Trái bóng đại diện cho lòng tự hào dân tộc ?

Tại sao bóng đá là trò chơi được yêu thích nhất hành tinh và nó đã thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc ra sao? Những điều này là mối quan tâm lâu nay của ngành khoa học xã hội và các nhà nghiên cứu xã hội.

Rất giống với chiến tranh, bóng đá cũng tạo ra các anh hùng trong quần chúng, một số cầu thủ vĩ đại đến mức trở thành anh hùng dân tộc. Ảnh: Reuters.

Trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, người ta vẫn thường nghe từ các tổ chức lớn, hoặc đôi khi là tự dặn nhau, rằng thể thao thì nên phi chính trị. Thế nhưng đã bao lâu nay những lời kêu gọi phi chính trị hóa thể thao rất hiếm khi thực hiện được.

Không khó để chúng ta thấy được các dấu hiệu thân thiết mà mối quan hệ giữa bóng đá và chính trị biểu lộ. Chiến thắng của các cầu thủ được đồng nhất với chiến thắng của dân tộc; xung đột giữa hai quốc gia luôn đặt nặng lên cuộc thi trên sân cỏ nếu đội bóng của hai quốc gia đó tình cờ gặp nhau; và nổi cộm nhất có lẽ là bóng đá có thể trở thành một phần nguyên nhân của chiến tranh như với Chiến tranh Bóng đá giữa El Salvador và Honduras năm 1969.

Ngôn ngữ của chiến tranh

Tim Cornell đã nhận định, ở tiểu luận “On War and Games in the Ancient World” (Về chiến tranh và trò chơi trong thế giới cổ đại) trong tập sách War and Games (Chiến tranh và trò chơi), rằng “Mối liên hệ giữa thể thao và chiến tranh rất rõ rệt. Các trò chơi đối kháng, dưới hình thức cạnh tranh giữa các cá nhân hoặc đội, đã mô phỏng chiến tranh một cách ít nhiều có ý thức. Thực kiện này được phản ánh rõ ràng nhất trong ngôn ngữ thể thao”. (Cornell, 2002, tr37)

Có nhiều sự tương đồng lớn đến đáng ngạc nhiên giữa thể thao và chiến tranh. Ngay từ định nghĩa, theo từ điển Cambridge thì chiến tranh là “Cuộc xung đột vũ trang giữa hai hay nhiều quốc gia hoặc hội nhóm”; chúng ta chỉ cần bỏ đi yếu tố “vũ trang” và thêm từ “đại diện” trước chữ “quốc gia” là đã có định nghĩa chính xác để miêu tả mọi môn thể thao khi được thi đấu trên trường quốc tế.

Không chỉ dừng lại ở định nghĩa, chúng ta đã quen với việc truyền thông sử dụng ngôn ngữ thể thao bằng những từ ngữ mang tính chiến tranh: “chiến đấu”, “hủy diệt”, “quả cảm”, “chiến binh” khi miêu tả các trận đấu và cầu thủ. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở người ngoại đạo, mà ngay cả những người làm thể thao hoặc giới lãnh đạo quốc gia cũng duy trì những diễn ngôn ấy. Chẳng hạn Bill Shankly, huấn luyện viên của CLB Liverpool, có câu nói để đời: “Bóng đá không chỉ là vấn đề sống hay chết, nó nghiêm trọng hơn thế nhiều”; còn Franjo Tudjman, Tổng thống đầu tiên của nước Croatia độc lập, thậm chí phát ngôn táo bạo hơn: “Chiến thắng trong bóng đá định hình bản sắc của quốc gia không kém gì chiến tranh cả”.

Thực thể hóa quốc gia dưới hình ảnh của mười một người đàn ông, hơn nữa nó còn khiến các ý niệm chính trị trở nên bình dân hơn bằng việc đồng nhất quốc gia với đội bóng.

Tim Cornell liệt kê nhanh các điểm tương đồng khác giữa thể thao và chiến tranh: cả hai đều đòi hỏi sự cạnh tranh về sức mạnh thể chất và kĩ năng; cả hai đều củng cố sự đoàn kết và bản sắc nhóm bằng cách phân biệt giữa “chúng ta” và “chúng nó”; cả hai đều khơi dậy cảm xúc mãnh liệt trong cả người tham gia lẫn người đứng ở hậu phương cổ vũ; cả hai đều tôi rèn và tôn vinh một số phẩm chất đặc trưng như quả cảm, trung thành, lì đòn, kỉ luật, tính đồng đội; cả hai đều là công việc của nam giới (thể thao nữ chỉ mới ra đời gần đây nhờ phong trào nữ quyền); và cả hai đều mang đến danh dự và uy tín cho người tham gia, yếu tố này được đặt trên cả lợi ích vật chất vì khi chiến thắng trong cả thể thao lẫn chiến tranh, vật chất không phải là cái luôn được đảm bảo sẽ có, nhưng danh dự thì luôn được đảm bảo.

Nhìn chung, giới khoa học xã hội đang tồn tại hai lí thuyết chính để giải thích mối quan hệ giữa thể thao và chiến tranh: thuyết bổ sung và thuyết thay thế. Thuyết bổ sung cho rằng các môn thể thao ra đời từ việc mô phỏng lại chiến tranh, và chúng được sử dụng như một cách thức thao luyện cho các chiến binh tương lai. Thuyết thay thế cho rằng thể thao cũng mô phỏng chiến tranh nhưng nó giống như một cái “van an toàn” để cho phần hung hăng trong tính nết con người có chỗ để “xả” mà không làm hại đến ai. Chúng ta nên lưu ý rằng hai lí thuyết này không nhất thiết phải đối lập và phủ nhận nhau, mà có thể cùng tồn tại để bổ trợ lẫn nhau.

Thuyết bổ sung được hậu thuẫn bởi một số thực kiện như thành quốc Sparta, một thành quốc hiểu chiến và được quân sự hóa mạnh mẽ nhất ở Hy Lạp cổ đại, sử dụng nhiều môn thể thao đồng đội để kích thích tính hung hăng và rèn luyện kĩ năng cho những người dân kiêm binh lính ở đó. Và ở châu Âu thời trung cổ, giới quý tộc buộc phải học những môn như đấu kiếm, săn bắn, cờ vua như một cách để rèn luyện kĩ năng chiến trận từ bé. Tuy nhiên thuyết bổ sung đang vấp phải một số nhược điểm là thiếu tính hiệu quả trong kĩ năng chiến trận thực tế nếu đem so sánh giữa tập luyện thể thao và tập huấn quân sự, cạnh đó một phản chứng lớn là người La Mã nổi tiếng hiếu chiến và mê tổ chức thể thao nhưng không tham gia thể thao, những người tham gia thể thao ở La Mã thường là nô lệ chứ không phải binh lính.

Thuyết thay thế được hậu thuẫn bởi các thực kiện như sự ra đời của Olympic vào năm 776 TCN. Bấy giờ Olympic chỉ bó hẹp trong phạm vi Hy Lạp cổ đại, một vùng đất không quá lớn nhưng lại chia thành hàng nghìn thành quốc và các thành quốc này duy trì thái độ thù địch với nhau triền miên. Thế nhưng Olympic làm được một điều kì diệu là khiến các thành quốc đồng thuận đình chiến để tất cả cùng hội ngộ ở thành phố nhỏ Olympia mà thi đấu thể thao với nhau. Tính ẩn dụ cho chiến tranh của Olympic rất rõ rệt khi chiến thắng của vận động viên sẽ đem về vinh quang cho cả thành quốc, phần thưởng dành cho người chiến thắng không phải tiền bạc mà là vinh quang khi được dựng tượng và lưu danh sử sách, ngoài ra hiện vật tượng trưng cho chiến thắng là chiếc vòng đội đầu kết bằng lá ô-liu, loài cây biểu tượng cho hòa bình ở Hy Lạp bấy giờ.

“Màu cờ, sắc áo” của cổ động viên cũng thể hiện tính dân tộc rất rõ nét. Ảnh: Getty images.

Thuyết thay thế càng trở nên có sức nặng hơn sau khi Thế chiến II kết thúc, trong thời kì Chiến tranh Lạnh nhân loại đã chứng kiến hai cực Mỹ và Liên Xô sử dụng thể thao để cạnh tranh gay gắt theo cách không đổ máu như thế nào. Thực hành đó vẫn được tiếp tục cho đến tận bây giờ ở cả các nước phát triển lẫn đang phát triển. Thể thao giờ đây trở thành một phiên bản giàu đạo đức và luật lệ của chiến tranh, trong khi lợi ích nó mang lại thì không thua gì chiến tranh cả.

Chất keo gắn kết “cộng đồng tưởng tượng”

Khi bàn về chủ nghĩa dân tộc, người ta thường không thể bỏ qua công trình nghiên cứu của Benedict Anderson trong quyển sách Imagined Communities (Những cộng đồng tưởng tượng). Ở đó, Anderson cho rằng quốc gia là “Một cộng đồng chính trị tưởng tượng – được tưởng tượng cả về lãnh thổ lẫn chủ quyền” và, “Tưởng tượng bởi vì các thành viên của quốc gia dù nhỏ nhất sẽ không bao giờ biết về hầu hết thành viên của họ, gặp họ, hoặc thậm chí nghe nói về họ, nhưng trong tâm trí mỗi người vẫn sống động một hình ảnh đoàn kết”, ông còn bổ sung thêm, “Tất cả các cộng đồng lớn hơn một ngôi làng nguyên thủy nơi mọi người có thể tiếp xúc trực tiếp thì đều là tưởng tượng”. (Anderson, 1983, tr6). Tinh thần dân tộc của một cộng đồng tồn tại và có sức ảnh hưởng chi phối các thành viên trong cộng đồng của nó vô cùng lớn. Nhưng nó chỉ tồn tại khi các thành viên trong cộng đồng cùng có chung niềm tin, thái độ, nhận thức chung về một cộng đồng dân tộc chung.

Bởi vì cộng đồng quốc gia dân tộc được gắn kết dựa trên sự tưởng tượng, hình dung, niềm tin chung như vậy, nên giới lãnh đạo các nước buộc phải có cách thức để người dân duy trì niềm tin chung đó một cách liên tục, sự tưởng tượng càng rõ rệt bao nhiêu quốc gia đó càng bền chặt bấy nhiêu. Trong quyển sách của mình Anderson nói đến sức mạnh của lĩnh vực in ấn trong việc thúc đẩy và duy trì niềm tin, mối gắn bó chung này của cả cộng đồng. Và lý thuyết của ông có lẽ vẫn hoàn toàn đúng khi sử dụng để rọi vào lĩnh vực thể thao, và cụ thể là bóng đá.

Thể thao giờ đây trở thành một phiên bản giàu đạo đức và luật lệ của chiến tranh, trong khi lợi ích nó mang lại thì không thua gì chiến tranh cả.

Mang đặc điểm của mọi môn thể thao khác (ngoại trừ môn cờ vua, một trò chơi chỉ mãi đến năm 1999 mới được Olympic công nhận là thể thao), bóng đá yêu cầu sự quy tụ nhiều người và các cầu thủ cần được nhiều người cổ vũ để tăng hiệu suất thi đấu, đặc biệt trong thời đại thông tin này bóng đá thường được chiếu trực tiếp trên TV nên về mặt lí thuyết là toàn bộ người dân đều có thể dõi theo trận đấu. Đặc điểm này quan trọng với cộng đồng tưởng tượng bởi để duy trì sự tưởng tượng thì người dân cần phải thường xuyên gặp gỡ và trò chuyện với nhau.

Bóng đá rất dễ được đồng nhất với quốc gia bởi đặc điểm chơi đồng đội của môn này, hay nói theo Eric Hobsbawm, nhà sử học chuyên nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc, thì bóng đá đã thực thể hóa quốc gia dưới hình ảnh của mười một người đàn ông, hơn nữa nó còn khiến các ý niệm chính trị trở nên bình dân hơn bằng việc đồng nhất quốc gia với đội bóng. Ông chia sẻ “Cái khiến cho thể thao trở thành công cụ hữu hiệu và độc nhất cho việc khắc ghi tình cảm dân tộc, ở tất cả sự kiện cho nam giới, là tính dễ dãi mà ở đó ngay đến những người ít hiểu biết chính trị nhất cũng có thể đồng nhất quốc gia vào hình tượng những người trẻ xuất chúng ở lĩnh vực mà trong thực tế người dân muốn, hoặc vào lúc nào đó trong đời muốn, được trở nên giỏi giang như họ. Cộng đồng tưởng tượng của hàng triệu người dường như trở nên thật hơn dưới hình hài một nhóm mười một người có tên tuổi. Một cá nhân, thậm chí chỉ là người cổ vũ, trở thành biểu tượng cho quốc gia của mình”. (Hobsbawm, 1992, tr143)

Tính bình dân của bóng đá cũng là một ưu điểm. Bắt nguồn từ châu Âu, đặc biệt ở Anh quốc, sau Cách mạng Công nghiệp, môn thể thao này ban đầu thường được giới quý tộc chơi nhưng nó đã sớm được ưa chuộng trong tầng lớp dân lao động, và chính tầng lớp này mới là người thúc đẩy sự phổ biến của nó. Bóng đá dễ chơi và cũng dễ quan sát, chúng ta sẽ dễ thấy ưu điểm này nếu so sánh với trò chơi trí tuệ rất được Liên Xô và Mỹ ưu ái trong thời kì Chiến tranh Lạnh: cờ vua. Nếu như cờ vua có sự phân hóa nhận định rất sâu giữa giới chuyên môn và người bình dân, thì bóng đá tuy cũng có nhưng không phân hóa quá sâu đến thế. Các cầu thủ chơi bóng luôn thoải mái với việc đám đông cổ vũ, trong khi đó kì thủ thì không, trận cờ được cả thế giới ngóng chờ giữa Liên Xô và Mỹ năm 1972 của hai người khổng lồ Boris Spassky và Bobby Fischer rốt cuộc là trận đấu không có máy quay, bởi Fischer cho rằng máy quay khiến ông không tập trung suy nghĩ được.

Bóng đá là môn có tính va chạm thể chất cao, dựa theo thuyết thay thế chiến tranh, nó rất hữu ích cho việc làm một cái “van an toàn” để “xả” những phần hung hăng mà con người trong xã hội hòa bình bị dồn nén. Đặc điểm này quan trọng ở chỗ các quốc gia ngày nay đa số được tạo nên sau và nhờ chiến tranh. Chiến tranh cũng là thứ lí tưởng để tạo nên các huyền thoại và diễn ngôn quốc gia. Nó tạo nên người hùng và chủ nghĩa anh hùng rồi được thêu dệt thành một hình tượng quốc dân để hết thảy người dân cùng truyền miệng và noi theo các đức tính của người anh hùng ấy, mà gần như tất cả hình tượng anh hùng đều mang đức tính trung thành với quốc gia.

Rất giống với chiến tranh, bóng đá cũng tạo ra các anh hùng trong quần chúng, một số cầu thủ vĩ đại đến mức trở thành anh hùng dân tộc. Các ví dụ có thể kể đến như Zidane là người hùng của Pháp, Pele và Ronaldo là biểu tượng của Brazil, còn Diego Maradona thậm chí được người dân Argentina xem như người hùng dân tộc. Các đội bóng cũng dễ dàng được đồng nhất với quốc gia và họ không ngại ngần thể hiện điều đó công khai, chẳng hạn tại World Cup 2014 ở Brazil, đội Argentina đeo khẩu hiệu “Không chỉ là đội bóng, chúng tôi là quốc gia”.

Cũng giống như chiến tranh, bóng đá luôn luôn tạo ra tình huống mâu thuẫn mà “ta” chống lại “địch”, và đôi khi khơi dậy lòng căm thù ngùn ngụt. Tại kì World Cup 1982 ở Tây Ban Nha, trong trận bán kết giữa Tây Đức và Pháp, thủ môn người Đức Harald Schumarrer đã có một trong những cú va chạm thô bạo nhất lịch sử bóng đá với cầu thủ người Pháp Patrick Battiston. Kết quả là Battiston bị gãy răng, tổn thương cột sống, bất tỉnh, và được đưa thẳng đến bệnh viện. Không chỉ dừng ở đó, rốt cuộc đội Pháp thua trận bán kết ấy trên loạt đá luân lưu. Những điều này đã đẩy tình trạng căng thẳng sẵn có giữa hai kẻ thù cũ thời bấy giờ là Pháp và Đức tới một mức độ rất nghiêm trọng. Người dân Pháp thổi bùng cảm xúc chống Đức đến nỗi báo chí Pháp gọi đây là “chiến tranh thế giới lần thứ ba”; e ngại trước làn sóng thù địch dành cho nhau này, các nguyên thủ của hai nước là Tổng thống François Mitterrand và Thủ tướng Helmut Kohl đã phải chính thức đưa ra thông cáo báo chí để xoa dịu dư luận.

Bên cạnh những người hùng chung và kẻ thù chung, các nghi lễ cũng là yếu tố chủ chốt để duy trì sự tưởng tượng của người dân đối với cộng đồng tưởng tượng. Các nghi lễ và biểu tượng quốc gia luôn luôn xuất hiện một cách khéo léo trong bóng đá, chúng ta có quốc kì, quốc ca là những điều không thể thiếu trong mỗi trận đấu. Việc hát quốc ca trước khi bóng lăn tưởng chừng như chỉ là tiết mục phụ trong trò chơi này, nhưng không, chỉ khi nó bị thiếu đi thì người ta mới thấy nó quan trọng đến nhường nào. Năm 2014, kì World Cup ở Brazil xảy ra sự cố âm thanh khiến cho một trận đấu ở vòng bảng giữa Pháp với Honduras không có tiếng nhạc cất lên vào thời khắc hát quốc ca trước trận đấu. Sự cố này gây ra mối bất mãn sâu sắc cho cả hai đội bóng lẫn hai phía người hâm mộ. Rõ ràng người ta không coi đây là một sự cố bình thường bởi tiếng quốc ca không đơn giản là tiếng nhạc, mà nó là chỉ dấu của chủ nghĩa dân tộc trong một sân chơi toàn cầu. Cũng rõ ràng không kém rằng bóng đá và chủ nghĩa dân tộc có mối quan hệ không thể tách rời.

Đây là những gì khiến bóng đá trở thành môn thể thao vừa được ưu ái nhất hành tinh, lại vừa lí tưởng trong việc dùng để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc. Biết rằng rất nhiều khi bánh xe lịch sử lăn theo những hướng ngẫu nhiên thay vì tất định đến mức người quan sát có thể đoán trước được, vậy nên chúng ta chỉ có thể phân tích những ưu điểm mà bóng đá đang có để giải thích cho tầm ảnh hưởng của nó trong hiện tại, chứ không thể kết luận rằng nó là môn thể thao duy nhất và tất yếu được dùng để thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc. Cũng tương tự với chủ nghĩa dân tộc, không nhà sử học nào dự đoán được nó cùng những thành tựu và sự thất vọng mà nó từng gây ra trên toàn thế giới cả.

Và trong tương lai, liệu World Cup sẽ tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc giữa ngày hội của chủ nghĩa toàn cầu, hay nó sẽ thúc đẩy những giá trị mang tính toàn cầu hóa? Trước những câu hỏi này chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta không biết.□

—–

Tư liệu tham khảo:

1. Cornell, Tim, and Thomas B Allen. War and Games. San Marino, R.S.M., Center For Interdisciplinary Research On Social Stress; Woodbridge, Uk; Rochester, Ny, 2002.

2. Anderson, Benedict. Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism. London, Verso, 1983.

3. Hobsbawm, Eric J. Nations and Nationalism since 1780: Programme, Myth, Reality. Cambridge Etc., Cambridge University Press, 1992.

4. Paugam, Guillaume (2018) From Waterloo to Wembley: A Comparison of International Football and International Warfare in Building Nationalism. LSE Undergraduate Political Review, 1. pp. 96-127.

5. Roy, Arindam. “How Local Politics and Nationalism Shaped Football as We Know It Today.” Business Standard India, 13 July 2021, www.business-standard.com/article/sports/how-local-politics-and-nationalism-shaped-football-as-we-know-it-today-121071301176_1.html.

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)