Nhớ họa sĩ Đào Đức

Bên cạnh việc tạo hình, thiết kế mỹ thuật điện ảnh, trong cả cuộc đời mình, họa sỹ Đào Đức gắn bó với hội họa qua những chủ đề đơn giản và bình dị, xuất phát từ đời thực.


NSND Đào Đức Tết Ất Dậu, tháng 2 năm 2005.

Chú tôi, họa sĩ Đào Đức, sinh năm 1928 trong một gia đình nhà nho nghèo tại Nam Định. Mặc dù hoàn cảnh gia đình lúc đó rất thiếu thốn và khó khăn, ông bà nội tôi luôn gắng dạy bảo, hướng các con mình học tập văn hóa giỏi và tiếp thu được kiến thức lịch sử, văn hóa của dân tộc. Ông nội tôi đã trực tiếp dạy các con mình chữ quốc ngữ và lịch sử từ thuở 6 tuổi (An Nam sử lược của Trần Trọng Kim là một trong những sách gối đầu giường của Cụ). Ngoài ra, Cụ còn khéo tay và vẽ đẹp, luôn tranh thủ dạy các con tự làm đồ chơi, vẽ và pha màu. Cha tôi kể rằng ông nội tôi có một bộ truyện Tam Quốc chữ Hán với nhiều tranh minh họa đã được Cụ vẽ truyền thần lại, tô màu thuốc nước, pha hàng trăm sắc phục khác nhau cho các nhân vật Tam Quốc từ sáu màu vẽ cơ bản. Nhờ công ơn dưỡng dục này mà các con Cụ sau này đã trở thành những nhà trí thức, văn hóa của nước nhà (cha tôi GS NGND Đào Văn Tiến trong khoa học giáo dục, và chú tôi NSND họa sĩ Đào Đức trong mỹ thuật hội họa).   
Được thừa hưởng hoa tay vẽ giỏi của ông nội tôi, chú Đào Đức đã ham vẽ từ thủa nhỏ, thích họa chân dung bạn bè và người thân, kể cả tự họa bản thân từ hình bóng trong gương. Năm 1945, chú đã hăng hái tình nguyện tham gia Mặt trận Việt Minh khi mới 17 tuổi, với công việc hợp sở trường của mình là vẽ pano, tranh cổ động tuyên truyền cho cách mạng. Công việc này cũng là hoạt động chính của ông trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Năm 1949 ông trở thành một trong 22 sinh viên đầu tiên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam trong kháng chiến ở Đại Từ, Thái Nguyên (tiền thân của Đại học Mỹ thuật Việt Nam sau này). Đây là khóa học đầu tiên và vô cùng đặc biệt, với Hiệu trưởng kiêm giảng viên chính duy nhất là họa sĩ Tô Ngọc Vân, người có công đào tạo và hướng nghiệp cho nhiều họa sĩ nổi tiếng của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Bạn học cùng lớp này với chú Đào Đức còn có các họa sĩ Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu, Lê Lam, Mai Long, Lê Huy Hòa… Ngay khi còn là học viên trường Cao đẳng Mỹ thuật kháng chiến, họa sĩ trẻ Đào Đức đã có tranh cổ động được gửi đi triển lãm tại Cộng hòa dân chủ Đức. Chỉ mới ngoài 20 tuổi nhưng ông đã được biết đến như một họa sĩ trẻ tài hoa của Việt Nam, một bút họa tuyệt với tài năng đặc biệt về mỹ thuật tạo hình được các nghệ sĩ cùng thời trong lĩnh vực điện ảnh đánh giá rất cao. Chính vì thế mà năm 1953, ngay sau khi họa sĩ Đào Đức tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật kháng chiến, ông đã được NSND Đạo diễn Phạm Văn Khoa mời về Đồi Cọ (Thái Nguyên) cùng xây dựng Xưởng phim truyện đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có người đánh giá là ngành điện ảnh Việt Nam đã thực sự may mắn khi chọn được ông chắc cũng đúng. Mặc dù luôn tràn đầy khao khát sáng tác riêng cho hội họa, họa sĩ Đào Đức đã gắn bó công tác trọn đời mình với điện ảnh Việt Nam. NSND, đạo diễn Hải Ninh đã từng đánh giá về chú tôi như sau: “Trong cuộc hành trình nghệ thuật đi suốt cả cuộc đời mình, thật hiếm có một người nghệ sĩ nào đã đeo trên đôi vai một hành trang nặng đến thế – Người lữ hành ấy là họa sĩ Đào Đức. Ông vừa là họa sĩ vẽ tranh, vừa là họa sĩ thiết kế mỹ thuật điện ảnh, và là giảng viên lâu năm của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh…”. 


Bức Quảng Trị. 

Bức Tập bắn.

Trong suốt cuộc hành trình của mình với ngành điện ảnh, NSND Họa sĩ Đào Đức đã trực tiếp tham gia tạo hình, thiết kế mỹ thuật cho hơn 20 bộ phim truyện, từ bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam “Chung một dòng sông” cho đến những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng khác như “Chị Dậu”, “Đến hẹn lại lên” hay “Mối tình đầu”. Đầu năm 1964, lần đầu tiên ông tham gia làm phim với hỗ trợ của điện ảnh nước ngoài (Trung Quốc) để hoàn thành bộ phim màu đầu tiên của Việt Nam là phim vũ kịch “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”. Một kỷ niệm đáng nhớ là Hồ Chủ Tịch đã rất ấn tượng về bộ phim này và đã mời đạo diễn, quay phim, họa sĩ thiết kế cùng một diễn viên chính đến gặp Người để khen ngợi và tặng Huy hiệu của Bác Hồ. Đúng 20 năm sau, họa sĩ Đào Đức đã tham gia hợp tác với Điện ảnh Xô viết làm bộ phim “Toạ độ chết” và cùng tác phẩm này ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Các giải thưởng Bông Sen vàng cũng như giải thưởng quốc tế tặng cho các bộ phim ông tham gia thiết kế mỹ thuật đã được giới báo chí nhắc đến nhiều, nhưng ít người biết rằng để có được những thành công này, ông đã luôn phải dày công nhập vào nội dung, khung cảnh đời sống xã hội của những bộ phim đó. Để làm phim “Mối tình đầu” năm 1976-1977, ngay sau giải phóng miền Nam, chú tôi đã trực tiếp vào sống ở Sài Gòn hơn 2 tháng, lân la gần gũi những xóm bụi đời cũng như những chốn nhà hàng, tiệm nhảy của giới trẻ chơi bời để nhập được vào môi trường sống của các tầng lớp xã hội khác nhau có liên quan tới nội dung và bối cảnh của bộ phim. Cũng vì thế mà ông đã giúp đoàn làm phim “Mối tình đầu” đứng ra thủ vai phụ của một ông Ba Tàu trong phim này rất thành công. 
   Song hành cùng với điện ảnh là niềm đam mê đời của họa sĩ Đào Đức – sáng tác hội họa, theo đuổi ước mơ từ trẻ của mình, như ông vẫn thường tâm sự với con cháu. Ông đã để lại cho đời hàng trăm tuyệt phẩm hội họa, từ bức tranh lụa “Dân quân phục vụ chiến dịch” được trưng bày trong triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất trong những năm kháng chiến chống Pháp, đến bức sơn dầu “Đêm nay Bác không ngủ” trong những năm 70. Bức tranh này cùng nhiều bức tranh khác của ông đang được lưu giữ và triển lãm thường niên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Đặc biệt tác phẩm “Giặc phá ta cứ đi” của ông đoạt giải thưởng cuộc thi áp phích quốc tế 1968 – 1970 tại Warszawa, hiện vẫn đang được lưu giữ và trưng bầy ở Bảo tàng Mỹ thuật Ba Lan. Chủ đề các tác phẩm hội họa của họa sĩ Đào Đức thường đơn giản và bình dị, xuất phát từ đời thực. Bức sơn dầu “Hành quân đêm” với cảnh bộ đội đeo súng hành quân dưới ánh trăng vằng vặc trông thật đến mức mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tỏ ý rất tiếc vì không mua được bức tranh này cho Bộ Quốc phòng lưu giữ. Sau đó, chú tôi đã sao lại chủ đề trên trong một bức tranh lụa để tặng Đại tướng. Em trai tôi, NSƯT họa sĩ Đào Hải đã từng khẳng định “Các tranh vẽ của chú Đức rất gần với dòng tranh hiện thực của Gustave Courbet”.  
Đối với cá nhân tôi, một người làm nghiên cứu trong khoa học tự nhiên khá xa mỹ thuật, thì lại rất ấn tượng với tài ký họa của họa sĩ Đào Đức. Tôi nhớ chú tôi có một bản năng quan sát rất đặc biệt, luôn tìm ra những nét hay, độc đáo trên khuôn mặt, dáng đi, dáng đứng của những người ông gặp. Tất cả những bức ký họa chân dung đời thường về con người Việt Nam ở mọi lứa tuổi, mọi vị trí công việc hay nghỉ ngơi đều rất sống thực, nhiều lúc có cảm giác là ông đã đọc được cả suy nghĩ của những mẫu người trong tranh ký họa khi ông vẽ họ. Từ bức ký họa bút chì “Lão dân quân” năm 1952 đến những bức tốc ký họa bộ đội và thanh niên xung phong ở Quảng Bình, Vĩnh Linh trong đầu những năm 70 khi ông cùng một số văn nghệ sĩ đi thực tế tại chiến trường. Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm đẹp với chú Đào Đức vào đầu những năm 80 khi tôi đang công tác ở Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Dubna, ra gặp ông ở Moscow cùng với đoàn làm phim Việt Nam sang Liên Xô hợp tác với xưởng Mosfilm. Chúng tôi đang dạo chơi ở Hồng trường thì ông dừng lại, nheo mắt ngắm xung quanh và ngồi xuống vỉa hè lấy sổ ký họa ra để vẽ phóng sự nhanh về người và cảnh ở đó. Nhiều người Nga đã xúm lại tò mò khi thấy một họa sĩ bé nhỏ đang ngồi ký họa và bảo nhau chắc đây là một gã người Nhật bản. Họ đã khá ngạc nhiên khi tôi bảo đây là một họa sĩ nổi tiếng của Viêt Nam và tôi đã rất vui cảm thấy một niềm tự hào nhè nhẹ trào dâng. 
   Không chỉ là một họa sĩ tài năng, chú tôi đã sống một cuộc đời với tâm hồn của một nghệ sĩ thực sự. Ông đã hiểu và biết cách thưởng thức văn thơ, Trong những lần gặp gỡ trao đổi với Cha tôi ông hay giúp cập nhật về những tác phẩm văn thơ mới. Đặc biệt chú Đào Đức đã rất đam mê và yêu âm nhạc mặc dù ông không có bất kỳ kiến thức nhạc lý nào. Ông đã luôn tìm được và biết thưởng thức những nét hay trong âm nhạc Việt Nam cũng như ca nhạc quốc tế. Tôi còn nhớ cuối những năm 70, có lần chú đã tâm sự với tôi là ông không tán thành việc coi nhạc Pop của phương Tây là “đồi trụy”. Bữa gặp khác chú Đức đã vui vẻ kể cho tôi là ông vừa xem video clip của ban nhạc rock Bò Cạp (ban nhạc Scorpion nổi tiếng ở CHLB Đức), và ông khen họ hát rất hay và đặc biệt là diễn xuất tuyệt vời trên sân khấu.  
Con người của NSND Họa sĩ Đào Đức là như vậy. Đúng như họa sĩ Đào Hải em trai tôi đã từng viết: “Người ta thường ví nghệ thuật điện ảnh như ánh sáng và hoa. Trong rừng hoa ấy có một loài hoa cũng đầy đủ hương sắc nhưng chỉ nở về đêm, vào lúc không có ánh sáng mặt trời và mọi người đã ngủ. Đó là hoa quỳnh. Một người mà cuộc đời, sự nghiệp cho ta sự liên tưởng về loại hoa này. Ông là họa sĩ, NSND Đào Đức”. Đối với tất cả chúng tôi, những người thân, học trò, bạn bè và đồng nghiệp của họa sĩ Đào Đức thì triển lãm tranh “Carnet de Đào Đức” do con trai ông – họa sĩ Đào Hải Phong cùng với họa sĩ Lê Thiết Cương và các học trò cũ của ông tổ chức ở Gallery 39 Lý Quốc Sư tháng 9/2006 là môt điểm nhấn dịu dàng đáng yêu cho gần 60 năm sự nghiệp hội họa và tạo hình của ông, là dịp cho công chúng được thưởng thức vẻ đẹp và hương thơm của bông hoa quỳnh đặc biệt trong vườn hoa các tài năng hội họa Việt Nam. 
Hà Nội, tháng 1/2019

Tác giả

(Visited 11 times, 1 visits today)