Quan trọng hơn cả là trình độ hội đồng xét duyệt

Nói về cuộc thảo luận các tiêu chuẩn GS,PGS thời gian gần đây, GS Hoàng Tụy cho rằng, kinh nghiệm quốc tế cũng như của chính chúng ta đều cho thấy không nên mất nhiều thì giờ thảo luận về tiêu chuẩn mà nên quan tâm nhiều hơn lựa chọn đúng đắn hội đồng xét duyệt bởi không có tiêu chuẩn định lượng nào có thể thay thế được sự đánh giá định tính của chuyên gia đủ thẩm quyền học thuật.


GS. Hoàng Tụy. Ảnh Xuân Trung/giaoduc.net.vn

Gần đây lại nổi lên vấn đề tiêu chuẩn Giáo sư, Phó giáo sư. Về nguyên tắc tôi đồng ý với phát biểu của GS Ngô Việt Trung trong số báo Tia Sáng vừa rồi. Từ nhiều năm nay các tiêu chuẩn đó đã không còn phù hợp yêu cầu hội nhập quốc tế. Một trong các điểm lạc hậu nhất của các tiêu chuẩn đó là không có yêu cầu gì về công bố quốc tế đối với các ngành khoa học tự nhiên. Hậu quả là từng có những GS, PGS của ta về khoa học tự nhiên không có công bố quốc tế nghiêm túc nào, ngược lại có những người chưa được công nhận GS hay PGS mặc dù rất xứng đáng nếu theo đúng chuẩn mực quốc tế. Điều đó dĩ nhiên là một trở ngại lớn cho sự hội nhập quốc tế, làm chậm sự phát triển khoa học, công nghệ của chúng ta. Cho nên, đúng như nhiều bạn đã lên tiếng, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải thay đổi quan niệm, từ đó cả tổ chức xét duyệt, công nhận các chức danh GS, PGS.

Trước hết, theo thông lệ quốc tế, GS, PGS là những chức vụ cụ thể, gắn với một đơn vị học thuật (đại học, trung tâm nghiên cứu) cụ thể. Không có cái loại phẩm hàm GS, PGS chung chung để vinh danh ai, giống như những phẩm hàm quan lại phong kiến thời xưa. Đã là chức vụ cụ thể thì dĩ nhiên chỉ trao cho những người có năng lực thực tế đảm đương chức vụ đó. Và vì chức vụ gắn với một đơn vị học thuật cụ thể nên về trình độ và năng lực, GS, PGS ở đại học này có thể khác, thậm chí rất khác, ở đại học khác. Tuy nhiên, thông thường ở các nước phát triển vẫn phải có một ngưỡng tối thiểu về trình độ và năng lực cho các chức danh đó, dù là ở đại học nào. Cái ngưỡng tối thiểu đó ta thường gọi là tiêu chuẩn, trừ yêu cầu hiển nhiên về bằng cấp, thường các nước không quy định cụ thể bằng văn bản, mà chỉ được hiểu ngầm trong giới học thuật tương ứng và tất nhiên phụ thuộc từng đại học. Chẳng hạn, đối với chức danh GS, thường người ta hiểu ngầm ứng viên phải có ít nhất khoảng 10-15 công bố quốc tế nghiêm túc, đối với PGS yêu cầu khoảng một nửa số đó. Song con số đó cũng chỉ có tính chất định hướng, còn thực tế thì chất lượng các công trình mới là căn cứ quan trọng để được bổ nhiệm GS, PGS.

Có dịp tham gia tuyển chọn GS ở vài đại học ở các nước phát triển, tôi không bao giờ hỏi mà cũng không cần được chobiết tiêu chuẩn GS như thế nào.Tại sao ư? Vì người ta mặc nhiên giả định hội đồng tuyển chọn có đủ năng lực phù hợp để hiểu đúng yêu cầu đối với đối tượng cần chọn mà không cần dựa vào những tiêu chuẩn tường minh nào cả.

Trong thực tế chỉ khi hội đồng tuyển chọn chưa đủ độ tin cậy về công tâm và/hoặc trình độ thì mới cần đưa ra tiêu chuẩn. Dù thế nào, trong mọi trường hợp, cái đáng quan tâm nhất là hội đồng tuyển chọn gồm những ai, có đáng tin cậy về trình độ và công tâm hay không, còn tiêu chuẩn đã hợp lý chưa hay cần sửa đổi như thế nào thì tuy cũng phải chú ý nhưng không quan trọng bằng. Tiêu chuẩn là điều kiện cần (ngưỡng tối thiểu) phải cụ thể, rành mạch, không thể hiểu nhập nhằng. Còn như đã đạt tiêu chuẩn rồi có được tuyển chọn chính thức hay không thì lại cuối cùng phải dựa vào đánh giá định tính của những chuyên gia thật sự am hiểu, thật sự có uy tín,đủ thẩm quyền học thuật để thẩm định chính xác.

Tôi còn nhớ cách đây khoảng 40 năm, khi Việt Nam bắt đầu xúc tiến phong các chức danh GS, PGS, có lần ông Tổng thư ký Hội đồng xét duyệt GS, PGS hãnh diện tuyên bố trước bàn dân thiên hạ rằng các GS, PGS vừa được xét phong đều ngang tầm quốc tế. Tưởng rằng một tuyên bố như thế được hoan nghênh chào đón, không ngờ nó làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt xung quanh trình độ của bản thân hội đồng xét duyệt. Nhiều người đặt câu hỏi thẳng thắn: Hội đồng xét duyệt đã chắc đâu ngang tầm quốc tế, ngay chính ông Tổng thư ký cũng chắc đâu xứng đáng GS theo chuẩn mực quốc tế nên cái tuyên bố nói trên chẳng có ý nghĩa gì hơn là biểu thị sự huênh hoang của người quản lý kém cỏi mà chủ quan.

Đó là tình hình cách đây đã lâu. Sau này, công việc được dần dần chỉnh đốn mới rõ ra một bộ phận khá đông thành viên Hội đồng xét duyệt trước đây chưa nắm được thế nào là GS theo chuẩn mực quốc tế thông thường. Thậm chí ngồi trong Hội đồng xét duyệt GS còn có cả một số người mới chỉ là ứng viên, mà cũng chưa phải ứng viên sáng giá gì, cho chức danh PGS! Sở dĩ có chuyện kỳ quặc như vậy một phần quan trọng là do thời ấy danh sách Hội đồng hoàn toàn do Ban Tổ chức TƯ quyết định. Oái ăm nhất là việc xét duyệt danh sách đề cử GS, PGS ở mấy cơ quan lớn như Bộ Giáo dục, Bộ Y tế, Viện Khoa học VN (ngày nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ), đều do phòng tổ chức ở đấy quyết định mà phụ trách phòng này ở cả ba cơ quan không may đều là cán bộ chính trị trình độ học vấn chỉ đến cấp hai phổ thông. Với tình hình ấy, dĩ nhiên cần có các tiêu chuẩn GS, PGS càng cụ thể càng tốt để hạn chế bớt những sai lầm. Khó khăn là thời ấy giao lưu quốc tế còn ít, chưa có mấy ai có khái niệm rõ về GS theo chuẩn mực quốc tế để nêu ra tiêu chuẩn đúng đắn. Phần đông vẫn giữ quan niệm cũ thời xưa coi GS, PGS là những phẩm hàm để vinh danh, ít ai nghĩ đó là những chức vụ cụ thể đòi hỏi phải có năng lực phù hợp để đảm đương. Ngay cả nhiều lãnh đạo cấp cao của hai ngành giáo dục, khoa học lúc bấy giờ khi được trao quyền xét duyệt thì cũng tự cho mình hiểu biết hơn người, cho nên đặt ra nhiều tiêu chuẩn định lượng có vẻ chặt chẽ chính xác mà thật ra máy móc đến ấu trĩ. Đã thế Hội đồng xét duyệt lại bị lãnh đạo bởi những người chẳng những yếu kém chuyên môn mà còn thiếu cả công tâm. Tôi nhớ có một trường hợp có bằng tiến sĩ ở Pháp, chuyên về tối ưu, đã giảng dạy mấy năm ở đại học Quy Nhơn, có nhiều công bố quốc tế được các chuyên gia tối ưu ở Viện Toán đánh giá cao, nên khi đưa ra xét để phong PGS thì toàn Hội đồng cơ sở nhất trí ủng hộ (khi ấy Hội đồng này là Hội đồng ở Viện Toán vì Đại học Quy Nhơn chưa đủ điều kiện thành lập Hội đồng riêng), thế mà đưa lên Hội đồng ngành thì bị bác chỉ vì một thành viên Hội đồng Chức danh Nhà nước nhất quyết chống lại, vì cho rằng chưa đạt một vài tiểu chuẩn vớ vẩn. Đó là xét PGS cho một trường hợp về tối ưu, mà ý kiến ủng hộ của cả một tập thể gồm những chuyên gia tối ưu hàng đầu cả nước vẫn không có giá trị gì trước ý kiến một cá nhân chẳng hiểu tí gì về tối ưu. Chuyện phi lý bất công như vậy nhưng hệ thống cứng nhắc đến mức dù nhiều nhà khoa học hàng đầu có ý kiến vẫn không sao thay đổi được.

Cho nên kinh nghiệm của các nước cũng như của chính chúng ta đều cho thấy không nên mất quá nhiều thì giờ thảo luận về tiêu chuẩn mà nên quan tâm nhiều hơn lựa chọn đúng đắn hội đồng xét duyệt. Thật ra không có tiêu chuẩn định lượng nào có thể thay thế được sự đánh giá định tính của chuyên gia đủ thẩm quyền học thuật.

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)