Nữ quyền đầu thế kỷ XX: Như vệt sao băng

Bức tranh lịch sử về làn sóng nữ quyền từ 100 năm trước hóa ra rực rỡ và phong phú hơn chúng ta ngày nay vẫn tưởng.


Chân dung nữ sĩ tài hoa Nguyễn Thị Manh Manh.

Vào một buổi tối tháng 9/1934, tại hội quán Khai Trí Tiến Đức (nay thuộc phố Hàng Trống, Hà Nội), người dân – cả đàn ông, phụ nữ, cả người già, người trẻ – lũ lượt kéo đến nghe một người phụ nữ diễn thuyết. Nơi ấy, “ngày thường lỏng chỏng mấy bàn tổ tôm điếm, coi rộng thênh thang, hôm nay đà gấp đôi thế cũng chẳng đủ chỗ cho công chúng đứng, ngồi. Trên gác, dưới nhà, không một chỗ hở…” (Phụ nữ Tân văn số 259, 20/9/1934). Người phụ nữ ấy đã cất cao tiếng nói cổ vũ nữ quyền: “Đàn bà tân tiến là đàn bà mới, biết đi theo trào lưu xã hội, theo thời đại văn minh hiện chừ” và bà đã “xin ngang hàng với đàn ông, xin được đồng một phẩm giá làm người trong xã hội”. Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Kiêm (hay còn gọi là Nguyễn Thị Manh Manh), lúc bấy giờ chỉ mới 20 tuổi.

Bấy lâu nay, chúng ta vẫn thường lầm tưởng rằng nữ quyền là một phong trào chỉ mới nhen nhóm gần đây, nhất là khi quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu Việt Nam 1920 – 1945, giới và hiện đại: những nhận thức và trải nghiệm mới của TS. Bùi Trân Phượng, thực chất phong trào nữ quyền đã diễn ra sôi nổi ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, mà trong đó bà Nguyễn Thị Kiêm là một cá nhân tiêu biểu.

Dù bấy giờ chúng ta một lúc phải đối diện với hai rào cản lớn, đó là ảnh hưởng Nho giáo và chế độ Pháp thuộc áp bức tiếng nói tự do, nhưng vẫn có nhiều điều kiện để phong trào nữ quyền phát triển. Điều kiện thứ nhất là sức mạnh và sức sống của truyền thống tiền Nho giáo, phi Nho giáo và phản Nho giáo. Theo TS. Bùi Trân Phượng, cùng với Tống Nho, chúng ta còn có tam giáo đồng nguyên, tín ngưỡng bản địa, tập quán tiền Nho giáo, gốc rễ văn minh Đông Nam Á (lúa nước, mẫu hệ, đa thần giáo trong đó nhiều nữ thần). “Những truyền thống gốc rễ, văn hóa bản địa ấy luôn được bảo tồn trong thực tế đời sống”.

Điều kiện thứ hai để nữ quyền phát triển, đó là khi người Việt Nam va đập với những giá trị mới, mà tiêu biểu là chữ Quốc ngữ với đặc điểm dễ học, giúp xóa mù chữ nhanh, dễ dàng lan tỏa ra ngoài xã hội, và vì vậy đem lại cơ hội cho người yếu thế cất cao tiếng nói của mình. Cùng với đó là sự góp sức của nền giáo dục công lập khi mà lần đầu tiên nữ sinh được cắp sách đến trường, và từ đó ra đời nhiều ngành nghề mới mà phụ nữ có thể tham gia như viết báo, viết văn, làm thơ… Dù hệ thống nhà trường thực dân giai đoạn đầu thế kỷ XX chủ yếu để phục vụ chính quyền thực dân, nhưng nó cũng có một điểm tích cực là đã dạy cho học sinh, cả nam và nữ, biết về quyền làm người. Chính những người Việt Nam học từ nhà trường đó đã trở thành những người đầu tiên khởi xướng các cuộc đấu tranh nữ quyền.


Chân dung Đạm Phương nữ sử. Cùng với Sương Nguyệt Anh, bà là cây bút tiên phong đấu tranh vì nữ quyền giai đoạn đầu thế kỷ XX. Ảnh: Tuyển tập Đạm Phương Nữ Sử – NXB Văn học 2010 (ảnh tư liệu). 

Vì sao người phụ nữ thời đó lại phải đấu tranh đòi nữ quyền? Trước khi lý giải điều này, bà Trân Phượng cho rằng cần phải hiểu rõ thực chất nữ quyền chính là nhân quyền, nhưng sở dĩ người ta nói nữ quyền là vì phụ nữ thiệt thòi, nên chúng ta đấu tranh để phụ nữ có được nhân quyền. Và vào giai đoạn này, đối với phụ nữ, thì cả nữ quyền lẫn nhân quyền đều không được bảo đảm, vì ngoài việc chịu ảnh hưởng của Nho giáo thì còn chịu thiệt thòi sâu sắc do bối cảnh kinh tế thay đổi. Báo Phụ nữ Tân văn đã phân tích rất rõ, rằng dưới chế độ kinh tế đương thời (kinh tế của thực dân), người phụ nữ phải chịu thêm nhiều gánh nặng khác. Ví dụ, những nghề truyền thống (kinh doanh nhỏ lẻ, xay giã…) không còn đem lại thu nhập như trước đây, tất cả thương nghiệp lớn nằm trong tay thực dân hoặc Hoa kiều, người phụ nữ bị nghèo đi và bị gạt ra ngoài xã hội. Do đó, họ đấu tranh để giành lại quyền sống tối thiểu của họ.

Và điều này liên quan đến yếu tố thứ ba. Đó là đầu thế kỷ XX, những cuộc đấu tranh chống thực dân bằng con đường vũ trang đều thất bại. Sau năm 1930, chỉ còn cách đấu tranh phi bạo lực, và trong loại hình đấu tranh đó, vị thế của người phụ nữ vô cùng thuận lợi. Chính vì vậy, các nhà yêu nước đã dùng phong trào đấu tranh nữ quyền để tiếp tục chống áp bức, giành lại nhân quyền.

“Đó đều là những điều kiện để làn sóng đấu tranh nữ quyền phát triển rực rỡ, đa dạng, phong phú từ cách đây 100 năm”, TS. Bùi Trân Phượng kết luận.

 

Xây dựng tinh thần tự lập cho người phụ nữ

 

Vì phải có ba điều kiện hội tụ như vậy, nên thời điểm khởi đầu của làn sóng nữ quyền không phải là năm 1858 – khi thực dân Pháp xâm lược vào nước ta. “Tôi chọn mốc 1918, vì đó là thời gian đủ để những học sinh đi học trong các nhà trường Pháp thuộc bắt đầu ra trường và trở thành những công dân tham gia vào các hoạt động xã hội với một học vấn khác với trước đây”, bà Trân Phượng nhận định.

Đó cũng là năm mà tờ báo đầu tiên của phụ nữ Việt Nam, Nữ giới chung (Tiếng chuông của phụ nữ), ra đời, do nhà thơ Sương Nguyệt Anh làm chủ bút xuất bản tại Sài Gòn. Đây là diễn đàn báo chí đầu tiên để thảo luận, đặt vấn đề về bình đẳng giới và nữ quyền.

Cũng vào năm này, bà Đạm Phương nữ sử (1881 – 1947, tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh, là cháu nội của Vua Minh Mạng, con của Hoằng Hóa quận vương Nguyễn Phúc Miên Triện) đã bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình. Năm 1918, bút danh Đạm Phương nữ sử bắt đầu xuất hiện trên khắp các báo, tạp chí ở khắp cả nước như Nam Phong, Phụ nữ thời đàm, Tiếng dân, Trung Bắc Tân văn… để đưa ra những quan điểm đanh thép về vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Dù là một “con vua cháu chúa” điển hình, nhưng bà lại kịch liệt phản đối quan niệm “hồng quần núp bóng tùng quân” của những người phụ nữ thượng lưu thời đó: “Cái thói ỷ lại của bọn nữ lưu chúng ta đã gần như một căn bệnh thâm niên rồi. Ỷ lại tức là nguồn gốc của nô lệ đó vậy. Nếu muốn kéo lại nữ quyền thì trước hết phải tìm nhân cách cho nữ giới, mà muốn tìm nhân cách cho nữ giới thì trước hết phải tảo trừ cái bệnh ỷ lại đó” (Báo Trung Bắc tân văn, 25/9/1926).

Để chữa bệnh ỷ lại, bà thành lập Nữ công học hội ở Huế vào năm 1926. “Thuốc chi bây giờ? Cái bài thuốc ấy chính là mục đích quan trọng thứ nhất của bản Hội. Cái bài thuốc ấy là gây cho bọn quần thoa một cái tinh thần tự lập bằng các nghề nghiệp của mình, trong cái phạm vi đạo đức, tri thức Đông phương và Tây phương hòa hợp với nhau đó. Sau là kết cái dây đoàn thể để bênh vực lợi quyền cho nhau”, bà viết. Nữ công học hội tổ chức dạy những nghề thông dụng để chị em phụ nữ phát triển thành một nghề kiếm sống, hội còn tổ chức dạy chữ cho những hội viên chưa biết chữ, dạy những kiến thức về nuôi dạy con cái, tổ chức gia đình… GS, David G. Marr, Đại học Quốc gia Úc, đã khẳng định, Nữ công học hội ở Huế là tổ chức nữ quyền đầu tiên tại Việt Nam.


Trên trang bìa của Phụ nữ Tân văn số 28, ngày 7/11/1929 là hình ba cô gái với câu thơ thể hiện tôn chỉ của tờ báo: “Phấn son tô điểm sơn hà/Làm cho rõ mặt đàn bà nước Nam”. Ảnh: The Holyland Of Vietnam Studies

Nối gót bà Đạm Phương, ngọn cờ của làn sóng nữ quyền giai đoạn đó còn có nhiều thế hệ tham gia và làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Họ là những người tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc như bà Nguyễn Thị Giang (Cô Giang), Nguyễn Thị Bắc (Cô Bắc), Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trung Nguyệt…, họ không chỉ đấu tranh giải phóng dân tộc, mà họ còn đấu tranh giải phóng phụ nữ với một ý thức nữ quyền hết sức rõ ràng.

Bà Nguyễn Thị Minh Khai, lúc bấy giờ 25 tuổi, với tư cách là đại biểu Đông Dương, đã phát biểu tại Đại hội Quốc tế Cộng sản: “Hàng trăm năm, luật lệ phong kiến cũ rích đã làm phụ nữ phương Đông phải âm thầm và ngoan ngoãn nô lệ cho cha mẹ và chồng, làm tê liệt ý chí và tối tăm trí tuệ của họ”. Và bốn năm sau đó, bà vẫn nhất quán với tư tưởng của mình: “Chúng ta phải đoàn kết mới đòi được quyền tự do bình đẳng. Cuộc đấu tranh giải phóng của giới phụ nữ chúng ta sẽ còn lâu dài, tới khi cách mạng thành công, ta giành được chính quyền rồi, thì cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp tục. Tư tưởng trọng nam khinh nữ không chỉ có trong các tầng lớp đi bóc lột, nó ảnh hưởng sâu sắc đến cả mọi người. […] Trong nam giới, ngay cả trong Đảng viên nam giới, thì cũng không phải đã gột sạch được hết thói xấu trọng nam khinh nữ. Chính vì thế, chị em ta càng cần đoàn kết bền bỉ”.

Tư tưởng về tinh thần tương thân tương ái giữa các chị em phụ nữ cũng được thể hiện thông qua các hoạt động của tờ Phụ nữ Tân văn. “Phụ nữ Tân văn không chỉ là một tờ báo, mà còn là một cơ quan hoạt động chính trị – xã hội. Báo đã lập ra Hội Dục Anh để giữ trẻ cho các chị em buôn gánh bán bưng, để chị em được yên tâm, tự do đi bươn chải kiếm sống”, TS. Bùi Trân Phượng phân tích. Tờ báo này có những hoạt động hợp pháp diễn ra ở trong thành phố một cách bình thường nhằm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo, thậm chí người Pháp còn bắt chước làm theo cách thức tổ chức này. Dù chỉ tồn tại sáu năm (1929 – 1935), nhưng Phụ nữ Tân văn đã để lại dấu ấn đậm nét trong các hoạt động đấu tranh nữ quyền thời bấy giờ.

Tương tự như vậy, dù các hoạt động đấu tranh đã diễn ra vô cùng sôi nổi, nhưng trước sự đàn áp của chính quyền thực dân, những nỗ lực không thành công trong việc phối hợp hành động và tổ chức ở quy mô cả nước, cũng như do rào cản văn hóa, chính trị, xã hội; làn sóng nữ quyền đầu thế kỷ XX lóe sáng nhưng phải kết thúc hệt như một vệt sao băng thoáng qua.

Đàn ông không phải là trở lực

 

Khi bàn đến những khó khăn của cuộc đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ, nhiều người thường nhắc đến đàn ông như là đối trọng, là thủ phạm gây ra nỗi bất hạnh cho người phụ nữ, và họ cũng chính là trở lực khiến con đường đấu tranh trở nên gian nan hơn. Tuy vậy, trái với những gì chúng ta hình dung, vai trò tích cực của người đàn ông giữa làn sóng đấu tranh vì nữ quyền đầu thế kỷ XX lại vô cùng đậm nét.

Họ thực sự đã trở thành một phần của phong trào, và bản thân họ đã đưa ra những quan điểm vô cùng mới mẻ, toàn diện và sâu rộng, mà tiêu biểu là việc Phan Bội Châu đã viết lại lịch sử Việt Nam, thoát ly quan điểm phong kiến. Theo ông, Trưng Nữ Vương là “người tổ đích nước ta”, “là một vị Phật nhà, là tổ nước Nam ta […] là người sinh đẻ ra người nước Nam ta, là người có công đức lớn với nước Nam ta, […] Trưng nữ vương là thủy tổ”. Ông lớn tiếng hỏi: “Trưng nữ vương là đàn bà không đáng gọi là tổ?”, rồi ông lý giải: “Nói thế quá câu nệ: lúc bắt đầu loài người mới sinh ra, chỉ biết có mẹ mà không biết có cha thì gọi mẹ là tổ, thì có hại gì?” Sau đó ông thách “Các nhà sử học nào mà bác được câu này, tôi xin mời”.

Không chỉ Phan Bội Châu, mà Nguyễn An Ninh – nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng tiêu biểu, và còn là một người ủng hộ nữ quyền vào đầu thế kỷ 20 – cũng đề cao vai trò của Hai Bà Trưng trong lịch sử. Theo bà Bùi Trân Phượng, không phải ngẫu nhiên mà cả Nguyễn An Ninh và Phan Bội Châu đều viết mỗi người một tuồng Hai Bà Trưng khác nhau để truyền bà tư tưởng yêu nước của mình. Đặc biệt, Nguyễn An Ninh đã dùng vở tuồng này như một cách tuyên truyền tư tưởng đấu tranh của ông.

Ngoài ra, Phan Bội Châu cảm thấy việc tôn vinh người phụ nữ là việc cần thiết phải làm, chứ không hề ảnh hưởng đến vị thế của người đàn ông. Năm 1930, khi Cô Giang tự sát, ông đã viết những bài thơ về người phụ nữ anh hùng này. Trong tất cả các sáng tác của Phan Bội Châu về Cô Giang, ông đều gọi Cô Giang bằng “chị” và xưng “em” dù Cô Giang thua Phan Bội Châu 41 tuổi và lúc bấy giờ danh tiếng ông lừng lẫy khắp cả nước, còn Nguyễn Thị Giang là một Đảng viên bình thường của Việt Nam Quốc dân Đảng. Sự tôn vinh của Phan Bội Châu dành cho phụ nữ cũng thể hiện thông qua định nghĩa của ông về nữ quyền: “Theo ở trên mặt chữ mà nói thì nữ quyền nghĩa là quyền của người đàn bà con gái, cũng như nam quyền là quyền của người con trai. Nhưng xét cho đến nguồn gốc chân lý, thăm cho tới nguồn triết học thì nữ quyền với nam quyền tất cả thâu nạp vào trong hai chữ ‘nhân quyền”’. Nhân quyền là quyền của người mà cũng có nghĩa là quyền làm người”.

Phan Bội Châu không hề hoạt động đơn lẻ và chỉ trên mặt giấy, theo TS. Bùi Trân Phượng, bà vẫn đang tìm thêm dẫn chứng làm cơ sở cho lập luận của mình, rằng dường như có mối quan hệ cộng tác giữa cụ Phan Bội Châu và bà Đạm Phương để thành lập Nữ công học hội trong thời gian cụ bị Pháp đưa về Huế an trí. “Bà Đạm Phương thường lui tới thăm viếng cụ trước khi lập Hội. Ngày khai trương bà mời tất cả quan chức triều đình, quan chức Pháp đến, cụ Phan Bội Châu không có mặt, nhưng cụ có mặt vào ngày hôm sau. Cụ đã đến và phát biểu: ‘Chỉ nhờ sức tự động của chị em mình, mình giáo dục lấy mình, ấy là thượng sách […] Hễ những sự nghiệp gì rất khó khăn, rất to lớn, món trai không làm nổi, chị em ta quyết chí làm nên. […] Chị em muốn giữ quyền người, muốn tranh quyền gái cũng chỉ bấy nhiêu’”, TS. Bùi Trân Phương đề xuất quan điểm của mình.

Ngoài Phan Bội Châu, làn sóng nữ quyền đầu thế kỷ XX còn đón nhận sự tham gia tích cực của ông Đặng Văn Bảy, một thầy giáo ở Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ông đã xuất bản cuốn sách Nam nữ bình quyền vào năm 1928, trong đó ông cắt nghĩa: “Không phải nam nữ bình quyền là vợ sẽ có quyền đánh chồng, mắng chửi chồng, như xưa nay chồng đã đánh vợ, mắng chửi vợ”, “Nam-nữ bình quyền, đời đời vốn có, mà Nam-nữ bình quyền, đời đời vốn không. Không có, có không, chín tại ý người, thật sự nào nơi lẽ trời.” Ông Đặng Văn Bảy cho rằng người phụ nữ cần phải đấu tranh để đòi quyền cho mình, bởi “Năng làm tôi mọi, cái kết quả sẽ là tôi mọi đời đời”, “Có người không thấy áp chế, vì đã tập quen cái thói tôi mọi” …

Quan điểm của ông thậm chí còn hiện đại hơn quan điểm của rất nhiều người trong cuộc sống hiện đại ngày nay, theo TS. Khuất Thu Hồng. Nữ quyền trong giai đoạn đương đại thường xuyên bị chế giễu. “Thậm chí, nhiều người thường nghĩ về nữ quyền như thể đó là một đám phụ nữ rỗi việc đi đấu tranh đòi những quyền rất đặc biệt cho phụ nữ. Những cách hiểu không đúng về nữ quyền là lý do khiến cho con đường đấu tranh vì nữ quyền ngày càng trắc trở”.

Trái lại, vào đầu thế kỷ XX, con đường đấu tranh vì nữ quyền lại được sự ủng hộ lớn của những người đàn ông trong giới tri thức. Khi bà Nguyễn Thị Kiêm đi từ Sài Gòn ra Huế, Nam Định, Hà Nội để diễn thuyết về nữ quyền, bà đi đến đâu cũng được các tổ chức tại đó hỗ trợ, mà điển hình ở Hà Nội là Hội Khai trí Tiến Đức của Phạm Quỳnh. “Mặc dù tư tưởng nữ quyền của Phạm Quỳnh chắc chắn không giống tư tưởng nữ quyền của Nguyễn Thị Kiêm, nhưng họ biết rằng nữ quyền là văn minh, tiến bộ, nên họ đều ủng hộ”, bà Phượng cho biết.

Khi ấy, bà Nguyễn Thị Kiêm đã trình bày về những chủ đề như “Có nên tự do kết hôn chăng?”, “Nên bỏ chế độ đa thê không?” … Sự can đảm và quyết liệt ấy đã khiến tác giả của Thi nhân Việt Nam phải thốt lên về Nguyễn Thị Kiêm, “đó là một nữ sĩ có gan và có tài”.

Rực rỡ và phong phú là thế, tuy nhiên, trước câu hỏi rằng rốt cục nữ quyền trong quá khứ đã để lại bài học gì cho nữ quyền trong hiện tại, thì câu trả lời của TS. Bùi Trân Phượng là “có học đâu mà hỏi bài học”, vì sau đó những tên tuổi đó “có còn ai biết đến, có còn ai dạy nữa đâu”. Chẳng hạn, xét riêng trong lĩnh vực văn học nửa đầu thế kỷ XX, nữ quyền không chỉ có Tự Lực Văn Đoàn, mà còn có những nhà văn khác, tác phẩm khác, và đó đều là những hoạt động đấu tranh nữ quyền vô cùng phong phú. Nhưng cuối cùng những tác phẩm ấy chỉ còn chìm khuất trong các nghiên cứu để trình luận án ở các đại học nước ngoài mà vắng bóng trong nước.

Cũng theo TS. Bùi Trân Phượng, rốt cục, nếu muốn cuộc đấu tranh bình đẳng giới ở Việt Nam hiện tại trở thành một làn sóng ý nghĩa, thì chúng ta phải thực sự hiểu nữ quyền là gì, cũng như thực sự hiểu những cái ‘nhãn’ chúng ta đang vận động gán lên cho người phụ nữ có hợp lý hay không, mà tiêu biểu trong số đó là “công dung ngôn hạnh”. Bà trích dẫn:

“Công là đủ mùi xôi, thức bánh,

Nhiệm nhặt thay đường chỉ mũi kim.

Dung là nét mặt ngọc trang nghiêm,

Không tha thiết, không chiều lơi lả.

Ngôn là dạy trình thưa vâng dạ,

Hạnh là đường ngay thảo kính tin.

Xưa nay mấy kẻ dâu hiền,

Dung, công, ngôn, hạnh là tiên phàm trần”.

(Gia huấn ca – Nguyễn Trãi)

“Tôi nói vậy để chúng ta hiểu có đáng giữ nó lại hay không, chứ đừng tiếc nó hoài”, bà kết luận. □

Tác giả

(Visited 98 times, 1 visits today)