Khát và thừa nhân lực chất lượng cao

Chỉ số trình độ đào tạo của lực lượng lao động của Việt Nam được đánh giá là thấp so với khu vực và so với đòi hỏi của một nền kinh tế đang khát nhân lực có kỹ năng như ở Việt Nam. Tỷ lệ lao động có trình độ đại học (ĐH) ở Việt Nam năm 2016 còn thấp hơn tỷ lệ này ở Trung Quốc năm 2009 (9,9%) (The State Council of China, 2010) và dù vài năm gần đây tăng nhanh thì tỷ lệ tăng vẫn thấp hơn nước láng giềng này và hiện thời chỉ bằng hơn một nửa tỷ lệ của họ.

Sinh viên ngành Dược thực tập. Nguồn: Zing.vn

Tuy nhiên, vài năm gần đây các chỉ số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp của những người đã qua đào tạo nghề nghiệp, đặc biệt của những người có trình độ ĐH trở lên luôn tăng mạnh và cao hơn so với với mặt bằng chung. Trong khi tỷ lệ thấp nghiệp trong độ tuổi lao động những năm gần đây dao động trong khoảng trên dưới 2%, thì tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ ĐH thường cao gấp đôi chỉ số thất nghiệp chung của toàn bộ lực lượng lao động (xem hình 1). Đây có thể coi là một nghịch lý tồn tại trong một nền kinh tế khi nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên dôi dư khi nhu cầu vẫn còn rất lớn.

Nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng ứ thừa cử nhân ĐH ở Việt Nam nằm ở sự khập khiễng trong quan hệ cung cầu: chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Nguồn: Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống kê (2018)

Nguyên nhân từ phía các trường ĐH

Các trường ĐH ở Việt Nam dường như vẫn nằm ngoài xu thế phát triển chung là coi chất lượng đầu ra như một chỉ số quan trọng và cần thiết phải công bố cho xã hội. Mặc dù hiện nay ở một số trường lớn như ĐHQG Hà Nội hay ĐHQG TP HCM, công tác kiểm định đã được thực hiện ở một số đơn vị và một số ngành học nhưng các báo cáo kiểm định vẫn chưa được công bố rộng rãi cho xã hội. Hiện nay có rất ít khảo sát công khai, trên diện rộng và có tính hệ thống về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Rất ít trường có các bộ phận chức năng hỗ trợ sinh viên trong việc chuẩn bị hành trang tuyển dụng và giúp sinh viên tiếp cận thị trường lao động. Cán bộ ở các bộ phận này (nếu có) cũng thường là các cán bộ kiêm nhiệm với vô số các nhiệm vụ hành chính khác. Đa phần website của các trường ĐH ở Việt Nam không công bố danh mục các kỹ năng hành nghề (graduate employability skills) hay kỹ năng mềm (khái niệm tương đương được dùng phổ biến ở Việt Nam) mà chương trình của họ hướng tới cho sinh viên. Phần lớn công tác phát triển kỹ năng mềm được giao cho Đoàn thanh niên – Hội sinh viên phụ trách và được coi là một hình thức hoạt động ngoại khóa trong các trường ĐH.

Theo khảo sát của Dự án giáo dục ĐH 2 của Bộ GD&ĐT (năm 2012), có tới 47,3% số cử nhân đã ra trường và đi làm cho rằng chương trình đào tạo ĐH của họ là không phù hợp, kiến thức, kỹ năng mà họ được tiếp cận trong nhà trường là không có ích đối với công việc họ đang làm. Khảo sát với 3.000 cử nhân đã tốt nghiệp ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và ĐH Huế của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách (ĐH ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội) cũng đưa ra khuyến cáo rằng nhiều kiến thức sinh viên được học trong trường không giúp gì cho họ trong công việc, nhưng ngược lại, nhiều kiến thức mà nhà tuyển dụng đòi hỏi thì họ lại không được tiếp cận.

Hơn nữa, các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa được coi là trung tâm của các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Trường ĐH vốn được thành lập riêng biệt với các viện nghiên cứu và giảng viên thường được coi là viên chức hành chính nhà nước nhiều hơn là các nhà hoạt động nghiên cứu. Dù rằng thời gian gần đây nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được đưa vào như là một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi giảng viên ĐH, hoạt động R&D của các trường vẫn còn rất khiêm tốn. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp cũng không mặn mà và không thường tìm tới các trường khi họ có nhu cầu cho các hoạt động R&D. Thực tế cho thấy các trường ĐH có ít sự cộng tác với các doanh nghiệp hơn là viện nghiên cứu.

Sự thờ ơ của doanh nghiệp

Tuy nhiên, mối quan hệ lỏng lẻo, hình thức giữa trường ĐH và doanh nghiệp không hẳn tới từ một phía mà còn có phần nguyên nhân từ sự thờ ơ và những vướng mắc của đa phần các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, việc đào tạo sinh viên để làm việc và cung cấp nguồn lao động chất xám phục vụ cho sự phát triển của đất nước được coi là nhiệm vụ chính của các trường ĐH (George, 2010; Tran Ngoc Ca, 2006). Người ta quen với quan niệm cho rằng công tác đào tạo không thuộc về trách nhiệm của doanh nghiệp, mà đó là trách nhiệm của nhà nước và các cơ sở đào tạo (Le Chien Thang & Truong Quang, 2005). Chính vì vậy các nhà tuyển dụng thường chọn cách ‘đứng ngoài’ quá trình đào tạo ở các trường ĐH, và sau đó đổ lỗi cho hệ thống giáo dục về sự đáp ứng kém cỏi của các cử nhân. Đây có lẽ là lý do mà đa phần sinh viên và cử nhân đều cho rằng các hoạt động của họ trong các đợt kiến tập, thực tập ở các doanh nghiệp không giúp gì nhiều cho việc định hình những hiểu biết cũng như những kinh nghiệm làm việc thực tế họ cần khi muốn tham gia thị trường lao động sau khi ra trường (kết quả từ một nghiên cứu của tôi vào năm 2013). Doanh nghiệp dù chấp nhận sinh viên tới thực tập nhưng lại không mặn mà trong việc đào tạo, dẫn dắt thực tập sinh học hỏi kiến thức và kỹ năng theo yêu cầu của doanh nghiệp. Những công việc sinh viên thực tập thường được giao là những công việc thô sơ, đơn giản như photocopy, đánh máy, đưa tin, thậm chí là pha trà hoặc chỉ đọc các báo cáo cũ, rất ít sinh viên được giao công việc thực tập đúng với chuyên môn đào tạo.

Hiện nay đã có những doanh nghiệp nhận thấy việc chủ động tiếp cận nguồn nhân lực có kỹ năng từ các trường ĐH là cần thiết và đã có những nỗ lực nhất định để phối kết hợp với các trường ĐH trong việc đào tạo nhân sự cho họ. Đương nhiên, sự kết hợp này đa phần mới chỉ dừng lại ở việc cấp học bổng cho sinh viên và ràng buộc trách nhiệm với sinh viên trong việc phải về làm việc cho họ trong một khoảng thời gian nhất định (Huỳnh Ngọc Long, 2012). Cũng có một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho sinh viên thực tập tiếp cận với công việc thực tế doanh nghiệp muốn họ bắt tay vào làm sau khi ra trường. Việc tham gia các hội chợ việc làm, tham gia nói chuyện trong các hội thảo việc làm cho sinh viên của các nhà tuyển dụng cũng dần nhiều lên. Tuy nhiên, các hoạt động này đa phần mang tính thời điểm, theo lời mời hoặc đề nghị, ít có sự chuẩn bị và kết hợp thấu đáo với các trường để đưa ra những bài học, những thông điệp và những biện pháp hữu hiệu để nâng cao kiến thức, hiểu biết và hành trang cho sinh viên trước khi bước vào thị trường lao động. Giá trị định hướng nghề nghiệp của các hoạt động này, vì thế, nói chung còn rất hạn chế.

Mặt khác, đa phần doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (tuyển dụng 77% lực lượng lao động và chiếm 80% thị trường bán lẻ), trong một nền kinh tế cạnh tranh khốc liệt, các doanh nghiệp luôn luôn quan tâm tới chính sách cắt giảm chi phí, vì vậy, nguồn kinh phí cho các hoạt động quản trị nhân sự hay cho các hoạt động đầu tư dài hạn rất eo hẹp (Tran Ngoc Ca, 2006; Tran Thi Tuyet, 2015). Các doanh nghiệp thường không sẵn lòng bỏ thêm kinh phí đào tạo hoặc tham gia hỗ trợ đào tạo với các trường ĐH. Họ luôn hy vọng nhân viên mới có thể bắt tay vào công việc càng sớm càng tốt.

Trình độ đào tạo của người đứng đầu các doanh nghiệp cũng là điều cần bàn. Số liệu thống kê năm 2008 tại 63.000 doanh nghiệp thuộc 36 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ giám đốc doanh nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm gần 45%, số còn lại có trình độ từ trung cấp chuyên nghiệp trở xuống. Tỷ lệ này ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp hơn nữa, nhưng điều đáng bàn hơn là đa phần các lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam thiếu kỹ năng quản lý và thiếu kiến thức về quản trị nhân sự (Le Chien Thang & Truong Quang, 2005). Tinh hoa trong quản lý thường được phát triển dựa vào trải nghiệm thực tế trong công việc của họ (Fatseas, 2010; Trịnh Thi Hoa Mai, 2008). Trong khi đó việc kết hợp với các trường ĐH và đầu tư cho nguồn nhân lực trong tương lai lại cần một kế hoạch dài hơi, một nguồn kinh phí đủ mạnh và một sự đầu tư và tính toán có chiến lược. Với thực tế quản lý và vận hành các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam như hiện nay, để xây dựng một mối quan hệ bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp là điều không dễ dàng gì.

Động viên trường ĐH và doanh nghiệp bắt tay nhau

Với những khó khăn nội tại từ cả hai phía: các trường ĐH và các doanh nghiệp, việc đơn thuần chỉ đưa ra lời kêu gọi họ xích lại gần nhau khó có thể tạo được hiệu ứng cần thiết. Với tình trạng hiện tại, nhà nước cần có những chính sách và những điều luật phù hợp, vừa tạo sức ép với các cơ sở đào tạo, vừa tạo điều kiện cho hai phía bắt tay nhau. Một mặt, Luật giáo dục ĐH cần có những qui định rõ ràng về trách nhiệm của trường ĐH trong việc hợp tác với doanh nghiệp, bên cạnh đó, các chế độ đầu tư về con người, cơ chế và tài chính cho công tác định hướng nghề nghiệp cho sinh viên cũng cần được nhà nước chủ động đầu tư. Công tác đảm bảo chất lượng lấy các chỉ số về mối liên hệ với thị trường lao động (như việc lấy ý kiến của nhà tuyển dụng cho việc xây dựng chương trình đào tạo, khảo sát mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng đối với chất lượng sinh viên tốt nghiệp, khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm…) cần phải được đẩy mạnh và duy trì tính xác thực, đồng thời các trường phải công bố công khai các thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm căn cứ cho công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Về phía các doanh nghiệp, Luật thuế thu nhập cũng cần điều chỉnh, đặc biệt cần có những điều khoản cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho giáo dục. Việc khuyến khích bằng các cơ chế khích lệ như cắt giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình cho các trường, tham gia đào tạo sinh viên qua việc tham gia thuyết giảng hoặc tập huấn sinh viên thực tập, hay việc đầu tư tài chính cho các hoạt động giảng dạy và thực hành là cần thiết để tạo cú hích về tư tưởng cho các doanh nghiệp vốn không coi đào tạo là nhiệm vụ của mình. Thực tế cho thấy, khi chính quyền có tầm nhìn và đưa ra được những chính sách khuyến khích phát triển kinh tế, giáo dục tốt hơn như ở TP HCM hay Đà Nẵng, mối liên hệ giữa các trường ĐH với các doanh nghiệp trong việc thực hiện các nhiệm vụ chung trở nên khăng khít hơn. Chẳng hạn như, TP Đà Nẵng xây dựng vườn ươm công nghệ để hỗ trợ kết nối những người khởi nghiệp trẻ và các doanh nghiệp. Còn TP. HCM đã rất tích cực thực thi nhiều chính sách đổi mới sáng tạo, đã tạo ra chương trình liên kết như “chương trình 04” để phát triển công nghệ phù hợp với chi phí hợp lý, chủ yếu dựa vào các nghiên cứu trong nước, và Chương trình 04 đã trở thành một động lực mạnh mẽ cho các trường ĐH cộng tác với các doanh nghiệp. Từ đó doanh nghiệp và nhà trường có điều kiện hiểu nhau hơn và có thiện cảm với nhau hơn. Việc hỗ trợ để định hướng nghề nghiệp và đào tạo kỹ năng cũng vì thế được đánh giá là tốt hơn (Trần Ngọc Ca, 2006).

Hiện tại các mô hình kết hợp giữa trường ĐH và doanh nghiệp trên thế giới đã có rất nhiều, các đơn vị cần chủ động căn cứ vào đặc thù đào tạo và các điều kiện cụ thể của mình để tiến hành nghiên cứu, chọn lọc và áp dụng những mô hình đưa kiến thức về thị trường lao động vào trường học một cách phù hợp và thiết thực. Việc chủ động tìm kiếm các nguồn lực để gắn kết đào tạo với nhu cầu sử dụng thực tế, nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra trong điều kiện hạn hẹp về cơ chế và tài chính như hiện nay của các cơ sở đào tạo như ĐH Bách Khoa, ĐH FPT hay ở một số trường đã tham gia dự án phát triển giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam  – POHE cũng cần được khuyến khích và nhân rộng trong hệ thống giáo dục ĐH.

Tuy nhiên, sự thụ động của một bộ phận không nhỏ sinh viên cũng sẽ là chướng ngại vật cho chính họ trong quá trình chuyển dịch vốn đã rất khó khăn từ môi trường học tập sang môi trường làm việc thực tế. Quá trình trao quyền, trao trách nhiệm cho người học để họ làm chủ việc học tập, công việc và tương lai của mình là một quá trình dài hơi, cần sự thay đổi nhất định về phương châm giáo dục và sự kết hợp hài hòa giữa gia đình, nhà trường và các yếu tố tác động từ phía xã hội.

Việc dịch chuyển từ môi trường học tập ở đại học sang môi trường làm việc thực tế ở doanh nghiệp là một quá trình khó khăn cho sinh viên, không chỉ ở Việt Nam, mà còn nhiều nước trên thế giới. Ở Úc, trong vòng 14 năm trở lại đây, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm toàn thời gian cao nhất cũng chỉ là 84-85% (vào năm 2007, 2008) và thấp nhất là những năm kinh tế suy thoái gần đây: 76,1% năm 2012 và 71,3% năm 2013, 68,1% năm 2014 và năm 2017 là 71,8% (theo The Australian, 2014, The Conversation, 2018). Ở Canada, trong khi tỷ lệ thất nghiệp của toàn lực lượng lao động thường ở mức 7-8% thì tỷ lệ này ở những người trẻ là 14-16%. Nhìn chung, tình trạng sinh viên đại học ra trường không tìm được việc làm tương xứng với bằng cấp ở nhiều nước phát triển là khá phổ biến và được coi là một xu hướng bình thường trong nền kinh tế tri thức cạnh tranh. Sự cạnh tranh của lực lượng lao động có trình độ cũng sẽ giúp nâng chất lượng lao động của nền kinh tế. Vì vậy, tuy các trường đại học vẫn còn nhiều việc phải làm để tăng mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, nhìn chung, các nhà tuyển dụng ở đây thường hài lòng với chất lượng của các cử nhân đại học. Tuy nhiên, khác với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vấn đề của các nước phát triển dường như không nằm ở mức độ phù hợp của bằng cấp hay những kỹ năng mà người lao động được trang bị, sự ứ đọng nguồn nhân lực chủ yếu là do sự khan hiếm các cơ hội nghề nghiệp trên thị trường lao động, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái như hiện nay.

 

Tham khảo
Fatseas, M. (2010). Research-Industry cooperation supporting development in Vietnam: the challenge of translating policy into practice. In G. Harman, M. Hayden, & Pham Thanh Nghi (Eds.), Reforming higher education in Vietnam: Challenges and priorities (pp. 103-116). London: Springer.
George, E. S. (2010). Higher education in Vietnam 1986-1998: Education in transition to a new era? In G. Harman, M. Hayden, & Pham Thanh Nghi (Eds.), Reforming higher education in Vietnam (pp. 31-50). London: Springer.
Huynh Ngoc Long. (2012). Đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động (Training for the employment market). Paper presented at the Đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp (Training, research and technology transfer vs enterprise demands), Dong Nai, Vietnam.
Le Chien Thang, & Truong Quang. (2005). Human resource management practices in a transitional economy: A comparative study of enterprise ownership forms in Vietnam. Asia Pacific Business Review, 11(1), 25-47.
Tran Ngoc Ca. (2006). Universities as drivers of the urban economies in Asia: The case of Vietnam. In. Policy Research Working Paper: World Bank.
Trịnh Thi Hoa Mai. (2008). Liên kết đào tạo giữa nhà trường ĐH với doanh nghiệp ở Việt Nam (Education association between universities and enterprises in Vietnam). Journal of Economy – Law, Vietnam National University, Hanoi, 24(2008), 30-34.

 

 

Tác giả