Phát triển Chính phủ điện tử: Những vấn đề lưu ý
Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết 36a/NĐ-CP về Chính phủ điện tử, quá trình phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đã có những thành tựu đầu tiên rất đáng mừng. Nhưng làm thế nào để có thể ‘lượng hóa’ bức tranh phát triển chính phủ điện tử ở Việt Nam để từ đó tạo ra được động lực lẫn áp lực khiến các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương phải thay đổi, phải tăng tốc tiến độ ‘số hóa’ hoạt động công quyền?
Với mục đích trả lời câu hỏi đó, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã tiến hành xây dựng bộ chỉ số phát triển chính quyền điện tử. Báo cáo cho năm đầu tiên đã bước đầu thể hiện một bức tranh toàn diện về phát triển Chính phủ điện tử năm 2017.
Báo cáo phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017, những phát hiện chính
Nhóm nghiên xác định triết lý chính làm nền tảng cho đánh giá, đó là ‘chính phủ1 điện tử nhằm tạo thuận lợi tối đa cho giao dịch hành chính giữa chính phủ và người dân, doanh nghiệp’. Do đó, hiệu quả của giao dịch hành chính công điện tử là nhóm chỉ số đánh giá có ý nghĩa nhất. Báo cáo chỉ ra những cơ quan, đơn vị, địa phương nào đang làm tốt nhất, cũng như còn hạn chế nhất trong phục vụ người dân qua hệ thống giao dịch điện tử.
Cụ thể, ở nhóm Bộ và cơ quan ngang Bộ, Bộ Tài chính là đơn vị đi đầu trong năm 2017 về phát triển Chính phủ điện tử. Số hồ sơ giải quyết trực tuyến – một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá kết quả của việc phát triển Chính phủ điện tử – của Bộ Tài chính trong năm là hơn 20 triệu hồ sơ, chiếm đại đa số hồ sơ giải quyết. Ở nhóm cơ quan thuộc Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là đơn vị đạt điểm số cao nhất trong việc ứng dụng Chính phủ điện tử. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cung cấp là 15 dịch vụ nhưng số lượng hồ sơ giải quyết trong năm luôn đạt mức cao. Đặc biệt, dịch vụ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mới cung cấp năm 2017 đã đạt được hơn 166 triệu hồ sơ trực tuyến. Trong khi đó, ở nhóm tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương, Huế là địa phương đứng đầu cả nước, tiếp ngay sau là Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, phân tích từ các số liệu thu thập được cho thấy hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến để thuận lợi nhất cho các giao dịch hành chính – mục đích cao nhất Chính phủ điện tử cần đạt tới – lại chưa đạt được kết quả như mong đợi, dù ở cấp bộ, ngành hay từng địa phương.
Nhìn vào Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 hiện tại của các bộ, ngành, địa phương năm 2017 có thể thấy, rất nhiều dịch vụ công thiết yếu được quy định phải cung cấp ở mức độ 3 hoặc 4 nhưng các địa phương vẫn chưa triển khai toàn bộ, điển hình như nhóm dịch vụ cho doanh nghiệp, bao gồm các thủ tục đăng ký thành lập mới các loại hình doanh nghiệp, hoặc dịch vụ cho người dân như nhóm dịch vụ về hộ tịch, cấp các loại giấy chứng nhận quyền sở hữu với các loại tài sản như quyền sử dụng đất, nhà ở, phương tiện đi lại, các thủ tục về thuế, lao động…
Chất lượng của phát triển Chính phủ điện tử còn thể hiện ngay ở giao diện các cổng thông tin điện tử của các địa phương, các bộ, ban, ngành. Mặc dù đã có rất nhiều văn bản quy định về thể thức, giao diện của các cổng thông tin điện tử, nhưng hiện nay, có nhiều tỉnh mà địa chỉ thực hiện dịch vụ không thống nhất cả về tên gọi lẫn quy trình thực hiện trên thông tin điện tử, cổng giao dịch một cửa; cổng dịch vụ công cấp tỉnh… Điều này gây khó khăn trước hết cho chính các đối tượng thụ hưởng và sử dụng dịch vụ công, đó là người dân và doanh nghiệp.
Cần một lộ trình linh hoạt và phù hợp ở từng địa phương
Phát triển Chính phủ điện tử, cũng như nhìn rộng ra là ‘Đô thị Thông minh’ là yêu cầu chung, nhưng đang có nhiều dấu hiệu chạy theo ‘phong trào’ và tạo ra rủi ro đầu tư thiếu hiệu quả ở nhiều địa phương. Do đó, chúng tôi nhận thấy, phát triển các hệ thống giao dịch điện tử nào trong từng giai đoạn để hỗ trợ, đẩy mạnh sự phát triển của Chính phủ điện tử là bài toán cần được giải quyết một cách thận trọng và kĩ lưỡng.
Quảng Ninh – một ví dụ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian vừa qua về xây dựng chính quyền điện tử – đã chuẩn bị kế hoạch theo từng giai đoạn 5 năm. Mỗi giai đoạn có những mục tiêu riêng cần phải đạt được. Tương tự như vậy, Chính phủ cần có những bước đi rõ ràng theo từng giai đoạn. Đầu tư về cơ sở hạ tầng, về trình độ nhân lực, chuẩn bị các điều kiện đầu vào cần thiết khác là những bước đi cần thực hiện trước tiên.
Gỡ rối các rào cản thể chế cũng là một vấn đề đáng quan tâm trước nhất. Trước đây, với cách thức quy định nộp hồ sơ giấy, thời hạn giải quyết, hình thức, thành phần hồ sơ đều là những yếu tố gây khó khăn rất lớn cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Dần dần, thủ tục hành chính trở thành câu chuyện xin – cho giữa cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, về bản chất, các thủ tục hành chính phải là các dịch vụ mà Nhà nước cung cấp cho người dân. Phát triển Chính phủ điện tử sẽ đưa các dịch vụ hành chính công về đúng bản chất dịch vụ của nó. Tuy nhiên, chính các quy định về các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công phải có sự thay đổi trước để mở đường cho các hoạt động thay đổi trong thực tiễn. Một ví dụ cụ thể, Báo cáo đánh giá và xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam năm 2017 đưa ra một danh mục 15 dịch vụ hành chính công thiết yếu mà theo nhóm tác giả cần được cung cấp ở mức độ 3 và 4. Hiện nay, Danh mục dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 cung cấp tại các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa được ban hành. Đây có thể là một gợi ý cho các cơ quan nhà nước khi cân nhắc xây dựng Danh mục.
Mỗi địa phương sẽ có những đặc điểm kinh tế – xã hội riêng biệt nên UBND các tỉnh cần nghiên cứu kĩ các mô hình phù hợp với địa phương mình để hoạt động xây dựng chính quyền điện tử thực sự hiệu quả, tránh tình trạng chạy theo xu hướng nhưng không cải thiện chất lượng quản lý hành chính. Trong giai đoạn trung hạn 5 năm tới, triết lý ‘chính phủ điện tử là nhằm tạo thuận lợi nhất cho giao dịch hành chính giữa chính phủ với người dân, doanh nghiệp’, theo chúng tôi, cần được đặt ra như nguyên tắc dẫn dắt cho xây dựng Chính phủ điện tử. Và theo đó, người dân, địa phương mình cần gì trong giao dịch hành chính – sẽ là câu hỏi nền tảng cho tiến trình xây dựng thành công Chính phủ điện tử ở mỗi địa phương.
———-
* Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)
1 Chúng tôi dùng ‘chính phủ’ với nghĩa rộng – tức bao gồm toàn bộ các cơ quan công quyền.