Lý Đăng Huy: Nhà kỹ trị xuất chúng

Sự phát triển kinh tế thần kỳ của các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan) trong nửa sau của thế kỷ 20 cho thấy vai trò mang tính quyết định của những lãnh đạo giỏi theo trường phái kỹ trị1. Nổi bật trong số đó là trường hợp cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy.


Cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy (1923 – ) vẫn còn rất minh mẫn dù đã 95 tuổi. Ảnh: Defense.pk

Dù chỉ là một hòn đảo nhỏ, ít tài nguyên, lại hay bị thiên tai và có xuất phát điểm thấp với hàng triệu người sống trong cảnh nghèo đói trong thập niên 1950, nhưng chỉ sau 30 năm, Đài Loan đã cất cánh, hóa rồng và dân chủ hóa thành công. Có nhiều nguyên nhân – cả trực tiếp lẫn gián tiếp – lý giải cho kỳ tích này, song quan trọng nhất có lẽ là do chính quyền Đài Loan đã xây dựng được một chính phủ kiến tạo, giúp huy động hiệu quả các nguồn lực vào việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Có lẽ, mô hình ấy đã không thể hoạt động hiệu quả nếu thiếu tài năng và đóng góp của những lãnh đạo kỹ trị tài giỏi – có trách nhiệm, dám quyết định, làm việc vì dân vì nước nhiều hơn là cho cá nhân. Trong đó, Lý Đăng Huy chính là một ngôi sao sáng nhất.

Học giả và chính khách

Sinh trưởng trong thời kỳ cai trị của Đế quốc Nhật Bản, tiếp đó là Quốc Dân Đảng Trung Hoa (chạy sang sau khi thua trận ở Đại lục), Lý rất thấu hiểu và thông cảm với khát vọng thịnh vượng, công bằng, dân chủ của những người đồng hương Đài Loan bản địa và ý thức được rằng chính quyền cần tôn trọng ước nguyện đó nếu muốn được người dân ủng hộ. Từ thập niên 1960, bằng tài năng, phong cách kỹ trị và sự nhẫn nại, Lý được cố Tổng thống Tưởng Kinh Quốc để ý, mời tham gia chính trường, trải qua nhiều chức vụ như Bộ trưởng không Bộ, Thị trưởng Đài Bắc, Chủ tịch Tỉnh Đài Loan, trước khi trở thành Phó Tổng thống và được Tưởng chỉ định kế vị, chấm dứt chế độ “cha truyền con nối”. Khi lên thay Tưởng (qua đời) năm 1988, được bầu làm Chủ tịch Quốc dân Đảng và trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên vào năm 1996, Lý thật sự đã hoàn thành rất nhiều sứ mệnh, bên cạnh phát triển kinh tế là từng bước mở rộng không gian cho các quyền tự do, tự nguyện giảm bớt quyền lực và ảnh hưởng của Quốc dân Đảng để thiết lập một nền tảng dân chủ vững chắc cho đảo quốc. Tới nay, so với nhiều quốc gia phát triển khác ở châu Á như Hàn Quốc, Hongkong và Singapore, người Đài Loan có vẻ đã đạt mức độ tự do dân chủ cao hơn và cũng không thua kém châu Âu là mấy.   

Cá nhân Lý Đăng Huy vốn được đánh giá mang phong cách của một trí thức hơn là chính trị gia lão luyện. Học giỏi, Lý tốt nghiệp Đại học đế chế Kyoto Imperial University (Nhật Bản) chuyên ngành kinh tế, Đại học Quốc gia Đài Loan (National Taiwan University – NTU) chuyên ngành nông nghiệp, lấy bằng thạc sĩ tại Iowa State University (Mỹ) và tiến sĩ kinh tế nông nghiệp tại Cornell (Mỹ), trước khi về nước làm giáo sư tại NTU. Đáng chú ý, luận án tiến sĩ của Lý, Intersectoral Capital Flows in the Economic Development of Taiwan, 1895–1960 (tạm dịch: Luồng vốn tư bản liên ngành trong sự phát triển kinh tế Đài Loan, giai đoạn 1895 – 1960), được trao giải luận văn xuất sắc nhất năm 1968 của Hiệp hội Kinh tế Nông nghiệp Mỹ (American Association of Agricultural Economics), và vẫn có ảnh hưởng nhất định cho đến hôm nay.

Ưu tiên nông nghiệp

Nhờ am hiểu Nhật Bản2 và là một chuyên gia kinh tế nông nghiệp, từ sớm Lý đã sang Nhật tìm hiểu và nghiên cứu về chính sách đất đai của nước này trong thời hậu chiến. Cụ thể, Lý đã dành nhiều tháng trời để phân tích Đạo luật đất nông nghiệp Nhật Bản (Agricultural Land Bill) – được Nghị viện Nhật thông qua ngày 15/7/1952 và có tác động lớn đối với sự phát triển kinh tế Nhật. Ngoài ra, Lý còn nghiên cứu về chính sách nông nghiệp dưới thời Thủ tướng Ikeda Hayato (giai đoạn 1960 – 1964), khi ấy nền kinh tế tăng trưởng thần kỳ của Nhật khiến cả thế giới phải trầm trồ thán phục. Từ những phân tích của mình, Lý nhận ra: các hộ nông dân Nhật đã phải chịu đựng nhiều cú sốc lớn vì sự đánh đổi, khi chính phủ nước này lấy đi một phần lớn diện tích đất nông nghiệp cho mục tiêu công nghiệp hóa. Theo đó, tổng diện tích đất nông nghiệp co lại sẽ gây ra hệ quả: giá đất tăng vọt và hàng triệu nông dân bị buộc phải từ bỏ nghề nông. Mặc dù tổng sản phẩm quốc dân GNP của Nhật, trên thực tế gia tăng rất mạnh, nhưng một khi những cú sốc nghiêm trọng xảy ra, như suy giảm kinh tế, hàng triệu nhân công Nhật có thể sẽ mất việc làm. Chắc chắn, sự phát triển thần kỳ của Nhật trong thập niên 1960 đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các tập đoàn khổng lồ, song chính nó cũng góp phần khiến cho không ít nông dân nghèo đi – vì phần lớn thu nhập của họ là không tăng nhiều trên thực tế. Do đó, khi trở về, Lý xác định và quyết tâm phải giúp Đài Loan tránh được “cạm bẫy” này bằng nhiều bản kế hoạch và đề xuất.


Lý Đăng Huy và Tưởng Kinh Quốc (1910 – 1988). Ảnh: Quora.com

Lý Đăng Huy luôn ý thức được rằng việc cân bằng giữa tăng trưởng công nghiệp và bảo vệ lợi ích của nông dân cần phải là mối ưu tiên hàng đầu đối với tương lai kinh tế Đài Loan. Lý luôn nắm vững tư tưởng của nhà kinh tế đoạt giải Nobel Theodore W. Schulz, nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp như một thành tố đóng góp tích cực nhất vào sự phát triển kinh tế quốc dân và chính sách nông nghiệp hợp lý chỉ có thể đạt khi các nhân tố phi nông nghiệp khác – như phúc lợi xã hội, phân bố dân cư và đào tạo hướng nghiệp – được coi trọng.

Năm 1973, Lý tham gia và là kiến trúc sư trưởng xây dựng Đạo luật Phát triển Nông nghiệp (Agricultural Development Act). Cũng trong thời kỳ này, một số tổ hợp công nghiệp của Đài Loan, vận động chính quyền cho phép họ mua nhiều đất nông nghiệp hơn để phục vụ mở rộng quy mô. Lấy ví dụ, Tập đoàn nhựa Formosa, nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ tại khu vực nông thôn, đã huy động rất nhiều tiền mặt để mua 3880 hecta đất với giá thị trường khoảng hơn 40.000 Đài tệ (1000 USD) mỗi hecta. Tuy nhiên, Lý đã phản đối kế hoạch này dữ dội, viện dẫn những gì đã xảy ra đối với khu vực kinh tế nông nghiệp và dân cư nông thôn Nhật Bản trong thập niên 1960. Bằng những tài liệu và thống kê chuyên sâu, Lý lập luân rằng nếu Formosa được cấp phép, khoảng gần 100.000 hecta đất sẽ bị thôn tính tiếp để làm khu công nghiệp và ít nhất nửa triệu nông dân sẽ bị ép phải từ bỏ công việc kinh doanh vừa và nhỏ, truyền thống của mình. Hơn thế nữa, những diện tích đất bị thu mua đó sẽ dễ dàng trở thành đối tượng của tình trạng đầu cơ và gây nên lạm phát. Bên cạnh đó, vì nền công nghiệp của Đài Loan khi ấy hãy còn ở giai đoạn “bán khai” hay vị thành niên, các thành phố sẽ khó có khả năng tiếp nhận hết lượng dân cư dư thừa ở nông thôn. Và với điều kiện phúc lợi cùng mạng lưới an sinh xã hội chưa được hoàn chỉnh, sẽ mang đến rất nhiều vấn nạn, gây hỗn loạn xã hội. Trong nhiều phiên họp nội các, Lý chính là bộ trưởng duy nhất phản đối đề xuất sửa luật – giúp các tập đoàn lớn tìm kiếm đặc lợi (rent-seeking) nhờ chiếm đất hơn là giúp ích cho người dân và đất nước. Cuối cùng, Tưởng Kinh Quốc (khi ấy còn làm Thủ tướng), bị thuyết phục bởi các ý tưởng của Lý về vốn tri thức, chính sách đất đai và kinh tế nông thôn, đã bác yêu sách của các tập đoàn. 

Lý luận và thực tiễn      

Lý Đăng Huy không chỉ là người thường xuyên phê phán chính sách công nghiệp hóa vô tội vạ, mà còn có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển hài hòa, cân bằng của kinh tế Đài Loan. Tin tưởng vào sự tiến bộ, Lý hiểu xu thế công nghiệp hóa và đô thị hóa là không thể cưỡng lại, nhưng cần đảm bảo có biện pháp hạn chế bớt những mặt trái do sự biến đổi kinh tế – xã hội sâu sắc gây ra. Chính vì vậy, Lý đã đề xuất đầu tư thêm vốn và nguồn lực cho nhiệm vụ hiện đại hóa nông nghiệp, thông qua hoạt động cơ giới hóa và đào tạo nghề cho nông dân, hỗ trợ chuyển đổi công ăn việc làm tại các địa phương. Điều này cho thấy, Lý không chỉ là người hiểu rõ các lý thuyết kinh tế mà còn vận dụng chúng trong thực tế rất thành công.

Trong thời gian 6 năm làm bộ trưởng, Lý Đăng Huy đã công bố hơn 100 bài báo thể hiện tầm nhìn của mình, với tư cách một học giả hàng đầu, chuyên về nông nghiệp. Trên thực tế, Lý đã chỉ đạo, điều phối rất hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho nông dân, thúc đẩy xây dựng thêm nhiều trường học, đường xá, kho bãi nông sản, hệ thống thủy lợi và kiểm soát lũ lụt, các cơ sở y tế công cộng và phòng khám bệnh mới, mở rộng lưới điện, điện thoại và hệ thống cấp thoát nước tới các ngôi làng lớn nhỏ trên khắp đảo quốc. Nhờ đó, với một cơ sở hạ tầng văn hóa nông nghiệp tương đối hoàn thiện ngay tại chỗ, lực lượng lao động nông thôn của Đài Loan có thể tiếp tục tham gia vào những lĩnh vực, ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, dệt may, sửa chữa, lắp ráp thiết bị, hay trồng hoa cho mục đích thương mại, … Người dân nông thôn cũng được khuyến khích sử dụng ô tô, xe máy nhiều hơn để rút ngắn khoảng cách trong quá trình chuyển đổi nhân khẩu học giữa thành thị và nông thôn.
Ngoài ra, nhiều ý tưởng và đề xuất của Lý cũng được đưa vào Đạo luật Phát triển Nông nghiệp (Agricultural Development Act) do Viện Lập pháp (Legislative Yuan) thông qua vào tháng 9/1973. Bên cạnh đó, Lý còn sáng lập Quỹ nghiên cứu phát triển nông nghiệp (Agricultural Research Development Fund) – tháng 9/1974; Quỹ phát triển sữa (Milk Development Fund) – tháng 3/1975; Hiệp hội nuôi lợn thịt (Hog-raising Association) – tháng 8/1975. Chưa kể, bản đề cương trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản do Lý soạn thảo cũng được đưa vào luật tháng 3/1977, và những gợi ý về việc giảm thuế đánh vào gạo cũng nhanh chóng trở thành chính sách của chính phủ trong cùng năm. Nhờ vào chuyên môn xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, Lý được chính quyền Tưởng Kinh Quốc cử làm đại sứ nhằm thiết lập, nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với các quốc gia kém phát triển hơn ở châu Phi, Mỹ La-tinh và Thái Bình Dương – nơi vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thông qua viện trợ vốn, khoa học kỹ thuật và đào tạo nhân lực, trong đó có nông nghiệp.
Có thể nói, nhà kỹ trị tài ba Lý Đăng Huy đã có công rất lớn, dẫn dắt Đài Loan phát triển vượt bậc và tạo nên kỳ tích (Taiwan Micracle)3 – trở thành hình mẫu đáng học hỏi cho những nhà hoạch định chính sách tại các quốc gia đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam.

Chú thích
* Phần lớn ý chính trong bài viết này được đúc kết từ cuốn sách Lee Teng-hui and Taiwan’s Quest for Identity (Shih-Shan Henry Tsai, 2005). Tạm dịch: Lý Đăng Huy và công cuộc tìm kiếm bản sắc của Đài Loan.  
1. Kỹ trị (technocracy) là khái niệm dùng để chỉ một hệ thống quản trị, nơi các nhà hoạch định chính sách được tuyển chọn dựa trên chuyên môn, đặc biệt là kiến thức khoa học trong các lĩnh vực, chứ không phải đảng phái, phe nhóm hay quan hệ chính trị. Hệ thống này tương phản với quan niệm cho rằng nên để các đại diện do dân bầu nên ra quyết định trong chính phủ, dù điều đó không nhất thiết là phải loại bỏ hệ thống dân chủ đại diện.
2. Hưởng nền giáo dục trong thời Nhật cai trị Đài Loan, Lý Đăng Huy rất có thiện cảm với người Nhật. Thậm chí, tại thời điểm năm 1996 khi được bầu làm Tổng thống dân cử đầu tiên của Đài Loan dân chủ, Lý nói tiếng Nhật có phần còn tốt hơn cả tiếng Quan Thoại.
3. Trong giai đoạn 1952 – 1986, GDP của Đài Loan tăng trưởng trung bình hơn 8%, cá biệt có những năm vượt quá 12% như 1973. GDP đầu người năm 1975 chỉ là 700 USD, tới năm 1987 đã đạt gần 5000 USD và Đài Loan trở thành nước có dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai thế giới khi đó (chỉ sau Nhật Bản).

Tác giả