Quy hoạch điện năng quốc gia: Cơ cấu điện năng tối ưu?

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện 8) với mục tiêu có được một bản quy hoạch kết hợp phát triển điện lực với phát triển tổng thể quốc gia, kết hợp giữa phát triển điện lực và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. TS. Nguyễn Thành Sơn (Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam) đã nêu quan điểm của mình về vấn đề làm thế nào để có được một quy hoạch tốt cũng như có được một cơ cấu điện năng tối ưu.


TS. Nguyễn Thành Sơn.

Quy hoạch điện năng quốc gia cần được hình thành dựa trên những yếu tố nào? Chúng ta có thể học hỏi được gì từ cách làm của quốc tế?

Khi nói đến công tác quy hoạch ngành điện, chúng ta thường nhắc đến câu ngành điện cần “đi trước một bước”. Điều đó có nghĩa là quy hoạch điện phải dựa trên các kết quả dự báo về phát triển của nền kinh tế – xã hội Việt Nam. Trước đây, và cả ngày nay, ở Việt Nam, công tác dự báo thường “định tính”, “cảm tính”, dựa trên các số liệu thống kê không đáng tin cậy, không có cơ sở khoa học. Đây là khó khăn lớn nhất trong quy hoạch.

Bên cạnh đó, tôi thấy còn có một vấn đề khác là việc soạn thảo các quy hoạch phát triển của các ngành kinh tế-kỹ thuật ở Việt Nam thường thiếu yếu tố khách quan, và chịu ảnh hưởng rất cơ bản vào “quyết tâm chính trị” của các cấp quản lý. Ví dụ, các tổ chức tư vấn như viện nghiên cứu hoặc công ty điện lực được giao soạn thảo quy hoạch theo chỉ định, không qua đấu thầu và thường là các đơn vị trực thuộc của các cơ quan quản lý ngành, ở đây là Bộ Công thương. Do đó, các quy hoạch đều phải “tiếp thu ý kiến chỉ đạo” từ trên xuống và thực tế đã chứng minh, sự phát triển của ngành điện Việt Nam thường rơi vào cảnh “khập khiễng”: có giai đoạn rất “nóng” về nhiệt điện than, có giai đoạn rất “nóng” về thủy điện vừa và nhỏ (sau đó đã phải “cắt” bớt), có giai đoạn lại rất “nguội”, không mấy quan tâm về đường dây truyền tải điện và trạm nên phải bổ sung nhiều tuyến 500kV… Trong thời gian gần đây, chúng ta lại rất “nóng” về điện Mặt trời v.v.

Với tình trạng sử dụng năng lượng, trong đó có điện năng, như hiện nay thì Việt Nam còn ở cách rất xa một nền kinh tế “sạch”, “xanh” về phát thải, xa hơn là có đủ nguồn năng lượng bền vững và đạt tới trình độ năng lượng có thể bắt nhịp được với Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.

Trong khi đó, nhìn sang một quốc gia mà chúng ta rất quen thuộc là Nga, trước đây và hiện nay họ có cách làm rất khác ta. Các quy hoạch ngành điện trước đây do họ giúp chúng ta soạn thảo như tổng sơ đồ/quy hoạch phát triển ngành điện giai đoạn 1, 2 đều có chất lượng cao, rất ít trường hợp “vỡ quy hoạch”. Còn chúng ta không học được ở họ nhiều, các qui hoạch điện sau do chúng ta tự soạn thảo, và vì những lý do trên, nên đều bị “vỡ”, thậm chí có quy hoạch đã bị “vỡ”, mất cân đối ngay khi còn trên giấy.

 

Trong bối cảnh nhu cầu điện năng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, đời sống… của Việt Nam ngày càng gia tăng, mặt khác phải đáp ứng các cam kết về cắt giảm khí thải, theo ông cơ cấu điện năng nào là tối ưu và chúng ta cần làm những gì, nếu triển khai cơ cấu điện năng đó?

Tôi cho rằng ở Việt Nam hiện nay, chúng ta không nên nhấn mạnh đến việc “cắt giảm khí thải” và càng không thể nói đến “cơ cấu điện năng tối ưu” bởi việc sử dụng năng lượng từ điện, than, xăng, dầu, khí đốt… trong các ngành kinh tế và cả người dân còn đang rất không hiệu quả và rất lãng phí. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần phải tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là trong sản xuất năng lượng như có nguồn cung dồi dào, đa dạng hơn và việc tiêu dùng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn. Chỉ khi đạt được điều này, chúng ta mới có thể nói đến chuyện “cắt giảm khí thải”.

 

Nhiệm vụ Quy hoạch điện 8 có đề cập đến ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó điện gió và điện Mặt trời. Đó có phải là sẽ là một giải pháp tốt để giải quyết nhu cầu điện năng của Việt Nam?

Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề rộng ra. Đối với các nước trên thế giới, hai nguồn điện gió và điện Mặt trời chưa bao giờ, thậm chí có thể là sau 30 đến 50 năm nữa, vẫn chưa thể được công nhận là một giải pháp tốt để giải quyết nhu cầu điện năng.

Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Trước hết, việc phát triển điện Mặt trời, đặc biệt là điện Mặt trời áp mái không phải là “dễ ăn”. Hãy nhìn nhận một cách trực quan là vào giờ cao điểm, mọi người cần dùng điện cho sinh hoạt thì không có Mặt trời còn lúc có Mặt trời chiếu sáng thì mọi người không ở nhà. Muốn vận hành máy giặt, máy bơm hay nồi cơm điện tự động thì mọi người cần đầu tư vào “ngôi nhà thông minh” để có thể điều khiển được chúng từ nơi làm việc. Với điện Mặt trời áp mái, muốn bán được điện lên lưới thì phải đầu tư bộ nạp (ắc qui) và bộ đảo lưu để chuyển đổi điện từ một chiều sang điện xoay chiều. Bình quân trên thế giới, chủ đầu tư điện Mặt trời áp mái chỉ sử dụng được 27% lượng điện do mình làm ra, số còn lại phải bán được lên lưới (dĩ nhiên phải đầu tư công tơ đo đếm để bù trừ). Ngoài ra, trong giá thành điện Mặt trời áp mái, chi phí vận hành (OPEX) cũng “ngang ngửa” với chi phí đầu tư (CAPEX) vì hiệu suất chuyển đổi năng lượng của các bộ module PV (Photovoltaics) khi được “áp mái” sẽ thấp hơn nhiều so với các PV đặt ngoài trời trong các trang trại điện Mặt trời lớn.

 

Việc phát triển các cánh đồng điện Mặt trời sẽ có được các vấn đề này?

Việc triển khai các dự án điện Mặt trời qui mô lớn ở Việt Nam cũng không đơn giản. Nếu cứ “tính cua trong lỗ” thì thua lỗ là điều chắc chắn vì nhiều lý do, trong đó lý do đơn giản nhất là toàn bộ các PV đều được thiết kế và tính toán để phát điện trong vòng 25 năm và ở nhiệt độ môi trường không khí bình quân khoảng 25oC. Trên thực tế thì những ngày có nắng, ở Ninh Thuận hay Bình Thuận, nhiệt độ cao hơn nhiều so với 25oC. Nhiệt độ càng cao (nắng càng nhiều) thì hiệu suất chuyển đổi quang năng thành điện năng của các tấm PV càng giảm. Ngoài ra, chúng ta cần tính đến các loại tổn thất khác như tổn thất do chuyển đổi dòng điện một chiều thành xoay chiều, do bóng mây, trong các cáp điện một chiều và xoay chiều, bức xạ yếu, bụi… và phải tính đến hệ số suy giảm hiệu suất của các PV khoảng 0,7%/năm. Với giá bán điện lên lưới thấp hơn 10 cents/kWh thì dự án PV phải sau 15-20 năm mới hoàn vốn.


Lắp đặt điện Mặt trời áp mái tại Quảng Trị. Nguồn: Báo Quảng Trị.

Vì vậy, giải pháp căn cơ và triệt để nhất nhằm giải quyết nhu cầu điện của Việt Nam là sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện. Tôi cho rằng chúng ta không nên trông chờ vào bất cứ giải pháp nào khác, nhất là khi chúng ta vẫn còn phụ thuộc vào các nhà sản xuất nước ngoài nguồn cung các module năng lượng Mặt trời và các turbine gió.

 

Vậy chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào nhiệt điện than trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã tuyên bố sẽ từ bỏ nhiệt điện than, còn tại Việt Nam, một số địa phương từ chối quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than?

Theo quan sát của tôi thì các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Đức… hiện vẫn phải phụ thuộc vào điện than và những nguồn năng lượng hóa thạch khác.

Việt Nam cũng khó bước ra ngoài dòng chảy này. Nếu có trường hợp một số địa phương nào đó “từ chối quy hoạch các nhà máy nhiệt điện than”, tôi nghĩ rằng họ chưa thực sự hiểu rõ vấn đề. Hệ thống điện của Việt Nam hiện nay là hệ thống điện hợp nhất và quy hoạch ngành điện là quy hoạch quốc gia. Do đó, việc phân bổ nguồn lực của ngành điện phải dựa trên lợi ích chung của nền kinh tế. Các địa phương không có quyền từ chối nếu không có lý do chính đáng.

 

Nếu tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện than như quy hoạch của chính phủ, chúng ta có cách nào giảm thiểu được những vấn đề gây lo lắng về môi trường như phát thải? Khoa học có thể đem lại những giải pháp hiệu quả gì?
Việc tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa các nguồn nhiệt điện than đang ngày càng khả thi về kỹ thuật và kinh tế. Xét về kinh tế, chúng ta đang được tiệm cận với các nguồn than nhập khẩu có giá CIF (giá của bên bán hàng, bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm) thấp hơn giá FOB (giá trả cước phí xếp hàng) của than trong nước (qui ra nhiệt năng); xét về mặt công nghệ, hiện nay các nhà máy nhiệt điện than có thể giảm thiểu được tới 99,6% lượng bụi trong khí thải ra môi trường bằng các công nghệ tiên tiến hiện có; xét về chất thải, các nhà máy nhiệt điện than thì hầu như không có các chất thải lỏng độc hại mà chỉ thải nước sau chu trình làm mát tuần hoàn, nhiệt độ của nước thải ra có tăng lên 6 đến 8oC, trong phạm vi cho phép còn chất lượng của nước thì không có gì thay đổi. Các nhà máy nhiệt điện than gây lo ngại nhất về chất thải rắn, lượng tro bay và xỉ đáy lò thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than có khối lượng lớn nhưng có thể xử lý được và trở thành một nguồn tài nguyên “khoáng sản thứ sinh” sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Hiện nay, một số nhà máy nhiệt điện than của Than khoáng sản Việt Nam đã bán được loại “khoáng sản thứ sinh” này.

 

Cảm ơn ông!

 

Thanh Nhàn thực hiện

 
Quyết định số 1264/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) với quan điểm:
– Điện lực phải phát triển trước một bước để đảm bảo cung ứng điện phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước; – Đảm bảo sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển điện lực, đặc biệt là các thành phần kinh tế tư nhân;
– Quy hoạch có tính mở, xác định danh mục những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, danh mục lưới điện truyền tải quan trọng ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên và các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2030; định hướng phát triển nguồn điện theo miền, theo vùng và theo cơ cấu công suất các nguồn điện trong giai đoạn 2031 – 2045, định hướng phát triển lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên trong giai đoạn 2031 – 2045. Nguyên tắc lập quy hoạch là đảm bảo phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải; ưu tiên phát triển hợp lý nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; phát triển lưới điện hiện đại, thông minh và lưới điện liên kết với các quốc gia láng giềng; phát triển thị trường điện và khuyến khích các thành phần kỉnh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực; phát triển điện lực thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển bền vững và phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)