Cơ cấu kinh tế còn lạc nhịp

Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không những lan tỏa đến giá trị gia tăng thấp, lan tỏa mạnh đến nhập khẩu mà còn phát thải lượng khí nhà kính ra môi trường ở mức độ cao nhất.

Không chỉ nhiều chuyên gia hết lời ca ngợi thành tựu nền kinh tế Việt Nam 2017 mà trong thông cáo báo chí của cơ quan thống kê cũng như tổ chức quốc tế như WB cũng hồ hởi cho rằng “Nhìn trên góc độ sản lượng sản xuất, tăng trưởng đạt được nhờ vào các ngành chế tạo và chế biến”. Điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 14,40% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, mức tăng của giá trị tăng thêm tương đương mức tăng về giá trị sản xuất?) [1], đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung với 2,33 điểm phần trăm, tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo cao hơn gấp đôi so với mức tăng trưởng GDP (14,4% so với 6,81%). Về phía cầu, mức tăng về xuất khẩu hàng hóa đạt trên 21%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nếu nhìn thật kỹ bức tranh kinh tế rất đẹp đẽ đó, sẽ nhận thấy cơ cấu kinh tế chậm được cải thiện, chưa thực sự hướng tới tăng trưởng bền vững.

Theo tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể từ số liệu của bảng cân đối liên ngành của Việt Nam (do Tổng cục Thống kê – TCTK- công bố) cho thấy, trong nền kinh tế, công nghiệp chế biến, chế tạo khi tăng một đơn vị sử dụng cuối lan tỏa rất thấp đến thu nhập và lan tỏa mạnh đến nhập khẩu. Nhóm ngành này do được nhiều kỳ vọng nên tỷ lệ đầu tư của nhóm ngành này luôn rất cao và ngày càng tăng, năm 2005 tỷ lệ đầu tư của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo trên tổng mức đầu tư vào khoảng 43%, đến năm 2016 tỷ lệ này lên gần 50%, nhưng một điều trớ trêu là tỷ lệ giá trị tăng thêm so với giá trị sản xuất của nhóm ngành này lại giảm rất nhanh: tỷ lệ chi phí trung gian so với giá trị sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo cấu trúc của bảng I/O năm 2007 của TCTK là 34,1%; đến những năm gần đây (cấu trúc của bảng I/O mới) tỷ lệ này chỉ còn 21% (TBKTSG, 2016) [2]. Điều này có nghĩa, hoạt động sản xuất kinh doanh trong công nghiệp chế biến và chế tạo ngày càng kém hiệu quả, hoặc ngày càng mang nặng tính gia công, kéo theo lượng đầu tư ngày càng phải tăng lên để bù đắp vào sự kém hiệu quả đó.

Mức độ lan tỏa của một số ngành cho một đơn vị tăng lên của cầu cuối cùng. Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên bảng cân đối liên ngành của TCTK.

Nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo không những lan tỏa đến giá trị gia tăng thấp, lan tỏa mạnh đến nhập khẩu mà còn phát thải lượng khí nhà kính ra môi trường ở mức độ cao nhất, ngành phát thải ra hiệu ứng nhà kính cao nhất là nhóm ngành sản xuất các sản phẩm khoáng phi kim loại cao hơn mức bình quân chung 3,3 lần. Một điều chú ý rằng hầu như ai cũng nghĩ ngành vận tải thải ra hiệu ứng nhà kính lớn nhưng thực chất lại không phải như vậy.

Việc tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo cao (14,5%) có liên quan mật thiết với vấn đề về phía cầu, chúng ta mừng rỡ với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa năm 2017 đạt kỷ lục lên đến 21,1%, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng trưởng về xuất khẩu là 17,6%, trong đó khu vực FDI chiếm 73% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ví dụ: Nhà xuất bản mang sách hoặc tạp chí đến nhà in để in thì sản phẩm cuốn sách hoặc tạp chí là sản phẩm của nhà xuất bản, không thể coi đó là sản phẩm của nhà in, tuy nhà in cũng có được một chút công in trong toàn bộ giá trị cuốn sách. Xuất khẩu hàng hóa tăng cao có đáng vui mừng đến mức người nọ phải khuyên người kia kiềm chế sự sung sướng đến vậy không? Tính toán từ số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường [3] và bảng cân đối liên ngành của TCTK cho thấy xuất khẩu hàng hóa lan tỏa đến giá trị tăng thêm thấp nhất, nhưng lại lan tỏa mạnh mẽ đến nhập khẩu, nguy hiểm hơn nữa sản xuất cho xuất khẩu hàng hóa gây nên phát thải khí nhà kính lớn nhất trong tất cả các yếu tố của cầu cuối cùng (51%), trong khi đó xuất khẩu dịch vụ ít gây hiệu ứng nhà kính nhất nhưng lại lan tỏa tốt nhất đến thu nhập.

Lan tỏa từ các nhân tố của cầu cuối cùng nội địa đến các yếu tố kinh tế và môi trường năm 2012. Nguồn: Tính toán của tác giả dựa trên các bảng I/O và số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Trong báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường ước tính đến năm 2010, lượng phát thải khí nhà kính (GHG) là khoảng 247 triệu tấn, tính toán của chúng tôi cho thấy lượng khí GHG đến năm 2012 là 300 triệu tấn, bình quân mỗi năm tăng 10% trong khi GDP tăng bình quân từ 2010 – 2012 xấp xỉ 6%. Với cấu trúc kinh tế và ưu tiên chính sách như hiện nay là không hướng tới tăng trưởng bền vững, GDP tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2005 – 2017 khoảng 6,2% (tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,81%) trong khi tăng về phát thải nhà kính từ 8 – 10%. Như vậy đến 2020 nếu cấu trúc kinh tế không thay đổi, vẫn khuyến khích tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo, chính sách vẫn ưu ái xuất khẩu và FDI và không hướng nguồn lực đầu tư vào tăng trưởng xanh thì chất thải nhà kính GHG đến năm 2020 vào khoảng trên 550 triệu tấn, cao hơn mức dự báo của Liên Hợp Quốc cho Việt Nam (đến năm 2020 là 466 triệu tấn). Điều này dường như là nghịch lý với chính sách ưu tiên xuất khẩu hàng hóa cả về chính sách thuế và chính sách tín dụng.

Dường như nguồn lực về chính sách một lần nữa cho thấy đang được đặt nhầm chỗ, dẫn đến việc con người phải đối mặt với thiên tai, không khí ô nhiễm trong tương lai do phát thải nhà kính gây ra.
—————————

Chú thích

[1] Về nguyên tắc, tăng trưởng về giá trị sản xuất thường cao hơn tăng trưởng của giá trị tăng thêm, đặc biệt trong trường hợp tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo mỗi năm giảm hơn 1 điểm phần trăm (tính toán từ điều tra doanh nghiệp hằng năm).
[2] Số liệu GDP có vấn đề, TBKTSG, 19/8/2016.
[3] Ministry of National Resource and Environment “The Initial Biennial  Updated Report of Vietnam to the United Nations Franmework Convention on Climate Change” Vietnam Publishing House of Natural Resources, Environment and Cartography, 2014.

Tài liệu tham khảo
1-Bui Trinh (2015) A study on the Input-Output System for evaluation of infrastructure development in Vietnam, Kyoto University.
2- Bui Trinh, Kiyoshi Kobayashi, Nguyen Van Huan, Pham Le Hoa (2012) An Integrated Framework for Multi-Purposes Socio-Economic Analysis Based on Input-Output Model, British Journal of Economics, Finance and Management Sciences, Vol 4.
3- Bui Trinh. and Pham, L. H. (2014). Comparing the Economic Structure and Carbon Dioxide Emission between China and Vietnam, International Journal of Economics and Financial Research, Vol. 3, No. 3, pp: 31-38, 2017.
4- Guo, D. and Hewings, G. J. D. (2001). Comparative Analysis of China‟s Economic Structures Between 1987 and 1997: An Input-Output Prospective. Discussion Paper at Regional Economics Applications Laboratory. Urbana.
5- HADDAD, E. A. (1997) Regional inequality and structural changes in the Brazilian economy. Illinois: University of Illinois at Ur-ban-Champaign,. Dissertation.
6- Iris Claus. Kathy Li (2003) “New Zealandís Production Structure: An International Comparison” NZ TREASURY WORKING PAPER 03/16.
7- Miller, R. E. and Blair, P. D. (1985). Input-output analysis foundation and extension. Prentice-Hall, Inc: New Jersey.
8- Nguyễn Hồng Sơn Dịch vụ Việt nam 2020: Hướng tới chất lượng, hiệu quả và hiện đại. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
9- To TrungThanh, Nguyen, V. P. and Bui, T. (2016). Some comparisons between the vietnam and china‟s economic structure, policy implications. Advances in Management & Applied Economics, 6(3): 153-66.
10- Wassily, L. (1941). Structure of the American economy, 1919-1929. Harverd University Press: Cambridge Mass.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)