Quy trình xét GS/PGS: Nên nhất quán học tập một trong hai mô hình của Pháp hoặc Mỹ

Theo PGS.TS Đặng Hoàng Minh (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, hiện là học giả Fulbright tại ĐH Illinois, Urbana-Champaign, Hoa Kì), Dự thảo tiêu chuẩn chức danh GS/PGS (Dự thảo) đã tiếp cận được với chuẩn mực quốc tế nhưng chỉ nên nhất quán “học hỏi” một mô hình của Pháp hoặc Mỹ thay vì cố gắng “phối hợp” cả hai.


Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne. Nguồn ảnh: univ-paris1.fr

Nhiều thủ tục không cần thiết

Với kinh nghiệm ở những nước mà tôi đã học tập và làm việc, thì theo tôi, tiếp cận xét chuẩn quốc gia GS, PGS mà chúng ta đang làm giống mô hình của Pháp. Pháp cũng có hội đồng quốc gia xét chuẩn GS (HDR), PGS với các tiêu chí, gọi là Hội đồng quốc gia các trường đại học1 có lịch trình và quy trình như cách chúng ta đang làm2. Sau khi ứng viên được xét đạt chuẩn, các trường ĐH sẽ tuyển dụng (bổ nhiệm) những người này. Như vậy, có một chuẩn chung (cơ bản) toàn quốc cho vị trí PGS.GS. Hệ thống ĐH của Mỹ, Úc (khối nói tiếng Anh) không làm theo cách này, việc bổ nhiệm cũng như tiêu chí cho vị trí GS, PGS hoàn toàn phụ thuộc vào trường ĐH, và không có một tiêu chuẩn chung toàn quốc. Do đó, ở Mỹ, tiêu chuẩn bổ nhiệm PGS, GS mà những trường danh tiếng đặt ra cho trường mình là cao (nhiều bài báo, nhiều đề tài, v.v) nhưng ở những trường nhỏ, không có danh tiếng thì tiêu chí có thể thấp. Và một người có thể ở vị trí GS ở trường ĐH này, nhưng có thể chuyển sang trường khác (danh tiếng hơn) để xin tuyển vị trí PGS.

Tuy nhiên, quy trình, cách thức xét phong hàm GS/PGS của Việt Nam (VN) lại là sự “phối hợp” của cách thức theo kiểu Mỹ (có hội đồng cơ sở của trường để xét, tuyển vị trí PGS, GS cho trường) và của Pháp (hội đồng ngành, quốc gia độc lập với cơ sở giáo dục đại học). Do đó, cách của VN có vẻ rườm ra, nhiều thủ tục và không cần thiết. Chẳng hạn, chức năng/nhiệm vụ của hội đồng cơ sở (HĐCS) cũng không khác biệt nhiều với hội đồng ngành/liên ngành (HĐN/LN) (HĐCS: Xét hồ sơ của ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS; Tổ chức xét tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư tại cơ sở; HĐN/LN: xác định năng lực chuyên môn, kết quả nghiên cứu và năng lực ngoại ngữ của ứng viên theo từng chuyên ngành, Thẩm định kết quả xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư). Có khác chăng là hội đồng cơ sở xét, thẩm định hồ sơ hợp lệ, đúng tiêu chuẩn. Tuy nhiên đến hội đồng ngành/liên ngành cũng làm lại việc này, và tập trung hơn vào chuyên môn. Như vậy, ở HĐCS, để xét được tiêu chuẩn của ứng viên thì hội đồng/thành viên HĐ cũng phải am hiểu chuyên môn, lĩnh vực của ứng viên, cũng phải đánh giá năng lực ngoại ngữ (vì đó là tiêu chí xét). Ở HĐN/LN lại xét lại năng lực chuyên môn, ngoại ngữ. Trên thực tế, từng công trình khoa học cũng đã được thẩm định về mặt chất lượng thông qua các ban biên tập của tạp chí, hoặc hội đồng thẩm định sách hoặc nhà xuất bản. Các hội đồng cũng không nên tham vọng đánh giá lại từng công trình đó, và thực tế thì điều đó cũng bất khả thi, ví dụ ứng viên GS có 20 sách chuyên khảo, giáo trình (mỗi sách ví dụ 400 trang) thì hội đồng cũng không thể thẩm định lại, đọc kĩ được chừng đó sách. Do đó, nên chăng chỉ cần 1 HĐN/LN, ứng viên của ngành nào gửi đến đúng hội đồng của ngành đó, đánh giá chuyên sâu về mặt học thuật và định hướng nghiên cứu tổng quát của ứng viên, sau đó hội đồng nhà nước công nhận. Hơn nữa, về mặt logic, khi xét đạt chuẩn, cần sự đánh giá khách quan từ bên ngoài, nhiều hơn là ở cơ sở của mình, đến khâu tuyển dụng và bổ nhiệm cho chính trường mình, mới cần vai trò của cơ sở đào tạo, để các cơ sở đưa thêm những yêu cầu phù hợp với sứ mệnh của đơn vị mìnhvà lựa chọn những người đã đạt chuẩn chuyên môn phù hợp nhất với cơ sở của mình.

Cách thức bỏ phiếu tín nhiệm (kín) cũng không hợp lý và thực sự không cần thiết, khi các tiêu chí đã rõ ràng như vậy. Ứng viên không  nhận được phản hồi, nhận xét của hội đồng về năng lực chuyên môn của mình (kể cả người đạt hay không đạt). Việc này là quan trọng để ứng viên biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, những gì mình cần phải làm tốt hơn.

Nếu chúng ta thấy cần đặt một tiêu chuẩn chung toàn quốc cho vị trí PGS, GS để đảm bảo chất lượng thì có thể làm theo cách của Pháp một cách nhất quán. Cách này cũng giống với tiếp cận thi đại học hiện nay, nếu Bộ GD-ĐT đặt điểm sàn (chuẩn chung), các trường tự quyết định điểm chuẩn xét tuyển thì với vị trí PGS, GS, Bộ GD ĐT đưa ra chuẩn của vị trí đó, và xét đạt chuẩn (và không cần làm từ cấp cơ sở), sau đó, để các trường tự bổ nhiệm, lựa chọn những người đạt chuẩn theo các tính chất, đặc điểm của từng cơ sở. Theo cách đó, hội đồng cơ sở là bước cuối cùng để tuyển dụng người đã đạt chuẩn, chứ không phải là bước đầu tiên trong quy trình xét chuẩn.

Tiêu chuẩn phong GS/PGS:

Không nên ràng buộc về thời gian với tiêu chí đào tạo

Ở bất cứ nước nào, để xét vị trí PGS, GS, các nước đều xét trên 3 mặt, là 3 nhiệm vụ chính của giảng viên đại học: giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng với tỉ lệ khoảng cho giảng dạy là 30%-50%, nghiên cứu 30%-50% và phục vụ cộng đồng là 20%. Tỉ lệ giảng dạy-nghiên cứu phụ thuộc vào định hướng của trường là ĐH tập trung nghiên cứu (40-50%) hay ĐH tập trung đào tạo. Nhìn chung, tỉ lệ này nên là 40,40, 20, nhưng không phải ràng buộc về thời gian như điểm d, điều 6. Theo điểm này, giảng viên sau 10 năm tham gia đào tạo mới đủ điều kiện xét tuyển PGS, GS là không hợp lý, vì (a) gộp cả GS và PGS  vào một tiêu chí; (b) chỉ nói đến số năm tham gia đào tạo (6 năm, 10 năm, v.v) nhưng không nói đến số giờ tham gia đào tạo cần thiết cho 1 năm; (c) không khuyến khích được những người trẻ được tu nghiệp, đào tạo từ nước ngoài. Ngoài ra, khoản này cũng mâu thuẫn với điềm 3 khoản 9 (ứng viên PGS có ít nhất 6 năm tham gia đào tạo trình độ đại học). Có điểm tiến bộ là đưa tiêu chí xây dựng, phát triển chương trình đào tạo, như một trong những nhiệm vụ phục vụ cộng đồng, nhưng ở tiêu chuẩn PGS thì lại không có nhiệm vụ này.

Không nên tính điểm quá cao cho sách phục vụ đào tạo

Khoản 8, điều 8 và khoản 5 điều 9: Số điểm cho sách phục vụ đào tạo quá nhiều (ví dụ với điều kiện GS, 4 điểm với ngành KHTN và 6 điểm với ngành KHXH, tức là nếu viết một mình và sách đạt chất lượng tối đa, ứng viên cần có ít nhất 2 giáo trình hoặc 1 chuyên khảo+ 1 tham khảo với KHTN, 3 giáo trình hoặc 2 chuyên khảo với KHXH). Có thể những người soạn dự thảo nghĩ rằng đây là điểm để nhấn mạnh đến vai trò giảng dạy, đào tạo. Nếu vậy thì quan niệm lẫn lộn giữa nghiên cứu và đào tạo. Thứ nhất, công trình khoa học nào (sách, bài báo) cũng đều có thể phục vụ đào tạo (ở bậc sau đại học, các bài báo được dùng làm tham khảo giảng dạy nhiều hơn sách vì các bài báo cập nhật hơn); thứ hai, sách phục vụ đào tạo đi chăng nữa là tác phẩm, công trình nghiên cứu, và thường là sự đúc kết của rất nhiều năm kinh nghiệm, nghiên cứu. Ở vị trí GS rồi, các giảng viên nên viết sách nhiều hơn, và sách cũng sẽ có chất lượng hơn, chứ không nên là đưa tiêu chuẩn viết nhiều sách là tiêu chuẩn xét chức danh GS/PGS.

Không nên đặt điều kiện đào tạo nhiều nghiên cứu sinh

Khoản 7, Điều 8, chức danh GS, hướng dẫn chính (độc lập) ít nhất 3 NCS đã có bằng TS. GS là vị trí cao nhất liên quan đến giảng dạy và nghiên cứu, nhiều trách nhiệm giảng dạy và nghiên cứu hơn. Như vậy, sau khi vào vị trí GS, giảng viên có trách nhiệm hướng dẫn độc lập nhiều NCS. Do đó việc hướng dẫn chính nhiều NCS không nên đặt ra là điều kiện đạt chuẩn. Do vậy tiêu chí này nên bỏ hoặc là thay bằng việc đồng hướng dẫn với GS khác từ 1 đến 2 NCS.

Tính đến chương sách (xuất bản quốc tế) cho PGS về KHXH

Khoản 4, điều 9: điều kiện cần của PGS và GS ngành KHXH là tương đương: tác giả chính ít nhất 1 bài báo quốc tế ISI, Scopus. (Điều kiện với PGS cho thêm 2 lựa chọn: sách nước ngoài, bằng sáng chế), và như vậy là bất hợp lý. Nếu giữ điều kiện cần của GS là tác giả chính 1 bài báo quốc tế ISI và Scopus thì điều kiện cần của PGS chỉ nên ở mức sách (chương sách) nước ngoài hoặc bằng sáng chế.

Tiêu chuẩn tạp chí quốc tế: không chỉ giới hạn trong danh mục ISI/Scopus

Hiện nay dự thảo yêu cầu ngành KHXH&NV, ứng cử viên cần ít nhất một công bố ISI/Scopus. Với ngành KHXH &NV, điều kiện này không ít so với mặt bằng chung về số lượng công bố quốc tế của ngành KHXH &NV. Tuy nhiên, nên xem lại điều kiện cần về công bố quốc tế với chức danh GS và PGS vì hiện nay số lượng là như nhau (1 bài báo ISI/Scopus). Có thể đối với chức danh PGS, điều kiện cần là 1 bài báo của tạp chí quốc tế có uy tín nhưng không nhất thiết trong ISI, Scopus (như Nafosted quy định), chương sách/sách quốc tế hoặc bằng sáng chế. Mặt khác, với ngành KHXH &NV, có những ngành đặc thù, như khu vực học, văn học nước ngoài (Trung quốc học, Nhật bản học, Ngôn ngữ v.v.), ngoại ngữ (tiếng Pháp, Hàn quốc, v.v), việc hoàn toàn sử dụng tạp chí ISI/Scopus bất hợp lý vì ISI/Scopus hầu như là tạp chí tiếng Anh. Do đó, nên mở rộng các tạp chí quốc tế không phải tiếng Anh, ví dụ tạp chí tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nhật có uy tín trong cộng đồng chuyên môn quốc tế. Việc lựa chọn các tạp chí quốc tế uy tín (không phải Tiếng Anh) nên dựa vào đề xuất của Hiệp hội nghề nghiệp hoặc của các trường ĐH có uy tín.

Cách thức quy đổi công trình khoa học chưa hợp lý

– Nếu chúng ta khuyến khích có bài trong tạp chí ISI/Scopus thì số điểm quy đổi cho bài báo ISI/Scopus cần tăng lên (2.5 hoặc 3 điểm) cao hơn bài tạp chí trong nước, bởi vì yêu cầu và chất lượng của bài ISI cao hơn nhiều so với tạp chí trong nước.

– Việc quy định điểm các công trình cũng không hợp lý vì chênh lệch giữa điểm tối đa và tối thiểu quá lớn, ví dụ một bài báo trong tạp chí trong nước tối đa 1 điểm, có nghĩa là một thành viên hội đồng có thể cho 0.1 và có thành viên khác cho 0.9. Điều này không hợp lý vì chất lượng của bài báo đã được chính ban biên tập/phản biện của tạp chí thẩm định nên không thể để có sự chênh lệch như vậy.

– Việc phân loại sách cũng rất khó: Dù có định nghĩa ở điều 2, nhưng trên thực tế, tiêu chí để phân loại một cuốn sách là sách tham khảo hay chuyên khảo là không rõ ràng. Trong định nghĩa thuật ngữ, giáo trình và sách tham khảo, hướng dẫn đều nói đến mục đích đào tạo, còn sách chuyên khảo thì không. Sách chuyên khảo cũng là tài liệu tham khảo cho đào tạo. Do đó, việc cho điểm chênh lệch giữa 2 loại sách này là không phù hợp (3 đ và 1.5đ). 

– Việc chia điểm cho tập thể biên soạn (chủ biên tính 1/5 điểm công trình quy đổi, những người khác chia điểm theo đóng góp) không phù hợp. Chẳng hạn 1 cuốn sách chuyên khảo có 3 tác giả, với điểm tối đa là 3. Chủ biên sẽ được 1/5 của tối đa 3 là 0.6; 2 người còn lại được 3-0.6=2.4 (và như vậy một tác giả còn lại được điểm có thể nhiều hơn chủ biên). Cách tính này vừa bất hợp lý, vừa không khuyến khích được sự cộng tác, hợp tác trong viết sách. Trên thế giới, chỉ có trường hợp sách giáo trình mới có 1 tác giả, các sách khác đều là tập hợp của nhiều tác giả.

Quy trình lựa chọn thành viên hội đồng ngành/liên ngành, nhà nước chưa rõ ràng

Các tiêu chí lựa chọn thành viên HĐN/LN, nhà nước khó định lượng (trong khi tiêu chí của ứng viên lại rất định lượng), quy trình xét chọn thành viên cũng không được nêu (như do ai đề cử, tiêu chí gì quy định “có uy tín chuyên môn và khoa học cao”, lựa chọn như thế nào, v.v). Các hội đồng xét chuẩn có vai trò quan trọng nếu chúng ta muốn nâng cao chất lượng chuẩn PGS, GS.

Dù tiếp cận nào thì PGS, GS đều là vị trí công việc, không phải chức danh. Trong trường đại học (viện nghiên cứu), nếu nhìn vị trí hành chính có trưởng khoa, hiệu trưởng, chủ nhiệm bộ môn với các nhiệm vụ trách nhiệm hành chính, quản lý thì PGS, GS là vị trí khoa học, do đó, đi theo trách nhiệm, nhiệm vụ về mặt nghiên cứu, giảng dạy. Người được bổ nhiệm vào vị trí PGS, GS để có thêm nhiều trách nhiệm, nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy hơn, có nhiều cống hiến về mặt học thuật hơn, chứ không phải là đã có nhiều cống hiến thì được “phong” chức danh PGS, GS.

Bảo Như ghi lại.

——-

Chú thích:

1 Conseil National des Universités –http://www.cpcnu.fr/accueil/-/asset_publisher/IqRbn1tS8UeH/article/id/58249

2https://www.legifrance.gouv.fr/affichTexte.do?cidTexte=JORFTEXT000020913603&fastPos=1&fastReqId=1295914499&categorieLien=cid&oldAction=rechTexte

Tác giả

(Visited 38 times, 1 visits today)