Tại sao giá điện cần phải tăng?

Giá bán lẻ điện bình quân ở Việt Nam chính thức tăng 8,36% từ ngày 20/3/2019, gặp phải sự phản đối không nhỏ từ một bộ phận công chúng. Nhưng bài viết này sẽ giải thích tại sao, việc tăng giá điện là cần thiết.


Bộ Công thương vừa ban hành quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra về thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện. Đoàn sẽ kiểm tra việc thực hiện Quyết định 648, công tác kinh doanh dịch vụ, giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện, kiểm tra việc thực hiện công tác tuyên truyền về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng. Trong ảnh: Nhân viên EVN giải thích về thực hành tiết kiệm điện cho người dân. 

Nhóm công nghiệp dùng nhiều nhưng trả ít?

Bảng 1 cho chúng ta một sự so sánh về biểu giá bán điện ở Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN, tính đến trước thời điểm của đợt tăng giá gần đây. Có thể thấy rằng giá điện kinh doanh tại Việt Nam đã khá cao, tuy nhiên giá điện công nghiệp còn ở mức rất thấp và giá điện sinh hoạt ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Điều này vẫn đúng ngay cả sau khi tính đến giá điện đã được điều chỉnh tăng.
Đáng nói là theo nhiều thống kê về tiêu thụ điện thời gian qua ở Việt Nam, thì khối sản xuất công nghiệp tiêu thụ đến gần 55% lượng điện năng của cả nước, trong khi điện sinh hoạt chỉ chiếm khoảng 35% và điện cho kinh doanh chỉ chiếm khoảng 10%. Với số liệu thống kê này, một số người cho rằng thật phi lý khi mà người tiêu thụ ít điện hơn lại phải trả mức giá cao hơn để hỗ trợ cho người tiêu thụ nhiều điện hơn. Tuy nhiên dựa theo số liệu như Bảng 1, chúng ta có thể thấy ở hầu hết các quốc gia trong khu vực bao gồm cả các nước cùng nhóm thu nhập trung bình thấp với Việt Nam, giá điện thường cao nhất cho đối tượng người tiêu dùng dân cư do chi phí phát sinh thêm liên quan đến việc giảm điện áp phân phối. Trong khi đó, giá điện cho khách hàng công nghiệp luôn ở mức thấp nhất trong các nhóm đối tượng khách hàng, và gần bằng giá bán buôn điện, vì họ tiêu thụ nhiều điện hơn ở điện áp cao hơn. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, khách hàng công nghiệp có thể sử dụng quy mô và ảnh hưởng của họ với nền kinh tế để tác động đến thị trường. Thêm vào đó, cung cấp điện ở điện áp cao (như cho nhóm đối tượng khách hàng công nghiệp) truyền tải hiệu quả hơn, và do đó ít tốn kém hơn. Như vậy, có thể nói việc giá điện trung bình cho nhóm tiêu dùng dân cư cao hơn so với mức giá của nhóm công nghiệp là hợp lý.

Giá điện

(US cent/kWh)

Việt Nam

Indonesia

Malaysia

Thái Lan

Singapore

Philippines

Giá điện sinh hoạt

9,67

11,00

9,34

12,70

16,73

15,61

Giá điện kinh doanh – vừa

12,07

11,00

12,68

9,60

11,88

9,44

Giá điện kinh doanh – lớn

11,10

8,36

8,96

9,29

11,62

9,19

Giá điện công nghiệp – vừa

7,17

8,36

7,75

8,36

10,82

9,02

Giá điện công nghiệp – lớn

6,82

7,47

7,24

8,36

10,53

8,96

Bảng 1: So sánh giá điện ở Việt Nam với một số nước trong khu vực (tính đến tháng 1/2018 – trước thời điểm tăng gần nhất của giá điện). Nguồn: Tổng hợp từ nhiều nguồn thống kê giá điện trong nước và khu vực.

Tăng giá điện hợp lý sẽ có lợi về lâu dài

Hình 1 cho thấy, từ năm 2005 đến 2019 (đã tính đợt tăng giá điện gần nhất vào tháng 3/2019), giá điện danh nghĩa tính theo VNĐ đã tăng đều đặn và tăng hơn gấp đôi. Tuy nhiên, vì VNĐ đã trải qua sự tăng trưởng đáng kể về mức giá trong giai đoạn này do lạm phát, sự thay đổi giá có thể là khá khác nhau về mặt thực tế. Xét về mức giá theo US cent, giá điện trung bình ở Việt Nam tương đối ổn định trong giai đoạn 2005 đến 2010 và trong 10 năm trở lại đây, xu hướng đã tăng dần, tuy có phần hơi chững lại trong vòng 3-4 năm nay.


Hình 1: Giá điện bán lẻ bình quân ở Việt Nam: giai đoạn 2005-2019. Nguồn: Tổng hợp từ các số liệu thống kê của EVN.

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng thế giới, tính ở mức bình quân đầu người, Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ nhiều điện nhất so với các nước cùng nhóm thu nhập trong khu vực (như Ấn Độ, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Philippines). Do kinh tế phát triển nhanh cùng quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và tăng trưởng dân số, nhu cầu về sử dụng điện tại Việt Nam đã, đang và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh.Trong giai đoạn 2011-2015, mức tiêu thụ điện quốc gia tăng trưởng ở mức trung bình 10,6%/năm, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của giai đoạn 2006-2010 là 13,4%/năm. Theo Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VII, nhu cầu về điện ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 11,15% hằng năm từ 2016 đến 2020; và sau đó ở mức 7,4 đến 8,4% mỗi năm từ 2021 đến 2030. 
Đảm bảo nguồn cung năng lượng là một vấn đề thiết yếu với mọi nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng nhưng tiềm lực để phát triển nguồn cung cấp điện của Việt Nam còn gặp rất nhiều hạn chế, để tránh mất cân bằng cung-cầu về điện thì việc tăng giá điện sẽ góp phần tăng cường tiết kiệm sử dụng điện, giảm mức tiêu hao (nhu cầu sử dụng) năng lượng (trong đó có điện năng). Nói cách khác, việc tăng giá điện sẽ khiến người tiêu dùng cần tìm cách tối ưu hóa việc sử dụng điện của mình và về lâu dài, họ sẽ hưởng lợi từ đó. Đó cũng là cách ít tốn kém nhất để tránh phải nâng cao công suất phát điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng cao.
Nhìn chung, mức giá điện ở Việt Nam mà hầu hết khách hàng của EVN phải trả không đủ bù đắp cho chi phí sản xuất điện thực tế. Giá điện bán lẻ tại Việt Nam được tính dựa trên chi phí sản xuất (chiếm 75% đến 80% giá bán lẻ), chi phí truyền tải (7%), chi phí phân phối (10%) và các phụ phí (3-8%). Giá điện hiện tại thường được cho là thấp hơn chi phí sản xuất, truyền tải, phân phối điện và phụ phí. Thực tế là giá điện của Việt Nam thấp hơn các nước khác cũng là lý do khiến các dự án điện ở nước ta chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các nhà đầu tư nước ngoài, tương xứng với tiềm năng phát triển.
Tăng giá điện gần đây là hợp lý vì góp phần đưa mức giá phản ánh đúng hơn chi phí, nhờ đó đưa giá điện ở Việt Nam tiến gần hơn đến cơ chế thị trường – điều cần thiết để cả nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng tới việc sử dụng năng lượng điện hợp lý, hiệu quả. Cụ thể là khách hàng khối sản xuất công nghiệp – nhóm tiêu thụ hơn một nửa sản lượng điện năng của cả nước (đặc biệt là khối doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng) là lĩnh vực có nhiều tiềm năng tiết kiệm điện nhất. Thêm vào đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng – nhóm mà đa phần chưa được trang bị công nghệ tiên tiến để tiết kiệm nhiều năng lượng. Nhờ vậy, mà thay vì phải dùng để “bù lỗ” bất hợp lý, các nguồn lực cũng sẽ được tập trung đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng hơn, hay phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng điện gió và điện mặt trời – mà Việt Nam được cho là có nhiều tiềm năng.1
Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện hợp lý còn mang lại những lợi ích lâu dài cho môi trường sống vì đầu vào của sản xuất điện ở nước ta phần lớn là nhiên liệu hóa thạch– nguồn nhiên liệu ngày càng hạn chế và điện đốt than – rất có hại cho môi trường (xem Hình 2).

Tăng giá điện không tác động tiêu cực đến nền kinh tế

Dựa vào các lý giải trên, tác giả tin rằng việc tăng giá điện ở Việt Nam vào thời điểm này là cần thiết. Về các tác động có thể xảy ra với nền kinh tế vĩ mô, một số người lo ngại rằng do điện là một mặt hàng thiết yếu của đời sống và sản xuất, việc tăng giá điện có thể dẫn đến tăng lạm phát và giảm mức tăng GDP của quốc gia. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế từ nhiều quốc gia trên thế giới thì tác động của tăng giá điện lên tỉ lệ lạm phát là khá thấp do chi phí cho tiền điện chỉ chiếm khoảng 2-3% giỏ hàng tiêu dùng (theo số liệu Ngân hàng Thế giới). 
Đương nhiên, tác động của đợt tăng giá điện này sẽ lan truyền đến phần lớn các loại hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế có tiêu thụ điện trong sản xuất, vì vậy có thể làm cho giá cả tăng mạnh hơn xu thế lạm phát thông thường. Tuy nhiên, tác động này, theo dự đoán của tác giả là chỉ mang tính nhất thời và không đáng kể, nhất là khi việc tăng giá điện được áp dụng từ từ. Ngoài ra, lạm phát ở Việt Nam hiện nay đang được kiềm chế ở mức khá thấp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng giá điện.


Hình 2: Sản xuất điện và lắp đặt công suất ở Việt Nam. Nguồn: Viện Năng lượng Việt Nam (IoE) (2016).

Về tác động lên tăng trưởng GDP thì có thể bao gồm cả hai chiều. Một mặt giá điện tăng sẽ gia tăng lợi nhuận của các công ty sản xuất điện. Một nghiên cứu gần đây của UNDP cho rằng ở Việt Nam, chính phủ có những khoản trợ cấp một cách gián tiếp, thông qua những ưu đãi với các nhà sản xuất và phân phối năng lượng. Chẳng hạn, EVN và các công ty con của mình nhận được tín dụng lãi suất thấp để đầu tư, cùng với trợ cấp giá cho các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện như than và khí đốt. Việc cải thiện tình hình tài chính do tăng giá điện sẽ giúp chính phủ cắt giảm các hỗ trợ “bù lỗ” cho các doanh nghiệp này, và số kinh phí này thay vào đó có thể dùng để đầu tư vào nâng cao năng lực sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Về khía cạnh này, tăng giá điện sẽ góp phần thúc đẩy tăng GDP. 
Mặt khác, giá điện tăng sẽ làm chi phí sản xuất kinh doanh tăng theo, nhất là đối với những ngành tiêu thụ nhiều điện năng. Chỉ tính riêng hai ngành xi măng và thép đã tiêu thụ đến 20% tổng điện năng của toàn ngành công nghiệp Việt Nam. Chi phí đầu vào tăng khiến các ngành này sẽ chịu một số tác động tiêu cực lên lợi nhuận trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về lâu dài, tăng giá điện sẽ tạo động lực buộc các nhóm khách hàng này phải thay đổi cách sử dụng điện của mình một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Nếu họ thành công, năng suất lao động sẽ được cải thiện, góp phần gia tăng lợi nhuận cho công ty về lâu dài.
Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng (tương đương 50.340 đồng/tháng), tiếp tục nhận được mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước hằng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng. Do đó tác động của việc tăng giá điện với nhóm này được dự đoán là không đáng kể.

EVN cần có phương thức truyền thông phù hợp 

EVN gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ một bộ phận công chúng khi quyết định tăng giá bán lẻ. Có nhiều lý do cho sự phản đối này. Một vài trong số đó chúng ta hay nói nôm na là do… hoàn cảnh. Thời điểm tăng giá điện xảy ra vào giai đoạn những ngày nóng nực mà người tiêu dùng có xu hướng sử dụng điện nhiều hơn mức bình thường, đặc biệt là điều hòa, quạt, tủ lạnh, … Thêm vào đó, giá điện tăng cao gần như cùng lúc với giá xăng dầu và dịch vụ y tế, đều là những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống, tăng áp lực chi phí không nhỏ lên cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân.
Tuy nhiên, lý do lớn hơn cả đằng sau sự phản đối của người dân về việc tăng giá điện được lý giải từ sự thiếu minh bạch trong việc tính toán chi phí sản xuất. Bộ Công thương (MOIT), giải thích về quyết định tăng giá bán lẻ, cho biết chi phí sản xuất đã tăng lên và EVN đang phải chịu khoản lỗ lũy kế 9,8 nghìn tỷ đồng do biến động tỷ giá. Tuy các hoạt động tài chính của EVN được công bố công khai, một bộ phận công chúng vẫn bày tỏ rằng mức tăng giá này không thuyết phục vì họ không thể kiểm chứng chi phí đầu vào của sản xuất điện như sản xuất, truyền tải điện, phân phối và bán lẻ, chi phí quản lý và dịch vụ hỗ trợ. Trong khi đó, giá bán lẻ điện được xác định dựa trên các chi phí này.
Do đó, một bộ phận công chúng có thể mang tâm lý không hài lòng vì cho rằng họ phải trả mức giá điện cao hơn không phải do những nguyên nhân liên quan đến tăng giá nguyên liệu đầu vào hay phát triển công nghệ, mà là để gánh những thất thoát, tổn thất từ công tác quản lý. Vì vậy, EVN cần có phương thức truyền thông phù hợp để làm rõ các vấn đề người dân quan tâm, giảm trừ đi những kênh không chính thống đưa thông tin thiếu chính xác, khiến cứ mỗi lần tăng giá là gây nên những phản ứng với tác động cộng hưởng thiếu tích cực trong xã hội, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của một bộ phận công chúng cũng như các nhà sản xuất và đầu tư.

TT

Nhóm đối tượng khách hàng

Giá bán điện

(đồng/kWh)

1

Giá bán lẻ điện sinh hoạt

 

 

Bậc 1: Cho kWh từ 0 – 50

1.678

 

Bậc 2: Cho kWh từ 51 – 100

1.734

 

Bậc 3: Cho kWh từ 101 – 200

2.014

 

Bậc 4: Cho kWh từ 201 – 300

2.536

 

Bậc 5: Cho kWh từ 301 – 400

2.834

 

Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên

2.927

2

Giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước

2.461

Bảng 2: Giá bán lẻ điện sinh hoạt của EVN. Nguồn dữ liệu: EVN.

Một vấn đề nữa đáng bàn là sự phù hợp của các mức giá điện được chia ra như hiện tại cho từng nhóm đối tượng. Đồng ý rằng chúng ta cần phát triển một hệ thống giá điện sinh hoạt bậc thang theo hướng lũy tiến để tính giá điện – đó cũng là xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xem xét về tính hợp lý của các mức giá bậc thang này với mỗi nhóm đối tượng khách hàng để phù hợp với mức giá bán lẻ trung bình mà Chính phủ đã quyết định. Lấy ví dụ là mức giá điện sinh hoạt cho nhóm đối tượng khách hàng hộ gia đình (xem Bảng 2). Biểu giá bán lẻ điện cho nhóm này hiện được chia làm 6 bậc. Các vấn đề chính nhận được sự quan tâm từ biểu giá này là: Tốc độ tăng lũy tiến như hiện nay đã hợp lý chưa? Số lượng bậc phù hợp nên là tăng thêm hay giảm đi? Và mức giá này có phù hợp với bình quân tiêu thụ điện trong xã hội chưa? Cũng như mức giá này có phù hợp với nhóm đối tượng phục vụ chính của ngành điện không? Người dân có thể dựa vào biểu giá này mà tự tính toán chính xác được chi phí sử dụng điện thực tế của họ không?
Thiết nghĩ có lẽ EVN nên đưa thêm những lời giải thích xác đáng dựa vào các kết quả nghiên cứu cụ thể của mình để làm rõ hơn về những vấn đề này, tạo nên sự tin tưởng nơi công chúng đối với những quyết định của ngành điện.□
——-
Chú thích: 
* TS, Đại học RMIT Việt Nam.
1 Tác giả và cộng sự có bàn luận về tiềm năng sử dụng Hệ thống điện năng lượng mặt trời hộ gia đình (Solar home systems – SHS) ở thành phố Hồ Chí Minh trong 1 công bố gần đây (2018) trên tạp chí Renewable Energy (xếp hạng Scopus Q1), link ở đây: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0960148117310765?via%3Dihub

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)