Bảo tồn di sản từ chính sách quy hoạch ở địa phương

Hiện nay, trên đà phát triển “nóng” của đô thị hóa và nhiều dự án, những huyện ngoại thành đã và đang trở thành quận nội thành, làng nông nghiệp thành khu đô thị mới đã làm mất đi cảnh quan và “quy hoạch” làng quê truyền thống, trong đó đáng báo động nhất là tình trạng xâm hại phạm vi, cảnh quan và thậm chí phá hoại các di tích lịch sử văn hóa.


Cảnh quan Cổ Loa nhìn từ trên cao. Nguồn: Internet.

Sự chuyển biến xã hội, cơ cấu nghề nghiệp và dân số… đã làm xuất hiện nhu cầu lớn về đất đai với chức năng mới, giá trị đất tăng vọt tạo nên những cơn “sốt đất”. Sâu xa hơn, trong những Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương, hầu như quy hoạch bảo tồn di sản văn hóa không được coi như một loại hình quy hoạch quan trọng (như quy hoạch đất đai, ngành nghề, khu dân cư…) mặc dù di sản văn hóa đều có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến những quy hoạch khác. Ít nhất ở một số điều sau:

– Đất đai: Phạm vi của di tích không thể coi như đất nông nghiệp, đất vườn hay thổ cư… bình thường. Bởi đó chính là “không gian thiêng/tâm linh” mang giá trị phi vật thể bên cạnh giá trị vật thể là các công trình xây dựng như thành lũy, đình, chùa, đền, miếu, lăng tẩm… Vì vậy không thể xem nhẹ giá trị và sử dụng “đất di tích” một cách bừa bãi, vì mất không gian thiêng di tích sẽ bị mất, giảm giá trị của chính nó.

– Phát triển kinh tế địa phương: Di tích trở thành một điểm trong các tuyến du lịch, có thể tham gia vào nhiều loại hình du lịch như: du lịch tâm linh, văn hóa, lịch sử, sinh thái kết hợp các loại khác… Từ đó, địa phương có thể phát triển các ngành nghề thủ công, những đặc trưng như ẩm thực, lễ hội…

– Cộng đồng: được cung cấp và nâng cao những hiểu biết về lịch sử văn hóa nơi mình sinh sống, từ đó nhận thức được giá trị của di sản và tự giác tham gia vào việc bảo tồn di sản bằng những cách khai thác phù hợp. Giá trị “phi vật thể” của di sản được chuyển hóa thành lợi ích “kinh tế bền vững” của cộng đồng.

Đó là những yếu tố quan trọng để Dự án bảo tồn hay các quy hoạch bảo tồn mang tính tổng hợp, liên ngành và trong giai đoạn dài có quyền tham gia vào Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội. Hiện nay phương pháp quy hoạch tổng hợp đa ngành được vận dụng nhằm hạn chế nhược điểm của quy hoạch bảo tồn chỉ dựa vào quy hoạch xây dựng khu di tích. Để thể hiện đầy đủ ý nghĩa và nội dung của di tích thì những Dự án quy hoạch bảo tồn cần có đầy đủ các tiêu chí sau:

– Đặc trưng và các giá trị nổi bật khu vực/quốc gia (giá trị tự thân và giá trị tiềm ẩn)

– Mối quan hệ cơ tầng văn hóa: địa lý – khảo cổ – tộc người

– Mối đe dọa từ tự nhiên và con người: thực trạng và dự báo

– Hiện trạng di tích: nhất là khả năng bền vững trong môi trường mới: đô thị hóa, biến đổi khí hậu…

– Lịch sử và kinh nghiệm bảo tồn khu di tích (nếu có)

– Các giá trị văn hóa khác trong khu vực di tích

– Quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật

– Quy hoạch phát triển du lịch gắn kết dịch vụ – văn hóa – sinh thái

– Cơ hội phát triển kinh tế và những giải pháp thích ứng

– Sự tham gia của cộng đồng trong kinh tế, du lịch, bảo tồn di sản

– Môi trường thể chế, chính trị phù hợp, thuận lợi

– Sự tham gia, phối hợp và hỗ trợ của các đối tác

– Xây dựng quỹ bảo tồn và nguồn tài trợ…

Khác với việc bảo tồn các di tích ở đô thị như phố cổ, bảo tồn những công trình còn tồn tại mang tính chất chính là công trình khảo cổ học như khu di tích Cổ Loa thì trước mắt và đầu tiên, vai trò của nhà nước là cực kỳ quan trọng, theo xu hướng “bảo tồn từ trên xuống / top – down” do nhiều yếu tố tác động đến bảo tồn liên quan đến cơ chế chính sách và quản lý nhà nước. Tuy nhiên, về lâu dài, “bền vững” hay không thì vai trò cộng đồng cũng quan trọng không kém, theo xu hướng “bảo tồn từ dưới lên/ bottom – up” bởi vì chỉ có cộng đồng/ cá nhân và tổ chức xã hội mới có đủ nguồn lực để bảo tồn được di sản cũng như giúp cho di sản sống cùng cộng đồng.  

Những kinh nghiệm từ Di sản văn hóa thế giới Angkor ở Campuchia hay nhiều Di sản văn hóa thế giới ở Thái Lan – cũng là những khu di tích khảo cổ nổi tiếng – là những tham góp cần thiết cho quy hoạch bảo tồn và phát triển du lịch khu di tích Cổ Loa.

Tác giả