Phim, nhà nước và đầu tư công

Bộ phim Đào, Phở và Piano (2023) của đạo diễn Phi Tiến Sơn gây sự chú ý lớn vào dịp Tết vừa qua khi chính thức ra rạp chiếu thương mại. Việc này đã làm bùng lên những tranh cãi về việc một tác phẩm được đầu tư từ ngân sách nhà nước cần đến với khán giả theo cách như thế nào. Tại sao bộ phim vẫn bán vé dù là sản phẩm được làm từ thuế của nhân dân?

Việc phát hành phim “Đào, Phở và Piano” làm bùng lên tranh luận về việc một tác phẩm được đầu tư từ ngân sách nhà nước cần được đến với khán giả theo cách nào.

Với nhiều sinh viên đại học hay học sinh trung học ngày nay, một bài học vỡ lòng môn Kinh tế học chính là khái niệm hàng hoá công. Một hàng hóa công có hai đặc tính cơ bản: không tranh giành (chất lượng hàng hóa không phụ thuộc vào độ tăng biên số người tiêu dùng) và không loại trừ (miễn phí). Ví dụ không khí sạch là một hàng hóa công đặc thù mà việc đầu tư để đảm bảo có không khí sạch thuộc về nhà nước, và việc cùng hít thở một bầu không khí sạch dành cho bất kỳ ai. Xét theo quy chiếu này, phim được đầu tư từ ngân sách nhà nước là một hàng hóa công không đặc thù. Tác phẩm phim hoàn thiện dù có thể được xem bởi nhiều người cùng lúc, tức không tranh giành, nhưng để xem được phim thì cần có phương tiện trình chiếu và địa điểm với số lượng giới hạn, do đó, có tính loại trừ.

Với dạng hàng hóa công không tranh giành, lý thuyết kinh tế vĩ mô nói rằng có hai cách định giá sản phẩm. Nếu cung cấp miễn phí, sẽ tối đa hóa lợi ích người dùng (khán giả không phải trả tiền vé xem phim) nhưng ngân sách tài trợ làm phim phải lấy từ chính tiền thuế của dân. Nếu cung cấp với một mức phí nhất định (khán giả phải trả tiền vé mới xem được phim), tuy lợi ích người dùng giảm nhưng bù lại được phần ngân sách tài trợ. 

Sự ra đời của Luật Điện ảnh 2022 đã chính thức chuyển đổi mô hình định giá sản phẩm: đó là từ hoàn toàn cung cấp miễn phí sang việc cung cấp trả phí với đối tượng khán giả nhất định. Trên thực tế, một bộ phim như Đào, Phở và Piano đã được duyệt ngân sách hoàn toàn bằng vốn đầu tư nhà nước trước thời điểm Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực (ngày 1/1/2023) và khi đó, mục tiêu đặt hàng rõ rệt để thực hiện nhiệm vụ chính trị và không có phương án phát hành thương mại. Tuy nhiên, bộ phim vẫn được Cục Điện ảnh quyết định phát hành vào dịp Tết 2024, trước tiên ở cụm rạp Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (thuộc sở hữu nhà nước, là cơ quan phát hành chính thức), rồi lan ra các rạp chiếu tư nhân khác như Beta và CineStar, với giá vé thấp hơn giá trung bình (ví dụ vé đồng hạng 40 nghìn đồng tại rạp Dcine Bến Thành). Tất cả nguồn thu này (theo chuyên trang thu thập Box Office Vietnam tính đến nay là khoảng 16 tỷ đồng) sẽ góp phần bù lại ngân sách nhà nước đã tài trợ cho sản xuất phim được nêu là 20 tỷ đồng. Vô hình trung, Đào, Phở và Piano thực hiện vai trò lịch sử của nó, là thực chứng cho sự chuyển đổi mô hình định giá sản phẩm này. 

Nếu coi đấu thầu là một phương án trong sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước, thì việc phương án đó không được áp dụng trong suốt gần 20 năm qua là một minh chứng về tính không hiệu quả và bất khả thi. 

Kể từ thời điểm Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực, đối với tất cả các bộ phim sử dụng ngân sách nhà nước, Nghị định 131/2022/NĐ-CP quy định rõ ở điều 8: với phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng (như kiểu Đào, Phở và Piano), sẽ cần có phương án phát hành, phổ biến phim; với phương thức đấu thầu, sẽ cần có thêm phương án phân chia lợi nhuận, cụ thể hóa chi phí phát hành và doanh thu dự kiến. Hơn thế nữa, Luật Điện ảnh 2022 còn quy định tại rạp chiếu phim tại Việt Nam, ưu tiên khung giờ từ 18 – 22 giờ hằng ngày cho phim Việt Nam, đồng thời tỷ lệ chiếu phim Việt Nam cần đạt ít nhất 15% giai đoạn 2023-2025 và 20% kể từ 2026 trở đi. Do đó, Luật Điện ảnh 2022 đã chứng tỏ tính chất cập nhật, quan tâm đến bảo hộ phim nội địa và vai trò điều chỉnh của nó với thực tiễn đang diễn ra trong thị trường phát hành – phân phối phim tại nước ta. 

Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập giữa lý thuyết và thực hành, và cần những giải pháp cụ thể để sự cách tân của Luật Điện ảnh 2022 thật sự đi vào đời sống. 

Thứ nhất, vấn đề sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước. Kể từ Luật Điện ảnh 2006 đến nay, các phương án để nhà nước “tài trợ” cho phim điện ảnh bao gồm “giao nhiệm vụ, đặt hàng” và “đấu thầu”. Trên thực tế, chưa có dự án phim nào được thực hiện theo phương thức đấu thầu. Thậm chí, vào năm 2021, phương thức này đã từng được Quốc hội đem ra bàn thảo có nên bỏ đi trong Luật Điện ảnh mới. Còn với hình thức “giao nhiệm vụ, đặt hàng”, có rất ít hãng phim tư nhân từng tham gia hoặc muốn tham gia. Các phương án này đều phải theo quy định của Luật Đấu thầu vốn áp dụng cho tất cả các hạng mục đầu tư công nói chung mà không chú ý đến yếu tố đặc thù của điện ảnh. Hơn nữa, Bộ Tài chính lại can thiệp quá mức vào tiến trình này. 

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một bộ phim nhà nước tài trợ, đặt hàng thành công.

Một nhà sản xuất (xin phép không nêu tên) từng than thở về việc Bộ này đã đặt câu hỏi bắt giải trình ngân sách sản xuất đến từng cây kim sợi chỉ mà thiếu hiểu biết về đặc thù ngành phim. Kiểu như đặt câu hỏi: “tại sao lại cần chuẩn bị (và chi phí đi kèm) đến hai bộ quần áo giống nhau cho một nhân vật?” Người trong ngành điện ảnh hiểu rõ, việc chuẩn bị nhiều bộ đồ giống nhau cho một nhân vật là tối cần thiết, vì một cảnh quay thường phải thực hiện nhiều lần và bộ đồ có thể bị dơ bẩn sau mỗi lần quay, nhất là với những cảnh quay hành động, mà không thể chờ làm sạch bộ đồ rồi mới quay lại cảnh đó. Có phải vì những tiểu tiết mệt mỏi và “lợi bất cập hại” như thế, mà một bộ phim hiện đang trong tiến trình sản xuất là Địa đạo (2025) của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước 30/4/2025, dù có nội dung về các chiến sĩ đặc công ở Củ Chi thời chống Mỹ đã không dùng đến ngân sách nhà nước? Bất kể đứng sau bộ phim là những nhà sản xuất tư nhân đã có kinh nghiệm hợp tác cùng nhà nước như Galaxy Studio được đặt hàng Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh(2015) của đạo diễn Victor Vũ và HK Film từng trình duyệt dự án Đất rừng phương Nam (2023) của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhưng không được đặt hàng.

Nếu như “đấu thầu” không được áp dụng và “giao nhiệm vụ, đặt hàng” không thu hút được khối tư nhân làm phim trong suốt 20 năm qua, thì đó hẳn là một minh chứng cho thấy cơ chế tài chính tài trợ phim đang không hiệu quả và bất khả thi. Việc mạnh dạn hủy bỏ cơ chế cũ là một bước tiến để giúp điện ảnh đi vào phát triển thực chất. Lựa chọn người sản xuất phim để đặt hàng, giao nhiệm vụ hay đấu thầu không thể chỉ dựa vào giá tiền sản xuất – giá thành tương tự như một đoạn đường giao thông hay một dự án bất động sản. Một dự án phim có đáng để nhà nước đầu tư hay không cần phải được đánh giá dựa trên quy mô, tính khả thi bên cạnh giá trị nghệ thuật và khả năng thực hiện nhiệm vụ chính trị về văn hóa, ngoại giao – đó mới là những điều quyết định. 

Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, dù được đưa vào Luật Điện ảnh từ năm 2006, nhưng đến nay Quỹ này hiện vẫn còn nằm trên giấy. 

Thứ hai, một Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trở thành tia hi vọng của giới làm phim, mong mỏi đó là một cơ chế tài chính khác, “dễ chịu hơn” khi đứng trước những chướng ngại vật của “đấu thầu” của “giao nhiệm vụ, đặt hàng”. 

Chủ trương tốt đẹp của nó nhằm hướng đến phát hiện các tài năng mới, cũng như hỗ trợ các dự án điện ảnh nghệ thuật hướng ra thế giới, ghi dấu ấn và tên tuổi Việt Nam tại các liên hoan phim quốc tế là điều một đất nước nào, một nền điện ảnh lớn nhỏ nào đều thực hiện. Tuy nhiên, những nội dung quỹ hỗ trợ hiện nay theo Luật Điện ảnh 2022 vẫn chung chung và thiếu trọng tâm. Theo tôi, Quỹ hỗ trợ Phát triển điện ảnh cần tập trung vào các điểm sau: i) sản xuất phim tại Việt Nam hoặc phim có đề tài liên quan đến Việt Nam; ii) phát hành phim Việt Nam trong nước và quốc tế và cải thiện mạng lưới rạp chiếu tại Việt Nam; iii) bảo tồn giá trị điện ảnh và nâng tầm vị thế của điện ảnh Việt Nam trong kết nối với khu vực và quốc tế. Với mỗi điểm, cần có chính sách thúc đẩy để mạnh đào tạo nhân lực, cải tạo cơ sở vật chất và khuyến khích tài năng. Quan trọng nhất là Quỹ cần một quy trình tài trợ đủ minh bạch và thuận lợi để tất cả các cá nhân, tổ chức đủ điều kiện tham gia ứng tuyển và được hỗ trợ ở các công đoạn của dự án với kịch bản phim, sản xuất, hậu kỳ hay phát hành; có hội đồng tuyển lựa, đánh giá đủ uy tín; có sự công bằng giữa những tiếng nói mới, độc lập nhỏ bé trong tương quan với những tác phẩm đồ sộ, tác giả đã thành danh. 

Dự kiến, nguồn vốn của Quỹ này chủ yếu sẽ dựa trên nguồn chủ yếu từ ngân sách. Và như vậy, quỹ sẽ được vận hành trên nguyên tắc sử dụng và quản lý vốn nhà nước, không loại trừ khả năng sẽ gặp những thách thức như cơ chế đấu thầu, giao nhiệm vụ, đặt hàng nói ở trên. Mặc dù Quỹ cũng mở khả năng huy động đóng góp tự nguyện nhưng mong muốn nhiều năm qua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc trích 3% từ nguồn thu vé bán tại rạp cho Quỹ đã vấp phải sự phản đối từ các bộ, ngành liên quan về thuế và do đó không được thông qua.

Dẫu vậy, hai khó khăn trên cũng vẫn có thể giải quyết được. Nó không thể dùng để biện hộ cho thực tế dù đã được đưa vào Luật Điện ảnh từ 2006, tới thời điểm này, Quỹ hỗ trợ Phát triển điện ảnh vẫn chưa được thành lập và đi vào hoạt động. Rốt cục, vướng mắc thực sự nằm ở đâu?  

Thứ ba, những quy định về bảo hộ điện ảnh nội địa nghe rất chuẩn xác và cần thiết, liệu có được thực thi một cách chặt chẽ và quyết liệt trong thực tế? Làm sao để “ưu tiên phim Việt Nam trong khung giờ chiếu 18 – 22 giờ hằng ngày” trở thành một điều bắt buộc trong một khoảng thời gian nhất định kể từ thời điểm một bộ phim ra mắt, ví dụ 1 -3 tuần, với mọi bộ phim Việt Nam được phát hành, chứ không phải chỉ dành cho một thiểu số phim được chủ quan đánh giá là thu hút khán giả. Hay làm sao để “tỷ lệ số suất chiếu 15% dành cho phim Việt Nam” không phải là lý do để các rạp chiếu sắp xếp những suất chiếu sáng sớm hay tối muộn dành cho phim Việt được chủ quan đánh giá kén khách chỉ để đạt chỉ tiêu, mà cần là tỷ lệ trung bình tính trên tất cả các phim ở mỗi tuần, chứ không phải theo năm. Điều này sẽ khuyến khích có nhiều bộ phim Việt Nam được sản xuất hơn, do có sự bảo đảm về mặt phát hành. Ngoài ra, dù trong điều kiện bảo hộ nội địa, sự cạnh tranh giữa các bộ phim ở rạp chiếu trên thực tế sẽ diễn ra công bằng hơn, do sự đa dạng về thể loại phim, cách thức làm phim cũng như nguồn vốn đầu tư, dù là từ nhà nước hay tư nhân, trong nước hay nước ngoài. Nếu như việc kiểm soát thực tiễn được mạnh mẽ như việc thanh tra văn hoá vào tận rạp kiểm tra độ tuổi khán giả xem phimMai (2024) của đạo diễn Trấn Thành tại một số rạp ở Thành phố Hồ Chí Minh mới đây gây xôn xao dư luận, thì có lẽ những quy định này mới tránh được lối mòn thực thi cho có và chạy chỉ tiêu, để thực sự đi vào cốt lõi nhằm chấn hưng điện ảnh Việt Nam. □

Bài đăng Tia Sáng số 6/2024

Tác giả

  • Đạo diễn, biên kịch, nhà sản xuất phim. Phim gần đây nhất của anh là Memento Mori: Đất, tranh giải tại hạng mục New Currents của Liên Hoan Phim Busan năm 2022. Anh từng là giám đốc Liên hoan phim Yxine Film Fest (YxineFF) và giám tuyển phim độc lập tại Việt Nam.

    View all posts
(Visited 52 times, 1 visits today)