Kinh tế Việt Nam 2022: Kịch bản tăng trưởng nào khả thi?

Trải qua một năm kinh tế nhiều màu xám, chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, bước vào năm 2022, Quốc hội đang đặt mục tiêu tăng trưởng cho cả năm là 6-6.5% nhưng liệu chúng ta có khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng này không? Những yếu tố nào ảnh hưởng tới tăng trưởng? Tia Sáng trao đổi với GS.TS Lê Văn Cường, Trường Kinh tế Paris (PSE), Đại học Paris 1 Pantheon-Sorbonne xung quanh vấn đề này.


Việc tăng hay giảm xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc kinh tế thế giới tăng hay giảm. Ảnh: Tapchicongsan

Tia Sáng: Mới đây chúng ta cũng mới biết là Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng là 6-6.5% nhưng cũng có ý kiến cho rằng mục tiêu đó là quá cao và có quá nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu này. Ông nghĩ gì về nhận định này?

GS. TS Lê Văn Cường: Để có thể dự báo được tăng trưởng thì chúng ta phải đặt giả thiết và tính toán các tham số ảnh hưởng. Trong ngắn hạn, chúng tôi đặt giả thiết nền kinh tế Việt Nam năm 2022 ở trạng thái Neo-Keneysian – tức là tiền lương danh nghĩa không thay đổi, giá biến động theo chi phí sản xuất, cầu hàng hóa và cầu lao động thấp hơn so với cung hàng hóa và cung lao động (trạng thái Neo-keynesian, khác với trạng thái Keynes nguyên thủy trong đó đặt giả thiết là giá và lương không biến đổi trong ngắn hạn). Đặc biệt sản xuất hàng hóa được xác định bởi cầu hàng hóa.

Với số liệu về kinh tế Việt Nam từ dữ liệu của Ngân hàng Thế giới tính theo đơn vị USD và lấy giá cố định vào năm 2010 (lấy năm 2010 làm năm gốc để so sánh mức độ tăng trưởng kinh tế), chúng tôi dùng phương pháp ước lượng OLS – để ước lượng các tham số cho các phương trình hồi quy và từ đó mô phỏng một số kịch bản tăng trưởng của Việt Nam.

Một số kết quả đáng chú ý là:

Tiêu dùng của các hộ gia đình: phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng của các hộ gia đình năm trước với hệ số tương quan là 0,55, còn hệ số tương quan với GDP nội địa là 0,38. Như vậy trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, nếu tiêu dùng năm nay tăng 1 đồng thì tiêu dùng của năm sau sẽ tăng khoảng 55 đồng, và nếu GDP tăng 1 tỷ đồng thì tiêu dùng sẽ tăng 380 triệu đồng.

Hàm đầu tư: cũng cho thấy đầu tư phụ thuộc nhiều vào GDP nội địa, với hệ số tương quan là 0,385.

Hàm xuất khẩu: tăng hay giảm xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào việc kinh tế thế giới tăng hay giảm, cụ thể là nếu kinh tế thế giới tăng 1% thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 5,39%. Ngược lại, nếu kinh tế thế giới giảm 1% thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 5,39%. Chúng ta thấy ngay cái lợi và cái bất lợi cho kinh tế Việt Nam khi kinh tế thế giới biến chuyển. Ở các nước phát triển, nếu kinh tế thế giới tăng (hay giảm) 1%, thì xuất khẩu sẽ tăng (hay giảm) quãng 1%. Nhiều nước đang phát triển cũng sử dụng xuất khẩu làm công cụ tăng trưởng. Bản thân tôi chưa bao giờ thấy một nước nào có một hệ số của xuất khẩu cao như ở Việt Nam. Nhưng có thể sau này, kinh tế Việt Nam thay đổi, hướng về thị trường nội địa hơn, thì hệ số này có thể giảm mạnh. Và như vậy, kinh tế Việt Nam sẽ ít bị tác động của kinh tế các nước ngoài. Tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào bản thân mình hơn.

Hiện nay IMF đang dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 4.9% vào năm 2022.

Nhập khẩu: phụ thuộc vào GDP trong nước rất cao, cụ thể là nếu GDP trong nước tăng 1% thì nhập khẩu sẽ tăng 2.6%.

 

Vậy có những kịch bản nào cho năm 2022?

Dựa vào các tham số đầu vào như trên đã nêu, chúng tôi dự báo các kịch bản tăng trưởng GDP và lạm phát trong năm 2022 của Việt Nam như sau:

Kịch bản 1: Nếu tăng trưởng thế giới ở mức 4.9% và tỷ lệ chi tiêu công là 10% GDP thì mô hình dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 7.1%, lạm phát 3.5%.

Kịch bản 2: Nếu tăng trưởng thế giới ở mức 4.9% và tỷ lệ chi tiêu công là 8% GDP thì mô hình dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6.6%, lạm phát 3.3%.

Kịch bản 3: Tăng trưởng thế giới ở mức 3.5% và tỷ lệ  chi tiêu công là 8% GDP thì mô hình dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 3.7%, lạm phát 1.8%.

Kịch bản 4: Tăng trưởng thế giới ở mức 4% và tỷ lệ chi tiêu công là 8% GDP mô hình dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 4.8%, lạm phát 2.4%.

 

Trong bốn kịch bản trên, ông nghĩ tới khả năng dễ xảy ra nhất ở kịch bản nào?

Với tình hình hiện nay, nếu tỉ lệ chi tiêu công là 8% thì chúng tôi cho rằng kịch bản lạc quan nhất là kịch bản 2 – kịch bản tăng trưởng cao nhất có thể đạt được là 6.6% GDP. Nhưng tôi thiên về khả năng xảy ra kịch bản 4 – tăng trưởng ở mức 4.8%, bởi vì hiện nay chúng tôi chưa nhìn thấy có dự báo và khả năng nào để kinh tế thế giới đạt tăng trưởng mức 4.9% trong năm 2022 – một yếu tố quan trọng giúp chúng ta đạt kịch bản 2.

Vì dựa vào mô hình, dựa vào những hàm chúng tôi đã tính toán cho xuất khẩu và nhập khẩu, thì xuất khẩu Việt Nam dựa vào kinh tế thế giới rất cao, có thể nói là nếu kinh tế thế giới tăng 1% thì xuất khẩu của Việt Nam tăng 5.3%, chẳng hạn như ở kịch bản 2 tăng trưởng thế giới là 4.9% thì GDP Việt Nam sẽ tăng 6.6%, trong khi đó nếu tăng trưởng thế giới tăng 4% thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ là 4.8%. Một trong những ảnh hưởng lớn nhất là ảnh hưởng xuất khẩu.
 

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có thể điều chỉnh tăng trưởng thông qua thay đổi tỷ lệ chi tiêu công của Chính phủ để có thể tác động đến tăng trưởng GDP.

 


GS.TS Lê Văn Cường. Nguồn ảnh: Đaibieunhandan.vn

Nếu chúng ta đạt kịch bản 4 – mức tăng trưởng khả thi nhất trong tình hình hiện nay thì cao hay thấp hơn các nước trong khu vực?

Cho đến thời điểm này, Nhật Bản và Hàn Quốc được IMF dự báo sẽ tăng trưởng quãng 3% vào năm 2022. Còn Trung Quốc thì được Morningstar dự báo sẽ tăng trưởng quãng 5%. Như vậy nếu Việt Nam đạt kịch bản 4 thì vẫn tăng trưởng cao hơn Nhật, Hàn Quốc nhưng đừng quá tự hào về điều đó. Vì những nước đã phát triển cao sẽ không tiếp tục có tăng trưởng cao lâu dài được vì đó là “quy luật” sản xuất với lợi tức giảm dần.

 

Chính phủ có thể điều chỉnh chi tiêu công để tác động tới mục tiêu tăng trưởng. Vậy ông có thể gợi ý chi tiêu công bao nhiêu là tối ưu cho Việt Nam?

Muốn biết chi tiêu công bao nhiêu là tối ưu thì phải biết mục tiêu của chính phủ là gì và còn phụ thuộc vào yếu tố tăng trưởng thế giới. Ví dụ, chính phủ đặt mục tiêu là 6% cho 2022. Nhưng nếu tăng trưởng thế giới là 4%, và nếu nhà nước đặt mục tiêu chi tiêu công là 8% GDP, thì câu trả lời của mô hình là mục tiêu sẽ không đạt được.

 

Ông vừa nói tới nền kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn nhất của xuất khẩu. Vậy thì ông và nhóm nghiên cứu có tính toán những yếu tố như kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng đến Việt Nam ra sao?

Hiện nay, tôi chưa biết Trung Quốc dự báo sẽ giảm tăng trưởng bao nhiêu % và đóng biên bao nhiêu %. Mô hình của chúng tôi không tính đến ảnh hưởng của từng nước cụ thể như Trung Quốc một cách cụ thể. Đó là một điểm yếu của mô hình chúng tôi cần phải cải thiện. Về sơ bộ tôi nghĩ rằng GDP của Trung Quốc có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam qua xuất khẩu nhưng có thể là không lớn lắm. Hơn nữa, hiện nay tôi không biết Trung Quốc dự báo sẽ giảm tăng trưởng bao nhiêu %.Theo số liệu năm 2020 GDP của Trung Quốc là 14.7 nghìn tỷ USD, GDP của toàn cầu là 84 nghìn tỷ USD, giả sử Trung Quốc sụt tăng trưởng quãng 2% thì tăng trưởng toàn cầu cũng không sút nặng. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến khả năng Trung Quốc giảm tăng trưởng khi làm giả thiết tăng trưởng trên thế giới sụt từ 4.9% xuống 4%. Thứ hai, đối với Việt Nam, Trung Quốc là một tác nhân về xuất nhập khẩu nhưng không nên quên còn những nước khác ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu muốn tính toán cụ thể hơn về ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc thì có một điểm khó là Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc một số hàng thiết bị phục vụ cho sản xuất nhưng hiện nay chúng ta không có số liệu để tính toán cho việc này – chúng tôi không rõ ảnh hưởng của nhập khẩu Trung Quốc lên trên thiết bị của Việt Nam là bao nhiêu.

 

Tính chính xác của dự báo phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu? vậy dữ liệu của các dự báo này thì sao?

Hiện nay chúng tôi dùng dữ liệu của ngân hàng thế giới và IMF, nhìn chung các số liệu ở Việt Nam tương đối chấp nhận được để phục vụ cho dự báo ngắn hạn. Tuy nhiên có những điểm mà số liệu chưa rõ ràng: Hiện nay chúng tôi chưa nắm được cụ thể chi tiêu công gồm có những khoản chi nào? Cần phải làm rõ chi tiêu công của nhà nước là có những gì trong đó, phân rõ ra: bao nhiêu cho lương, bao nhiêu vào đầu tư hạ tầng cơ sở, bao nhiêu cho thiết bị, bao nhiêu cho giáo dục đào tạo, cho y tế. Ngoài ra, chúng tôi cũng chưa rõ Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) được tính toán như thế nào. 

Do đó, nếu dùng những số liệu hiện nay, dự báo hiện nay cho ngắn hạn thì được nhưng lấy các dự báo này để làm kế hoạch lâu dài cho Việt Nam thì không ổn. Vì những lệch lạc (do thiếu số liệu) này trong ngắn hạn thì có thể sử dụng các điểm khác, gồm xuất khẩu, tiêu dùng của hộ gia đình, tăng trưởng của thế giới để bù đắp được, còn trong dài hạn thì bị lệch lạc rất nhiều. Đặc biệt TFP là một yếu tố quan trọng cho tăng trưởng trong trung hạn và dài hạn. Nên cần xác định rõ TFP là do những nhân tố nào tạo thành. TFP là yếu tố quan trọng để có tăng trưởng bền vững.

 

Trong bối cảnh số liệu còn thiếu thốn như vậy, công tác dự báo sẽ phải nêu rõ giả định, nhưng có vẻ nhiều dự báo và cách đặt chỉ tiêu ở Việt Nam không nêu rõ giả định?

Đấy chính là lý do chúng tôi minh bạch phương pháp và cách tính toán của mình1. Qua mô hình, các dự báo về GDP, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, nhập khẩu đều liên quan nhất quán với nhau.

Những giả thiết cũng được đưa ra một cách minh bạch. Chúng tôi hy vọng phương pháp dự báo này sẽ giúp các nhà làm chính sách có thể đưa ra các quyết định chính xác hơn và có thể lường trước các tính huống trong các kịch bản khác nhau. Tôi nghĩ là cần phải tạo ra không gian để dự báo một cách minh bạch, đóng góp cho nhau để dự báo tốt hơn, có phương pháp tốt hơn. Thứ hai là nó hoàn toàn có lợi cho C hính phủ Việt Nam vì thấy được phương pháp rõ ràng, tại sao thế này thế kia. Như vậy vừa có lợi về học thuật vừa có lợi về chính sách nhà nước.

Phương pháp này khác với một số dự báo dùng số liệu quá khứ để dự báo dựa trên những phương pháp thống kê, ví dụ, time series. Phương pháp của chúng tôi cho phép dự báo theo những chính sách kinh tế khác nhau hay tình hình khác nhau của kinh tế thế giới (về GDP, lạm phát). Chúng tôi không nghĩ là những phương pháp dựa thuần trên thống kê có thể dự báo kịch bản được.

 

Về dài hạn, ông nghĩ khả năng tăng trưởng của Việt Nam như thế nào?

Tôi chỉ nói về định tính thôi, vì muốn định lượng thì phải có số liệu, mô hình. Nhưng tôi cho rằng để tăng trưởng trong quãng 20-30 năm nữa sẽ phải dựa trên các yếu tố công nghệ, đổi mới sáng tạo, cùng với đầu tư vào sức khỏe, giáo dục. Vì trong tương lai, đổi mới sáng tạo là động lực thống lĩnh tăng trưởng ở Việt Nam, và muốn đổi mới sáng tạo thì phải có người biết sử dụng công nghệ, thiết bị, được đào tạo tốt. Có thể bước đầu chúng ta đi mua li – xăng, nhập khẩu công nghệ – tức là không có sáng tạo, nhưng chúng ta phải bước tới một bước mới là phải sáng tạo, có sáng chế, thì như vậy là phải đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu chứ không phải có được liền đâu. Tất cả các nước phát triển đều phải đẩy mạnh đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo quãng 1% đến 3% GDP và có những đánh giá đo lường rất chặt chẽ về hiệu quả đầu tư (số lượng li-xăng, số lượng bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế chất lương cao, bao nhiêu đại học lọt vào top 10, 100, 300…). Chúng ta muốn tăng trưởng có chất lượng thì không thể làm khác đi được.

Tôi cũng lưu ý lại một điểm quan trọng: mô hình này được chúng tôi sử dụng để dự báo ngắn hạn. Theo kinh nghiệm của tôi không thể dự báo tăng trưởng trong dài hạn được, cho bất cứ một nước nào vì: Không thể biết trước chính sách kinh tế của nước sở tại hay của các nước bên ngoài (ví dụ: tiêu dùng công, lãi suất, tỷ giá hối đoái); Có thể xảy ra những đột biến mà chúng ta không lường trước được (COVID là một ví dụ).

Nhưng không phải vì vậy mà không nên xây dựng mô hình kinh tế vĩ mô cho Việt Nam khi đã có chuỗi số liệu khá dài, có thể xây dựng mô hình với những phương pháp như tôi đã nói phía trên. Sau đó, một nhóm nghiên cứu hay một cơ quan kinh tế đưa ra một số mục tiêu, ví dụ như tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát… cho một khoảng thời gian (theo tôi 5 năm là tối đa),  và  sử dụng mô hình để định lượng những chỉ tiêu như chi tiêu công, đầu tư công, lãi suất danh nghĩa…để đạt được các mục tiêu đã nêu ra.

 

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 

Bảo Như thực hiện

—–

Chú thích:

1 Bạn đọc tìm hiểu thông tin chi tiết hơn về cách tính toán tại đây:

https://www.facebook.com/events/1554877528205929/?post_id=1556490711377944&view=permalink và tìm đọc file Slides Econ Model-V2.pdf

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)