Mạng xã hội và những kỳ vọng ảo

Là một người đấu tranh và bảo vệ nữ quyền hơn 20 năm ở Việt Nam, có lẽ TS. Khuất Thu Hồng hiểu rõ sức mạnh của mạng xã hội khi phong trào #Metoo bùng nổ và bà cũng tham gia.


TS. Khuất Thu Hồng đặt vấn đề, mạng xã hội được tạo ra để giải phóng con người nhưng lại ngày càng trói buộc họ.

Một phong trào trên internet thúc đẩy các nạn nhân bị quấy rối tình dục lên tiếng và chia sẻ câu chuyện của mình, xuất phát từ Mỹ sang tới một nơi chịu ảnh hưởng Nho giáo mạnh mẽ như Việt Nam. Nó như một cơn sóng làm bật tung những áp lực xã hội to lớn vốn đè nặng lên những nạn nhân buộc họ phải im lặng và giáng một đòn chí mạng cho những kẻ vẫn hả hê dùng quyền lực để chà đạp lên nhân phẩm phụ nữ, tất cả chỉ trong vòng vài tháng.

Mặc dù vậy, TS. Khuất Thu Hồng vẫn đầy dự cảm không hay về tương lai của con người trước mạng xã hội. Bà gọi mạng xã hội là “Phát minh vĩ đại và rồ điên vì nó làm cho chúng ta trở nên tiến bộ và vô cùng mạnh mẽ nhưng cũng khiến cho chúng ta trở thành ‘anh hùng bàn phím’, lợi dụng để mạt sát, chửi rủa lẫn nhau, trốn tránh thực tại,”. Trong buổi nói chuyện: “Ta đã làm gì đời ta…trong thế giới ảo” do bà khởi xướng cùng Tia Sáng gần đây, với sự tham dự của TS. Đặng Hoàng Giang, tác giả của cuốn sách bán chạy “Thiện, ác và smartphone” và TS. Giáp Văn Dương, họ cùng trao đổi về những tiêu cực của mạng xã hội và internet, đã làm tan vỡ những ước mơ tốt đẹp của con người khi tạo ra chúng như thế nào.    

Mạng xã hội có khiến con người mất tự do?

TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, mạng xã hội được tạo ra để giải phóng con người nhưng lại ngày càng trói buộc họ. Con người càng phơi bày cuộc sống riêng tư, cá nhân của mình trên mạng thì càng cảm thấy cô độc. Họ thay đổi từ việc suy nghĩ rất kĩ trước khi viết trở nên không ngần ngại “nghĩ sao viết vậy”, sử dụng từ những từ viết tắt cho đến chửi bới, “những từ tồi tệ nhất” trên Facebook. Nhờ mạng xã hội mà con người không chỉ sống cuộc đời của mình, còn được sống cả cuộc đời người khác khi đọc, bình luận, phán xét, can thiệp vào chuyện của họ. Mạng xã hội, với sự ảo của nó cho người ta cảm giác được tự do biểu đạt, tự do nêu ý kiến nhưng đồng thời cũng cho người ta quyền cướp đi tự do của nhau, khiến người ta trở nên độc ác và tàn nhẫn, chà đạp và mạt sát người khác. Cuối cùng, thứ tư do mà chúng ta tưởng, chỉ là thứ “tự do ảo”.


 TS. Đặng Hoàng Giang nhận định “Rất tiếc với nhiều tiềm năng, mạng xã hội đã trở thành một quán bia khổng lồ, triệu người tán nhảm, lăng nhục lẫn nhau”.

Việt Nam có hơn 60% dân số đang sử dụng mạng xã hội với thời gian sử dụng mỗi ngày là 2,5 tiếng (còn thời gian sử dụng internet là xấp xỉ 7 tiếng). Trong bữa cơm, cũng có những gia đình mỗi người lại ngồi một góc nhìn vào màn hình điện thoại. Công nghệ này cho con người cảm giác được giải thoát khỏi cuộc đời trôi đều đặn hằng ngày, tránh xa những nỗi muộn phiền về gia đình, đồng nghiệp và hàng xóm láng giềng. TS. Khuất Thu Hồng lấy ví dụ về Second Life, một nền tảng game cho phép con người tạo ra một cuộc đời thứ hai trên mạng (mỗi người chơi được đại diện bởi một avatar 3D và họ có thể xây những ngôi nhà mơ ước, làm những công việc mình khao khát, gặp người bạn đời lý tưởng) để minh chứng cho luận điểm này. Sau khi Facebook ra đời, Second Life vẫn thịnh hành và có vài chục triệu người dùng trung thành. Có những người với thời gian biểu không thể dày đặc và căng thẳng hơn, vẫn dậy thật sớm để chơi trước khi bước vào một ngày mới thực sự. Người ta tìm đến mạng xã hội, như tìm một nơi an ủi tâm hồn khi những người xung quanh họ hằng ngày, không đủ khả năng để chia sẻ những day dứt, dằn vặt của họ về thời cuộc. Dồn tâm huyết vào mạng xã hội là cách để người ta chạy trốn thực tại, để không phải đối diện với sự thật.

Mạng xã hội cho người ta hoài niệm về quá khứ, tìm lại bạn cũ; cho người ta tưởng tượng cuộc sống là hoàn hảo; cung cấp cho người ta những ứng dụng để xem trước tương lai, nhìn về kiếp trước…Với tất cả những gì mạng xã hội mang lại, TS. Khuất Thu Hồng thấy “thế giới ảo” như đang tràn ra khắp các chiều cạnh và cấp độ, cái gì cũng mạnh hơn và bà lo sợ về tương lai với sự phát triển của công nghệ, sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo, liệu con người có trở nên “sống ảo toàn tập”? Liệu những phát minh để làm cho con người hạnh phúc rồi có khiến cho họ khổ sở? Bà lấy ví dụ về con robot sẽ làm hộ bà tất cả mọi việc, điều mà các nhà công nghệ đang nỗ lực tạo ra, liệu có khiến con người vui vẻ, rảnh rang hay rồi lại khiến họ cảm thấy xa lạ với chính ngôi nhà của mình?

Mạng xã hội có kéo lùi sự phát triển?

TS. Đặng Hoàng Giang cũng không phải là một người nhiều hi vọng về tương lai của công nghệ. Và ngay trong câu chuyện về robot của TS. Khuất Thu Hồng, ông cũng tin rằng, sẽ là cả một vấn đề đau đầu nếu chú robot thân thiết với con người bị hỏng và khiến họ đau buồn hay “trở mặt” thay đổi mã khóa cửa ra vào và cướp tiền của chủ nhà. Công nghệ nói chung và internet nói riêng khi mới ra đời được kỳ vọng rất nhiều với tạo ra một “ngôi làng toàn cầu”, tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người bất kể xuất thân và sắc tộc, giúp họ chia sẻ ý tưởng và liên kết với nhau. Nhưng, sau hai, ba thập kỷ, giấc mơ nhanh chóng biến thành ác mộng, ngôi làng kì diệu đó có thể là nơi lưu trữ những ý tưởng tốt đẹp nhưng cũng là địa ngục đầy những thị phi và xô xát.

Trong buổi nói chuyện, TS. Đặng Hoàng Giang tóm lược lại những gì ông đã viết trong quyển sách ăn khách “Thiện, ác và smartphone” của mình, lý giải tại sao những khía cạnh tích cực của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng lại bị suy tàn trên quá trình vận hành của nó. Về cấp độ cá nhân, mạng xã hội khơi dậy chủ nghĩa ái kỷ, kích thích cảm giác muốn được tung hộ, được tán thưởng, khao khát được “like”. Ngoài đời, một người khó có cơ hội được nói trước đám đông và tán thưởng nhưng làm được điều đó trên mạng thật dễ dàng, khiến cho người ta sớm “nghiện” và không thể chịu được nếu không đăng gì đó: Đứng trước hoàng hôn tuyệt đẹp mà không có ảnh để đăng trên Facebook thì giây phút đó coi như không xảy ra, cảm xúc chiêm ngưỡng hoàng hôn không còn đầy đủ và trọn vẹn. Không ngạc nhiên mà vì thế, con người không ngại ngần lột trần những gì riêng tư, cảm xúc phụ thuộc vào đám đông và không chịu được cảm giác một mình. Về cấp độ cộng đồng, hình thức làm nhục công cộng từ thời kỳ trung cổ và phong kiến giờ lại có cơ hội phục sinh trong thời hiện đại với một mức độ mạnh mẽ hơn. Bất kì ai cũng có “tiềm năng bị làm nhục”, không chỉ họ ngoại tình, trộm cắp mà vì họ hát quốc ca không đúng kỳ vọng của đám đông, vì họ chơi “Ai là triệu phú?” trên truyền hình và trót không biết canh cua nấu với rau gì. Sự trừng phạt trên mạng, khủng khiếp đủ khiến người ta tự tử hoặc đi nơi khác để sống. Bên cạnh làm nhục công cộng, còn là “hình thức công lý mạng” – một thứ công lý thô sơ do đám đông quyết định, dựa trên nguyên lý “kẻ mạnh thắng kẻ yếu”, “đa số thắng thiểu số” mà không có một cơ chế bảo vệ nạn nhân. Nhiều người nhân danh đám đông để miệt thị những người khác quan điểm với mình. Các ý kiến khác nhau trong cộng đồng, thay vì tìm cách chung sống để tiến tới đồng thuận, lại càng trở nên phân cực và chia rẽ con người. “Chúng ta chỉ biết người ta qua một avatar bé tẹo với một cái tên. Chúng ta dễ độc ác và không nhìn thấy sau đấy là một con người bằng xương bằng thịt” – TS. Đặng Hoàng Giang nói. Internet cũng không cho phép quên những lỗi lầm của người khác, dù là nhỏ nhất. Qua nhiều năm, nếu các trang tìm kiếm không thêm những thông tin mới về cuộc đời của những người phạm lỗi, họ sẽ bị “dán nhãn” suốt đời và không được trao cho cơ hội quay trở lại cuộc đời bình thường. Người ta đã mơ ước mạng xã hội có thể thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, trao cho những người thấp cổ bé họng quyền được lên tiếng và bảo vệ mình nhưng cuối cùng, mong muốn ấy cũng tan tành vì vụ bê bối Cambridge Analytica đã cho thấy, mạng xã hội có thể thao túng cả một quy trình bầu cử của một nền dân chủ lâu đời. Với cốt lõi kinh doanh làm thế nào để người dùng dành nhiều thời gian trên mạng ngày càng tốt, các mạng xã hội chỉ bủa vây con người bằng những thông tin mà họ muốn đọc, muốn xem, muốn nghe. Xung quanh mỗi người, sẽ chỉ toàn những người có suy nghĩ giống hệt họ: Khi ta nói thì mọi người tán thưởng, khi mọi người nói thì ta tán thưởng. Chúng ta không hay biết về những người có ý kiến khác với mình. Cộng đồng bị xé lẻ thành các nhóm mà mỗi nhóm ngồi trong căn phòng đồng vọng của riêng mình, không quan tâm và không hiểu người khác tại sao lại có quan điểm như vậy và liệu có thể thương thuyết để tạo được sự đồng thuận. Thế giới chia thành hai cực, như kẻ thù của nhau, nhóm đồng ý và không đồng ý. “Rất tiếc với nhiều tiềm năng, mạng xã hội đã trở thành một quán bia khổng lồ, triệu người tán nhảm, lăng nhục lẫn nhau, người tiếng to nhất sẽ được nghe, những kẻ thấp bé hơn, nhát hơn thì mình không nghe được họ, như thế không phải là dân chủ” – TS. Đặng Hoàng Giang nhận định.

Cơ hội cho chúng ta hiểu mình

TS. Giáp Văn Dương, tuy vậy, lại có một góc nhìn lạc quan về mạng xã hội và Internet. Với anh, thế giới được tạo nên bởi bốn yếu tố: các sự vật vật lý, sự vật tinh thần, những người khác và những tình huống. Và cái vẫn được gọi là “thế giới ảo”, trong đó, vật chất chỉ là thông tin được biểu đạt bằng con chữ, hình ảnh và mã hóa thành các bit 0 và 1 thực chất chỉ là kéo dài của “thế giới thực”. “Nó không xấu, chúng ta mở rộng được cuộc sống của chúng ta mà thôi” – Anh nói.

Thời điểm này là lần đầu tiên trong lịch sử con người được chứng kiến sự mở rộng này và trong tương lai rất gần, thậm chí sẽ không còn sự phân biệt giữa khái niệm online hay offline nữa vì tất cả đều được nối với nhau bằng mạng không dây, được điều khiển bằng cảm ứng, cảm biến chứ không phải bằng các nút bấm vật lý. Người ta không còn cảm nhận được sự hiện diện của ranh giới giữa “ảo” và “thực” nữa. Mỗi ngày, số thông tin một người xử lý bằng lượng thông tin cả một đời của người sống trong thời kì internet chưa xuất hiện. Con người đang rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa thông tin. Chúng ta chưa biết hành xử như thế nào. TS. Giáp Văn Dương cho biết: “Chúng ta còn quá non nớt, chưa đủ trưởng thành để tránh khổ đau”. Mạng xã hội với tất cả những tiềm năng và ác mộng do con người tạo ra, theo một nghĩa nào đó, mở ra cơ hội cho con người hiểu hơn về chính mình, tạo điều kiện cho những nghiên cứu mới và học hỏi những cách ứng xử mới trong cuộc sống.

 

Tác giả