Mở và Vô hình
Chỉ với Mở và Vô hình, đổi mới sáng tạo mới có khả năng phát triển mạnh nhất.
Trên thế giới, châu Âu và Mỹ cũng đang hiện thực hóa mô hình này: châu Âu nổi bật với khoa học mở, bao trùm cả truy cập mở, dữ liệu mở, giáo dục mở.
Mô hình đổi mới sáng tạo MỞ có những nguyên tắc của nó. Một trong các nguyên tắc cơ bản là grassroot, nghĩa là đi từ dưới lên, từ những người dân thường mà lên, nó là khác biệt so với các mô hình khác, thường chỉ dựa vào nhóm Elite. Tuy nhiên, với thực trạng của Việt Nam, thì không chỉ từ dưới lên, mà cần tới các tác động từ tất cả các phía, theo kiểu: trên xuống, dưới lên, tứ bên đánh vào thì mới hiệu quả.
Văn hóa. Mô hình đổi mới sáng tạo MỞ là không dễ ở Việt Nam từ góc nhìn văn hóa. Văn hóa lúa nước, tiểu nông đặt lợi ích của cá nhân lên trên tất cả, câu hỏi thường thấy là “của tôi đâu?” là trở ngại lớn nhất cho cả dân tộc tiến lên theo con đường MỞ, vì MỞ – cơ bản nhất – dựa vào việc chia sẻ để hiện thực hóa nguyên lý cộng lực. Nếu chỉ “của tôi đâu” thì không có chia sẻ; không có chia sẻ thì sẽ không có MỞ. Con đường để đi từ “của tôi đâu?” sang “của chúng tôi đâu?” có lẽ là còn rất dài.
Giáo dục. Sẽ không thể hiện thực hóa các con đường Mở, xây dựng Cộng đồng hay làm “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp. Không thể xây dựng cộng đồng những lập trình viên, các nhà phát triển nếu chỉ dựa vào các doanh nghiệp. Chỉ có giáo dục mới thực sự là nơi để đào tạo ra những con người có tư duy MỞ, sống và làm việc theo các nguyên tắc MỞ và xây dựng các cộng đồng MỞ, đặc biệt là giới công nghệ thông tin (CNTT). Cũng chính giáo dục mới có thể cung cấp một cách bền vững nhân lực có đủ tri thức và các kỹ năng cần thiết cho các doanh nghiệp và xã hội. Để làm được việc này, trước hết giáo dục CNTT trong các trường phổ thông từ cấp tiểu học trở đi cần phải có dũng khí để từ bỏ hoàn toàn và vô điều kiện cách giáo dục CNTT chỉ phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất. Trong khi đầu tư vào giáo dục MỞ ở đại học là theo cách “ăn xổi” – sau 4-5 năm sẽ có lứa đầu nhưng vẫn phải mất công sức, tiền bạc và thời gian để chuyển đổi từ đóng sang mở – thì đầu tư vào giáo dục MỞ ở bậc tiểu học là theo cách “đi đường dài” – sau 15-17 năm mới cho ra lứa đầu nhưng đổi lại, không phải mất công chuyển đổi từ đóng sang mở. Chỉ giáo dục MỞ mới đảm bảo được cho từng công dân Việt Nam có khả năng có được tri thức nhân loại lớn nhất với chi phí nhỏ nhất và với số lượng người được tiếp cận các tri thức lớn nhất và là cách nhanh nhất để có được các kỹ năng cần thiết để sống, làm việc và học tập trong kỷ nguyên số – kỷ nguyên tri thức. Trong kỷ nguyên số – kỷ nguyên tri thức, nếu không có tri thức và các kỹ năng cần thiết ngang bằng với những phần còn lại của thế giới, chắc chắn sẽ biến Việt Nam thành quốc gia bị trị và các công dân của nó là các công dân bị trị. Cũng chỉ giáo dục MỞ mới có khả năng tạo ra lớp các lập trình viên thế hệ sau này có khả năng hiểu biết hệ thống CNTT-TT để từ đó đảm bảo được an toàn an ninh thông tin các hệ thống mạng của Việt Nam, điều mà thế hệ các lập trình viên hiện nay của Việt Nam, được giáo dục trong môi trường ĐÓNG, không có cách gì làm được – không làm chủ được công nghệ mà nói “đảm bảo an toàn an ninh mạng” chỉ là nói liều.
Khi có hàng triệu người đi với MỞ, thì làm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chắc không còn khó, vì hàng triệu người đó sẽ được trang bị đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho tương lai của Việt Nam, bao gồm cả về triết lý, pháp lý, cách tổ chức cộng đồng, mô hình phát triển, mô hình kinh doanh, mô hình cấp phép và nhiều điều liên quan khác của thế giới MỞ.
Với MỞ, đổi mới sáng tạo dựa vào tri thức đã có của nhân loại là không có giới hạn!!!