Sài Gòn – Đô thị mở và dung chứa

Từ thế kỷ XVIII đến nay đặc trưng của Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh là một đô thị sông nước, một đô thị trung tâm kinh tế, một đô thị quy hoạch phát triển theo kiểu phương Tây sớm nhất Việt Nam, và một đô thị đa dạng về văn hóa, tộc người1.

1.Truyền thống của một vùng đất, một cộng đồng là những gì được lắng đọng và lưu truyền qua quá trình lịch sử dài lâu, hình thành từ sự thích ứng với thiên nhiên và tính cách văn hóa của cộng đồng. Truyền thống mang tính bền vững, thường được bổ sung qua từng giai đoạn, trở thành “sợi chỉ đỏ xuyên” suốt từ quá khứ đến hiện tại và tương lai của cộng đồng, vùng đất đó.

Truyền thống được coi là văn hóa phi vật thể, dù khó có thể phân biệt rạch ròi ranh giới của văn hóa vật thể và phi vật thể. Như truyền thống thờ cúng tổ tiên ông bà được “vật thể hóa” bằng bàn thờ, đám giỗ trong gia đình, thờ cúng thần linh, những người có công khai hoang lập ấp bằng ngôi đình làng và những nghi lễ do con người cử hành, thực hành… Từ những truyền thống hình thành nên đặc trưng cơ bản, tinh túy, “bản sắc”, mà nếu thiếu hay mất đi đặc trưng ấy thì khó có thể nhận diện một vùng đất, một cộng đồng.

Lịch sử Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tiến trình phát triển của một vùng đất có vị thế “địa – lịch sử” độc đáo, để từ đó hình thành bản sắc “địa – văn hóa” đa dạng, năng động và cởi mở trên nền tảng truyền thống chung là cần cù lao động, yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm của Nam bộ và của cả nước.

Sài Gòn được hình thành tại vị trí trung tâm của vùng đất Nam bộ, nối liền Đông – Tây Nam bộ, một bên là vùng lâm thổ sản phong phú một bên là vựa lúa lớn nhất nước. Nằm trên trục giao thông thủy bộ quan trọng ở Nam Đông Dương, có “mặt tiền” nhìn ra biển Đông là khu vực Cần Giờ, có vị trí tâm điểm của khu vực Đông Nam Á giữa các con đường hàng hải từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông.

Tính cách, lối sống năng động, sáng tạo của người Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh được coi là tiêu biểu cho người Nam Bộ.

Về địa hình, Sài Gòn có vị thế một đất cao trình vừa phải so với mặt biển, tiếp giáp với triền thấp cuối cùng của dãy Trường Sơn là cả một bình nguyên về Tây, nằm trên lưu vực sông lớn uốn khúc tạo nhiều bán đảo rộng lớn màu mỡ thuận tiện việc lập ruộng vườn làng xóm. Sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nối liền với các con sông lớn khác như Vàm Cỏ, Cửu Long đảm bảo giao thông đường thủy đến mọi nơi trong đất liền. Cách biển không xa nhưng tránh được sóng lớn, sông đủ sâu cho mọi loại tàu thuyền ra vào, thực tế Sài Gòn là một cảng biển lý tưởng2.

Có thể nhận thấy Sài Gòn hình thành từ sự kết hợp yếu tố địa lý tự nhiên và quy hoạch đô thị phù hợp. Kết quả của việc “trời cho người chọn” này đã tạo nên truyền thống và bản sắc đô thị. Từ thế kỷ XVIII đến nay đặc trưng của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh là: một đô thị sông nước, một đô thị trung tâm kinh tế, một đô thị quy hoạch phát triển theo kiểu phương Tây sớm nhất Việt Nam, và một đô thị đa dạng về văn hóa, tộc người3. Những đặc trưng này liên kết chặt chẽ, làm tiền đề cho nhau phát triển, từ đó tạo ra những truyền thống nổi bật của vùng đất và con người Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh.

2.Từ khi Sài Gòn hình thành một đô thị là trung tâm của Đàng Trong thời Chúa Nguyễn nơi đây đã là nơi dân tứ xứ thường xuyên đổ về. “Gia Định là cõi Nam nước Việt, lúc mới khai thác, lưu dân nước ta cùng người Đường (…), người Tây dương (…) Cao Miên, Đồ Bà (…) đến ngụ cư đông đúc xen lẫn, mà người các nước ấy thì y phục đồ dùng đều theo kiểu của dân tộc họ”.4 Những giai đoạn về sau cũng vậy, không chỉ là nơi tiếp nhận các cộng đồng dân cư khác nhau mà Sài Gòn còn tiếp nhận những cách thức làm ăn, những nghề nghiệp hay phương thức kinh tế mới đi cùng các cộng đồng đó. Sự giao lưu với các nền văn hóa – trong đó có các yếu tố khoa học kỹ thuật mới – giúp Sài Gòn phát triển nhanh chóng.

Cảng Ba Son. Nguồn ảnh: Thế giới di sản. 

Sài Gòn là nơi hình thành các nhà máy công nghiệp đầu tiên, xưa nhất phải kể đến xưởng Thủy của Chúa Nguyễn Ánh từ cuối thế kỷ 18, sau đó từ giữa thế kỷ 19 trở thành công xưởng Ba Son nổi tiếng. Khoảng đầu thế kỷ 20 người Pháp đã có nhiều hoạt động kinh tế, kỹ nghệ và thương mại, hình thành và phát triển các cảng biển và cảng sông… cùng nhiều ngành dịch vụ kinh tế, dịch vụ đô thị. Nền kinh tế của Sài Gòn còn do nhiều người Việt góp phần phát triển. Tuy là những công ty không lớn nhưng hoạt động trên nhiều lĩnh vực: in ấn và xuất bản sách báo, tín dụng, ngân hàng, sản xuất hàng tiêu dùng như nước mắm, xà bông, dệt may, giấy, hãng xe đò…

Các cộng đồng cư dân khác cũng góp phần phát triển nền kinh tế thị trường đa dạng: người Hoa với nghề làm gốm truyền thống, y dược cổ truyền, phát triển kỹ nghệ lúa gạo xuất khẩu, tiểu thủ công nghiệp và đặc biệt tầng lớp thương nhân lớn nhỏ buôn bán khắp trong và ngoài nước. Cộng đồng người Ấn đến Sài Gòn từ nửa sau thế kỷ 19, nổi bật với nghề buôn bán tơ lụa, dịch vụ cho vay, đổi tiền, nhà hàng… Ngoài ra còn có một số công ty của người Anh, Nhật, Đức, Mỹ… 5. Những hoạt động kinh tế sôi nổi này tiếp tục phát triển trong giai đoạn 1954 – 1975.

Là một trung tâm kinh tế lớn, “đất làm ăn” của nhiều cộng đồng dân cư, nơi tiếp cận và tiếp nhận những ngành nghề, phương thức mới, vì vậy trong hoạt động kinh tế ở Sài Gòn tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu, cùng với sự rạch ròi, linh hoạt và quyết liệt vượt ra khỏi những ràng buộc, gò bó của khuôn mẫu cũ, nhạy bén với những mầm mống tốt đẹp, năng động sáng tạo tiếp thu khoa học kỹ thuật mới… Tất cả hướng đến hiệu quả thực sự của “công chuyện làm ăn”, không lý thuyết suông, không giáo điều. Đồng thời, vẫn giữ sự liên kết hỗ trợ “buôn có bạn, bán có phường”, đảm bảo chữ Tín trong làm ăn cũng là một truyền thống của nền kinh tế Sài Gòn.

Từ giai đoạn Mở cửa đến nay, TP. Hồ Chí Minh đi đầu trong việc “xé rào” tháo gỡ khó khăn, gạt bỏ những cản trở lỗi thời của tư duy và lối làm ăn bao cấp lạc hậu, thực hiện những biện pháp, phương thức kinh tế mới. Từ đó góp phần quan trọng về thực tiễn và tạo ra tiền đề lý luận cho công cuộc đổi mới của đất nước. Tính cách, lối sống năng động, sáng tạo của người Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh được coi là tiêu biểu cho người Nam Bộ.

Kinh nghiệm thành công của người Nam Bộ thật đơn giản: Thích nghi, hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt, “tứ hải giai huynh đệ”, chân thành và tương thân tương ái… Sự khác biệt trong nguồn gốc văn hóa của từng nhóm cư dân đô thị và sự đồng nhất trong cùng một tâm lý, ý thức thị dân được hun đúc và lưu truyền trong tiến trình đô thị hóa.

3. Quá trình lịch sử vùng đất Nam Bộ cũng là quá trình hình thành cư dân Nam Bộ. Quy tụ từ nhiều nguồn gốc xuất thân, từ nhiều tộc người, những lớp lưu dân đến vùng đất này trong những thời gian khác nhau, từ những hoàn cảnh lý do khác nhau. Lưu dân người Việt vào Nam bộ trước hết và đông nhất là những người “tha phương cầu thực” vì không có đất đai, không có phương kế sinh sống ở quê hương. Thành phần thứ hai là những người chống đối triều đình, quan lại địa phương, bị truy bức nên phải tìm đường trốn tránh. Thứ ba là những tội đồ bị buộc phải ly hương (một hình phạt nặng của thời phong kiến). Ngoài ra có số ít người tương đối giàu có, “có máu phiêu lưu” muốn mở rộng và phát triển việc làm ăn trên vùng đất mới nên nhập vào hàng ngũ lưu dân.

Công cuộc khai phá và xây dựng vùng đất mới trải qua nhiều gian nan khó nhọc, những lớp người đầu tiên khai phá vùng đất này phải đối mặt với thiên nhiên hoang dã và khắc nghiệt. Môi trường sinh thái khác với miền Bắc, miền Trung nên khó khăn đầu tiên là lưu dân phải học cách nhận biết và thích nghi với điều kiện sống, tìm cách hòa hợp lối sống và học tập kinh nghiệm lao động sản xuất của cộng đồng bản địa. Kinh nghiệm thành công của người Nam bộ thật đơn giản: Thích nghi, hòa nhập, tôn trọng sự khác biệt, “tứ hải giai huynh đệ”, chân thành và tương thân tương ái…

Không chỉ vậy, lưu dân còn gánh một “sứ mạng” quan trọng là “xác lập chủ quyền đất nước” bằng ruộng vườn, làng xóm… Đặc biệt là những ngôi đình làng Nam bộ là nơi tưởng nhớ quê hương bản quán và đánh dấu quê hương mới. Ở TP. Hồ Chí Minh hiện nay Lễ Kỳ yên (cầu an) vẫn còn duy trì ở hầu hết các ngôi đình xưa. “Làng cổ” khu vực Hòa Hưng (quận 10) còn lưu giữ một mỹ tục: khi gia đình trong làng có dâu rể mới đều đưa đến đình Chí Hòa thắp nhang “trình ông” cho được làm cư dân mới của làng6. Hoàn cảnh lịch sử đã gắn bó những con người từ nhiều nguồn gốc bản quán với nhau nhờ lòng trắc ẩn, sự cưu mang, từ quan hệ “bà con lối xóm” đến quan hệ làm ăn buôn bán, gắn bó trong đời sống tinh thần từ nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ cúng thần linh, biết ơn các vị “tiên hiền hậu hiền”…

Trong thời kỳ chiến tranh, Sài Gòn là một đô thị lớn dung chứa dân tứ xứ đổ về. Không chỉ là dân nghèo vùng nông thôn mà còn có những người có kinh nghiệm làm ăn buôn bán, có trình độ tri thức, có tài năng văn hóa nghệ thuật. Sống trong một đô thị luôn biến động về dân cư, người Sài Gòn đã tạo dựng  lối sống và tinh thần bình đẳng, dân chủ, bao dung, nghĩa khí làm trọng. Vì vậy mọi tài năng, sở trường về kinh doanh, về văn hóa nghệ thuật… được phát triển. Cộng đồng cư dân thành phố mang trong mình những nét văn hóa vừa đồng nhất lại vừa khác biệt. Sự khác biệt trong nguồn gốc văn hóa của từng nhóm cư dân đô thị và sự đồng nhất trong cùng một tâm lý, ý thức thị dân được hun đúc và lưu truyền trong tiến trình đô thị hóa.

Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh là nơi luôn được nhắc đến bởi những việc làm thiện nguyện của các tổ chức xã hội, các cá nhân, là nơi luôn đi đầu trong những đợt cứu trợ “nhường cơm sẻ áo” cho các địa phương khác khi gặp thiên tai, cũng là nơi đùm bọc sẻ chia mọi cơ hội việc làm cho “người tứ xứ”. Và ngay trong những ngày đại dịch Covid-19 vô cùng ác liệt vào năm 2021, trong thành phố nơi nào cũng hiện diện những việc làm, sự giúp đỡ chia sẻ “lá lành đùm lá rách”. Tất cả đã động viên lẫn nhau và giúp cho TP. Hồ Chí Minh vượt qua cơn “trọng bệnh” nguy hiểm.

Sách Gia Định thành thông chí (Địa chí vùng đất Nam Bộ đầu thế kỷ XIX), mục Phong tục chí ghi chép như sau: “Gia Định ở về phương Nam, gần ánh sáng mặt trời, người phần đông có tánh trung dũng khí tiết, coi nặng việc nghĩa coi nhẹ tiền tài, cho dù phụ nữ cũng vậy”, “Ở Gia Định khi có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ bày trầu cau, sau đó dọn cơm bánh, tiếp đãi chu đáo đầy đủ. Bất kể là người thân hay sơ, quen hay lạ, tông tích ở đâu, đã đến thì phải đón tiếp đãi đằng. Nên nhiều người đi chơi không cần mang theo lương thực, nhưng lại khiến người né xâu trốn thuế đến xứ này nhiều, bởi có chỗ ăn chỗ ở”7.

Trải qua hai trăm năm với bao biến cố xã hội nhưng tính cách, lối sống tốt đẹp này không thay đổi mà luôn được duy trì đậm nét, và ngày nay đã trở thành một đặc trưng nhận diện của “Đất và Người Sài Gòn”. □

——

Chú thích

1 Nguyễn Thị Hậu, 2019. Đô thị Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh khảo cổ học và bảo tồn di sản. NXB Tổng hợp TPHCM, tái bản.

2 Trần Văn Giàu chủ biên, 1987, sđd, tr.434

3 Nguyễn Thị Hậu, 2019. Đô thị Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh khảo cổ học và bảo tồn di sản. NXB Tổng hợp TPHCM, tái bản.

4 Trịnh Hoài Đức, 2019, sđd, tr 491.

5 Nguyễn Đức Hiệp, 2019. Lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp ở Sài Gòn và Nam kỳ từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1945. NXB Tổng hợp TPHCM và Dân Trí Books.

6 Trường hợp thực tế của gia đình tác giả.

7 Trịnh Hoài Đức, 2019, sđd, tr. 490, 495.

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)