Văn chương và chiếc nỏ thần may mắn
Nỏ đã không còn thần nữa. Thục Phán thất thủ. Đất nước rơi vào tay giặc. Bài học mất nước đầu tiên chấm ở đó. Nhưng trong văn chương, “nỏ thần may mắn” vẫn tiếp tục là niềm mong mỏi của không ít người viết. Mong thần nhập ngọn bút, mong sẽ nhặt được một chiếc móng rùa trên con đường xây toà thành của văn chương, mong sức mạnh diệu kì sẽ bắn ra trăm ngàn tia sáng không làm tổn thương ai mà chỉ khiến tất cả phải thán phục. Mong và mong.
Tôi nhớ trong một bài viết nhà thơ Inrasara đã nhận xét về cái sự “ngủ” của nhiều cây bút dân tộc thiểu số như thế nay: Ngủ từ quẩn quanh với các thể thơ truyền thống cho đến cảm thức mãi nằm lại ở hệ mĩ học nông nghiệp, từ nhịp điệu thơ sang thi ảnh, từ đề tài cho đến ngôn từ sử dụng, tất tần tật (1). “Ngủ” bởi an phận với danh phận của mình (có tác phẩm in, được vào hội, được lên báo…). Nguy hại hơn, còn là việc không “biết mình”. Nó đến từ sự an tâm, thậm chí là tự hào ở bút lực. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều cây bút khi đạt được những danh vị lại gặp phải vấn đề về sức sáng tạo một cách đáng nghi ngờ. Trước đó họ hoạt bát, mau lẹ để đạt những mục tiêu mà giờ là một sự han rỉ, thoái trào xuất phát tự nội tại khi thiếu một chất bôi trơn là động lực cống hiến. An phận đáng giật mình, tự huyễn đáng sợ. Cả hai xu hướng đó đều xen kẽ, bổ khuyết cho nhau, nhiều khi còn đồng hiện trong bản thân một tác giả.
Thật buồn khi nghĩ rằng: Những tác gia nổi tiếng đã đi xa như Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… trước khi mất chắc họ tâm niệm rằng mình chỉ là những lớp người đầu tiên đặt móng cho văn chương nước nhà chứ đâu nghĩ sẽ làm một đỉnh núi cao để cản ngăn tham vọng của những cánh chim hậu sinh. Nếu chỉ biết nhìn vào đó rồi tự giới hạn mình theo gót tiền nhân thì công việc sáng tạo chỉ còn là bản copy ngày càng nhạt.
Dấn thân vào nghệ thuật, ắt sẽ phải trả giá. Nhưng thử hỏi mấy ai đã biết mùi vị của mất mát là thế nào chưa hay mới chỉ nghe nói thế. Đến dự một buổi sinh hoạt thơ ca, họ đọc hùng hồn như sóng biển Đông ngày có bão trên nền nhạc rầm rầm. Họ đọc tất cả những gì được cất kĩ trong ngăn kéo về một thứ đẹp đẽ ước lệ đã thành công thức mà lâu lâu lại đem “mài” ở những cuộc như thế này cho hết rỉ sét. Rồi chỉ dăm bước chân về đến nhà lại hiện nguyên hình là một tay chợ búa. Hẳn những người đang ở gần họ nhất, những cây bút đáng trọng đang sống và viết ở các địa phương sẽ thấy buồn cho kiểu “tác gia” ấy lắm.
Nhìn từ góc độ xã hội và kinh tế, chúng ta có những thủ đô, thành phố, khu công nghiệp, thương mại lớn. Nhìn từ góc độ sáng tạo nghệ thuật, đâu có trung tâm nào có thể luyện văn được (cho dù đó là trường dạy viết văn) khi người viết chưa toàn tâm với sáng tạo. Dẫu có cất bước đi tứ xứ, ngoảnh trước, ngó sau thì vẫn một tay mình chèo chống. Cũng sẽ chẳng có phép mầu, sự ngẫu nhiên hay cơ duyên nào thôi căng cánh buồm thi ca. Chỉ có “bạn” và “bạn”. Chữ “bạn” thứ hai ấy sẽ là một người đồng hành, một vị cứu tinh giúp người viết có thêm những phát hiện mới về chính bản thân mình. Bởi, điều kì diệu nhất, bất ngờ nhất với mỗi nghệ sĩ là một cái tôi bản thể mà mình vừa tìm thấy. Cứ thế viết thôi…
—
(1) Xem thêm Nhập cuộc về hướng mở – Inrasara (Tham luận tại hội thảo khoa học: Văn học, nghệ thuật với hiện thực đất nước hôm nay của Hội đồng lí luận, Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Đà Lạt 12/07/2010).