Vụ khuôn viên dòng họ Thái ở Huế bị lấn chiếm đất đai: Không chỉ là chuyện cá nhân

Phía sau câu chuyện ông K được người giữ nhà thờ họ Thái ở Huế cho ở nhờ, sau đó dần dà chiếm đất, là bộ mặt đạo đức xã hội của vùng đất cố đô Huế đang có nhiều chuyện đáng lo ngại, là những ứng xử đạo đức và văn hóa đã dần dà mất đi, rất đáng báo động, là việc ứng xử của chính quyền có những vấn đề cần phải được điều chỉnh...

Trước hết, hãy bàn đến câu chuyện cá nhân ông K xin ăn nhờ ở đậu trên đất nhà thờ họ Thái, sau đó vô ơn và phản phúc chiếm lấy đất đai của dòng họ. Đây có phải là chuyện giữa cá nhân ông K và dòng họ Thái ở Huế không? Thiết nghĩ hoàn toàn không. Bởi vì phía sau câu chuyện đáng buồn đó còn là vấn đề ứng xử văn hóa và đạo đức xã hội của các cấp chính quyền ở Huế.

Những kẻ như ông K đang bị người dân ở Huế và khắp nơi chê bai, cho là vô đạo. Người dân ở Huế nghe câu chuyện này đều rất phẫn nộ trước sự vô ơn của ông K. Song cũng nhiều người đặt câu hỏi: Liệu ông K có ngang ngược như vậy được không, nếu chính quyền ở Huế không tiền hậu bất nhất, sau đó tiếp tay cho kẻ vô ơn và phản phúc như vậy? Một khu đất cá nhân lấn chiếm dòng họ, dòng họ đã kiến nghị khắp nơi, chính quyền sở tại đã lập đoàn thanh tra đi điều tra và kết luận ông K có nhiều dấu hiệu sai trái, vậy mà cuối cùng ông K lại được người có quyền lực của tỉnh Thừa Thiên Huế ký cấp sổ đỏ mảnh đất đang bị thưa kiện chỉ 3 ngày trước khi về hưu. Đó là gì nếu không là chuyện lạ?

Ngay sau đó, người có quyền của chính quyền thành phố Huế ký giấy cấp phép xây dựng cho ông K trên mảnh đất đang tranh chấp đó, đặt dòng họ Thái trước sự đã rồi bởi quyết định của chính quyền thành phố Huế, và ông K ngang nhiên xây dựng công trình khiến cả dòng họ Thái uất nghẹn và công chúng Huế âu lo. Đến đây thì không còn là chuyện giữa cá nhân ông K và dòng họ Thái nữa rồi.

Chuyện ứng xử với các di tích dòng họ, các di tích văn hóa lịch sử của Huế trong thời gian qua có rất nhiều điều đáng lo ngại.

Gần đây nhất là chuyện di tích Đàn Âm Hồn bị chính quyền thành phố Huế tiếp tay cho kẻ sai phạm. Báo Đất Việt hôm 28/6 đưa tin, xin trích dẫn: “Gần đây, báo chí liên tục đưa tin về di tích Đàn Âm Hồn bị chia năm xẻ bày. Sự việc TP.Huế cấp “sổ đỏ” cho những hộ dân sống trong vùng di tích Đàn Âm hồn không có gì lạ, bởi ít nhất tại khu vực Đàn Âm hồn cũng đã có 3 “sổ đỏ” được cấp. Nhưng lạ nhất là sau khi đã có nhiều người dân Huế đề nghị công nhận đây là “Đài liệt sĩ cấp quốc gia” thì TP tiếp tục cấp cho bà Hoàng Thị Hương (2/6 Phan Bội Châu) được phép xây dựng trên mảnh đất này. Điều đáng nói, chính mảnh đất này, năm 2005, ông Phan Trọng Vinh – Phó chủ tịch TP.Huế (nay là Chủ tịch), đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế xác định lô đất 24 Ông Ích Khiêm là di tích Đàn Âm hồn, đã được Sở VH-TT xếp vào khu đất di tích theo công văn số 510/2000, do đó không thể cấp phép xây dựng. Chẳng hiểu sao, cũng chính lãnh đạo này, năm 2012 lại cấp phép cho bà Hương xây dựng trên lô đất nói trên”.

Vị lãnh đạo mà báo Đất Việt nhắc đến trên đây, cũng chính là người mới đây đã ký giấy cấp phép cho gia đình ông K xây dựng nhà trên đất họ Thái.

Những sai phạm bất chấp pháp luật và dư luận như vậy của chính quyền thành phố Huế, đang khiến nhiều người không chỉ ở Huế mà khắp nơi trong và ngoài nước quan ngại.

Bởi thế mới nói rằng chuyện ông K và dòng họ Thái không chỉ là câu chuyện giữa các cá nhân tranh chấp đất đai nữa. Cùng với việc ứng xử Đàn Âm Hồn, chuyện dòng họ Thái bị lấn chiếm đất đai có sự tiếp tay của chính quyền Huế đã trở thành câu chuyện ứng xử văn hóa, đạo đức của chính quyền hiện nay đối với truyền thống văn hóa lịch sử của Huế. Việc ứng xử như đã làm là rất cần được điều chỉnh.
   

                       

Tác giả