Sự điều chế giữa trật tự và hỗn độn

Nhân kỉ niệm 995 năm Thăng Long Hà Nội - Sở Văn hóa TT Hà Nội và Sở quy hoạch Hà Nội (HN) đã có sự phối hợp với nhau, tổ chức cuộc thi mô hình Bảo tàng Hà Nội. Một Hà Nội sẽ lưu giữ lại ngàn năm văn hiến của mình như thế nào, tiến trình lịch sử của nó, cuộc sống - con người đương đại hiện nay ra sao, sẽ được thể nghiệm, lựa chọn, xây dựng và hiện diện ngay cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Mười ba phương án, mô hình đã được các đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước gửi đến. Ba phương án được chọn trưng bày triễn lãm, trưng bày ý kiến của tất cả công dân thủ đô nói riêng - người Việt Nam, du khách...nói chung tại nhà triễn lãm Tràng Tiền. Và những câu chuyện về một Hà Nội thực sự sẽ hiện diện, qua ba phương án ấy, đã được mở ra...

Trong ba phương án được chọn, tạm thời không quan tâm đến tác giả và xuất xứ của nó, xin được khách quan theo mã số: phương án PA 01 của Đức, PA 07 của Pháp,  PA 09 của Việt Nam, có lẽ mọi người đã dừng chân lâu nhất, tò mò, vặn vẹo và đăm chiêu lâu nhất ở PA 09. Tôi thấy nhà sử học Dương Trung Quốc bỏ hẳn một buổi chỉ để đi từ sa bàn đến các bức minh họa mô hình, lời tựa, thuyết minh, vặn hỏi người hướng dẫn, khi thì ở góc độ sử học, khi thì ở góc độ một công dân nặng lòng với thủ đô. Cá nhân tôi, đứng ở góc độ một công dân, có đôi chút tò mò về kiến trúc, đặc biệt là về quy hoạch cảnh quan, thì hoàn toàn bằng lòng với thái độ tiếp nhận của chính bản thân. Xét ở góc độ tiếp nhận kiến trúc, hay tiếp nhận một nghệ thuật, con người luôn có hai khía cạnh: thái độ chủ động và thái độ thụ động. Nhưng trên cả hai khía cạnh đó, quan trọng là sự đồng cảm và đưa ra được những ý kiến, dù đôi khi chỉ là cảm tính cá nhân, đồng thời xuất hiện nhu cầu tự khám phá. Sự mạch lạc khiến mọi thứ rõ ràng giống như một áp đặt, người ta đôi khi lại cũng rơi vào sự thụ động trong cảm nhận. Bởi không phải cái gì cũng có thể rõ ràng, trật tự, và không phải cái gì cũng hỗn độn một cách không thể nào hỗn độn hơn nữa. Quả thật có tồn tại một sự hỗn độn vô cùng, hay một trật tư tuyệt đối không? Sự hỗn độn sẽ gây ra trạng thái bối rối và quả thực sẽ tạo ra những khó khăn nhất định trong việc tiếp nhận. Nhưng chính sự bối rối này, với thời gian, nó sẽ khiến cho chúng ta muốn quay lại với điều gì mà mình đã từng muốn tìm hiểu. Nghệ thuật phải làm được cả hai điều đó, phải khiến con người bối rối, đồng thời, phải khiến họ có động lực muốn tìm hiểu mọi thứ rõ ràng hơn. Nói một cách không to tát quá, một trong những thuộc tính lớn lao của nghệ thuật là sự tiết chế giữa cái mạch lạc, rõ ràng, và cái mù mờ, hỗn độn.


 Một góc tòa tháp đôi

Với kiến trúc có nên đối lập giữa khoa học và nghệ thuật? Ngày nay, khoa học,với những mục tiêu của mình, cũng đang lâm vào tình trạng bối rối, bởi nó nhận ra những trật tự hiện thời chỉ là ước định, mong manh hơn là những trật tự ẩn chìm trong sự hỗn độn vốn có của cuộc sống. Khoa học đã không chỉ phụ thuộc vào duy lý và khái quát rõ ràng của kĩ thuật, nó còn phụ thuộc lớn hơn vào cảm giác của con người. Một cách chủ quan, kiến trúc, nghĩa là bạn cảm nhận nó như thế nào, nó sẽ là thế ấy! Vậy, chúng ta đã từng bao giờ cảm nhận về một Hà Nội với kiến trúc cổ kính, với sự hỗn độn của phố cổ, và với những cảnh quan, những mô hình kiến trúc được xây dựng giữa thời hiện đại đang ùn ùn quanh nó? Chủ quan hơn nữa, nếu bằng cảm nhận, có lẽ, bạn sẽ thấy như tôi, Duy lý Đề -các quả thực có phần nào xa lạ với cảm nhận của chúng ta. Nó xa lạ với những cảm quan truyền thống, đặc biệt, khi với cảm nhận trực giác của mình, chúng ta bối rối, khó lý giải ngay trước sự hỗn độn, phi trật tự của chính đời sống vây quanh. Chúng ta ghét bỏ sự hỗn độn, phi trật tự, nhưng nó lại chính là đời sống của chúng ta. Đời sống chúng ta là chúng ta. Cái gì khiến chúng ta khác biệt với những nền văn minh khác? Sự hỗn độn. Vâng! Chính là sự hỗn độn. Ở đây, chỉ xin khu biệt nó là sự hỗn độn của một phố cổ ta yêu, ta sống hàng ngày, sự hỗn độn dưới góc nhìn kiến trúc và quy hoạch cảnh quan.

Quy hoạch, thiết kế như thế nào để Hà Nội vẫn giữ nguyên dáng vẻ, bản sắc, hơi thở của riêng nó, vẫn có một trật tự trong sự phi trật tự, trong đời sống chúng ta đã có và tiềm ẩn trong guồng quay của mỗi công dân thủ đô


Một lúc nào đó, trong sự hỗn độn mỗi ngày, ngước nhìn những mái nhà lô xô không hề có sự bằng nhau cao độ, những con đường ngoằn ngoèo đôi khi chỉ ngắn chưa đủ để đi ba vòng bánh xe, những hàng quán bày bán vỉa hè và kĩu kịt gánh hàng rong đi lơ ngơ qua đường phố lớn chẳng khác gì ở chốn quê, có thể bạn sẽ có cảm giác thèm muốn một sự mạch lạc, rõ ràng của đời sống Tây phương. Rõ ràng và sạch bóng, trơn nhẵn, tăm tắp, như siêu thị, như những tòa nhà thông minh mọi thứ đều đã được lập trình và chuẩn bị sẵn sàng theo cái remove của bạn. Nhưng nếu chỉ rời xa phố cổ một thời gian, đặc biệt, với những ai đã từng đi ra nước ngoài, sẽ thấy rõ cảm giác này hơn bao giờ hết, là khi quay trở lại với phố cổ, với sự hỗn độn, ngổn ngang, cái mong muốn được đối chọn với những gì phi trật tự sẽ mất biến, thay vào đó là sự xúc động khôn cùng. Hà Nội, tức là một sự hỗn độn, một sự phi trật tự. Và chúng ta sống giữa lòng Hà Nội, chung vui cùng sự hỗn độn ấy mỗi khoảnh khắc, đồng thời, cũng tạo dựng mỗi trật tự riêng trong sự phi trật tự ấy, không ngưng nghỉ.

Tôi vẫn đang muốn nói về vấn đề kiến trúc. Thử đặt ngược vấn đề, nếu Hà Nội quá sạch sẽ, rõ ràng, văn minh như một siêu thị được quy hoạch đâu vào đấy, hẳn, chúng ta khó mà tránh khỏi cảm giác nhạt nhẽo. Nói như thế không phải để cổ súy cho sự không quy hoạch. Vẫn rất cần sự quy hoạch, nhưng là quy hoạch, là thiết kế như thế nào để Hà Nội vẫn giữ nguyên dáng vẻ, bản sắc, hơi thở của riêng nó, vẫn có một trật tự trong sự phi trật tự, trong đời sống chúng ta đã có và tiềm ẩn trong guồng quay của mỗi công dân thủ đô. Sức mạnh tiềm ẩn của thủ đô, của con người Việt Nam là đất, là nước. Đất, nước, ở đâu cũng có.

 Xét cho cùng, việc tiết chế giữa trật tự và hỗn độn sẽ tạo nên một cá tính. Một cá tính rất cần cho những công trình bảo tàng, những công trình không được phép giống bất kì cái gì, ở đâu, đã từng xuất hiện nơi nào, hơn nữa, là một bảo tàng về lịch sử, quá khứ, con người Hà Nội

 Nhưng phải lưu ý mỗi một công trình kiến trúc, tuy làm từ đất và nước, được đặt trên đất và nước, lại cần xác lập ở một vị trí nhất định. Cái vị trí đấy chính là sự mạch lạc mà bất kì kiến trúc sư nào, dù duy lý hay cảm nhận, đều không thể khước từ. Một công trình bảo tàng Hà Nội, làm thế nào để biến nó thành một phát hiện, diễn đạt được cái như nó vốn có, hình thành nó như hình thành một Hà Nội, không chỉ xây dựng, không chỉ tạo nên bởi một giờ, mà nó như đã có nơi đây từ ngàn đời, và ngày hôm nay chúng ta đã thấy “sách trời”, đã thấy Cổ Loa, Thăng Long, Đông Đô…, mặt khác, lại là một công trình đặt bên toà nhà đồ sộ, tôn vinh nét đẹp cũng như sự sang trọng của TT Hội nghị Quốc gia tại Mỹ Đình, với một sự nhạy cảm không phân biệt thân phận con người và nâng cao lòng vị tha của dân tộc, đó có lẽ là điều mà chỉ có duy nhất phương án mô hình 09 đã tính đến. Có cảm giác rằng những kiến trúc sư kiến tạo đồ án  PA 09 Bảo tàng Hà Nội, phải là những người có một tình yêu thủ đô và sự nặng nợ, đa mang, vừa có một cái nhìn của người trong cuộc, lại có cả thái độ khách quan đặt Hà Nội giữa tương quan với thế giới, để đi đến được cái ẩn dụ muốn tiếp cận với văn tự ngàn năm, muốn diễn đạt đời sống, lịch sử của con người Hà Nội tự nhiên như hoa, trổ ra từ đất và nước, một Hà Nội tĩnh tại, thanh lịch, sống động và dũng cảm không phải ai cũng có thể có.


Đồ án bảo tàng ở Hà Nội

Thử tưởng tượng đặt PA 09 vào bối cảnh phố cổ Hà Nội vốn đang lộn xộn, phi trật tự, chúng ta cũng sẽ có cái nhìn khác. Dụng ý của kiến trúc sư rất rõ. Chính trong sự tương phản, sẽ có tương sinh, trong sự tương đồng, sẽ có tương khắc. Một hình ảnh Bảo tàng Hà Nội theo văn tự nghìn năm sẽ khuất lấp giữa những dấu ấn phố cổ, nhưng nó sẽ bật lên, ghim lại vóc dáng và vị thế của mình, ở giữa một khu đô thị mới. Dường như không có sức mạnh nào, hình ảnh đô thị, nhịp bước thời đại với trật tự nào có thể phá vỡ nó. Nó chính là biểu tượng của cái trật tự đang tiềm ẩn, là sức mạnh của con người VN không bao giờ bị đồng hóa, dựa vào đất, và nước, con người VN khẳng định sức mạnh không thể nào bị tiêu diệt, không thể nào mất đi.
Mỗi người có một cách yêu Hà Nội khác nhau, một cách nhìn Hà Nội khác nhau. PA 01 của kiến trúc sư người Đức là một mong muốn xây dựng Hà Nội, trong hình ảnh bảo tàng của mình như một hình khối đơn giản, tiện lợi, đa chiều, nó mang đến sự tiện ích và thiết thực, nhưng phần nào khô cứng và khó cảm nhận. PA 07 của kiến trúc sư người Pháp lại cho ta cảm giác nếu Hà Nội được xây dựng trong hình ảnh của mô hình bảo tàng này, Hà Nội sẽ là một siêu thị khổng lổ, mà ở đó, người đến tham quan bảo tàng cũng sẽ nhận được sự mạch lạc, rõ ràng, tiện ích, và phần nào đơn điệu, nhạt nhẽo. Không thể có một Hà Nội không lịch sử, một Hà Nội không quá khứ. Bản thân những công trình này hình như cũng đang tránh thể hiện những không gian trưng bày ngoài trời, những không gian trưng bày mang tính đặc trưng của Hà Nội. Thử đặt một câu hỏi, với không gian trong đồ án PA 01, PA 07, chưa xét về tính tạo hình, nếu đặt giữa tương quan với cảnh quan chung ở một độ cao dưới 20m (để không che lấp TT Hội nghị Quốc gia), một khuôn viên rộng đến hơn 20 nghìn mét vuông, thì hai đồ án này sẽ khó có ngay một trả lời. Tất nhiên, nếu không đòi hỏi cao về một Hà Nội hào hoa thanh lịch và có lịch sử ngàn đời, hẳn, những phương án PA 01, PA 07 sẽ là rất tối ưu. Chúng ta sẽ có thêm một công trình mang dáng dấp kiến trúc phương Tây, hiện đại, sạch sẽ, đồ sộ. Và, ngoài ra, chẳng còn gì hơn thế nữa. Nhưng chúng ta lại cần có sự đối diện với tất cả. Xét cho cùng, việc tiết chế giữa trật tự và hỗn độn sẽ tạo nên một cá tính. Một cá tính rất cần cho những công trình bảo tàng, những công trình không được phép giống bất kì cái gì, ở đâu, đã từng xuất hiện nơi nào, hơn nữa, là một bảo tàng về lịch sử, quá khứ, con người Hà Nội.

Bạn sẽ nghĩ rằng tôi đang muốn đấu tranh cho một hình ảnh bảo tàng Hà Nội với phương án PA09, trong một sự tự tin và đồng thuận của người Việt Nam với người Việt Nam? Nhưng trong kiến trúc, như đã nói, cảm nhận là quan trọng. Phức hợp và đơn giản, cái mà bạn có thể tưởng tượng ra được, một bảo tàng được đặt trên nền nước (khởi thủy), nơi dung hoà những gì tương đồng và khác biệt, nơi nhân lên các giá trị và gợi nhớ về những dòng chảy đã gắn kết với thủ đô, nó như những ẩn dụ về sự phát triển không ngừng, văn tự ngàn năm hay những bản đồ lịch sử của Hà Nội được thể hiện trên tổng quan, phối hợp với những đường nét thưa mau và nhịp nhàng như sự kết nối giữa hôm qua với hôm nay, giữa lịch sử trầm lắng và cuộc sống sối động, nó là một không gian mở khác biệt một bảo tàng hình hộp, một bảo tàng siêu thị lắm chứ! Tôi e ngại sự mạch lạc, rõ ràng sẽ nhấn chìm, đánh mất một Hà Nội hỗn độn và phi trật tự. Tiết chế giữa hai vấn đề mạch lạc và hỗn độn, mang đến cho người xem một Hà Nội vẫn là Hà Nội, không bưng bít, không Tây hóa qua hình ảnh bảo tàng, nhưng vẫn rất hiện đại, thậm chí siêu hiện đại, siêu tạo hình, một Hà Nội chiều sâu với những phát lộ và ẩn dấu khơi gợi người xem tự khám phá, hoàn toàn có thể làm được điều đó, tại sao không?

Hỗn độn và phi trật tự, cái thế giới đã được thiết lập ấy, làm thế nào để chung sống và tôn vinh nó, có lẽ, sẽ một hướng gợi mở của thiết kế cảnh quan nói chung, kiến trúc nói riêng, riêng biệt hơn nữa, của một thái độ sống, một thái độ tìm kiếm trật tự có bản sắc (không phải là bản sắc vô hồn), hẳn, là một trong những phương thức để chúng ta thể hiện, hướng về cái đang là, sẽ là?

Cuối cùng, điều tôi muốn nói không phải là sự lựa chọn giữa phương án này hay phương án khác, với tư cách là một công dân thủ đô nữa, mà là ở góc độ một người yêu cảnh quan. Hà Nội chúng ta chưa có nhiều công trình kiến trúc đặt ở một cảnh quan thực sự làm lòng người xúc động. Mùa cưới chưa đến, mà ngày nào Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội cũng đông nghẹt xe hoa và ánh đèn flat chụp ảnh. Ngoài ra, hình như chẳng còn gì khác để người ta đến, muốn giữ lại khoảnh khắc thiêng liêng của đời mình bên một công trình phức hợp và sâu lắng. Chúng ta không nghèo nàn các giá trị, không nghèo nàn tinh thần, cũng không sợ hãi sự thụt lùi, bởi, Hà Nội đang rất hiện đại. Sự hỗn độn là một chứng chỉ của tinh thần hiện đại, theo một cách riêng chỉ Hà Nội mới có. Tại sao chúng ta lại bối rối và lo ngại trước sự hỗn độn rất đáng yêu của mình? Xu thế về trật tự, hiện đại là một xu thế không thể nào đảo ngược, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tuy thế, trên thế giới, cái trật tự vẫn được thể hiện qua sự hỗn độn mỗi ngày mỗi giờ, qua những công trình đồ sộ nhất. Tòa tháp đôi đang được xây dựng lại ở tại TT Mahattan của kiến trúc sư người Mỹ gốc Ba Lan D.Libeskind là một thể hiện của sự hỗn độn đỉnh cao. Một công trình khác, bảo tàng Bilbao nổi tiếng thế giới ở Tây Ban Nha – thành tựu thể hiện đẳng cấp của kiến trúc hiện đại với tên tuổi Gehry, cũng là một ứng dụng của sự hỗn độn. Hỗn độn và phi trật tự, cái thế giới đã được thiết lập ấy, làm thế nào để chung sống và tôn vinh nó, có lẽ, sẽ một hướng gợi mở của thiết kế cảnh quan nói chung, kiến trúc nói riêng, riêng biệt hơn nữa, của một thái độ sống, một thái độ tìm kiếm trật tự có bản sắc (không phải là bản sắc vô hồn), hẳn, là một trong những phương thức để chúng ta thể hiện, hướng về cái đang là, sẽ là?

Lê Mỹ Ý

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)