Sống sót trong thế giới của những Titan

Nếu rơi vào thế giới của Titan, những người mà cái tên đã trở nên đại chúng khi gắn liền với giải thưởng danh giá nhất của khoa học, bạn có thể “sống sót” được không?

Ít nhất, đó là câu hỏi ám ảnh những kẻ mới chập chững vào nghề như tiến sĩ trẻ Leonard Mlodinow khi bắt đầu gia nhập Viện Công nghệ California (Caltech) vào năm 1981, như thể bạn đang sống một cách thoải mái trong thế giới vi mô rồi bị một lực nào đó bất ngờ đẩy vào thế giới vĩ mô vậy. Caltech là nơi nhận diện được dấu vết của phản vật chất thông qua thí nghiệm của Carl David Anderson vào năm 1932, xác nhận dự đoán lý thuyết của Paul Dirac đưa ra vào bốn năm trước; nơi ươm mầm cho Edwin McMillan cùng cộng sự tạo ra neptuni và sau dùng các nguyên tắc đó để cùng Glenn T. Seaborg tổng hợp được plutoni, nguyên tố 94 trong bảng tuần hoàn có khả năng giải phóng năng lượng khi bị phân rã, vào năm 1940… Nhưng hơn cả, đó là nơi tồn tại của một cặp Titan, hai gã khổng lồ của thế giới vật lý: Richard Feynman, và Murray Gell-Mann; và được chứng kiến giai đoạn bình minh của Lý thuyết dây, khi nó còn bị nhạo báng và hoài nghi ở khắp nơi nơi.

Vậy Mlodinow sẽ ứng xử như thế nào trong thế giới đó? Ắt hẳn ai khi bắt đầu lật giở những trang đầu của cuốn Cầu vồng của Feynman: Một cuộc tìm kiếm vẻ đẹp trong vật lý và trong cuộc sống (NXB Trẻ, dịch giả Phạm Văn Thiều) cũng tự đặt câu hỏi này. Với một cậu chàng đang tìm kiếm một chỗ đứng trong thế giới vật lý thu nhỏ ở Caltech, tự mò mẫm tìm hướng đi cho mình, sau khi mới chứng minh mình là một nghiên cứu sinh hứa hẹn với khám phá về thế giới vô hạn chiều ở Berkeley, thì nơi này có một điểm cộng lớn: có Feymann. Không hẳn Mlodinow bị hút về thế giới của Feynman là do ông là người sáng tạo nên giản đồ Feynman, một cách miêu tả hành xử của các hạt hạ nguyên tử một cách đơn giản và tường minh bằng các công thức toán học trừu tượng, hay danh tiếng lẫy lừng của một người từng giành giải Nobel danh giá. Hơn thế, Feynman chính là người dẫn đường cho anh hướng đến thế giới khoa học thông qua cuốn Đặc tính của định luật vật lý – tập hợp một số bài giảng ông thuyết trình vào những năm 1960 – khi anh còn đang trải nghiệm ở kibbutz (công xã) tại Israel vào mùa đông năm 1973. Từ cuốn sách được nhà lịch sử khoa học Mỹ James Gleick đánh giá vô cùng quý báu khi đem đến những hiểu biết sâu sắc về vật lý này, Mlodinow nhận ra, “Feynman không chỉ làm cho vật lý trở nên hấp dẫn hơn…, ông đã làm cho vật lý trở nên quan trọng. Cứ như thể một nhà vật lý, với một ý tưởng thôi, thì cũng có thể một mình làm thay đổi thế giới cũng như thay đổi quan niệm của con người về nó”. Do vậy, “dù lái xe đi chở trứng gà, chăn thả gia súc hay ngồi gọt khoai tây trong bếp, đầu óc tôi lúc nào cũng vương vấn những vấn đề và câu hỏi đặt ra trong cuốn sách của Feynman”.

Caltech là nơi tồn tại của một cặp Titan, hai gã khổng lồ của thế giới vật lý: Richard Feynman, và Murray Gell-Mann; và hơn thế, được chứng kiến giai đoạn bình minh của Lý thuyết dây, khi nó còn bị nhạo báng và hoài nghi ở khắp nơi nơi.

Khi Mlodinow khám phá thế giới vật lý ở Caltech, với tư cách một nhà khoa học độc lập, thì anh cũng bước vào thế giới của Feynman, không chỉ vì phòng làm việc của ông ở gần chỗ anh mươi bước chân mà bởi lực hút từ Feynman và cả sự tò mò. Ông sẽ hành xử như thế nào? Như nhiều thiên tài trong lịch sử, nghĩa là khác biệt đến kỳ dị, trung thực đến tàn nhẫn, lao động đến kiệt sức hay khinh bỉ không khoan nhượng trước bất cứ biểu hiện nào của sự ngốc nghếch chăng? Hóa ra, tất cả những điều đó lại không hẳn đúng. Trên thực tế không có gì chỉ dấu đó là con người danh tiếng lẫy lừng, Mlodinow chỉ thấy ở đó một vị giáo sư tuổi 63 gầy gò và già nua mà sự sống đang dần bị rút cạn sau hai cuộc phẫu thuật vì một dạng ung thư ác tính hiếm gặp. Nhưng có lẽ, vị giáo sư già này hoàn toàn khác biệt với những nhà vật lý khác ở Caltech, thoải mái trong hành xử, không tuân theo những chuẩn mực thông thường. Theo cách nhìn của anh, Feynman hành xử hệt như các electron với việc bất chấp các con đường cổ điển chính thống và hành động như thể được tự nhiên dẫn dắt vượt ra ngoài sự kiểm soát. Ông không nghiên cứu các bài toán theo kiểu nó thực sự là vấn đề quan trọng của vật lý mà bởi việc theo đuổi nó đem lại niềm vui vô bờ bến đối với mình, giống như cách từ nhỏ đã được cha dạy là không phải cái gì nhiều người thích thì mình cũng theo, dù đúng hay không. Feynman luôn có một cách tiếp cận độc đáo trong việc lý giải những quy luật của thế giới tự nhiên là nhờ luôn giữ được óc hài hước, trẻ trung đến kinh ngạc và cả trí tưởng tượng vô hạn. Cũng trong năm 1981 đó của Mlodinow, Feymann đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn của chương trình Horizon – đài BBC “Phần thưởng là niềm vui khi tìm ra những điều mới, khi dấn thân vào khám phá và nghiên cứu, và khi nhìn mọi người sử dụng các khám phá của mình – đó mới là những cái thực, còn sự vinh danh thì không thực đâu. Tôi không tin vào sự vinh danh. Nó chỉ là tấm huân chương, là bộ trang phục mà thôi”1.

Có thể, điều khiến Mlodinow dần tháo bỏ những hoài nghi về bản thân mình, không phải từ những buổi seminar khoa học mà chính từ thời điểm cùng Feynman ăn chiếc bánh hamburger trong quán cà phê Greasy hay nhảy đại vào bữa tiệc cưới buffet ở góc sân Athenaeum một cách tình cờ với lý do tình cờ không kém “chúng tôi đại diện cho khoa vật lý”. Feynman đã nói một cách hài hước nhưng rất thuyết phục “Cái mà tôi học được từ câu chuyện của cậu là nếu mà một con khỉ có thể phát minh thì cậu cũng sẽ có thể làm được”.

Triết lý làm khoa học của Feynman, do đó, khác biệt với những đồng nghiệp khác, ít nhất là đối lập với Murray Gell-Mann, một trong hai cha đẻ của mô hình hạt quark với ba vị của nó – lên, xuống, lạ – và tiên đoán sự tồn tại của vị quark thứ tư – duyên. Trong khuôn viên Caltech hay trong cái nhìn của đồng nghiệp trẻ, họ đúng là một cặp hoàn hảo của hạt và phản hạt, bởi Murray tìm kiếm sự trật tự và có kiểm soát, Feynman thì lảng tránh chuyện đó. Cả hai “bị hút bởi thiên tài của nhau và bị đẩy bởi triết lý của người kia”. Feynman thường phân loại các nhà vật lý vào hai loại, hoặc kiểu Babylon quan tâm đến phương pháp tính toán có vận hành được không – tức là có thể mô tả được một tình huống vật lý thực hay không, hoặc kiểu Hy Lạp là tập trung vào các trật tự ẩn dưới những tình huống vật lý dưới sự dẫn dắt của vẻ đẹp toán học. Và ông xếp Murray vào loại thứ hai, lúc nào cũng muốn đặt các vấn đề vật lý vào trật tự toán học.

Dù có nhiều sai khác trong cách tiếp cận vật lý cũng như giải quyết các vấn đề của nó nhưng cả Feynman và Murray đều làm cho không gian ở Caltech trở nên hấp dẫn hơn và thú vị hơn, ít ra với những người tò mò lật giở Cầu vồng của Feynman. Trên thực tế thì không gian này trở nên tàn bạo hơn bởi “sự kết hợp của cả hai con người này có thể đáng sợ đến nỗi, chí ít một ứng viên giải Nobel tương lai cũng phải lưỡng lự khi tới trình bày seminar ở Caltech”.

Tuy nhiên, việc thầm lặng thừa nhận lẫn nhau bên cạnh sự công khai công kích đã đem lại cho môi trường khoa học ở Caltech một sự cân bằng độc đáo mà theo Mlodinow, khi Feynman lìa đời thì sự cân bằng đó cũng tàn lụi bởi chỉ còn lại nỗi cô đơn của Murray. Sự tồn tại của ông do đó, không còn nhiều ý nghĩa. Nhưng nói gì thì nói, cái chất kết dính giữa họ chính là tình yêu với khoa học, đúng như quan sát của Mlodinow trong một seminar: bất chấp câu hỏi châm biếm mở màn của Feynman với “đội” của Murray – Schwarz “này Schwarz, hôm nay anh ở bao nhiêu chiều?” (hàm ý tới các chiều dư mà lý thuyết dây đòi hỏi) thì những câu hỏi sau đó chỉ mang tính kỹ thuật, không hề nhạo báng, chế giễu.

Có lẽ, những câu chuyện tưởng chừng bên lề như vậy lại mang một nét tô điểm cho thế giới vật lý, đồng thời nó cho mọi người thấy sự đa dạng của thế giới hôm nay, không riêng gì vật lý, đã bắt nguồn từ khác biệt trong tiếp cận khác biệt như vậy.

***

Cầu vồng của Feynman chỉ là một lát cắt trong cuộc đời của nhà vật lý tài ba, cũng chỉ là một lát cắt về thế giới khoa học, nhưng nó khiến người ta hiểu về Feymann và hiểu về khoa học cũng như lao động của những người trong thế giới đó. Nếu giờ đây, nhìn nụ cười hạnh phúc với mái tóc đã điểm bạc của Mlodinow trên phần bìa gập của cuốn Cầu vồng của Feynman, ít ai tưởng tượng ra cảnh một nhà khoa học trẻ vật lộn đi tìm bài-toán-của-chính-mình trong những năm đầu sự nghiệp của hơn 40 năm trước. Nhưng đúng là Mlodinow đã từng rơi vào cảnh tuyệt vọng như vậy và bất ngờ khám phá ra là Feynman hay bất cứ ai khác cùng từng trải qua giai đoạn “khô kiệt ý tưởng”. Làm khoa học không phải lúc nào cũng thông đồng bén giọt, lúc nào cũng tỏa rạng hào quang. Ngay cả các “siêu sao” như Feynman thì cũng phải nếm mùi thất bại, và hơn nữa, phải lao động một cách cật lực và kiên trì bám đuổi vấn đề của mình: “Khi có một bài toán khó, người ta sẽ phải làm việc lâu dài và cần phải kiên nhẫn. Để kiên nhẫn, bạn phải khẳng định được với mình rằng nó đáng để làm việc nặng nhọc như vậy”. Nó cũng giống như quan điểm của Einstein về lao động trong khoa học “Tôi có thể không thông minh hơn người khác nhưng tôi ở lại với vấn đề lâu hơn người khác”. Rút cục, điều để khoa học tiến lên, và qua đó, đem lại cho cuộc sống này nhiều điều tốt đẹp hơn, là ở sự tận tâm, tận lực và kiên trì chứ không dựa vào sự thiên bẩm. Nếu nhìn vào điểm này, có thể thấy, đó là những bài học nằm lòng không chỉ với khoa học mà với cả mọi ngành nghề khác.

Giữa sự nỗ lực chật vật của chính mình để tồn tại ở Caltech theo cách như vậy, Mlodinow đã được chứng kiến thêm sự vật lộn của cả một lý thuyết khi chưa được cả cộng đồng công nhận: lý thuyết dây trong giai đoạn bình minh của nó. Đây là một lý thuyết được xây dựng để thống nhất tất cả các hạt cơ bản cùng các lực cơ bản của tự nhiên, và được giải thích bằng các phương trình toán học đẹp đẽ, nhưng ở những năm 1970 lại đưa ra nhiều tiên đoán mâu thuẫn với ghi nhận thực nghiệm. Lúc Mlodinow tò mò gặp gỡ và trao đổi với John Schwarz cũng là lúc Schwarz bám đuổi lý thuyết dây được gần một thập kỷ trong sự phản bác của giới vật lý – gồm cả những người ở Caltech – coi đó là một dòng không chính thống và thậm chí, đáng vất vào sọt rác.

Điều để khoa học tiến lên, và qua đó, đem lại cho cuộc sống này nhiều điều tốt đẹp hơn, là ở sự tận tâm, tận lực và kiên trì chứ không dựa vào sự thiên bẩm. Nếu nhìn vào điểm này, có thể thấy, đó là những bài học nằm lòng không chỉ với khoa học mà với cả mọi ngành nghề khác.

Sự phản đối của số đông không làm Schwarz chùn bước. Lý thuyết của Schwarz phải tới vài năm sau mới được công nhận và đem lại một trào lưu mới, vì vậy lúc Mlodinow vào phòng của ông thì trên bàn ông có hàng chục bài báo ở dạng tiền ấn phẩm, chưa được bình duyệt. Tất nhiên, lý thuyết dây và siêu dây sau này đã được cả cộng đồng bồi đắp nhưng ở thuở ban đầu, ông gần như đơn độc và nếu không có “cặp mắt xanh” của một người luôn bảo vệ và khuyến khích – Murray, bất chấp quan điểm của Feynman “đó là lý thuyết vô nghĩa nhất mà chúng ta đã đưa vào khoa này”. “Điều mà không ai trong chúng tôi biết là chỉ trong vòng ít năm sau đó, đống bài báo mà giờ nằm trên bàn làm việc của tôi được toàn thế giới kính trọng như điềm báo của một trong những đột phá hứa hẹn nhất của thế kỷ trong vật lý lý thuyết”.

Thế giới vật lý qua cái nhìn của Feynman, Murray hay của ai khác, vẫn là một thế giới đầy sức hút và nhiều thứ để khám phá. Nhưng thế giới này cũng hé mở cho Mlodinow về một thế giới khác, không phải lý thuyết dây, siêu dây hay bất cứ lý thuyết nào ngoài Mô hình chuẩn. Sau những ngày vật vã ở Caltech, Mlodinow giành được học bổng Alexander von Humboldt, nghiên cứu tại Viện Vật lý và Vật lý thiên văn Max Planck ở Munich, Đức nhưng vẫn không nguôi câu hỏi về cái gì là quan trọng trong cuộc đời mình? Rút cục cách để Mlodinow sống sót trong thế giới của các Titan là rời môi trường nghiên cứu vào năm 1986 để bước vào thế giới văn học với mười mấy đầu sách phổ biến khoa học, trong đó có Euclid’s Window: The Story of Geometry from Parallel Lines to Hyperspace (Cửa sổ của Euclid: Câu chuyện về hình học từ các đường song song đến không gian đa chiều), A Briefer History of Time (Lược sử thời gian) – viết cùng Stephen Hawking; viết kịch bản cho nhiều serie phim truyền hình, bao gồm Star Trek: The Next Generation, MacGyver

Feynman qua đời vào tháng 2/1988. Và sau chừng hai thập kỷ, quãng thời gian đủ dài để nghiền ngẫm về những gì đã trải qua, về những điều Feynman chia sẻ về cuộc đời, về vật lý khi ông gần như đối diện với cái chết, Mlodinow nhận ra câu trả lời: theo đuổi những mục đích khiến mình xúc động, bất kể người khác có thấy xứng đáng hay không. Đó là lý do để Mlodinow viết Cầu vồng của Feynman.

Trong Cầu vồng của Feynman, người ta không chỉ thấy niềm vui, sự hài hước của ông mà còn thấy cả những giọt nước mắt của đau đớn bởi giới hạn thấy trước của sự sống không cho phép ông chứng kiến sự trưởng thành của con gái. Nhưng có lẽ, hơn tất cả, người ta sẽ nhớ mãi sức mạnh nội tại của Feynman, người chỉ tuân theo sự mách bảo của trực giác và cảm hứng. □

———

1. http://tiasang.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/richard-feymann-nhung-suy-ngam-ve-khoa-hoc-23149/

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)