Hà Nội: Những thách thức trong quá trình phát triển đô thị

Mới đây, hai tác giả Divya Leducq – Đại học Bách khoa Tours và Helga Jane Scarwell – Đại học Lille I đã công bố bài báo “The new Hanoi: Opportunities and challenges for future urban development” trên tạp chí Cities của hệ thống Elsvier1. Nghiên cứu trên đã không đi theo hướng tiếp cận chủ đề di sản-lịch sử mà tập trung khai thác yếu tố kết cấu không gian xã hội (social-spatial fabric) của Hà Nội, từ đó làm rõ những thách thức mà thành phố phải đối mặt trong quá trình phát triển bền vững. Bài viết sau đây tổng kết những ý chính của hai tác giả.


Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Pinterest.com.

Sau nhiều thập niên chậm chân hiện đại hóa, do chiến tranh và thời kỳ kinh tế bao cấp, Hà Nội hiện nay đang không ngừng mở rộng, hướng tới vị thế của một đại đô thị quốc tế (international metropolitan). Xu hướng toàn cầu hóa và bối cảnh cạnh tranh quyết liệt giữa các thành phố lớn, nhất là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đã và đang mang tới những đổi thay đáng kể cho Hà Nội trên nhiều lĩnh vực, đồng thời đặt ra các thách thức mới đối với công tác quản trị; giải quyết mâu thuẫn; tăng cường thu hút đầu tư; mở cửa hội nhập và chú trọng phát triển bền vững – những mục tiêu thoạt nhìn tưởng như không thể dung hòa.

Thay đổi diện mạo và chính sách

Sau khi sáp nhập một diện tích lớn đất nông nghiệp và các làng nghề thuộc tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình), quy mô của vùng Hà Nội mới – gồm Thủ đô và 6 tỉnh phụ cận – đã trở nên quá lớn (diện tích dự kiến đạt tới 13.436 km2 và dân số hơn 15 triệu người tới năm 2020). Hoạt động mở rộng đầy tham vọng này của thành phố mang đến nhiều câu hỏi về năng lực hoạch định. Mô hình quản trị theo kiểu tập trung, tiếp cận từ trên xuống (top-down) – nhấn mạnh vai trò của chính quyền, mặc dù vẫn chiếm ưu thế nhưng đang dần thay đổi theo hướng phi tập trung hóa với khu vực tư nhân tham gia ngày càng nhiều vào tiến trình đô thị hóa.

Sau khi tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới và để tránh rơi vào bẫy đô thị hóa tự phát như Lagos (Nigeria) hay Mexico City (Mexico), … trong năm 2010, chính quyền Hà Nội đã công bố Đồ án Quy hoạch lớn (Master Plan) cho năm 2030 – tầm nhìn 2050. Đồ án này nhấn mạnh sự phát triển về mặt không gian của Hà Nội sẽ xoay quanh các cụm đô thị (urban cluster) – vốn định hình nên nhiều thành phố lớn tại châu Á. Mô hình này bao gồm phần lõi đô thị bên cạnh các vệ tinh vừa và nhỏ, được gắn kết nhờ hệ thống đường vành đai, liên tỉnh, quốc lộ và đường sắt dày đặc. Chiến lược này được kỳ vọng đem đến cơ hội giúp tái cấu trúc đô thị, chuyển trạng thái từ một cực sang đa cực thông qua việc di dời bớt những chức năng của khu vực trung tâm như công nghiệp, dịch vụ, thương mại, giáo dục… sang các đô thị vệ tinh, đồng thời xây dựng thêm nhiều trung tâm mới và mở rộng giới hạn phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế không mục tiêu đáng kể nào được hoàn thành. Nền kinh tế bùng nổ cùng lượng vốn khổng lồ đổ vào phát triển đô thị những năm vừa qua đã không đi liền với những chiến lược và quyết tâm chính trị cụ thể, gây nên mối hoài nghi về tính thực tế của những dự án tiếp cận theo kiểu top-down truyền thống, trong lúc đất nước hiện vẫn thiếu những phương tiện thể chế nền tảng giúp thực thi và áp đặt. 

Xu hướng đại đô thị và những vấn đề cốt lõi

Nông nghiệp hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng đáng kể đối với kinh tế Hà Nội, tuy nhiên đang dần thích nghi và chuyển dịch theo hướng đa dạng hóa, chẳng hạn như ứng dụng các công nghệ mới trong nông nghiệp. Khu vực tư nhân đang tăng trưởng nhanh chóng và tỏ ra rất năng động, bên cạnh một khu vực kinh tế phi chính thức không dễ để thống kê. Hơn thế nữa, Hà Nội còn dự kiến xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp và công nghệ cao mới, nhằm khuyến khích phát triển hệ sinh thái hỗ trợ nghiên cứu khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp, điển hình là mô hình Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Dẫu vậy, định hướng này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do chậm tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, và sự phát triển thiếu tương xứng của hạ tầng giao thông.

Giao thông và logistics yếu kém chính là những vấn đề lớn nhất của Hà Nội. Trong bối cảnh phần lớn các tuyến quốc lộ đã quá tải, nhiều dự án cao tốc mới được xây dựng những năm qua giúp việc lưu thông giữa Thủ đô với các tỉnh thành trở nên thuận tiện hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, sự bất hợp lý trong vấn đề thuế phí, như tại các trạm BOT, cũng gây ra nhiều trở ngại.

Lượng xe cộ tham gia lưu thông quá lớn (hiện nay là 5,3 triệu xe máy và 560.000 ô tô) và đang không ngừng gia tăng (dự kiến đạt 7 triệu xe máy và 1 triệu ô tô vào năm 2020) khiến hạ tầng của Hà Nội phải chịu nhiều áp lực. Ngoài ra, thành phố cũng chứng kiến sự bùng nổ của các loại phương tiện mới như xe đạp, xe máy điện và hình thức vận tải công nghệ như Uber và Grap,… Tất cả cùng vẽ lên một bức tranh sống động nhưng đầy phức tạp về giao thông Hà Nội.

Hà Nội vốn đã chủ trương ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của tình trạng giao thông quá tải như hiện nay đối với môi trường và sức khỏe người dân. Dự án Metro Hà Nội, gồm 8 đường tàu điện ngầm và đường sắt trên cao, vì thế có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tầm nhìn của một đô thị tương lai hiện đại. Tuy nhiên, những khó khăn về mặt tài chính – kỹ thuật lại khiến các dự án liên tục bị chậm tiến độ, chưa thể định hình diện mạo mới, cũng như thiếu đi tính liên kết và đồng bộ với các đầu mối giao thông sẵn có. Bên cạnh đó là mối quan ngại về tình trạng quản lý lỏng lẻo, yếu kém, tạo cơ hội cho tham nhũng nhiều hơn là làm lợi cho người dân và giúp cải thiện vấn đề về môi trường.

Cũng giống như nhiều đô thị khác ở châu Á trong quá trình phát triển bùng nổ, Hà Nội đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường bất động sản, nhất là trên phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp – nơi có sự tham gia và vai trò ngày càng quan trọng của các doanh nghiệp khối tư nhân, làm thay đổi hẳn nhận thức về phương pháp tiếp cận, vốn chỉ xoay quanh mô hình top-down truyền thống mang nặng vai trò của chính quyền.

Nhiều dự án xây dựng các tòa nhà chọc trời (cao trên 100 m như Keangnam và Lotte Hà Nội), những khu bất động sản nhà ở và trung tâm thương mại cao cấp, … mọc lên trong thời gian qua đã đưa Hà Nội lọt vào danh sách những thành phố toàn cầu (world city), đồng thời thể hiện khát vọng của người dân về cuộc sống đô thị hiện đại, trong lành, thân thiện qua những cái tên rất “thiên nhiên” và “quý phái” như Times City, Riverside, Royal City, Park Hill, … Tuy nhiên, phần đông các dự án đều được xây dựng trên nền đất vốn trước đây thuộc về khu vực nông nghiệp, điều này gây ra nhiều biến đổi về diện mạo và cảnh quan kiến trúc đối với những ngôi làng xung quanh. Thực tế cho thấy, nhiều khu nhà ở cao cấp đang hiện hữu một cách biệt lập, có đời sống tương phản và thiếu gắn kết với cộng đồng xung quanh, cũng như có rất ít các hoạt động kinh tế. Mặc dù được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội hơn về nhà ở, nhất là cho tầng lớp trung lưu mới nổi, đồng thời giúp cân bằng mật độ dân cư giữa khu vực trung tâm và vùng ngoại vi, những đô thị mới này cũng gây ra rất nhiều áp lực lên đất đai và hạ tầng, bên cạnh nguy cơ ngập úng và tình trạng thiếu nước tưới cho nông nghiệp. Nghiêm trọng hơn, những nguy cơ xung đột từ việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng và chính sách đền bù đất đai thiếu thỏa đáng luôn âm ỉ, chỉ chực bùng phát.


Vùng lõi đô thị Hà Nội và các vệ tinh. Ảnh: Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội. 

Nhằm ngăn ngừa nguy cơ ngập lụt – nét đặc trưng của vùng đất châu thổ, Đồ án Quy hoạch lớn Hà Nội (2010) đã thiết kế một vành đai xanh (green belt) và hành lang xanh (green corridor) bên ngoài khu vực trung tâm đông đúc và hướng về phía Tây, đóng vai trò như “vùng đệm” (buffer zone) giúp bảo vệ phần diện tích canh tác nông nghiệp, các làng nghề thủ công, thương mại và di tích lịch sử truyền thống. Một hành lang khác màu lam (blue corridor) cũng được quy hoạch, ứng với hai bờ sông Đáy và sông Tích, để giảm tải cho sông Hồng trong những mùa cao điểm. Tuy nhiên, sự bùng nổ kinh tế, tình trạng đô thị hóa tự phát và nạn đầu cơ đất đai dọc những trục giao thông huyết mạch như Bắc Thăng Long – Nội Bài hay Láng – Hòa Lạc đã và đang đe dọa nghiêm trọng tầm nhìn này.

Việt Nam đã cam kết áp dụng những chuẩn mực cao như quy định trong Nghị định thư Kyoto, Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21), chứng nhận ISO 9000 hay ISO 14000,… nhằm cải thiện chất lượng của các công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng. Chính quyền Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm tới việc phổ biến ý niệm “phát triển bền vững” trên các lĩnh vực kinh tế, môi trường, văn hóa, xã hội, … qua việc tổ chức nhiều hội thảo quốc tế và xây dựng các đề án quy hoạch có sự tham vấn của nhiều chuyên gia, tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, người dân Hà Nội hôm nay vẫn chưa có sự quan tâm đúng mực đối với những ưu tiên trong phát triển bền vững, như tiết kiệm năng lượng hay cắt giảm khí thải carbon. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang rất thiếu không gian xanh công cộng để phục vụ thể thao, giải trí và các sinh hoạt cộng đồng, cùng với những nguy cơ về dịch bệnh, tình trạng mất an ninh-an toàn, … bởi sự du nhập của các trào lưu và thói quen sinh hoạt từ nước ngoài trong đời sống đô thị.    

Kết luận

Hà Nội hôm nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp về dân số, cơ sở hạ tầng, giao thông, chất lượng môi trường và cả thực phẩm, … đòi hỏi thành phố phải có những giải pháp cẩn trọng, toàn diện và thực tế. Mô hình quản trị và quy hoạch theo kiểu xã hội chủ nghĩa, mặc dù vẫn còn hiện diện trong tâm trí nhiều người, tuy nhiên trên thực tế đã không còn hiệu quả khi không thể hoàn thành nhiều mục tiêu lớn sau Đổi mới. Mặc dù đang trên đà trở thành một thành phố toàn cầu, nhưng phần lớn các quyết định liên quan đến tương lai của Hà Nội vẫn thường chỉ mang tính tự phát. Trong hoàn cảnh đó, các nhà nghiên cứu và quy hoạch thực tiễn nên có sự quan tâm nhiều hơn đến phương án tiếp cận từ những yếu tố kết cấu không gian xã hội, để thấu hiểu rõ hơn về sự chuyển dịch của thành phố theo hướng phát triển bền vững.
————
Chú thích:
1) Divya Leducq & Helga-Jane Scarwell (2017), The new Hanoi: Opportunities and challenges for future urban development, Cities: Vol 72, pp. 70-81.
Link: https://www.sciencedirect.com/ science/article/pii/S0264275117300926

Tác giả

(Visited 189 times, 1 visits today)