Văn học Nga sẽ trở lại Việt Nam?
Sự kiện Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam - văn học Nga ra mắt khiến nhiều người trong chúng ta vui mừng và kỳ vọng vào một hoạt động có tổ chức cả về mặt chuyên môn lẫn in ấn, phát hành và truyền thông, để những tác phẩm hay của một trong những nền văn học vĩ đại trên thế giới là văn học Nga đến được với độc giả Việt Nam.
Ngày 11/5/2012, Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam đã làm lễ ra mắt tại Hà Nội trong sự hân hoan và kỳ vọng của rất nhiều dịch giả, nhà nghiên cứu văn học cũng như những người quan tâm đến văn hóa và văn học Nga. Theo quyết định của Hội Nhà văn, Quỹ có nhiệm vụ thu hút mọi nguồn lực để dịch các tác phẩm Việt Nam ra tiếng Nga và các tác phẩm văn học Nga ra tiếng Việt.
Theo quyết định của BCH Hội Nhà văn VN, dịch giả Thuý Toàn đảm nhiệm vai trò Giám đốc Quỹ, còn hai Phó Giám đốc là dịch giả Lê Đức Mẫn và Nguyễn Thụy Anh; dịch giả Nguyễn Thị Kim Hiền làm đại diện của Quỹ ở LB Nga. Hội đồng cố vấn về chuyên môn của Quỹ có sự tham gia của PGS.TS Phạm Vĩnh Cư, nhà thơ – dịch giả Bằng Việt, các dịch giả Đoàn Tử Huyến, Vũ Thế Khôi, Từ Thị Loan.
Quỹ đóng tại Tạp chí Văn học nước ngoài – Hội Nhà văn Việt Nam, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội. |
Nếu chúng ta nhớ lại một cách “hoài cổ”, thì thập niên 70, 80 của thế kỷ trước, văn học Nga đã được dịch, xuất bản và được đọc rất sôi nổi ở Việt Nam. Niềm yêu mến văn học Nga bắt nguồn từ ngày ấy có công đóng góp của những lớp dịch giả đi trước, cũng là một trong những nét khắc đẹp đẽ và bền vững trong phông văn hóa của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam một thời. Đến những năm 90 trở lại đây, việc chuyển ngữ văn học Nga bị chững lại và việc giao lưu văn học giữa hai nước có những khoảng lặng. Nhưng đây đó vẫn có những tổ chức, cá nhân theo đuổi việc dịch thuật văn học Nga như một sự yêu thích, đam mê hoặc sứ mệnh của mình. Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây là một ví dụ điển hình. Ở đây, trong những năm qua, vẫn rất nhiều các tác phẩm văn học Nga, kể cả kinh điển lẫn văn học đương đại được ra đời. NXB Trẻ, Nhã Nam, NXB Phụ nữ trong những năm qua cũng tổ chức xuất bản một số tác phẩm (tuy không nhiều) của các tác giả Nga đương đại. Và cả ở trong nước và nước ngoài, còn rất nhiều dịch giả vẫn âm thầm làm việc, trong đó có những bạn trẻ đang mưu sinh bằng rất nhiều công việc khác nhau cũng gắn bó với việc dịch văn học Nga như một niềm đam mê của mình.
Vì thế, sự kiện Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga ra mắt khiến nhiều người trong chúng ta vui mừng và kỳ vọng vào một hoạt động có tổ chức cả về mặt chuyên môn lẫn in ấn, phát hành và truyền thông, để những tác phẩm hay của một trong những nền văn học vĩ đại trên thế giới là văn học Nga đến được với độc giả Việt Nam.
Ngay sau lễ ra mắt, Quỹ đã khởi động bằng cuộc gặp dịch giả lần thứ nhất hôm 25/5. Tại đây, nhiều người đặt vấn đề, liệu văn học Nga có còn được bạn đọc Việt Nam quan tâm hay không? Tôi cho rằng, những người đặt câu hỏi đó có đôi chút nhầm lẫn giữa thái độ của người đọc đối với một nền văn học và cách tổ chức quảng bá, phát hành để đưa tác phẩm đến được với người đọc. Bất kỳ một nền văn học nào cũng có những tác phẩm đáng đọc, đáng được giới thiệu, thậm chí, bỏ qua những tác phẩm ấy là một sai lầm rất lớn của những người làm sách. Vấn đề ở đây lại quay về “tính chuyên nghiệp” của việc quảng bá tác phẩm đến bạn đọc. Đôi khi chỉ vì người làm sách chưa tìm được lối truyền thông thích hợp mà một số tác phẩm có giá trị bị rơi vào quên lãng vì không được bạn đọc biết đến. Xin lấy ví dụ, văn học Nga sau thời kỳ cải tổ xuất hiện rất nhiều tác phẩm “hot”. Đây đó cũng đã có nhà xuất bản tổ chức dịch vài ba tác giả best-seller như Sergey Lukianenko, Sergey Minaev, Oksana Robsky, … nhưng không bán được chỉ vì khâu quảng bá quá yếu. Đấy là chưa kể đến những tên tuổi khác của văn học Nga đương đại chưa có điều kiện được dịch như Viktor Pelevin, Tatyana Tolstaya, Mikhail Shishkin, Vladimir Sorokin. Ngoài ra, những tác phẩm kinh điển của văn học Nga trước đây được chuyển ngữ khá nhiều nhưng thực ra lại chưa phải là đa dạng. Vì thế, văn học Nga, với những giá trị lớn lao về tinh thần và thẩm mỹ vẫn còn đầy đủ tiềm năng đem đến sự say mê, thích thú cho bạn đọc Việt Nam. Rất hy vọng, với sự ra đời của Quỹ Hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga, câu chuyện “văn học Nga trở lại” với bạn đọc Việt Nam sẽ không còn là một câu hỏi mở nữa mà trở thành một bài toán có lời giải, nhờ có chiến lược bài bản, kiên trì và bền bỉ.