Tăng trưởng kinh tế có luôn đi kèm ô nhiễm không khí?

Kinh nghiệm phát triển của các nước đã cho thấy rằng, một số nước đã chấp nhận ô nhiễm môi trường vì lợi ích tăng trưởng kinh tế, nhưng một số nước khác thành công trong tăng trưởng kinh tế đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường.


Ảnh: Báo Dân sinh.

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam và thế giới

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đều đặn trong hàng chục năm nay đã giúp xóa đói giảm nghèo nhanh chóng, đưa Việt Nam từ một nước thu nhập thấp (low income) lên mức thu nhập trung bình thấp (lower middle income). Tuy nhiên, cùng với mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đó, chỉ số đo bụi mịn PM 2.5 ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn ở Việt Nam đang ngày càng tăng cao. 
Trong khoảng một vài tháng gần đây, có thời kỳ trời không mưa, thì trong một tuần có đến 4-5 ngày mức độ bụi mịn ở Hà Nội đã được báo lên tới mức có hại cho sức khỏe, phải hạn chế các hoạt động ở ngoài trời. Cũng theo trang dự báo chất lượng không khí Air Visual, đã có những ngày Hà Nội được xếp vào trong nhóm những thành phố ô nhiễm không khí bậc nhất trên thế giới. 
Xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng không chỉ có ở Việt Nam, mà còn là một vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách khắp nơi trên thế giới. Quả thế, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng và toàn cầu hóa. Ranh giới địa lý quốc gia không ngăn chặn được vấn đề ô nhiễm môi trường. Không khí, hay thậm chí cả nguồn nước, bị ô nhiễm ở một nước có thể ảnh hưởng rõ rệt đến những nước xung quanh. Đã có nghiên cứu gần đây chứng minh rằng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc có thể làm tăng tỉ lệ tử vong do bệnh hô hấp và tim mạch ở nước láng giềng Hàn Quốc, đặc biệt đối với người già hoặc trẻ em dưới 5 tuổi (Jia and Ku, 2019).
Trong một nghiên cứu gần đây, chúng tôi so sánh mức tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm không khí trên toàn cầu (Dang and Serajuddin, 2020). Biểu đồ 1 vẽ GDP bình quân đầu người so với số lượng bụi mịn PM 2.5 đo bằng micrograms mỗi mét khối (µg/m3) trong không khí cho các nước trong giai đoạn 1990 đến 2016. Biểu đồ này cho thấy mức GDP bình quân đầu người trên thế giới (đường liền màu xanh) tăng từ khoảng 7.000 usd lên gần 11.000 usd trong giai đoạn này. Nhưng cùng với tin vui này, thì chất lượng không khí trên toàn thế giới cũng giảm một cách đáng kể: số lượng bụi mịn PM 2.5 (đường đứt đoạn màu đỏ) cũng tăng từ khoảng 39 µg/m3 lên tới gần 50 µg/m3. Trong khi đó, giới hạn an toàn cho bụi mịn PM 2.5 của Tổ chức y tế Thế giới là 10 µg/m3 hoặc thấp hơn.
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng tính đến cuối năm 2013, gần 90% dân số thế giới đang phải sống trong các khu vực có mức ô nhiễm không khí vượt quá hạn mức an toàn của Tổ chức y tế Thế giới (World Bank, 2016). Báo cáo này cũng ước tính rằng việc phơi nhiễm với không khí không đạt chuẩn đã làm rút ngắn tuổi thọ của con người, cụ thể là làm tăng tỉ lệ tử vong thêm 30% trong giai đoạn 1990 và 2013. 

Có phải ô nhiễm không khí là điều tất yếu? 

Kinh nghiệm phát triển của các nước đã cho thấy rằng, một số nước đã chấp nhận ô nhiễm môi trường vì lợi ích tăng trưởng kinh tế, nhưng một số nước khác thành công trong tăng trưởng kinh tế đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường.  


Biểu đồ 1: Chỉ số GDP và bụi mịn PM 2.5 trên toàn cầu giai đoạn 1990-2016. Nguồn: Dang and Serajuddin (2020).  

Biểu đồ 2: Chỉ số GDP và bụi mịn PM 2.5 của Trung Quốc và Nauy giai đoạn 1990-2016. Nguồn: Dang and Serajuddin (2020).  

Trước hết hãy nhìn vào một trường hợp điển hình là Trung Quốc. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đã giúp đất nước này đạt tới vị trí thu nhập trung bình cao (upper-middle income). Tuy nhiên môi trường của Trung Quốc đã tồi tệ đi một cách đáng kể trong quá trình này. Biểu đồ 2 so sánh GDP bình quân đầu người và chỉ số bụi mịn PM 2.5 của Trung Quốc và một nước khác, Nauy, để so sánh. Biểu đồ này cho thấy chỉ số bụi mịn PM 2.5 của Trung Quốc còn tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1990-2016. Biểu đồ 2 cũng cho thấy Trung Quốc đã đạt tới mức 56 µg/m3 bụi mịn PM 2.5 ở mức GDP bình quân đầu người là 7.000 đ Mỹ năm 2016. Mức độ ô nhiễm này cao hơn khoảng 40% so với cùng mức thu nhập bình quân đầu người cho toàn thế giới theo Biểu đồ 1 (Figure 1).
Trong khi đó, Nauy là trường hợp trái ngược hoàn toàn, vừa đạt được tăng trưởng kinh tế lại vừa giảm được đều đặn chỉ số bụi mịn theo thời gian.

Kinh nghiệm giảm ô nhiễm không khí

Nếu chúng ta xem xét Biểu đồ 2 kỹ hơn, thì có thể thấy mức độ ô nhiễm không khí của Trung Quốc đạt mức cao nhất vào năm 2010, rồi sau đó dừng không tăng tiếp, và thậm chí còn giảm dần. Đó có thể là do các biện pháp tích cực mà Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện. Đầu tiên là Trung Quốc chính thức tuyên chiến với ô nhiễm không khí vào đầu năm 2014. Sau đó Trung Quốc đề ra một chính sách hành động để bảo vệ chất lượng không khí yêu cầu các khu vực đô thị phải giảm mức độ bụi mịn ít nhất là 10%. Thủ đô Bắc Kinh còn được yêu cầu phải giảm lượng bụi mịn nhiều hơn, ở mức 25%.
Trung Quốc cũng cấm xây dựng mới các nhà máy điện than hoạt động ở những khu vực bị ô nhiễm nhất. Các nhà máy điện than đang hoạt động thì được yêu cầu phải tìm cách giảm ô nhiễm. Nếu các nhà máy này không làm được như vậy, thì chúng sẽ bị thay thế bởi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt gây ít ô nhiễm hơn. Các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu hạn chế số lượng ô tô được phép chạy trên đường phố. Trung Quốc cũng giảm mức sản xuất sắt và thép và đóng cửa một số mỏ than.
Một số nghiên cứu gần đây đánh giá là các biện pháp trên có tác động tích cực và giúp cắt giảm ô nhiễm. Cụ thể là lượng bụi mịn ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Bảo Định – thành phố được coi là ô nhiễm nhất Trung Quốc năm 2015- đã giảm gần 40%. Hơn thế nữa, do chất lượng không khí được cải thiện, dân số khoảng 20 triệu ở Bắc Kinh và hơn 10 triệu ở Bảo Định có thể kéo dài tuổi thọ từ 3.3 đến 4.5 năm nữa. Lợi ích này sẽ được thụ hưởng bởi toàn bộ các nhóm dân số, chứ không chỉ đối với những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em và người già (Greenstone, 2018). 
Nhìn lại quá trình phát triển trên thế giới, thì không chỉ Trung Quốc, mà cả những quốc gia phát triển như Mỹ hay Anh cũng đã từng phải trải qua giai đoạn ô nhiễm trầm trọng trong quá trình phát triển. Một sự kiện bi thảm do ô nhiễm môi trường đã từng xảy ra ở thủ đô London của Anh vào tháng 12 năm 1952, được gọi là “London smog” hay là “sương mù do ô nhiễm ở London”, đã khiến cho 12,000 người chết. Trong năm 1952 ở London, chỉ số bụi mịn PM 2.5 được đo lên mức rất cao, tới 300 µg/m3, và thậm chí nhảy vọt gấp 10 lần lên tới mức 3000 µg/m3 trong tháng 12 của năm đó (Davis et al., 2002). Thành phố Los Angeles ở nước Mỹ trong những năm 1970 cũng bị coi là “thủ đô sương mù công nghiệp” của thế giới vì mức độ ô nhiễm không khí. 
Nhưng cũng vì vậy, Anh và Mỹ đã phải ra các đạo luật để bảo vệ không khí sạch ngay sau đó để tạo ra các quy chuẩn giảm thiểu ô nhiễm. Một nghiên cứu cho thấy rằng, đạo luật Bảo vệ không khí sạch được ban hành năm 1970 ở Mỹ đã góp phần giảm lượng bụi mịn ở Los Angeles tới 50%. Đạo luật này đặc biệt có hiệu quả bảo vệ không khí sạch ở những thành phố ô nhiễm nhất ở Mỹ, giúp kéo dài tuổi thọ người dân Los Angeles, New York, và Chicago thêm gần 2 năm (Greenstone, 2015). 

Tầm nhìn nào cho Việt Nam? 

Trước hết chúng ta nên coi ô nhiễm không khí là một hệ quả không mong muốn của việc tăng trưởng, và là một vấn đề cần được giải quyết cũng như là chúng ta đã giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo. Nhưng có lẽ khác với đói nghèo là hiện tượng dễ nhận biết mà cả xã hội (và thế giới) muốn giải quyết, vấn đề ô nhiễm không khí có khả năng âm thầm gây ra những tác hại to lớn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội, nhất là sức khỏe người dân. Nếu không có những giải pháp triệt để và toàn diện, vấn đề ô nhiễm không khí sẽ không tự mất đi, mà trái lại nó sẽ trở nên ngày càng trầm trọng. 
Chúng ta cũng không nên coi việc giảm ô nhiễm nhất thiết sẽ khiến tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Kinh nghiệm của Nauy vừa tăng trưởng kinh tế lại vẫn có thể giữ cho môi trường sạch hơn là một trường hợp đáng học hỏi. Ngoài ra, cũng có nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc giảm ô nhiễm không khí về lâu dài lại có thể giúp cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm mới hơn (Hanlon, forthcoming). Điều này nghe qua tưởng là nghịch lý nhưng thật ra lại hợp lý nếu chúng ta thấy rằng ô nhiễm không khí sẽ khiến một thành phố trở nên kém hấp dẫn và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu (ví dụ, nguồn nhân lực có chất lượng cao sẽ không muốn đến sống và làm việc ở một nơi ô nhiễm, hay khách du lịch cũng không muốn đến thăm một thành phố ô nhiễm). Một nơi ô nhiễm cũng có thể làm giảm sức khỏe công nhân khiến họ làm việc kém hiệu quả hơn. Về lâu dài thì việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế gia tăng sử dụng những nguồn năng lượng sạch và bền vững sẽ giúp Việt Nam vừa tận dụng tốt hơn những lợi thế thiên nhiên ưu đãi, đồng thời bắt kịp xu thế tiến bộ của các nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Việt Nam đã từng hai lần tuyên chiến với các vấn nạn xã hội và đạt được những thành công to lớn. Lần đầu là phong trào “diệt giặc dốt” những năm 1945 khi đất nước vừa giành được độc lập, lần thứ hai là “giặc đói” khi đất nước đổi mới năm 1986. Cuộc chiến thứ nhất góp phần xóa mù chữ góp phần tạo ra tiền đề vững chắc về giáo dục cho phần lớn dân số, nhất là xóa bỏ bất bình đẳng về học vấn cho học sinh nữ (Dang et al., forthcoming). Cuộc chiến thứ hai khiến Việt Nam được biết đến là một trong những nước có thể giảm đói nghèo trong một thời gian ngắn nhất. Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta cần tuyên chiến như vậy với ô nhiễm không khí. □
 ——–
Tài liệu tham khảo
Dang, Hai-Anh and Umar Serajuddin. (2020). “Tracking the Sustainable Development Goals: Emerging Measurement Challenges and Further Reflections”. World Development. https://doi.org/10.1016/j.worlddev.2019.05.024
Dang, Hai-Anh H., Trung X. Hoang, and Ha Nguyen. (forthcoming). “The long-run and gender-equalizing impacts of school access: evidence from the first Indochina war”. Economic Development and Cultural Change.
Dang, Hai-Anh, Haishan Fu, and Umar Serajuddin. (2020). “Does GDP Growth Necessitate Environmental Degradation?”. World Bank’s Data Blog.
Davis, Devra L., Michelle L. Belle, and Tony Fletcher. (2002). “A look back at the London smog of 1952 and the half century since.” Environmental Health Perspectives, 110(12): A734-A735.
Greenstone, Michael. (2015). “The Connection Between Cleaner Air and Longer Lives”. New York Times.
—. (2018). “Four Years After Declaring War on Pollution, China Is Winning”. New York Times.
Hanlon, Walker. (forthcoming). Coal Smoke, City Growth, and the Costs of the Industrial Revolution. Economic Journal.
Jia, Ruixue and Hyejin Ku. (2019). “Is China’s Pollution the Culprit for the Choking of South Korea? Evidence from the Asian Dust.” Economic Journal, 129(624): 3154–3188.
World Bank. (2016). The cost of air pollution: strengthening the economic case for action. Washington, D.C.: World Bank Group.

Tác giả

(Visited 181 times, 5 visits today)