàn thành công trình của anh về lịch sử thư pháp Việt Nam sau hơn 10 năm “cặm cụi lần đọc cảo xưa sách cũ” và đi thực tế, kể cả “tìm đến những chốn hoang vu”. Anh chia sẻ với tạp chí Tia Sáng về những kết quả nghiên cứu từ một đề tài được coi là thách thức với những ai muốn dựng nên lịch sử chữ viết ở Việt Nam.


Dập bia do đại thần Nguyễn Trung Ngạn khắc công khi đi đánh Ai Lao năm 1334 ở Con Cuông, Nghệ An, tháng 9/2014. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Vấn đề lịch sử thư pháp bắt đầu thu hút tâm trí anh từ lúc nào và vì sao?

Tôi biết chữ Hán từ rất sớm, nhưng thực tế được tiếp cận với thư pháp và đầu tư nhiều thời gian cho nó thì hơn mười năm trở lại đây. Trong quá trình học tập, câu hỏi rằng người Việt sử dụng chữ Hán như một phương thức để truyền tải tinh thần từ quan phương tới dân gian, thế thì liệu có một nền thư sử của Việt Nam hay không, đã thúc đẩy tôi đi tìm câu trả lời cho mình.

Như vậy có nghĩa là trước đây chưa có những nghiên cứu về lịch sử thư pháp Việt Nam? Vì sao lịch sử thư pháp lại chưa được chú trọng?

Từ trước tới giờ, Việt Nam chưa có bất cứ một nghiên cứu nào về lịch sử thư pháp cả. Nguyên nhân chính đó là lâu nay chúng ta vẫn nhận định rằng nghệ thuật thư pháp của chúng ta không phát triển, nếu có phát triển cũng chỉ tồn tại dưới dạng các nghệ sĩ vô danh chứ chưa hề được định hình bằng các tác gia. Bên cạnh đó, người Việt Nam nhiều khi không coi việc viết chữ đẹp là điều hãnh diện, mà chỉ coi nó như một thú chơi. Mười năm gần đây mới xuất hiện vài bài viết lẻ tẻ đặt lại vấn đề nghiên cứu lịch sử thư pháp, nhưng thiếu tính hệ thống và gần như không để lại dấu tích gì.

Trong nghiên cứu của mình, tôi cố gắng tập hợp tối đa các tư liệu có giá trị của từng thời đại để làm rõ những phong cách, những trào lưu thẩm mĩ từng phổ biến từ văn nhân sĩ đại phu cho tới thứ dân trong nước.

Không thiếu những điểm chói lọi

Lịch sử thư pháp của Việt Nam có đến sớm cùng với thời điểm chữ Hán được du nhập vào nước ta không?

Thư pháp được hiểu như là nghệ thuật viết chữ. Nhiều nhà nghiên cứu về phong cách học nghệ thuật đều coi thư pháp đồng hành cùng văn tự, nghĩa là có chữ Hán thì có thư pháp. Tuy nhiên ở giai đoạn sớm thì thư pháp mang tính tự phát, ngẫu nhiên, nó chưa định hình thành những chuẩn mực. Nhưng sự phi chuẩn mực của giai đoạn đầu lại là điều mà giai đoạn về sau không thể lặp lại được. Thời hiện đại, người ta lại rất quan tâm đến những tác phẩm ở giai đoạn đầu tiên này.

Nghệ thuật thư pháp Việt chịu ảnh hưởng như thế nào bởi nghệ thuật thư pháp Trung Hoa?

Theo tôi, nghệ thuật vốn không có biên giới, trong nghệ thuật có những đỉnh cao mà ai cũng muốn hướng tới chứ không nhất thiết phải có một định nghĩa quốc gia. Nghệ thuật thư pháp cũng vậy. Bản thân thư pháp xuất phát từ cộng đồng sử dụng chữ Hán làm văn tự chứ không phải xuất phát từ một quốc gia nào cả. Người Nhật Bản đón nhận Vương Hy Chi (nhà thư pháp nổi tiếng thời Tấn) một cách nồng nhiệt, người Hàn đón nhận Triệu Mạnh Phủ (nhà thư pháp nổi tiếng thời Nguyên)…, rất nhiều thư pháp gia của Trung Quốc đều ảnh hưởng một cách mạnh mẽ lên các nước đồng văn.

Lịch sử thư pháp Việt Nam xưa nay thiếu sự chỉnh lý mang tính hệ thống; các ghi chép liên quan đến thư pháp và thư gia trong thư tịch cổ Việt Nam không được phong phú như tình hình ở Nhật Bản, Triều Tiên. Điều này tạo thành một khó khăn rất lớn cho người đời sau, khi chỉnh lý, nghiên cứu lịch sử thư phápViệt Nam. Dù những nét chữ trên bia đá, ma nhai [tác phẩm được tạc trên núi] ít người để mắt, thậm chí có thể nói lịch sử thư pháp rất không được coi trọng ở Việt Nam, song anh Nguyễn Hữu Sử lại lập chí muốn làm điều gì đó cho lịch sử thư pháp nước mình. Anh Sử leo lên vách đá hiểm trở, tìm đến những chốn hoang vu, cặm cụi lần đọc cảo xưa sách cũ, đến nay đã có rất nhiều thu hoạch. Mỗi khi anh gửi tôi xem ảnh chụp chữ viết của người Việt thời trung –cận đại, tôi hết lần này đến lần khác kinh ngạc về trình độ thư pháp cao diệu của người Việt Nam xưa, quả thực họ không hề đứng sau thư gia Nhật Bản, Triều Tiên… Tiêu Hâm, giảng viên Khoa Thư pháp, Đại học Thanh Đảo

Tuy nhiên, thư pháp Việt Nam mỗi thời đại lại có một diện mạo riêng. Từ buổi đầu độc lập xây dựng nên thể chế chính trị vững vàng song hành cùng sự phát triển vượt trội về văn hóa, nghệ thuật, hai triều đại Lý, Trần đã đưa nền thư pháp Đại Việt phát triển đến độ cực thịnh. Sự chú trọng tới hiệu ứng thị giác hồn hậu đầy kỹ thuật chuẩn mực trên từng con chữ của Lý Nhân Tông, Chu Nguyên Hạo, Lý Bảo Cung được xây dựng trên nền tảng của lối chữ Khải thời Đường. Sự tinh tế, chuộng dùng vận vị nhẹ nhàng mà thanh thoát thời Trần cũng chịu ảnh hưởng không ít của nghệ thuật thời Tống, Nguyên hay vẫn nối tiếp thư phong hùng hậu của thời trước như Kinh tràng chùa Phổ Minh, Thái thượng hoàng Thánh chỉ v.v. Thư pháp thời kỳ này phong phú và đa dạng trên nhiều bình diện, với sự xuất hiện của một số thư gia trình độ thượng thừa không thua kém bất cứ tác gia nào trong khu vực như Phạm Hàm, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn, Trần Nghệ Tông, Nguyễn Đình Giới, Nguyễn Thái Xung… Thời Lê thì chúng ta xây dựng nên hẳn một loại phong cách viết chữ đặc thù, được định danh là lối chữ Hoa áp, từ quan phương tới địa phương đều sử dụng thống nhất trong toàn quốc trên mọi thể thức. Tới thời Nguyễn thì nghệ thuật thư pháp trăm hoa đua nở, đa dạng và phong phú.

Dựa trên những cơ sở nào anh có thể đưa ra những nhận định rõ ràng như vậy?

Tiến hành nghiên cứu về lịch sử thư pháp, tôi lựa chọn hai phương pháp chính, trước hết khảo cứu về văn bản, lần lại tất cả những tài liệu về lịch sử Việt Nam được viết trong quá khứ, tìm ra những cứ liệu – trên thực tế chỉ là những phiến đoạn rất nhỏ – về những vấn đề liên quan tới thư pháp, chẳng hạn người nào được nhắc tới với tài năng về thư pháp, người nào được giao viết nhiều văn bản quan trọng. Phương pháp thứ hai là đối chứng phong cách nghệ thuật, tức là nhìn ra những điểm chung của từng thời đại, từng cá nhân và đặc biệt là có đối sánh với các nước đồng văn từng có nghệ thuật thư pháp.

Coi thư pháp Trung Hoa là nguồn tham khảo, mô phỏng, thư pháp Việt Nam có tương tác với bên ngoài theo chiều ngược lại?

Trên bình diện lịch sử, quá trình giao lưu thư pháp được thể hiện ở nhiều mặt, ví dụ sự giao lưu giữa các sứ thần Việt Nam với sứ thần người Triều Tiên (Hàn – Triều ngày nay) hay các văn nhân Trung Quốc. Trương Hảo Hợp trong Mộng Mai đình thi thảo có ghi lại chuyện chữ nghĩa trên đường đi sứ (1831) rằng: “Nơi kiệu của ta đi qua, trên đường gặp sĩ đại phu hay thứ dân, đều tới cầu thư họa, không có ngày nào ngớt”, người Thanh thường tới vây xem, cầu xin chữ nghĩa đến mức “tắc nghẽn cả đường, không đi nổi một bước”. Cấn trai quan quang tập của Trịnh Hoài Đức viết năm 1803 cũng ghi lại về việc này: Mỗi nơi sứ thần đến các sĩ phu đều tranh nhau mang tranh cổ, quạt tốt cầu đề vịnh, hoặc lấy giấy trục tốt để cầu xin chữ viết đối liễn. Đều trả thù lao, đồ vật gọi là lễ cho nhuận bút, chỉ cần lạc khoản ghi tên tuổi của Quốc sứ Việt Nam để ghi lại chuyện kỳ ngộ ấy… Những câu chuyện như thế còn rất nhiều, cho thấy sự giao lưu đó khá là phong phú.

Một công trình nghiên cứu cơ bản được thực hiện bằng nỗ lực cá nhân. Lần đầu tiên nghệ thuật thư pháp cổ của người Việt được đưa vào lịch sử nghệ thuật truyền thống. Đó là một cuộc chạy việt dã xuyên thời gian gần 2.000 năm của một loại hình nghệ thuật tưởng như đã tuyệt tích trong nhận thức của chủ thể văn hóa. Các hiện vật, các văn bản đều được tác giả xử lý và giám định niên đại với một sự kiên nhẫn, tỉ mỉ đáng nể. Các giải mã và bình luận nghệ thuật ở đây phần nào đã lấp đi khoảng trống mênh mông của nghệ thuật thư pháp Việt Nam trên bản đồ học thuật của các nước đồng văn Đông Á. TS Trần Trọng Dương, Viện nghiên cứu Hán Nôm

Vẫn còn đó một nguồn mạch âm ỉ

Ở Việt Nam xưa kia, thư pháp thường được thực hành với những mục đích gì?

Trong quá khứ, mục đích chính của thư pháp là ghi chép thường nhật, thực hành nghệ thuật của các tác gia trở thành tương đối bình dị. Các vua chúa nhiều khi cũng dùng thư pháp để phô diễn cho quần thần hoặc với mục đích răn đe như thời Trần có tác phẩm của Nguyễn Trung Ngạn viết lại lời vua nhân đi đánh các tù trưởng ở biên viễn, hoặc thời Lê thì những tác phẩm của Lê Lợi ở những vùng xa xôi hẻo lánh có thể xem như một dạng “chữ trấn biên cương”, đánh dấu địa vực lãnh thổ của quốc gia. Bài thơ được khắc trên núi Pú Huổi Chỏ, có tên là Thân chinh Phục Lễ châu Đèo Cát Hãn (Tự mình đi đánh Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ) ở Lai Châu của Lê Lợi với nội dung và khí khái tựa như: “Cuồng tặc dám trốn phạt. Dân biên đợi đã lâu. Phản thần xưa vẫn có. Đất hiểm nay còn đâu. Gió hạc hầu đe nạt. Bản đồ thảy tóm thâu. Đề thơ lên vách đá. Giữ đất Việt, Tây châu.”…

Diện mạo một nền thư pháp được xác định bởi những thư gia. Vậy các thư gia trong lịch sử họ là ai?

Thư pháp gia có lai lịch tương đối phong phú, có khi là người quyền cao chức trọng, từ vua quan (Trần Duệ Tông, Lê Thái Tổ, Trịnh Sâm, Gia Long, Minh Mệnh, Tự Đức…), văn nhân sĩ đại phu (Phạm Sư Mạnh, Phạm Hàm, Nguyễn Đình Giới, Hồ Nguyên Trừng, Ngô Thì Sĩ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh…) cho tới cả những người thư lại tầm thường ở địa phương, những người chuyên chức cho việc viết công văn – hay gọi là văn thư như ta bây giờ… Nói chung rất đa dạng. Các thư gia không đơn thuần là những người chỉ có Hán học, mà còn phải là người trau dồi thường xuyên năng lực viết của mình. Người được học tập, đào tạo một cách bài bản thì trở thành nhà thư pháp có nhiều tác phẩm để đời. Trong nghiên cứu của mình, tôi khảo sát tác phẩm của gần 100 thư gia nổi bật qua các thời kỳ.

Lịch sử thư pháp Việt Nam có chấm dứt cùng với với sự cáo chung của Nho học ở khoa thi cuối cùng tại Nam Định năm 1915 không?

Lịch sử thư pháp Hán Nôm tại Việt Nam đã không khép lại cùng với sự cáo chung của Nho học ở khoa thi cuối cùng tại Nam Định năm 1915. Phải rất lâu sau, phong khí đó mới dần đi xuống, chí ít phải đến khi nhà Nguyễn kết thúc vai trò của mình trong lịch sử. Ngay cả trong thời điểm hiện tại thì nó vẫn là một nguồn mạch âm ỉ chảy trong lòng văn hóa của dân tộc. Đặc biệt trong ba mươi năm trở lại đây, phong trào học tập thư pháp, sáng tác thư pháp dần dần được khôi phục trở lại, bởi những người còn tương đối trẻ, và tôi tin họ sẽ là những người viết tiếp câu chuyện cũ bằng một ngòi bút mới!

Có tâm cầu ắt gặp tư liệu


Dập bia ca tụng vẻ đẹp của động Nhị Thanh do thư gia Lê Hữu Dung viết vào khoảng năm 1780 tại động Nhị Thanh, Lạng Sơn, tháng 10/2015. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Để phục vụ cho nghiên cứu của mình, anh tham khảo những nguồn tư liệu nào, những nguồn này có đa dạng không? Có nguồn tư liệu nào anh muốn mà không thể tiếp cận được không?

Trước tiên thì đọc sách vở, như những cuốn sử chính để nhìn nhận xem sách vở quan phương đề cập gì tới thư pháp hay không, sau đó thì tôi đi nghiên cứu thực địa và làm bản dập. Trước khi đi thực địa, tôi phải nghiên cứu thông tin, ví dụ như nơi nào có nhiều văn bia, địa điểm nào có nhiều danh gia ở các lĩnh vực khác nhau có viết thơ, viết văn… Từ những chuyến đi thực tế, có lẽ tôi đã dập không dưới 1.000 bản các tác phẩm thư pháp trên bia đá, kinh tràng, hoành phi, vách hang, vách núi…

Muốn có tư liệu trước tiên phải có cái tâm cầu tư liệu! Bởi có tâm cầu thì mới có ý định đi tìm, mà có ý định đi tìm thì tự khắc sẽ thấy tư liệu. Tư liệu chữ Hán ở Việt Nam hiện nay phải nói vẫn còn rất phong phú và ít được khai thác một cách tường tận. Chữ trên đá, chữ trên đồng, chữ trên sách vở còn rất nhiều. Tuy nhiên cũng có một số tư liệu mà tôi không tiếp cận được đó là tư liệu của các sứ thần Việt Nam ở bên Trung Quốc, hoặc ngay cả tư liệu ở trong nước, nhiều khi tôi muốn được sao chụp cũng gặp khó khăn… bởi cơ chế không cho phép, hoặc muốn sao chụp được phải tốn rất nhiều giấy tờ! Đáng tiếc nhất là tư liệu về Nguyễn Đình Giới. Lần ấy tôi đã tìm được bản dập chữ tên chuông của ông rao bán trên mạng Nhật Bản, nhưng khi liên hệ với người bán thì nó đã bị bán mất rồi và người ta thì bảo mật tên khách hàng, nên tôi chỉ còn một ít tư liệu bằng hình ảnh không mấy sắc nét về một tác gia quan trọng của thời Trần.

Với những tư liệu tiếp cận được, anh có tự tin mình có đủ cơ sở để phác nên những nét đại thể về diện mạo thư pháp Việt Nam qua các thời kỳ không?

Tôi tin mình đã vẽ nên một cách tổng quan về nền thư pháp nước nhà. Bởi chưa có khi nào mà hệ thống tư liệu được thống kê một cách hoàn chỉnh như bây giờ, và gần như từng giai đoạn tôi đều đã thấy những điểm chung, chính điều đó làm tôi càng có cơ sở để đưa ra những nhận định về từng thời kỳ. Trên thực tế, việc làm của tôi là đi tìm những đỉnh cao, xác lập những cung bậc của thư pháp, cho nên “chân núi” nhiều khi bị khuất lấp, và tôi nghĩ tương lai sẽ có những nghiên cứu khác để bổ sung vào bức tranh toàn cảnh đó.

Hạnh phúc trên những cung đường

Phía sau nghiên cứu nhiều năm của anh có bóng dáng nhà tài trợ nào không, nếu không có gì bí mật?

Thực tế là không có ai tài trợ cho tôi trên suốt quãng đường đi tìm những dấu xưa tích cũ đó cả. Nghiên cứu này của tôi không quá gần gũi với đời sống, lại càng không có tính ứng dụng – một trong những điều kiện tiên quyết để nghiên cứu có khả năng được tài trợ.

“Nhà tài trợ” của tôi là những người anh, người chị – họ có khi hỗ trợ xe cộ, hay hỗ trợ bằng cách mua những bản dập của tôi, coi như một phần kinh phí cho chuyến đi. Không có họ, chắc chắn nghiên cứu của tôi còn rất lâu nữa mới có thể hoàn thành.

Trong cảm nhận của cá nhân tôi, anh là típ người rong chơi nhưng rốt cuộc việc gì cần làm đều làm được và làm tới nơi tới chốn. Anh giấu những vất vả của nghề nghiên cứu sau vẻ nhẹ nhõm, hoan hỷ hay anh đã thật sự hóa giải được chúng?

Tôi rất thích câu thơ của Nguyễn Phi Khanh đó là “Trăm năm phù thế người đều mộng, nửa buổi thanh nhàn tớ cũng tiên”. Tôi nghĩ, nếu coi niềm đam mê của mình là công việc, là được làm những điều mà mình thích thì chắc ai cũng chấp nhận vất vả, bởi không có công việc nào làm bằng nhiệt huyết, đam mê mà lại nhàn nhã đâu!

Những hoan hỷ luôn đến sau những lúc công việc vất vả kia kết thúc. Mà nhiều khi nhìn lại thì thấy những lúc hoan hỷ nhất lại là trong lúc làm những công việc vất vả. Giống như bây giờ, khi nghiên cứu của tôi đã hoàn thành và sắp được công bố dưới dạng một cuốn sách thì tôi nhận ra rằng, những lúc hạnh phúc nhất của mình là trên những cung đường đi tìm những “Câu thần bút hoa” ấy!

Trân trọng cảm ơn vì những điều anh đã chia sẻ!

Như Ngọc thực hiện

Vài nét về nhà nghiên cứu Nguyễn Sử:
Sinh năm 1986. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Phúc Kiến, Trung Quốc, ngành Ngữ văn. Hiện làm việc tại Phòng nghiên cứu Phật giáo – Viện nghiên cứu Tôn giáo. Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Học chữ Hán từ năm 10 tuổi trong chùa Đẩu Long, Ninh Bình và thực hành thư pháp cũng từ thời điểm đó. Đã tham gia nhiều triển lãm thư pháp trong và ngoài nước, hiện là giảng viên thư pháp của Vân Yên thư xã. Sở trường các lối chữ Khải, Hành, Thảo.
Đã xuất bản sách Di sản Hán Nôm đình Chèm (viết chung), Nxb Thế giới, 2015.
Sắp xuất bản sách Lịch sử thư pháp Việt Nam, Nxb Thế giới, 1/2017.

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)