Chủ nghĩa tư bản thân hữu và quyền bảo vệ tài sản của người giàu


Có khác biệt gì giữa việc tỉ phú Michael Bloomberg làm Thị trưởng thành phố New York với một tỉ phú ở một nước đang phát triển nắm quyền? Nguồn ảnh: REUTERS/Richard Drew/Pool.

Giá sách của Học viện Chính trị Quốc gia

Không phải ngẫu nhiên mà cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” của hai giáo sư trường đại học Harvard Acemoglu và Robinson lại nằm trang trọng trên giá sách thư viện Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, bên cạnh các tên tuổi như nhà kinh tế được giải Nobel Joseph Stiglitz. Cuốn sách này nổi tiếng vì giải thích rằng các nước mãi nghèo là do bị một nhóm nhỏ giàu có và quyền thế thao túng cho lợi ích riêng của mình, bằng cách hy sinh lợi ích của công chúng.

Năm 2017, Việt Nam được dự đoán sẽ có số người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới. Đồng thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh việc “xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành lợi ích nhóm, gây hậu quả xấu về kinh tế-xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân”.

Acemoglu và Robinson viết rằng nhóm người giàu có và nhóm có quyền thế thường liên kết với nhau để làm giàu và củng cố quyền lực, bằng cách lập các liên minh độc quyền, giảm cạnh tranh và chiếm hữu tài sản công hoặc của người khác. Cuối cùng, lợi ích của nhóm giàu có và quyền lực trở thành lực cản đối với phát triển kinh tế và chèn ép động cơ tăng trưởng của đất nước. Một phần vì tăng trưởng kinh tế thường đi đôi với sự sáng tạo mang lại sức ép cạnh tranh hoặc đi ngược lại lợi ích hiện có của nhóm người giàu có quyền lực.

Cách giải quyết sự giằng xé, mâu thuẫn quyết liệt giữa lợi ích của người giàu, quyền thế với lợi ích của công chúng trở thành mấu chốt quyết định sự phát triển của một quốc gia.

Singapore và Michael Bloomberg

Có khác biệt gì giữa việc tỉ phú Michael Bloomberg làm Thị trưởng thành phố New York với một tỉ phú ở một nước đang phát triển nắm quyền? Trong cuốn sách nghiên cứu “Tài phiệt”, nhà nghiên cứu Winter viết rằng Michael Bloomberg đã chi nhiều tiền hơn bất cứ ai trong lịch sử Hoa Kỳ để nắm một vị trí ở chính quyền. Tuy nhiên, khác với các nhà tài phiệt ở các nước đang phát triển, việc theo đuổi vị trí trong chính quyền của Michael Bloomberg không phải vì sự sống còn của đế chế tài phiệt của ông ta. Nói một cách khác, Michael Bloomberg không cần phải thao túng chính trị để có tài sản và bảo vệ tài sản của mình.

Ở một quốc gia phát triển khác, Singapore, năm 2011 tổng tài sản của 50 người giàu nhất đất nước này là 49 tỉ đô la, chiếm khoảng 20% tổng tài sản của toàn quốc gia. Mặc dù có thể chế chính trị khác với hình thức dân chủ đại diện của các nước phương Tây, tuy nhiên Singapore vẫn đảm bảo quyền sở hữu tài sản được bảo vệ nghiêm ngặt bởi luật pháp. Chính vì vậy, giới tài phiệt ở Singapore “bỏ vũ khí”, không cần tham gia thao túng chính trường, và theo đó họ không có ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định chính sách.
Sự khác biệt của Michael Bloomberg hay các tỉ phú Singapore so với giới tài phiệt ở các nước đang phát triển là bản chất của các mối đe doạ đối với tài sản và cách họ bảo vệ tài sản. Ở những quốc gia có nền quản trị bằng pháp luật yếu và quyền sở hữu tài sản không rõ ràng, nhóm nhỏ người giàu và quyền thế thường tìm cách mua chuộc, kiểm soát các quan chức, thậm chí cả lực lượng an ninh, tòa án, báo chí… để làm giàu và để bảo vệ tài sản của mình.  


Cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại”

Mức độ tham gia cấu kết trực tiếp của nhóm tài phiệt với quan chức để tăng cường và bảo vệ của cải phụ thuộc vào việc liệu luật pháp và bộ máy công quyền có phân hoá và chịu ảnh hưởng cá nhân hay không, hay đã được đồng bộ và thể chế hoá. Sự can thiệp và cấu kết từ phía nhóm giàu có sẽ trở nên trực tiếp hơn nếu thể chế và các yếu tố bên ngoài không đủ khả năng bảo vệ tài sản của họ.

Vì vậy, Winter cho rằng sự phát triển kinh tế nhanh và bền vững có liên quan chặt chẽ đến việc thiết lập hệ thống đảm bảo quyền sở hữu tài sản và kiềm chế sự tham lam, ích kỷ của giới nhà giàu và quyền thế, không để lợi ích riêng của họ gây hại đến lợi ích chung.

Quản trị quốc gia không phủ nhận bản chất tư lợi của con người

Như vậy, câu hỏi ở đây không phải là việc có cần xóa bỏ nhóm người giàu và quyền thế hay không, mà là làm thế nào để kiềm chế và giảm được lợi ích nhỏ hẹp có thể gây hại đến lợi ích chung.

Việc xóa bỏ triệt để nhóm người giàu và quyền thế trong xã hội là điều rất khó khả thi. Năm 1915, Robert Michels đã đưa ra khái niệm “Luật thép của tài phiệt”, cho thấy tâm lý cá nhân hay tư lợi là bản năng con người và vì thế mà một cách tự nhiên, thành viên của các tầng lớp sở hữu luôn muốn chuyển giao cho thế hệ sau của cải mà họ, bậc cha mẹ, đã có được. Một nền kinh tế có thể sụp đổ nếu được xây dựng dựa trên giả thiết phi thực tế rằng phần lớn mọi người đều không ích kỷ và các quan chức, chính trị gia không tư lợi.

Nhà kinh tế Ha Joon Chang cho rằng một số nền kinh tế Đông Á có thể sử dụng sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế thị trường một cách có hiệu quả vì họ có các chính trị gia và quan chức không tư lợi và có năng lực. Nhưng đây là ngoại lệ do lịch sử để lại.

Những hành động chống tham nhũng của nhà nước gần đây, và những tranh luận công khai về chủ nghĩa tư bản thân hữu trên Tạp chí Cộng sản dường như là dấu hiệu cho thấy mong muốn và nỗ lực phân chia lại của cải và quyền lực một cách công bằng hơn, đồng thời ngăn chặn sự cấu kết, thao túng của những nhóm lợi ích.

Để làm được điều đó, một hệ thống thể chế mạnh cần được thiết lập, bao gồm việc chấp nhận rằng tư lợi là một trong những bản chất mạnh nhất của con người và bản chất này không bị phủ nhận trong quá trình làm chính sách.

Hệ thống luật pháp phải đảm bảo quyền sở hữu tài sản và quyền làm giàu chính đáng. Nền tảng quản trị quốc gia phải cho phép những người nắm quyền sống được bằng lương. Họ giữ vị trí đủ gần để hỗ trợ giới kinh doanh và phát triển kinh tế, đủ xa để không bị thao túng vì lợi ích của giới tài phiệt.  

Một thể chế như vậy mới có thể đảm bảo phát triển kinh tế bứt phá nhanh, giàu nội lực, lâu dài và tránh đi vào ngõ cụt của sự phát triển do bị bòn rút kiệt quệ vì lợi ích cá nhân của một nhóm nhỏ giàu có và quyền lực.

 

Tác giả