Thầy làm vườn
Ở Bellingham có những vườn cộng đồng là những mảnh đất công được giao cho cư dân lân cận cùng nhau trồng trọt, không phải đóng thuế cũng khỏi nạp tô, chỉ đóng một số tiền nhỏ cho hệ thống tưới tiêu. Những người cổ vũ mấy vườn cộng đồng này mở những lớp học làm vườn miễn phí, học viên có thể đền đáp công ơn dạy dỗ bằng cách làm việc mấy chục giờ trong những mảnh vườn công cộng, coi như làm công quả.
Mặc dù là sử gia, nhưng anh lại có cái bằng “thầy làm vườn” (Gardening Master) và khuyến khích tôi cũng nên lấy cái bằng đó. Thoạt nghe, tôi hoảng quá. Sau mới biết là kiếm cái bằng Master đó dễ ợt. Ở Bellingham có những vườn cộng đồng (community gardens) là những mảnh đất công được giao cho cư dân lân cận cùng nhau trồng trọt, có nơi trồng chung, có nơi mỗi người được chia một mảnh, tùy ý muốn trồng gì thì trồng, không phải đóng thuế cũng khỏi nạp tô, chỉ đóng một số tiền nhỏ cho hệ thống tưới tiêu. Những người cổ vũ mấy vườn cộng đồng này mở những lớp học làm vườn miễn phí, học viên có thể đền đáp công ơn dạy dỗ bằng cách làm việc mấy chục giờ trong những mảnh vườn công cộng, coi như làm công quả.
Một lớp học làm vườn chỉ kéo dài trong một mùa trồng trọt ở Bellingham, tức là ba tháng hè. Bất kể thu hoạch được ngô khoai gì không, ai cũng được cấp bằng (theo tôi thấy). “Bằng” là tờ giấy chứng nhận người nào đó đã tham dự khóa học làm vườn. Để làm gì? Ai biết! Tôi không cần bằng cấp làm vườn, lại có sẵn thầy cầm tay chỉ việc tại nhà, khỏi mắc công đi học tận đâu đâu. Vả lại, ông “thầy làm vườn” của tôi cũng từ lò luyện tương tự mà ra, bài bản không khác mấy: Dọn đất như thế nào, làm phân hữu cơ ra sao, tiết kiệm nước tưới, tránh dùng hóa chất diệt cỏ trừ sâu… Và hình như cây đầu tiên ai tập làm vườn cũng trồng là củ cải. Lý do: củ cải (raddish) nảy mầm trong vòng ba ngày và thu hoạch trong vòng ba tuần. Rủi mà vụ đầu thất bại vẫn còn thời gian làm lại vụ hai, vụ ba. Ông thầy làm vườn của tôi cam đoan là người trí tuệ trung bình cũng trồng củ cải thành công sau ba vụ.
Sau ba vụ, tôi tự cho là mình cũng thành công. Vụ đầu, lá cải mọc xanh tốt, cao gần nửa thước, nhổ lên thấy củ to cỡ ngón chân út thay vì bằng ngón chân cái như củ cải của người ta. Tất nhiên vì vườn mới, quá dồi dào dinh dưỡng nên tốt lá teo củ, tôi đủ trí tuệ để hiểu, khỏi cần ông thầy làm vườn giải thích lôi thôi. Vụ hai, không thèm tưới bón gì cả, cứ vùi hột xuống rồi chờ coi đứa nào mọc lên. Lũ cải bị bỏ bê vừa qua hai tuần lễ đã hè nhau… trổ ngồng. Tra cứu trên internet thấy rằng hiện tượng đó là do cây bị suy dinh dưỡng. Vụ ba, tôi quyết chí trồng cho ra củ cải. Chăm chút như con mọn, đếm từng hột nảy mầm, canh đất hơi khô khô là tưới nước, nắng quá thì che lại, đếm được ba bốn lá thì khều khều đất quanh gốc ra coi củ lớn tới đâu, em nào mà gốc chưa phình ra thành củ, tôi nhổ phứt, chỉ chừa lại những em có triển vọng nhứt. Nhờ vậy ông thầy làm vườn rất đắc ý với kết quả nghiệm thu (khoảng hai chục củ to to xinh xắn, mà không hề biết tổng số hột được gieo là hai trăm).
Loại cây thứ hai người làm vườn nào ở xứ này cũng trồng là cải xà lách (lettuce). Cũng là một loại rau chỉ đòi hỏi “trí tuệ trung bình”. Năm đầu tiên tôi đốt giai đoạn bằng cách mua chậu cây con ở tiệm về chiết ra trồng xuống đất vườn. Cặm cụi tới khi trời tối mịt mới vô nhà tắm rửa đi ngủ. Trời vừa hửng sáng là chạy ra vườn coi đám cải sống sót ra sao. Tuyệt vời! Em nào được trồng đâu thì còn nguyên đó. Yên tâm, tôi không canh từng bữa nữa, vả lại tiết xuân vẫn còn lạnh, mưa rỉ rả nên không có hứng lội ra vườn. Một tuần sau, đám cải vẫn còn y sì như cũ, như cũ nghĩa là không mọc thêm lá nào hết. Tuy không chết. Ông thầy làm vườn bảo đất còn lạnh lắm, cây không mọc nổi. Nhưng, tôi cãi, tất cả các vườn ươm, tiệm thực phẩm, tiệm bách hóa, siêu thị, cửa hàng các loại, từ Walmart tới Riteaid, Costco… đều bày bán đầy các loại cây con, và người ta mua hà rầm, tất nhiên là đã tới mùa trồng trọt. Ông thầy làm vườn cười bí hiểm: đó là bí quyết của con buôn. Họ biết là mấy tay làm vườn tài tử như tôi sốt ruột lắm, đầu tháng tư họ tung ra một đợt cây con mơn mởn, thiên hạ mua về trồng (như tôi) và cây không chết thì ngồi ỳ trong vườn (như cây của tôi), thiên hạ phải đi mua cây khác về trồng tiếp (đâu có ai chịu để hàng xóm thấy mình làm vườn mà trồng đến cây xà lách mà cũng thất bại!). Bấy giờ các tiệm tung ra đợt cây con thứ hai, thứ ba. Mùa trồng trọt ở Bellingham thực sự bắt đầu từ tháng 5.
Một đô rưỡi sáu cây xà lách con, suốt một tháng trời ngồi ỳ trong vườn. Tôi không thèm mắc mưu bọn con buôn. Tôi mua hột giống về tự ươm tự trồng. Có thứ gì dễ nảy mầm hơn xà lách? Tôi dọn một khoảnh đất bằng phẳng, ẩm mát, rải hột đều khắp. Ba ngày sau những mầm non đầu tiên xuất hiện. Mỗi sáng việc đầu tiên của tôi là ra xem vạt xà lách của mình. Tôi tưởng tượng mỗi ngày nó một rậm rì xanh tốt. Nhưng kỳ lạ! Màu xanh biến mất một cách bí hiểm. Rõ ràng hôm qua tôi thấy một đám xanh xanh cả chục cây con ở chỗ này mà sao bữa nay chỉ còn lưa thưa vài ba em? Cuối cùng mấy em đó cũng tàng hình luôn. Có lúc tôi tức qua đâm nghi ông thầy làm vườn… nhổ cây tôi trồng. Ông kêu oan như bộng.
Mùa sau, tôi mua một gói hột giống rau tập tàng Mỹ, “mesclun”, gồm khoảng một chục loại rau cải linh tinh. Theo liệt kê trên bao bì thì thành phần chủ yếu gồm năm bảy loại xà lách và các thứ cải mù tạt, cải củ dền, cải trắng, cải xanh, cải bó xôi, cải rỗ… và vài thứ cải tôi không tìm được từ tiếng Việt tương đương: arugula và mache. Trên bao bì cũng ghi rõ là khi cây mọc cao cỡ ngón tay là có thể cắt làm rau trộn ăn sống, ngon lắm. Để già chút nữa thì xào, nấu, luộc đều ăn được. Ngày ngày canh rau mọc, tôi dần phân biệt được mầm của các thứ cây khác nhau. Nhưng điều kỳ lạ ở mùa trước tiếp tục xảy ra. Những mầm non xà lách dần biến mất trước khi kịp mọc lá thực. Rồi đến bọn bó xôi, cải ngọt. Cuối cùng chỉ còn mấy cây cải mù tạt (cải xanh), arugula, và mache là sống sót. Chúng thừa chỗ mọc như điên, đến nỗi ông thầy làm vườn gọi chúng là cỏ.
Tôi quyết định rình coi ai nhổ cây trong vườn mình. Đêm xuống, tôi cầm đen pin len lén ra vườn, rọi lên đám cải. Thì ra! Chính hắn! Mấy con slug đang ung dung nhâm nhi công sức làm vườn của tôi. Trời đủ ấm để hột cải nảy mầm thì những cái trứng li ti lẫn trong đất cũng nở thành những con sên tí hon. Sẵn cải mầm non, còn thiên đàng nào tuyệt vời hơn nữa? Người ta có bán một thứ bột để rải lên đất giết bọn slug này, nhưng ông thầy làm vườn không thích, cho rằng chất độc hại đó sẽ giết cả những sinh vật có ích hay vô hại khác. Ổng dùng mẹo, chôn một lon bia dưới đất, giả định là bọn slug sẽ đến uống bia rồi say xỉn té vô lon bia mà chết. Quả đúng là có mấy em chết đuối kiểu đó. Nhưng rồi, tôi nghi lắm, bọn slug tiến hóa, uống bia xong, té luôn vô lon bia, lơ lơ lửng lửng, rồi bơi rồi bò lên miệng lon và lết đi kiếm chỗ đánh một giấc. Chứ sao vườn rau từ ngày có mấy lon bia đông lúc nhúc bọn slug xỉn?
Tôi chụp hình con slug gởi cho bạn tôi ở đại học Cần Thơ. Bạn bảo đó là con sên, hay còn gọi là con nhớt, ở Việt Nam thiếu giống gì! Và bạn cảm thán: Tưởng mày ở Mỹ làm gì, dè đâu làm vườn. Tưởng làm vườn ở Mỹ có gì đặc biệt, dè đâu có con sên!