Lắng nghe và trọng dụng người tài

Thế giới đang thực hiện Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với những thay đổi như vũ bão. Mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và từng nhà nước buộc phải thay đổi càng sớm càng tốt nếu không muốn trở nên lạc hậu và lạc điệu so với sự phát triển của nhân loại.


Startup VNi nghiên cứu sử dụng công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) để tái hiện các dự án bất động sản.

Hiện nay đã có 200 thành phố đã và đang được xây dựng để trở thành thành phố thông minh (smart cities) với giao thông thông minh, dịch vụ công thông minh, thương mại điện tử, giao hàng tận nhà. Xe ô tô điện tự lái sử dụng năng lượng mặt trời sẽ giảm ô nhiễm, không tốn xăng sẽ thay thế taxi truyền thống. Kinh tế chia sẻ cho phép Uber cung ứng dịch vụ đi lại trên 92 nước mà không hề sở hữu một xe ô tô nào, hãng Airbnb chào mời hàng trăm ngàn phòng cho thuê mà không sở hữu một khách sạn nào… Kinh tế số hóa với ngân hàng số hóa, giao dịch không dùng tiền mặt và đồng tiền số hóa Bitcoin từng bước thay đổi diện mạo ngân hàng. Giáo dục đào tạo, thi cử qua mạng, chính phủ điện tử v.v… đều góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống.

Sáng tạo, đổi mới khoa học-công nghệ là nhân tố quyết định sức mạnh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Nếu trước đây “trâu chậm uống nước đục” thì nay “cá chậm sẽ không còn gì mà ăn vì cá nhanh đã xơi hết”, máy ảnh kỹ thuật số đã thay thế phim Kodak và điện thoại di động thông minh của Samsung đã lấn át hẳn điện thoại Nokia. Điều mấu chốt là phải có khả năng thương mại hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Nếu như bao nhiêu năm cứ lặp đi lặp lại câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì” mà không đem lại bất kỳ thay đổi nào thì nay nhà kính, công nghệ tưới tiêu Israel, tiến bộ sinh học đã đưa rau quả, trái cây Việt Nam ra thị trường thế giới. Bưởi da xanh từ miền Nam đã được di thực thành công ra miền Bắc, cá tầm từ Nga đã được di thực thành công về nuôi ở Sapa, đem lại thu nhập cao cho người dân và lợi ích cho người tiêu dùng. Chính cơ chế thị trường tự do kinh doanh theo pháp luật, cạnh tranh bình đẳng đã tạo ra môi trường sinh thái cho các sáng kiến đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đối với Nhà nước, điều quan trọng là phải tạo ra hành lang pháp lý an toàn và sự ủng hộ trong xã hội cho sáng tạo và đổi mới, khuyến khích tư duy phản biện, phê phán, đặt câu hỏi về những điều lâu nay vẫn được coi là “chân lý thiêng liêng, vĩnh cửu”, tìm giải pháp mới, phương pháp mới. Thay cho không khí gia trưởng trong học thuật hay dạy học sinh phải “ngoan, vâng lời, gọi dạ, bảo vâng” thì hãy dạy các em đặt câu hỏi, tranh luận bình đẳng với thầy, cô giáo.

Nhà nước ủng hộ đổi mới phải trọng dụng nhân tài trong nước và quốc tế, thực sự cầu thị và lắng nghe những góp ý cho sự phát triển của đất nước. Nhà nước phải có các biện pháp, chính sách cụ thể khuyến khích sáng tạo, lập quỹ đầu tư mạo hiểm để tạo điều kiện thuận lợi cho những sáng chế, phát minh được đưa từ phòng thí nghiệm ra thị trường trong thời gian ngắn nhất. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng nhái, hàng giả, tạo khung khổ pháp lý để bảo vệ và hợp pháp hóa các sản phẩm mới, công nghệ mới. Không thể áp đặt luật pháp cũ, tư duy cũ cho những phát minh mới. Bộ máy nhà nước phải linh hoạt điều chỉnh luật lệ cho phù hợp với sự phát triển thực tế.

Hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam phát huy được một số lợi thế so sánh về nông và thủy sản, thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu bằng ưu đãi thuế và lao động giá rẻ nhưng đang bộc lộ những yếu kém rõ nét về thể chế, sáng tạo và đổi mới khoa học và công nghệ. Các đại gia của Việt Nam đã giàu lên chủ yếu nhờ khai thác tài nguyên, quan hệ thân hữu theo nhóm lợi ích, không có sáng chế, phát minh, công nghệ nào để đầu tư ra nước ngoài. Doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, doanh nghiệp tư nhân còn nhỏ bé, đa số tìm kiếm lợi nhuận bằng khai thác chênh lệch giá đất và chia sẻ trong nhóm lợi ích bất chính, rất ít doanh nghiệp có chiến lược lâu dài đầu tư vào khoa học và công nghệ. Hy vọng mới lóe lên trong phong trào khởi nghiệp sáng tạo của tầng lớp trẻ với những khai phá mới như e.doctor (bác sỹ điện tử nối mạng với bác sỹ qua điện thoại thông minh), kết nối theo chuỗi giá trị quốc tế với doanh nghiệp nước ngoài v.v. Giáo dục và đào tạo đang bộc lộ những yếu kém nghiêm trọng trong đào tạo ra những con người “dám nghĩ, dám làm”, có kỹ năng hợp tác, thông thạo ngoại ngữ, suy nghĩ sáng tạo. Yếu kém bao trùm là thể chế quan liêu, trọng dụng người nhà hơn người tài, chạy chức, chạy quyền. Mặc dầu Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhà nước liêm chính nhưng hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn kéo dài, nhiều dự án đầu tư công nghệ tiên tiến như xử lý rác thải để sản xuất điện bị bế tắc vì “phí bôi trơn” quá cao v.v. Cần thẳng thắn chỉ ra tác hại của thể chế, nếu tình trạng này không cải thiện không ít doanh nhân Việt sẽ lập doanh nghiệp ở Singapore hay Thái Lan và nền kinh tế sẽ bị rút ruột về vốn, công nghệ và nhân tài.

Hy vọng Mùa Xuân sẽ mở ra một làn sóng sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đưa đất nước vào quỹ đạo tăng trưởng bền vững.

 

Tác giả

(Visited 12 times, 1 visits today)