Nóng lên toàn cầu gây bất bình đẳng kinh tế giữa các quốc gia

Không chỉ là nguyên nhân của sóng nhiệt, lũ lụt và nước biển dâng cao, giờ đây biến đổi khí hậu với nhiệt độ ấm hơn cũng được coi là nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các nước, thúc đẩy hiệu quả nền kinh tế của các nước giàu có gây ô nhiễm trong khi làm giảm tốc độ tăng trưởng ở hầu hết các nước đang phát triển. Điều đó dẫn đến sự bất bình đẳng giữa những nước giàu và nước nghèo lớn hơn 25% so với kịch bản một thế giới “mát mẻ” hơn.

Đây là nội dung của bài báo “Global warming has increased global economic inequality” của hai tác giả Noah S. Diffenbaugh và Marshall Burke, trường Đại học Stanford ở Palo Alto, California trên tạp chí PNAS.
Mặc dù không đồng tình với các con số cụ thể, nhà kinh tế học Solomon Hsiang, Đại học California, Berkeley, vẫn cho rằng bài báo đã cung cấp bằng chứng rõ ràng về biến đổi khí hậu tác động vào quá trình tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển. “Kết luận rất quan trọng của nghiên cứu là sự nóng lên tổn hại các cơ hội kinh tế ở các nước nghèo”, Solomon viết trong một email.
Được thực hiện dựa trên một kết quả nghiên cứu xuất bản trên Nature năm 2015, báo cáo cho thấy hoạt động kinh tế đạt hiệu suất tối đa ở nhiệt độ trung bình 13°C – vùng tối ưu, với nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh. Nhiệt độ thấp hơn mức này có thể cản trở các ngành sản xuất phụ thuộc vào thời tiết như nông nghiệp, nhưng nhiệt độ nóng hơn có thể làm khô héo cây trồng, gây mệt mỏi cho công nhân và làm trầm trọng thêm các xung đột xã hội. Nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu có thể làm giảm 23% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu vào năm 2100.
Nhà khoa học khí hậu Noah Diffenbaugh và nhà kinh tế Marshall Burke đã sử dụng các mô hình khí hậu và kinh tế để thử nghiệm sự tác động của biến đổi khí hậu lên nền kinh tế các nước với mốc thời gian bắt đầu từ năm 1961. Mô hình của họ đã so sánh hiệu suất kinh tế của cùng một quốc gia trong những năm nóng và những năm lạnh, đồng thời tính đến các yếu tố khác như đổi mới công nghệ và chuyển hướng trong nền kinh tế toàn cầu. Họ đưa ra hai kịch bản, một phản ánh sự nóng lên toàn cầu thực tế và một kịch bản khác không có ô nhiễm khí nhà kính.
So sánh hai kịch bản cho thấy, từ năm 1961 đến 2010, nhiều quốc gia gần xích đạo, thường là các quốc gia nghèo hơn, đã mất trung bình hơn 25% tăng trưởng tiềm năng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vì sự nóng lên toàn cầu. Ngược lại, nhiều quốc gia có nhiệt độ thấp hơn, cũng là những quốc gia giàu có hơn, được hưởng một cú hích kinh tế với tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng từ 20% trở lên. Kể từ năm 1961, GDP bình quân đầu người của Na Uy tăng thêm 34%, trong khi Ấn Độ mất khoảng 34%. Các phát hiện này đã được công bố trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.
Thiệt hại nhỏ về kinh tế cũng có thể có tác động rất lớn, bởi vì thiệt hại trong một năm có kéo theo những năm tiếp theo, Burke nhận xét. Doanh nghiệp nông nghiệp có thể bị mất thêm chi phí trong một đợt nắng nóng, trong khi lẽ ra số tiền đó là để đầu tư cho nghiên cứu, trang bị máy móc. “Ngay cả những thay đổi nhỏ trong tốc độ tăng trưởng sẽ tích tụ theo thời gian và gây tác động lớn”, ông nói.
Hsiang – tác giả chính của bài báo năm 2017 kết luận nền kinh tế Mỹ sẽ mất khoảng 1,2% GDP với nhiệt độ trung bình tăng 1°C, đã cảnh báo về việc quá chú trọng vào các con số, đặc biệt là mức tăng GDP rõ rệt đối với các quốc gia ôn đới. Tuy nhiên, điểm yếu trong cách tiếp cận này là không chứng minh được các kết quả đó là “bằng chứng xảy ra trong thế giới thực”, ông nói.   
Cả Hsiang và các nhà nghiên cứu tại Stanford đều đồng ý về sự cần thiết phải nghiên cứu thêm về khí hậu và bất bình đẳng giữa các quốc gia. Một vấn đề lớn tiếp theo là sự nóng lên có gia tăng bất bình đẳng trong một quốc gia không?□

Hoàng Nam dịch
Nguồn: https://www.sciencemag.org/news/2019/04/global-warming-may-boost-economic-inequality

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)