Sahara xanh và thảm họa khí hậu qua nghệ thuật vẽ trên đá

Những biến đổi của khí hậu thời cổ đại đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của một vùng đất và cuộc sống của con người theo cách hậu thế gần như không thể hình dung.

Một bức tranh trên đá ở Atbai. Nguồn: Julien Cooper.

Atbai, sa mạc siêu khô hạn ở Đông Sudan, dường như là một nơi không phù hợp để tìm kiếm bằng chứng về những người chăn thả gia súc thời cổ đại. Tuy nhiên chính ở môi trường khô cằn, không phù hợp để sinh sống này, các nhà khoa học với sự kiên nhẫn đã tìm ra những bức tranh miêu tả cảnh chăn thả gia súc trên đá có tuổi đời hơn 4.000 năm.

Trong hai năm 2018 và 2019, giáo sư Julien Cooper của Khoa Lịch sử và Khảo cổ học, ĐH Macquarie ở New South Wales, Australia, đã dẫn dắt một nhóm nghiên cứu tham gia Dự án Khảo sát Atbai, một dự án nhằm điều tra về mối quan hệ giữa các đoàn thám hiểm nước ngoài và những người du mục bản địa. Họ khảo sát 16 di chỉ về nghệ thuật trên đá ở thành phố Wadi Halfa của Sudan, một trong những vùng hoang vắng bậc nhất của Sahara, nằm trên các tuyến đường giả định giữa hạ lưu sông Nile và sa mạc nội địa. Vùng đất này vẫn là nơi giữ kỷ lục hầu hết các tháng trong năm đều không có mưa.

Vì sao họ lại chọn nơi này? Đó là trong sa mạc này, địa hình, sinh thái và tài liệu khảo cổ địa phương có sự khác biệt đáng kể. Trên dãy đồi chính của Biển Đỏ, nằm gần bờ biển có nhiều nghĩa trang lớn và khu dân cư du mục, một phần lượng mưa phân bổ đều đặn và nguồn nước ở đáy wadis (thung lũng). Đối lập với hệ sinh thái này là các sa mạc nội địa gần sông Nile và phía Tây đồi Biển Đỏ, đôi khi được gọi là Awliib hoặc Atmur ở Beja, có địa hình bằng phẳng hơn nhiều với điểm nhấn là các cồn cát, nhiều cao nguyên đá và theo nhiều ghi chép, đây là nơi cư trú trong một số giai đoạn lịch sử. Vào thế kỷ 19, khu vực này trở nên nổi tiếng với tên gọi khu vực “đường Korosko”, một tuyến đường dành cho đoàn lữ hành lâu đời cung cấp lối đi tắt qua khúc cua sông Nile nối các khu định cư của Korosko và Abu Hamed. 

Các nhà nghiên cứu giả định, “cư dân sông Nile” đã đi qua sa mạc này vào thời điểm trước các cuộc phiêu lưu của chính quyền Ai Cập ở các Vương quốc Trung và Tân, xuất phát từ gợi ý từ một hoạt cảnh lớn về ‘những con thuyền thời tiền triều đại’ tại di chỉ Gebel Marackib, có niên đại vào giai đoạn Naqada IID–IIIA theo niên đại tương đối được thiết lập cho Ai Cập tiền triều đại.

16 di chỉ khảo cổ nằm trên khu vực sa mạc bằng phẳng giữa Gebel Rafit và Wadi Halfa, đặc biệt là xung quanh khối núi Gebel Nahoganet và Nasb Enat. Tất cả đều có một đặc điểm chung: đó là nơi trú ẩn của con người với đồ gốm và phần lớn các tác phẩm nghệ thuật trên đá mô tả các gia súc chăn thả, từ một con bò đến cả một đàn lớn. 

Nhìn bề ngoài, những bức tranh trên đá thể hiện một sự sáng tạo bí ẩn, khó lòng hiểu ngay được. Bởi gia súc cần nước và đồng cỏ. Nếu chúng tồn tại ở thời điểm ngày nay thì chúng có thể chết ngay trong một môi trường khắc nghiệt toàn đá và cát. Thậm chí, ở Sudan hiện đại, gia súc chỉ xuất hiện cách địa điểm này khoảng 600 km về phía Nam, nơi các vĩ độ cực Bắc của gió mùa châu Phi tạo ra những cánh đồng cỏ mùa hè ngắn ngủi, phù hợp cho chăn thả gia súc.

Các di chỉ khảo cổ trong Dự án Khảo sát Atbai. Nguồn: Julien Cooper

Cũng như ở các khu vực tranh vẽ trên đá Sahara khác, các loại động vật được mô tả cho thấy môi trường trong quá khứ hoàn toàn ẩm ướt, tương phản với quang cảnh siêu khô cằn hiện tại. Quá khứ có các điều kiện phù hợp với nhiều loại động vật thảo nguyên sinh sống như hươu cao cổ và thậm chí cả voi. Sự phổ biến của gia súc trong hồ sơ tranh đá cho thấy, khu vực này đã thuộc về những người chăn nuôi gia súc ở một thời điểm vẫn chưa được xác định, có thể muộn nhất là vào thiên niên kỷ thứ ba hoặc thứ hai trước Công nguyên. Sau thời điểm này, lượng mưa giảm khiến việc chăn nuôi gia súc đã lụi tàn. Khu vực sa mạc ở phía Đông Wadi Halfa trên thực tế quá khô cằn và không có nước nên ngày nay, hiếm có bóng dáng người chăn nuôi gia súc nào. Rất hiếm khi người ta tìm thấy những người chăn nuôi lạc đà và dê ở sa mạc Atmur này, thường là quanh các giếng nước ở Murrat. 

Chủ đề những loài gia súc trên các bức vẽ trên cổ thạch là một trong những mảnh ghép bằng chứng quan trọng nhất cho thấy một thời kỳ đẹp đẽ đã qua của “Sahara xanh”.

“Sahara xanh”

Các công việc thực địa về khí hậu và khảo cổ khắp toàn bộ Sahara, từ Morocco đến Sudan và mọi nơi giữa hai địa điểm này, đã vẽ lên một bức tranh toàn diện về khu vực này trong quá khứ ẩm ướt.

Các nhà khoa học khí hậu, các nhà khảo cổ và địa lý gọi đây là “thời kỳ ẩm ướt châu Phi”. Đó là thời kỳ lượng mưa vào mùa hè gia tăng khắp lục địa đen, bắt đầu vào khoảng 15.000 năm trước và kết thúc vào khoảng 5.000 năm trước – một thời kỳ quan trọng của cuối Kỷ Băng hà và đầu Holocene khi trong một chế độ khí hậu ẩm ướt, các khu vực ở trung Sahara mà giờ trở nên khô hạn từng có những dòng sông chảy qua và các hồ đầy nước quanh năm. 

Có nhiều bằng chứng khí hậu học cho thấy trong thời kỳ này, Sahara đã hỗ trợ các hệ sinh thái thảo nguyên rừng và nhiều sông hồ ở khu vực ngày nay là Libya, Niger, Chad và Mali. Sử dụng mẫu trầm tích biển và hồ, các nhà khoa học đã xác định được hơn 230 loại cây xanh xuất hiện, đem lại các hành lang thực vật ảnh hưởng đến sự phân bố và tiến hóa của các loài, bao gồm cả sự di cư khỏi châu Phi của người cổ đại.

Diện tích chăn thả và trồng trọt không ngừng được mở rộng và điều này giúp duy trì khả năng sống tập trung của các cộng đồng người và họ trở nên ít sống du cư hơn. Đây là lý do mà người ta gọi đây là thời kỳ “Sahara xanh”.

Chính “Sahara xanh” là một thời kỳ quan trọng trong lịch sử loài người. Ở Bắc Phi, thời kỳ này chứng kiến việc trồng trọt bắt đầu và động vật được thuần hóa. Dẫu chỉ tồn tại khoảng 8.000 đến 7.000 năm trước thì khoảng thời gian lý tưởng này cho phép người du mục địa phương đã nhận nuôi các loài gia súc như cừu, dê từ những người hàng xóm của mình ở Bắc Ai Cập và Trung Đông.

Bằng chứng về thời kỳ ẩm ướt châu Phi cho thấy Sahara xanh là một ví dụ điển hình về mối quan hệ chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu, các quá trình trên bề mặt đất và hoạt động của con người.

Sahara đóng vai trò như một cánh cổng đánh dấu sự chuyển tiếp khi kiểm soát sự phát tán của các loài động vật ở phía Bắc và châu Phi cận Sahara, cũng như trong và ngoài lục địa. Cánh cổng sinh thái này mở khi Sahara xanh tươi và đóng lại khi sa mạc ngự trị. Bằng chứng về thời kỳ ẩm ướt châu Phi cho thấy Sahara xanh là một ví dụ điển hình về mối quan hệ chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu, các quá trình trên bề mặt đất và hoạt động của con người, và do đó có thể cung cấp thông tin hữu ích về mức độ nhạy cảm của cả hệ thống môi trường và con người đối với áp lực khí hậu.

Một kết nối con người – động vật gần gũi hơn

Khi các nghệ sĩ thời tiền sử vẽ các loại gia súc như bò hay dê lên những bức tranh đá của mình ở nơi ngày nay là Sudan, sa mạc này là một đồng cỏ savanna rộng lớn. Đó là một quang cảnh rất khác so với ngày nay, với những hồ ao, sông suối, đầm lầy và những loài thú châu Phi như voi, hà mã, báo – vô cùng khác biệt với những gì chúng ta thấy trên các sa mạc ngày nay.

Ở một số di chỉ trong cuộc khảo sát này có nhiều cảnh tượng đa dạng về người, động vật, trong đó đáng chú ý có một con bò được sơn với bầu vú to bên cạnh một con người được đặt ở vị trí thấp hơn bò một chút và dường như đang cầm một chiếc bình hoặc đồ vật vắt sữa. Việc nuôi gia súc là nhằm lấy thịt và sữa nhưng trên thực tế không chỉ có vậy. Khi kiểm tra kỹ hơn bức tranh đá này cũng như các hồ sơ khảo cổ khác cho thấy các con vật nuôi đều có dấu ấn của những người chủ nó. Người ta đã phát hiện ra những biến dạng trên sừng, da được đóg dấu và những chiếc vòng trên cổ của động vật có sừng như bò, dê, cừu.

Việc miêu tả con người trong khung cảnh vắt sữa biểu thị đây là hoạt động thường thấy ở nơi này còn việc làm biến dạng sừng bò có thể là một tập quán trong văn hóa, lối sống của cộng đồng mà nghệ sĩ tiền sử sinh sống.

Việc phát hiện ra gia súc được chôn cất cùng với con người trong những nghĩa trang rộng lớn như Wadi Khashab, nơi các công trình đá được sắp xếp dọc theo trục Đông Nam – Tây Bắc cho phép các nhà khảo cổ giả định về một khu phức hợp linh thiêng ở thời điểm trước khi kết thúc của thiên niên kỷ thứ năm trước Công nguyên. Nó chỉ dấu có một mối liên hệ mật thiết giữa người và động vật tồn tại trong thời kỳ này. 

Nỗi nguy hiểm của biến đổi khí hậu

Tại cuối thời kỳ ẩm ướt, khoảng 3000 năm trước Công nguyên, điều kiện khí hậu và môi trường bắt đầu trở nên xấu đi nhanh chóng. Các hồ nước và sông ngòi đều cạn khô và cát bắt đầu xâm chiếm rồi nuốt chửng các cánh đồng cỏ bạt ngàn. Các nhà khoa học tranh luận về việc các điều kiện ngoại cảnh nhanh chóng trở nên xấu đi như thế nào và điều này dường như trở nên khác biệt hoàn toàn ở khắp các vùng.

Các cộng đồng cư dân chỉ có một sự lựa chọn – đó là rời sa mạc này, nếu không thì phải thích ứng với điều kiện khô hạn mới. Những người chọn cách rời Sahara để đến những vùng ẩm ướt hơn, chốn định cư tuyệt vời nhất là thung lũng sông Nile. Không phải ngẫu nhiên mà thời kỳ khó khăn này cuối cùng dẫn đến sự trỗi dậy của nền văn minh nông nghiệp đô thị ở Ai Cập và Sudan.

Ở một số sa mạc như sa mạc Atbai Desert quanh Wadi Halfa, nơi những bức tranh đá được phát hiện, đã trở nên hầu như thưa thớt bóng người. Thậm chí những loài gia súc khỏe mạnh nhất cũng không thể tồn tại nổi trong điều kiện ở một số vùng. Với những người chọn ở lại, gia súc chủ yếu là cừu hoặc dê (lạc đà không được thuần hóa ở Bắc Phi trước 2.000 đến 3.000 năm trước).

Hiện trạng này có thể để lại dấu ấn lớn trên mọi khía cạnh của cuộc sống con người: chế độ ăn thiếu sữa, thịt, các mô hình di cư của các gia đình chăn thả gia súc và với người du mục thì lại càng gắn bó với gia súc của họ, bản sắc và hệ tư tưởng của họ. Đó là lý do mà gia súc được chôn cùng người trong chốn linh thiêng. 

Những pha mới của lịch sử

Các nhà khảo cổ, những người dành nhiều thời gian vào nghiên cứu những đồ tạo tác cổ đại, thường không mấy nhớ ra là tổ tiên của chúng ta có nhiều cảm xúc. Họ sống, yêu thương và chịu đựng nhiều nỗi đắng cay giống chúng ta ngày nay. Việc từ bỏ một loài vật nào đó, vốn đã trở thành một phần mật thiết của bản sắc và chia sẻ một kết nối cảm xúc, không bao giờ là chuyện dễ dàng. Chúng gắn liền với tình cảm và ý nghĩa nơi chốn của họ trên cõi đời này.

Với nhiều cộng đồng đã di cư đến sống ở bên bờ sông Nile màu mỡ, gia súc tiếp tục đóng vai trò biểu tượng của bản sắc và tầm quan trọng với cuộc sống. Ở Kerma, kinh đô Sudan cổ đại, những người đứng đầu cộng đồng thường được chôn cất ở các ngôi mộ được bao quanh bằng những đầu gia súc, thậm chí có ngôi mộ được bao quanh bằng 4.899 đầu gia súc.

Ngày nay ở Nam Sudan và nhiều nơi ở vùng Sừng châu Phi, những thực hành tương tự liên quan đến gia súc và những nét nổi bật của văn hóa này vẫn còn tồn tại. Tại đây, giống như Sahara cổ đại, gia súc được trang trí, đóng dấu và có một vị trí quan trọng trong truyền thống tang lễ, với đầu gia súc được đóng dấu quanh mộ và thịt gia súc được dùng cho các bữa ăn.

Những gì diễn ra ở Sahara trong quá khứ có nhiều ý nghĩa với chúng ta trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày nay. Khi chúng ta chuyển sang một giai đoạn mới của lịch sử loài người với đặc trưng của những dao động khí hậu và sự suy thoái môi trường, chúng ta cần suy ngẫm về cách mình sẽ thích ứng, những điều nằm ngoài các câu hỏi về kinh tế và sinh kế.

Một trong những mẫu số cơ bản bậc nhất của văn hóa là mối quan hệ của chúng ta với cảnh sắc mà chúng ta sống. Sự thay đổi môi trường, dù chúng ta thích hay không, sẽ buộc chúng ta hướng đến việc tạo ra những bản sắc, biểu tượng và ý nghĩa mới. □

Tô Vân tổng hợp

Nguồn

https://theconversation.com/new-rock-art-discoveries-in-eastern-sudan-tell-a-tale-of-ancient-cattle-the-green-sahara-and-climate-catastrophe-228281

https://theconversation.com/the-sahara-desert-used-to-be-a-green-savannah-new-research-explains-why-216555

https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/03075133231211917

Tác giả

(Visited 20 times, 1 visits today)