Tiêu chí “Tạp chí săn mồi” khối ngành nhân văn?

Trong bài này, tôi muốn sử dụng khái niệm “ISI săn mồi” và “Scopus săn mồi” dùng để trỏ những tạp chí săn mồi nằm trong các danh mục tạp chí uy tín thuộc WoS của ISI, và Scopus của Elsevier, có thể gọi chung là tạp chí “săn mồi uy tín”. Phạm vi thảo luận chỉ gói gọn trong các ngành thuộc khối nhân văn (phân biệt với khối xã hội, và tự nhiên).

Ảnh minh họa. Nguồn: (Predatory and Questionable Publishing Practices, 2024)

Ngành nhân văn: Những pháo đài cổ điển

Ngành nhân văn hiện thường bị coi là “vô bổ”, “lạc hậu”, “kém học thuật”, vì lượng công bố quá thấp (đặc biệt là công bố quốc tế ở thứ hạng cao- uy tín) so với các ngành thuộc khối tự nhiên và xã hội. Thực tế, thì phần quan trọng nhất của khối nhân văn nằm ở các chuyên luận. Thứ nữa, đối tượng nghiên cứu là những thứ nằm trong não người, rất trừu tượng, như tư tưởng, triết học, mĩ cảm (văn học, nghệ thuật), nhận thức lịch sử (sử học)… Những nghiên cứu này thường tốn thời gian, mất công sức, nhưng không đem lại hiệu quả tức thời, đặc biệt là hiệu quả kinh tế. Mô hình kinh tế “ì ạch”, không có lab, không có “ứng dụng kĩ thuật cho sản xuất”, nên các nhà nhân văn học thường sống và làm việc rất lặng lẽ. Cho đến nay, các tạp chí nhân văn vẫn bảo lưu mô hình xuất bản cổ điển: cơ quan xuất bản là một tổ chức nghiên cứu hay giáo dục nào đó. Một nhà nghiên cứu nhân văn thường chỉ có 1 công bố (trên TCQTUT) trong vòng từ một đến hai năm, thậm chí lâu hơn nữa.

Đặc thù nghiên cứu đó khiến cho các mô hình xuất bản khối ngành nhân văn không thể chú trọng số lượng công bố. Thử lược điểm một số tạp chí uy tín thuộc lĩnh vực nhân văn, ta thấy Journal of Vietnamese Studies (JVS) do Center for Southest Asia Studies chủ trì, University of California Press xuất bản, thành lập năm 2006, đến nay có tổng số 299 bài nghiên cứu (trong tổng số 619 bài, gồm bài điểm sách, giới thiệu, và nghiên cứu). Như vậy, trong 18 năm, JVS duy trì mức trung bình đăng 16 bài một năm, mỗi số đăng 4 bài nghiên cứu. Một tạp chí khác là Journal of Asian Studies do Cambridge University Press xuất bản (từ 1941), Association for Asian Studies (AAS) chủ trì, mỗi số tạp chí này chỉ đăng 4 bài nghiên cứu. Tạp chí Sungkyun Journal of East Asian Studies hiện do Duke University Press xuất bản, khởi đăng từ năm 2001. Giai đoạn từ 2001 đến 2009 trung bình đăng mỗi năm 20 bài (2 số). Sau khi vào Scopus và ISI (2010 đến nay), tạp chí này trung bình mỗi năm đăng 10 bài (5 bài 1 số). Điều này cho thấy, các tạp chí nghiêm túc có xu hướng hạn chế số lượng bài và tăng chất lượng nghiên cứu. Thêm một điều lưu ý nữa, là các tạp chí này đều không thu phí đăng bài từ tác giả. Cho đến nay, các tạp chí và các nhà nhân văn học trên toàn thế giới vẫn là những pháo đài cổ điển. 

Nhưng trong năm bảy năm trở lại đây, trong làn sóng yêu cầu công bố với đặc điểm “đếm bài đo thành tích”, đặc biệt là cơn sốt chỉ chú trọng đăng bài trên hệ thống ISI-Scopus gần như là “khuôn vàng thước ngọc” đang càn quét khắp nơi, thì không ít các học giả khối ngành nhân văn đang bị lừa, bị ăn thịt bởi các tạp chí săn mồi bằng những thủ đoạn tinh vi. Thậm chí có một số người từ vị trí của một kẻ bị ăn thịt đang dần biến hình để trở thành kẻ đi săn những tạp chí săn mồi. Trong khi đó, nhiều cơ quan nhà nước đang sử dụng các bài ăn thịt này để nghiệm thu đề tài, khen thưởng thành tích khoa học, xét đạt đầu ra tiến sĩ, xét chuẩn giáo sư/ phó giáo sư, xét tặng nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân. Đây là một hiện tượng đáng báo động! GS. Ngô Việt Trung (nguyên Viện trưởng Viện Toán học) cho rằng: “Việc nhà khoa học công bố công trình của mình trên các tạp chí quốc tế mạo danh để được đánh giá về thành tích nghiên cứu khoa học là một hành vi vi phạm liêm chính khoa học, còn nghiêm trọng hơn là “bán bài”.

Cho đến nay, các tạp chí nhân văn vẫn bảo lưu mô hình xuất bản cổ điển: cơ quan xuất bản là một tổ chức nghiên cứu hay giáo dục nào đó và các tạp chí này đều không thu phí đăng bài từ tác giả. Một nhà nghiên cứu nhân văn thường chỉ có 01 công bố (trên TCQTUT) trong vòng từ 1 đến 2 năm, thậm chí lâu hơn nữa.

Hiện nay, khi đánh giá xếp hạng tạp chí khoa học, cách làm việc của Việt Nam thường là dựa vào các bảng danh mục có sẵn của nước ngoài, tiêu biểu là ISI và Scopus, mà loại ra các tiêu chuẩn quốc gia của Pháp, Nhật, Hàn, Trung Quốc… Cách làm này mặc dù có cơ sở nhất định, nhưng có nhiều điểm sơ hở. ISI-Scopus vốn không phải là một thứ khuôn vàng thước ngọc chính xác tuyệt đối, bởi một số tạp chí sau khi vào danh mục có thể đã “biến hình” thành tạp chí săn mồi để “thu hoạch” trong thời gian ngắn (vài ba năm). ISI-Scopus liên tục cập nhật đưa thêm tạp chí mới nổi, đồng thời cũng liên tục loại bỏ những tạp chí săn mồi khỏi danh mục. Nghĩa là danh mục uy tín đó liên tục thay đổi. Và ở bất kỳ thời điểm nào, với tỷ lệ nhất định, trong danh mục ISI-Scopus cũng luôn có mặt các tạp chí săn mồi kém chất lượng. 

Như vậy, vấn đề bức thiết nhất hiện nay ở Việt Nam là thay vì công nhận danh mục ISI-Scopus (dựa vào người khác), thì chúng ta cần xác định các hệ tiêu chí đánh giá các tạp chí mà ISI và Scopus áp dụng. Thay vì bám riết một danh mục có sẵn (nhưng luôn thay đổi), thì ta có thể đặt ra các hệ tiêu chí cơ bản, bao quát các đặc điểm nhận diện cơ bản của một tạp chí săn mồi trong danh mục ISI-Scopus.

Phấn đấu để bội thu

Tạp chí ăn thịt (hay còn gọi tạp chí săn mồi, tạp chí ngụy tạo) là một mô hình xuất bản các ấn phẩm khoa học nhằm hướng đến việc kinh doanh có lãi, trên cơ sở “ăn thịt” các con mồi (những khách hàng dùng tiền để được đăng bài) mà không chú ý đến nội dung và chất lượng khoa học. Mặc dù hiện nay Quỹ Nafosted chưa có văn bản pháp quy nào về tạp chí săn mồi và các tiêu chí nhận diện săn mồi, nhưng ta có thể thấy định nghĩa ấy trên trang web chính thức của Quỹ Nafosted như sau: “Tạp chí khoa học ngụy tạo (predatory, write-only, deceptive publishing) mang tính kinh doanh xuất bản học thuật liên quan đến việc tính phí xuất bản mà không kiểm tra chất lượng và các dịch vụ xuất bản khác như các tạp chí học thuật hợp pháp cung cấp (cho dù truy cập mở hay không). Các tác giả bị lừa đảo hoặc một số trường hợp cố tình xuất bản tạp chí có chất lượng kém. – Một số tạp chí bắt buộc phí xử lý bài viết có chất lượng thấp, đánh giá khoa học sơ sài, thời gian ngắn. Mức phí có thể từ vài trăm tới vài ngàn USD mỗi bài đăng.”  Theo Báo cáo Săn mồi Cabells, năm 2022, thế giới có hơn 15.500 tạp chí săn mồi.  Các tạp chí ăn thịt này có muôn vàn hình trạng khác nhau, và số lượng ngày càng tăng cao, với những biến tướng phức tạp, tinh vi cùng những thủ thuật qua mắt khách hàng và các nhà quản lý.

Việc coi ISI (hoặc một NXB quốc tế uy tín) là tiêu chí cứng, khiến cho nhiều người đưa ra cách hành xử rằng: bài viết đã đăng ở tạp chí thuộc WoS là uy tín rồi, không cần bàn cãi nữa, cứ thế cho qua (dù là xét duyệt đầu vào, hay nghiệm thu đầu ra, hay xét tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư). Đây là một lối ứng xử còn quan liêu. Trên thực tế, mặc dù  WoS là một trang uy tín, nơi mà số lượng vàng nhiều hơn thau, nhưng WoS là một tập hợp danh mục luôn biến động, và có tỉ lệ săn mồi nhất định. 

Link: https://www.nature.com/palcomms/research-articles?type=article (truy cập ngày 17/4/2024).

Chiến thuật của nhiều tạp chí săn mồi là phấn đấu được vào ISI,  nhưng sau khi lọt vào danh mục thì họ bắt đầu thu lợi bằng cách tăng số lượng bài đăng. Thông thường một tạp chí khoa học thuộc lĩnh vực nhân văn chỉ đăng từ 2 đến 10 bài trong một số, mỗi bài có độ dài trung bình từ 20 đến 50 trang. Trong giai đoạn phấn đấu vào ISI, các tạp chí thường xây dựng thương hiệu bằng cách đảm bảo mọi tiêu chí khắt khe của một tạp chí học thuật. Nhưng sau khi vào ISI, họ lập tức chuyển trạng thái sang mô hình ăn thịt. Để tăng doanh thu, họ dần đẩy số lượng bài đăng lên với tốc độ phi mã. 

Các tiêu chí xác định tạp chí săn mồi

Như trên đã nói, một số tổ chức ở Việt Nam, như Bộ KH&CN hay Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã và đang sử dụng ISI-Scopus làm tiêu chuẩn cứng cho việc đánh giá bài nghiên cứu và nhà khoa học. Tuy nhiên, đây chỉ nên “hàng rào cơ giới”. Điều cần làm bây giờ là đưa ra hệ tiêu chí xác định các dấu hiệu của tạp chí săn mồi, để làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng tạp chí. Qua việc phỏng vấn, tham khảo nhiều nhà khoa học của nhiều ngành khác nhau, tôi cho rằng nếu chỉ dùng 1-2 tiêu chí thì chưa đủ, mà cần phải đáp ứng tập hợp nhiều tiêu chí khác nhau. Khi các tiêu chí này cùng xuất hiện, thì đó là căn cứ để xác định tạp chí săn mồi. Càng có nhiều tiêu chí xuất hiện, thì dấu hiệu ăn thịt càng rõ rệt. Nghĩa là tạp chí săn mồi sẽ có nhiều cấp độ khác nhau. Dưới đây xin trình bày từng tiêu chí, đồng thời cũng phân tích sâu về các biểu hiện kém chất lượng ở một số tạp chí trong khối ngành nhân văn mà tôi từng biết.

Tiêu chí 1: bài viết chất lượng kém, có nhiều lỗi dịch thuật và sai kiến thức căn bản

Một tiêu chí quan trọng để xác định tạp chí ăn thịt là chất lượng bài viết. Do chú trọng số lượng bài đăng, tốc độ đăng nhanh để thúc đẩy mô hình sinh lãi từ xuất bản khoa học, các tạp chí này đã cho đăng tải nhiều bài viết chất lượng kém. 

Về nội dung khoa học, một bài tạp chí quốc tế uy tín thường phải có tính đối thoại về mặt lý thuyết, và cùng thảo luận một vấn đề cụ thế mà giới khoa học đang quan tâm. Bài viết thường phải có luận điểm rõ ràng và tính mới. Trong khi đó, một bài được đăng trên tạp chí ăn thịt (được duyệt bởi những người nào đó không thuộc chuyên ngành, hoặc phân ngành sâu), thì thường chỉ là những bài viết làng nhàng, không có đóng góp gì cho nhận thức chung, hoặc do không có nền tảng tri thức học thuật quốc tế, nên đôi khi chỉ là ơ-rê-ka lại những điều mà người ta đã công bố. Thường thì việc giám định nội dung khoa học như vậy thuộc về các chuyên gia và các hội đồng khoa học ngành. 

Về lỗi ngôn ngữ, các bài viết đăng trên các tạp chí săn mồi thường sót nhiều lỗi tiếng Anh với nhiều kiểu hài hước khác nhau. Xin nêu một số lỗi tri thức trong một bài viết đăng trên tạp chí Humanities and Social Sciences Communications (HSSC) do SpringerNature xuất bản, xếp hạng SSCI & AHCI của WoS/ISI. Về dịch thuật và biên tập, ví dụ, bài “Vietnamese lived religion, Confucianism and women: goddess spirituality in Nguyễn Dữ’s the young woman from Nam Xuong” (2024) có nhiều lỗi ngữ pháp. Từ những lỗi lặt vặt như 1/ vua Lê Thánh Tông bị dịch thành “Lê Thánh Tông King” (đáng ra phải dịch là “King Lê Thánh Tông”); tương tự, vua Thiệu Trị bị dịch thành “Thiệu Trị King”, An Dương Vương bị dịch thành “An Dương Vương King”,  2/ “tự sự của trinh tiết” bị dịch thành “naratives of chastify”,  nhầm chính tả giữa “chastity” (trinh tiết) với “chastify” (trừng phạt); cho đến những lỗi nghiêm trọng như “biển gỗ” bị dịch thành “wooden sea” (nghĩa là đại dương gỗ!), đáng ra phải dịch là “wooden plaque” (tấm biển bằng gỗ). Đây có khả năng là lỗi Google Translate. Hay những kiến thức cơ bản như cuốn sách rất nổi tiếng Thần, Người và Đất Việt bị viết nhầm tên tiếng Việt thành “Thần và Người đất Việt”, rồi dịch nhầm thành “Vietnamese God and Man” (đúng ra là là “Spirits, People and the Land of the Việt”)…

Tạp chí ăn thịt (hay còn gọi tạp chí săn mồi, tạp chí ngụy tạo) là một mô hình xuất bản các ấn phẩm khoa học nhằm hướng đến việc kinh doanh có lãi, trên cơ sở “ăn thịt” các con mồi (những khách hàng dùng tiền để được đăng bài) mà không chú ý đến nội dung và chất lượng khoa học. 

Bài viết này còn có nhiều lỗi sai khác về kiến thức lịch sử: “Kinh đô Trà Bàn” bị dịch thành “Trà Bàn’s capital” (kinh đô của Trà Bàn). Dịch như thế là không có tri thức lịch sử cơ bản, tác giả không biết rằng đây là kinh đô của vương quốc cổ Champa? Thứ hai, kinh đô này đúng ra phải là “Đồ Bàn” (闍槃, theo một số sử liệu)4. Một lỗi nữa là “Champa’s Bàn La Trà King”, trong khi tên của vị vua Champa này là “Bàn La Trà Toàn” (槃羅茶全), tức là vừa thiếu chữ Toàn, vừa nhầm chỗ chữ King. Đây là những lỗi khá căn bản về kiến thức lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung, chưa phải tri thức chuyên ngành sâu.

Tính cả lỗi chính tả, lỗi biên tập, lỗi luận điểm, lỗi tri thức thì bài viết này có gần 100 lỗi trong độ dài 8 trang. Quả là một con số kỉ lục!

Tiêu chí 2: thu phí + xuất bản với số lượng lớn để tăng doanh thu

Tạp chí có thu tiền từ tác giả để phục vụ xuất bản. Hiện nay thị trường xuất bản bài báo khoa học có nhiều đơn giá khác nhau, từ vài trăm đô la đến vài ngàn đô la hoặc hơn. Hai khối ngành tự nhiên và xã hội có nhiều tạp chí uy tín cũng thu phí. Trong khi đó, nhiều tạp chí uy tín thuộc khối ngành nhân văn không thu một đồng phí đăng bài nào. Chọn đăng bài ở tạp chí không thu phí thì sự an toàn cao hơn là dấn thân vào những tạp chí thu tiền. 

Việc thu tiền + tăng số lượng bài đăng là nhằm tạo ra mô hình kinh doanh có thặng dư, như một cỗ máy kiếm tiền. Điều này đặc biệt gây chú ý khi mà tiêu chuẩn đăng bài trên tạp chí thuộc danh mục ISI và Scopus được áp dụng trên nhiều nước, nhất là các nước các nước bên ngoài Anh-Mỹ. Điều đó kéo theo nguồn tiền được phân phối và chảy theo nhiều phương thức khác nhau. 

Các nhà nghiên cứu thuộc khối nhân văn, như Hán Nôm thường không thể chú trọng số lượng công bố. Ảnh: Các nhà nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và Pháp tìm hiểu tư liệu Hán Nôm của Việt Nam tại Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp). Nguồn ảnh: VNU.

Ví dụ tạp chí HSSC kể trên có phí đăng mỗi bài là 1.690 USD. Dù mới thành lập từ năm 2015, nhưng đến nay tạp chí này đang có dấu hiệu “vào mùa thu hoạch” qua ba giai đoạn: (1) giai đoạn khởi động có số lượng đăng bài vừa phải (từ 34 bài đến 73 bài một năm); (2) giai đoạn tăng tốc có số lượng từ 130 bài đến 290 bài một năm; (3) giai đoạn phi mã có số lượng bài từ 400 đến 899 bài. Như vậy, năm 2023 tổng doanh thu của tạp chí này là  trên 1.500.000 USD (37 tỷ VND). Đến ngày 18/4/2024, số lượng bài đã đăng là 462 bài (780,780 USD). Với tốc độ này, năm 2024 HSSC sẽ đăng khoảng 1.600 bài (tức mỗi ngày đăng hơn 4 bài!!!) và sẽ đạt doanh thu 2.704.000 USD (67 tỷ VND). 

Một điểm “láu cá” của tạp chí này là tất cả các bài đều đánh số từ trang số 1 đến hết bài (tùy theo độ dài từng bài). Cách làm này nhằm giấu đi số lượng trang rất lớn của mỗi số tạp chí. Và điểm “láu cá” thứ hai là mỗi năm chỉ có một số (issue) duy nhất.

Tiêu chí 3: hội đồng bình duyệt bất minh

Hội đồng biên tập, bình duyệt thường được coi là “linh hồn” của một tạp chí. Đặc biệt với tạp chí chuyên ngành, thì danh sách hội đồng là “chứng minh đảm bảo” cho uy tín của tạp chí đó. Những thành viên tham gia các hội đồng biên tập này thường là những chuyên gia hàng đầu ở lĩnh vực hẹp nào đó. Một số tạp chí uy tín hiện nay, ngoài ghi cơ quan chủ quản còn dẫn cả link lý lịch khoa học trên trang chủ của cơ quan công tác và cả tài khoản Orcid. (ví dụ: Andrey Dvornichenko, tổng biên tập của Vestnik of Saint Petersburg University – History, link: https://orcid.org/0000-0003-4813-7340). Theo tôi, một hội đồng biên tập tốt là một nhóm nhà khoa học chuyên sâu của một chuyên ngành (Hán học, sử học…) hoặc một lĩnh vực nghiên cứu (Việt Nam học, Đông Á học…).

Chiến thuật của nhiều tạp chí săn mồi là trong giai đoạn phấn đấu vào ISI, các tạp chí thường xây dựng thương hiệu bằng cách đảm bảo mọi tiêu chí khắt khe của một tạp chí học thuật. Nhưng sau khi vào ISI, họ lập tức chuyển trạng thái sang mô hình ăn thịt. Để tăng doanh thu, họ dần đẩy số lượng bài đăng lên với tốc độ phi mã. 

Tuy nhiên, các tạp chí săn mồi thường có hội đồng bất minh. Thứ nhất, Ban biên tập có họ tên đầy đủ, nhưng không ghi rõ cơ quan công tác, hoặc ghi các thông tin lập lờ. Ví dụ, Tổng biên tập của HSSC (link: https://www.nature.com/palcomms/editorialboard) là Gino D’Oca chỉ ghi nguồn là “London, UK”. Trong trang của SpringerNature thì ghi là “Managing Editor, Palgrave Macmillan”5. Lý lịch khoa học thì ghi chuyên môn về y học (trong khi HSSC là tạp chí về khoa học xã hội và nhân văn). Trợ lý biên tập viên sáu người đều ghi “Pune, India”. Hội đồng biên tập ghi một danh mục 1350 người đến từ khắp các nơi trên thế giới. Những người này tuy ghi rõ địa chỉ cơ quan, quốc tịch, nhưng đến từ hàng chục chuyên ngành khác nhau. Đây rõ ràng không phải là một cộng đồng khoa học, mà chỉ là những học giả tự nguyện phục vụ công tác bình duyệt (miễn phí) cho tạp chí. Tức là họ vừa bị bóc lột sức lao động, vừa bị mượn danh để làm sang cho tạp chí. 

Tiêu chí 4: thời gian duyệt đăng ngắn

Các tạp chí chuyên ngành thường biên tập rất gắt gao, qua nhiều vòng bình duyệt, bao gồm: 1/ vòng thẩm định sơ loại, thường được thực hiện bởi nhóm tổng biên tập; 2/ vòng phản biện kín (hai đến ba người phản biện giấu tên), thường là các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực đó; 3/ vòng biên tập (của biên tập viên). Hai vòng đầu là thẩm định về chuyên môn (lý thuyết, phương pháp, luận điểm…) Vòng cuối (chia ra làm nhiều đợt biên tập khác nhau) thường là chỉnh sửa văn phong, lỗi chính tả, quy cách trình bày tạp chí, v.v. Quá trình biên tập, thảo luận, sửa chữa thường kéo dài từ 12 đến 24 tháng, thậm chí còn lâu hơn nữa. Các tạp chí ăn thịt thường cũng mô phỏng chính xác quy trình này nhằm “giả dạng” các tạp chí nghiêm túc, nhưng thời gian có xu hướng ngày càng giảm xuống. Một số tạp chí trong vòng vài tháng đã đăng bài, thậm chí vài tuần!

Như vậy, tổng hợp lại ta có ít nhất 4 tiêu chí để xác định tạp chí ăn thịt thuộc lĩnh vực nghiên cứu nhân văn, được trình bày như bảng dưới đây.

SttTiêu chíSăn mồiNghiêm túc
1Chất lượng khoa học, Chất lượng ngôn ngữ và biên tậpNhiều lỗi ngữ pháp, lỗi dịch thuật, lỗi dàn trang biên tập.Rất ít lỗi, hoặc hầu như không có lỗi.
2Thu phí + số lượng bài lớn = Mô hình kinh doanhHSSC có 899 bài (2023). Thu từ trăm đến ngàn USD/ bài. Đăng bài nhiều để sinh lời, tốc độ phi mã sau khi vào ISI-Scopus.4-10 bài 1 số, 16-40 bài 1 năm. Không thu tiền. Không kiếm lời. Vì các GS đã ăn lương ở các trường và cơ quan.
3Ban biên tậpKhông rõ chuyên môn, và cơ quan chủ quản. Khác chuyên môn.Ghi rõ chuyên môn và cơ quan chủ quản.
4Thời gian duyệt đăngVài tuần đến vài tháng.1 năm đến 3 năm.


Kết luận

Việt Nam hiện đang bị cuốn theo cơn bão của chủ nghĩa tư bản in ấn toàn cầu. Chuẩn khoa học của ta hiện đang sử dụng theo tiêu chuẩn cứng của các tập đoàn tư bản, và các cơ quan nghiên cứu Âu- Mỹ, mà chưa xây dựng được chuẩn quốc gia như CSSCI của Trung Quốc, hay KCI của Hàn Quốc. Hiện nay chúng ta đang bỏ qua rất nhiều trung tâm khoa học, truyền thống khoa học do tư tưởng “Âu tâm luận” (Euro-centrism) trong vấn đề quản lý khoa học. Vấn đề này tôi đã từng có văn bản tư vấn đến Quỹ Nafosted, và đã đăng trên Tia Sáng năm 2017.6

Chủ nghĩa tư bản có đặc điểm là đẩy mạnh mô hình kinh doanh sao cho có lãi nhất. Tác dụng của nó là thúc đẩy năng suất lao động và công bố khoa học toàn cầu. Nhưng hệ lụy của nó là kéo theo “cơn bão dịch hạch” của đủ các loại tạp chí mạo danh, tạp chí săn mồi. 

Để chống lại xu hướng này, hàng loạt quốc gia vừa xây dựng chuẩn quốc gia, xây dựng chuẩn quốc tế, vừa dựng lên các hàng rào pháp lý để làm “bộ lọc”, định hướng cho sự phát triển lành mạnh của khoa học. Năm 2018, Tổng Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành chỉ thị khuyến cáo các cơ quan lập danh mục các tạp chí có vấn đề để các nhà nghiên cứu Trung Quốc tránh bị “ăn thịt”. Năm 2020, Viện Hàn lâm KHXH Trung Quốc đã công bố danh mục TCQT đáng ngờ thuộc diện cảnh báo gồm 65 tạp chí  ISI/WoS: 16 tạp chí thuộc nhóm Q1, 27 tạp chí Q2, 13 tạp chí Q3 và 7 tạp chí Q4. Việc ISI ăn thịt là có thật. 65 tạp chí này đã đăng 51.000 bài báo của Trung Quốc (chiếm 5% tổng công bố năm 2020), với số tiền thất thoát lên đến 96 triệu USD. Trong đó, các tạp chí này được xuất bản bởi Wiley (5), Elsevier (3), Springer (3), Hindawi (3), Taylor & Francis (2) và SAGE (2), MDPI (22).7 Năm 2023, Pháp cũng đã công bố 3400 tạp chí săn mồi thuộc lĩnh vực Y tế, Sức khỏe và Sinh vật.

Tôi cho rằng, các cơ quan khoa học hàng đầu của Việt Nam (như Bộ KH&CN, các Viện Hàn lâm, các Đại học Quốc gia,…) cần phải có các văn bản tư vấn đến Nhà nước để có chủ trương, chính sách thực hiện một cách toàn diện và có hệ thống về tiêu chuẩn công bố khoa học, và liêm chính khoa học. Để làm được như Trung Quốc hay Pháp, chúng ta cần phải thiết lập được hệ thống tiêu chí xác định các tạp chí săn mồi, tiến tới lập danh mục “danh sách đen” (blacklist) cho các tạp chí “săn mồi uy tín” này, rồi đưa vào áp dụng trong thực tiễn.□

——–

Chú thích

1 “Đăng bài ở tạp chí mạo danh, có vô can?”, Báo Thanh niên, link: https://thanhnien.vn/tin-tuc-giao-duc-dac-biet-19-2-dang-bai-o-tap-chi-mao-danh-co-vo-can-1851430920.htm 

2 Trương Thị Thanh Huyền, “Trao đổi với các Hội đồng khoa học ngành nhằm nâng cao chất lượng công bố của các đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ tài trợ”, 14/06/2020, link: https://nafosted.gov.vn/trao-doi-voi-cac-hoi-dong-khoa-hoc-nganh-nham-nang-cao-chat-luong-cong-bo-cua-cac-de-tai-nghien-cuu-co-ban-do-quy-tai-tro/

3 M. Hà-Dương, “Truy cập mở: Giấc mơ lãng mạn ?,” Tia Sáng, vol. 1+2, pp. 34–39, Jan. 10, 2023.

4 Theo như tôi đoán định văn bản gốc dùng chữ “荼槃” (một kiểu phiên âm khác), nhưng bị sao chép hoặc đọc nhầm thành “茶槃”. Câu chuyện tranh cãi về “đóa đồ mi” hay “đóa trà mi” trong giới Kiều học một thời.

5 https://grandchallenges.springernature.com/users/63861-gino-d-oca

6 Trần Trọng Dương, “Quỹ NAFOSTED: cần mở rộng khung tiêu chuẩn công bố quốc tế”, Tia Sáng, 18/06/2017, link: https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/quy-nafosted-can-mo-rong-khung-tieu-chuan-cong-bo-quoc-te-10759/

7 Theo Dương Tú (trả lời phỏng vấn), Nghiêm Huê (pv), “Cảnh báo gần 100 tạp chí thuộc danh mục ISI đáng ngờ”, Báo Tiền phong, 30/05/2022, link: https://tienphong.vn/canh-bao-gan-100-tap-chi-thuoc-danh-muc-isi-dang-ngo-post1442074.tpo

Tác giả

(Visited 247 times, 1 visits today)