Raya và Rồng thần cuối cùng: Nàng công chúa xóa nhòa những ranh giới và định kiến

LTS: Vào năm 2018, nữ diễn viên người Anh từng hai lần được đề cử giải Oscar Keira Knightley đã ‘gây sốc’ với công chúng khi nói rằng cô cấm tuyệt đối con gái ba tuổi của mình xem (đa số) các phim công chúa của Disney. Lí do là bởi các nàng chỉ chờ đợi một người đàn ông giàu có đến giải thoát cho mình hoặc sẵn sàng hi sinh bản thân vì người mình mới chỉ gặp một lần. Trong gần một thế kỉ, hình ảnh các nàng công chúa của Disney đã hấp dẫn hàng trăm triệu trẻ em, đặc biệt là trẻ em nữ trên khắp thế giới và đã vô hình trung định nghĩa những khuôn mẫu chật hẹp về việc thế nào để trở thành một phụ nữ được yêu mến. Chỉ đến gần đây, Disney mới có những thay đổi.


Poster phim Raya và rồng thần cuối cùng.

Cảnh báo bài viết có tiết lộ nội dung phim.

Raya – công chúa thứ 15 trong thế giới hoạt hình Disney, đánh dấu những phát triển mang tính thời đại về quan điểm giới, đa dạng văn hóa trên màn ảnh.

Sự thay đổi của Các công chúa Disney qua lịch sử

 

Hãy cùng nhìn lại từ nàng công chúa Disney đầu tiên – Bạch Tuyết (Snow White – 1937). Bạch Tuyết là công chúa nhỏ nhất, chỉ mới 14 tuổi trên phim. Bạch Tuyết mang đầy đủ đặc điểm nhận diện của một nàng công chúa “truyền thống”, quen thuộc, thậm chí đôi phần lối mòn và lỗi thời.

Ngay từ tên gọi cho tới tạo hình, Bạch Tuyết hướng tới đối tượng khán giả mục tiêu là trẻ em gái, đồng thời phản ánh những quy chuẩn xã hội đương thời, đặc biệt là xã hội Phương Tây với nữ giới: Da trắng, môi đỏ, vóc dáng nhỏ nhắn, mềm mại, nói năng đi đứng nhẹ nhàng, tính tình trong sáng, giỏi làm việc nhà. Bộ phim cũng có một chi tiết khá nguy hiểm với khán giả nhí nếu không được lý giải, định hướng cẩn thận: Bạch Tuyết được đánh thức bằng một nụ hôn lên môi. Tình tiết nút thắt của câu chuyện này lãng mạn hóa việc xâm phạm cơ thể mà không có sự đồng thuận của người nữ. Nghiêm trọng hơn, đó là mô típ công chúa nằm chờ hoàng tử đến giải cứu.

Các nàng công chúa tiếp theo, Lọ Lem (Cinderella – 1950) ra đời sau đó 13 năm, vẫn hì hục lau nhà, nấu cơm. Công chúa ngủ trong rừng – Aurora (Sleeping Beauty – 1959) ra đời sau Bạch Tuyết 22 năm vẫn chờ đợi một nụ hôn để được sống dậy. Đây đều là những bộ phim dựa trên những truyện cổ tích phổ biến, các chi tiết kể trên bám sát theo các tác phẩm đã ra đời cả vài trăm năm trước. Tuy vậy, không có nghĩa Disney không thể thay đổi tình tiết cho hợp với thời đại hơn, như cách họ đã đổi kết cục của Nàng tiên cá. Việc này chỉ có thể lý giải rằng xã hội thời điểm những bộ phim này ra mắt coi những chuyện ấy là bình thường.

Ưu điểm chung của những nàng công chúa này là sự ngây thơ, lòng tốt, sự dịu dàng, vị tha và sắc đẹp. Đây đều là những đặc điểm được ngợi ca thành chuẩn mực phái nữ. Chuyện này không xấu. Chỉ có vấn đề khi thiếu đi tính đa dạng, hạn chế những lựa chọn, tạo ra giới hạn, gây hiểu nhầm rằng con gái chỉ được đánh giá cao khi xinh đẹp và nền nã, nhu mì. Những công chúa mạnh mẽ, cá tính cũng đáng để tôn vinh không kém gì các nàng duyên dáng, nữ tính.   

Phải đến phim Nàng tiên cá (The Little Mermaid – 1989) những giới hạn kể trên mới dần được vượt qua. Từ  cái tên Ariel trong Kinh thánh Hebrew mang nghĩa “con sư tử của Chúa” đầy tính uy quyền, cho đến cả tạo hình tóc đỏ ‘lệch chuẩn’ khá gây tranh cãi thời điểm đó (nhà sản xuất ban đầu muốn Ariel tóc vàng, do phương Tây từng có định kiến kỳ cục với tóc đỏ. Các sản phẩm búp bê tóc đỏ lúc ấy bán kém hơn các màu tóc khác). Ariel được đầu tư xây dựng cá tính, sở thích rõ nét hơn: đam mê khám phá những vùng đất mới, sưu tầm đồ đạc, chủ động theo đuổi mục đích riêng. Tất cả những điều này đều là sáng tạo mới so với nguyên tác của H.C.Andersen.

Các nàng công chúa tiếp sau đều có những phát triển phong phú, thú vị hơn về tính cách, tư tưởng, mục đích sống, trở nên độc lập, tự chủ hơn: thích đọc sách, đối đầu với quái vật để mình chuộc cha (Người đẹp và Quái vật), biết chăm chỉ lao động và tạo dựng sự nghiệp riêng (Công chúa và con Ếch), biết cưỡi ngựa, bắn cung, cứu cả quốc gia (Hoa Mộc Lan)…

Tuy vậy, câu chuyện của Nàng tiên cá vẫn xoay quanh tình yêu, biến việc tìm được một người đàn ông để “hạnh phúc mãi mãi về sau” thành kết cục tối thượng của một nàng công chúa, thành một phần định nghĩa của khái niệm này. Bạch Tuyết, Lọ Lem, Aurora cho tới Belle (Người đẹp và Quái vật – 1991) và Jasmine (Aladdin – 1992) đều có cái kết tương tự. Ngay cả Hoa Mộc Lan (Mulan – 1998) – một nữ tướng quân, vẫn có hẳn một phần hai chỉ nói về tình yêu. Những nàng công chúa gần đây hơn như Tiana (Công chúa và con Ếch – 2009), Rapunzel (Công chúa tóc mây – 2010), hay Anna (Frozen – 2013) cũng đều lấy chồng cả, cho dù trong Frozen đã có chi tiết giễu nhại chính mô típ gặp một ngày yêu rồi cưới luôn trong các phim Disney (khi Elsa mắng em mình rằng em không thể lấy một người vừa mới gặp được). Pocahontas (1995) là trường hợp đặc biệt khi cuối phim cô không lấy ai, nhưng tình yêu đôi lứa vẫn là một phần quan trọng trong câu chuyện.

Tất nhiên, có gia đình hạnh phúc là một thông điệp tích cực. Điều tiêu cực chỉ khi người ta truyền đạt nó như thể là lựa chọn duy nhất để đạt tới hạnh phúc viên mãn.


Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn (1937) – phim hoạt hình điện ảnh đầu tiên của Disney và là một trong những phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.

Merida (Công chúa tóc xù/ Brave- 2012) – một nàng công chúa tự do và hoang dại giữa bối cảnh Trung cổ ở Scotland, Anh, rồi Moana (2016), ái nữ đầy ý chí của một trưởng làng của một bộ tộc vùng Polynesia, ghi dấu lịch sử khi là những câu chuyện không dính dáng tới tình cảm trai gái. Phim Brave đánh trực diện vào vấn đề này, ngay ở khởi đầu phim: Merida phản đối hôn sự theo sắp xếp của gia tộc. Mất tới 79 năm kể từ Bạch Tuyết, khán giả mới thôi thấy các nàng công chúa yêu đương và lấy chồng.

 

Raya – nàng công chúa của thời đại mới

 

“Raya và Rồng thần cuối cùng” (tựa gốc: Raya and the last dragon) là bộ phim hoạt hình mới nhất của Disney được chính thức công chiếu trong tháng 3/2021. Câu chuyện xoay quanh hành trình của công chúa Raya xứ Long Tâm, rồng thần Sisu cùng những người bạn đồng hành, tìm kiếm những mảnh vỡ của ngọc thần và giải cứu thế giới khỏi thảm họa diệt vong Druun.

Raya với gốc gác Đông Nam Á, bổ sung vào sự đa dạng sắc tộc của dàn công chúa Disney (trong tổng số 15 nàng công chúa của Disney có sáu nàng gốc Á và da màu). Tạo hình của Raya đặc thù và có nhiều khác biệt với các công chúa trước giờ. Raya bụi bặm, thô ráp và cứng cỏi, không ngây thơ mong manh, không trang điểm đậm. Nàng lang bạt, tự xoay xở mọi việc suốt sáu năm.

Bên cạnh ngoại hình, tính cách và câu chuyện nền của Raya vừa chân thực, vừa gần gũi với xã hội đương thời – cho dù bộ phim có bối cảnh viễn tưởng, phản địa đàng (dystopian). Nàng có tuổi thơ, xuất phát điểm không giống một công chúa nào trước đó. Mở đầu phim khán giả đã được giới thiệu về Raya, ngay từ nhỏ đã được ba – Quốc vương xứ Long Tâm rèn luyện để trở thành một nhà lãnh đạo, một chiến binh bảo vệ ngọc thần. Nàng được học lịch sử, văn hóa, võ thuật, chiến thuật, ngoại giao, lẫn ẩm thực. Những chiến binh khác như Mộc Lan và Merida vấp phải sự ngăn cản của gia đình khi bộc lộ khía cạnh mạnh mẽ, rắn rỏi, Raya lại được gia đình toàn tâm toàn ý ủng hộ ngay từ đầu. Và Raya yêu thích làm những việc ấy, một cách tự nguyện. Nàng còn là con của một người bố đơn thân.

Các chi tiết lý lịch trích ngang tuy nhỏ nhưng đã tạo dựng một nhân vật có những đặc điểm hiện đại, tân tiến: không còn những vị phụ huynh áp đặt khuôn mẫu lên con cái, những cô gái không còn bị giới hạn trong việc được hay phải học gì…

Điểm thú vị khiến Raya rất con người, dễ khiến người xem đồng cảm là việc nàng không hoàn hảo. Trải qua tổn thương trong quá khứ, Raya dần đánh mất lòng tin vào con người, trở nên đa nghi, khép kín (không dám ăn đồ người khác đưa cho sợ bị đầu độc), có phần nóng nảy. Đặc biệt trong thời đại của tin giả tràn lan như hiện nay, khiếm khuyết này của Raya trở nên dễ cảm thông hơn bao giờ hết. Sự lừa lọc cũng xuất hiện không ít xuyên suốt bộ phim, thách thức các nhân vật lẫn khán giả. Raya có những dằn vặt, đấu tranh nội tâm dữ dội. Bộ phim là hành trình Raya trưởng thành, khôi phục lại lòng tin vào cái tốt – dù hiếm hoi đến đâu vẫn luôn tồn tại, vượt qua những khác biệt để tìm thấy bình an. Raya và những người bạn đồng hành, không chỉ hàn gắn các dân tộc, mà còn hàn gắn chính những vụn vỡ thủơ nhỏ của Raya. Từ Bạch Tuyết cho tới Raya, Disney đã tiến một bước rất dài trong việc xây dựng một nhân vật đa chiều, nhiều lớp lang, chiều sâu tâm lý lẫn tính cách.


Nàng công chúa châu Á đầu tiên, Mulan và cũng là một người khác biệt so với các công chúa khác của Disney khi cô là nữ tướng quân ra trận đánh giặc. 

Dõi theo sự phát triển từ Mộc Lan, Jasmine, Rapunzel, Merida rồi đến Raya – nàng công chúa của chúng ta đã không còn phải vật lộn với những định kiến cổ hủ và những khuôn mẫu cứng nhắc nữa mà giành lấy tự do cá nhân, quyền quyết định đời mình. Khó khăn mà Raya phải đối mặt là một vấn đề ai cũng có thể gặp, mang tính toàn cầu, phi giới tính.

Câu chuyện của Raya gắn liền với những trọng trách nặng nề. Tình huống, mâu thuẫn của phim cũng nghiêm trọng, khốc liệt hơn nhiều phim Disney trước kia. Raya không theo đuổi tình yêu nam nữ, nàng cứu bố và thế giới khỏi thảm họa diệt vong Druun – làm cạn kiệt sông ngòi và biến mọi người thành đá. Bộ phim này gần như không có nhân vật phản diện. Không ai hoàn toàn tốt, không ai hoàn toàn xấu. Nhân vật nào cũng có điều gì đó để cảm thông và yêu quý. Kịch bản phim hoạt hình Disney giờ phức tạp hơn, động tới nhiều chủ đề lớn lao hơn, làm mờ ranh giới phim chỉ dành cho trẻ con.   

Một lựa chọn tuyệt vời của đoàn làm phim là đặt Raya vào bối cảnh viễn tưởng, tại một thế giới giả tưởng, một vùng Kumandra trộn lẫn nhiều nét văn hóa của các nước Đông Nam Á. Có thể thấy những đặc trưng kiến trúc quen thuộc, phong cách áo quần, hoa văn họa tiết, tre trúc ở khắp nơi, các chiêu thức võ thuật, thói quen cởi giày dép trước khi vào nhà, ăn chung mâm, cúng thức ăn, các loại hoa quả đặc trưng như vải, thanh long, măng cụt lại có cả mắm tôm… Việc này vừa giúp câu chuyện không bị hạn chế hay cần tuyệt đối chuẩn xác theo một nền văn hóa cụ thể, vừa khiến tất cả các dân tộc Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung cảm thấy tự hào, được hiện diện trên màn ảnh quốc tế.

 

Hi vọng mới từ công chúa Raya

 

Liệu Raya có tạo nên một dấu ấn như Mộc Lan đã từng làm được hay không còn phải chờ thời gian minh chứng. Nhưng có thể thấy tín hiệu tích cực rõ ràng rằng khái niệm công chúa với những cliché xưa cũ đã bị phá bỏ, dần trở nên đa dạng, hay ho, dễ liên hệ hơn. Công chúa không chỉ còn là đại diện cho những đặc thù nữ tính, yểu điệu nữa, mà còn là biểu tượng mới cho đa dạng văn hóa, cho quyền nữ, cho những khả năng vô tận chưa được khám phá hết.□

 

——

* Họa sĩ minh họa. Năm 2020 chị là một trong những người được nhận vào chương trình cố vấn của tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ “We need diverse books” nhằm thúc đẩy những tác phẩm văn chương tôn trọng sự đa dạng ở trẻ em.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)