Tích tụ ruộng đất và phát triển nông nghiệp CNC: Khuyến nghị chính sách

Tích tụ ruộng đất và phát triển nông nghiệp CNC một cách thiếu nghiên cứu, thiếu thận trọng có thể đẩy những người nông dân ra “bên lề” của công cuộc hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp. Vậy nhà nước nên có những chính sách gì để đảm bảo vai trò chủ thể của người nông dân? Sau kỳ I & kỳ II phân tích toàn diện về tích tụ ruộng đất và phát triển nông nghiệp CNC trong loạt bài “Tích tụ ruộng đất và phát triển nông nghiệp CNC: Đôi điều trăn trở”, mời bạn đọc đọc tiếp kỳ cuối “Khuyến nghị chính sách” của tác giả Trần Đức Viên.

Tích tụ ruộng đất ở quy mô lớn mới thực sự là cứu cánh cho nền nông nghiệp đang trì trệ? Nguồn ảnh: TTXVN.

Tích tụ, tập trung đất đai

1. Thực tế cho thấy tình trạng nông nghiệp kém hiệu quả hiện nay ở nước ta xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó do diện tích canh tác nhỏ bé, phân tán nên cần phải tích tụ, tập trung đất đai là một trong những nguyên nhân, nhưng chưa hẳn đã là nguyên nhân mang tính quyết định. Người ta cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng kém hiệu quả hiện nay là do tổ chức nông dân (tổ chức sản xuất) và tổ chức thị trường còn có những yếu kém, thể hiện ở chỗ nông nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi toàn cầu ở các khâu có giá trị gia tăng thấp, lao động giản đơn, thiếu sự hỗ trợ của công nghiệp, dịch vụ, chế biến, thiếu thương hiệu có uy tín, sản xuất không theo tín hiệu thị trường, không theo quy hoạch, sử dụng vật tư, giống chất lượng kém dẫn đến chất lượng nông sản thấp, năng lực cạnh tranh trên thị trường nông sản quốc tế yếu, quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp còn có những hạn chế dẫn đến tình trạng tàn phá tài nguyên[1], ô nhiễm môi trường …

Vì vậy, để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, cần các giải pháp toàn diện, trong đó giải pháp tích tụ, tập trung đất nông nghiệp[2] phải đi đôi với cải cách mạnh mẽ các điều kiện của sản xuất nông nghiệp như tổ chức tốt thị trường đầu vào, đầu ra, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tăng cường quản lý chất lượng nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng nông nghiệp, tôn trọng qui luật thị trường, để thị trường điều tiết qui mô sản xuất và công nghệ áp dụng với sự định hướng và hỗ trợ của nhà nước… người nông dân đồng thời là doanh nhân trên đồng ruộng của họ, Có như vậy thì nông nghiệp Việt Nam mới có thể bước sang một giai đoạn phát triển mới.

2. Tích tụ ruộng đất phải tuân theo quy luật thị trường[3], đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các chủ thể (hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp, …). Quy luật thị trường sẽ tự nó phân phối nguồn lực đất đai (và các nguồn lực khác như vốn, lao động, và cả công nghệ tương thích nữa) một cách hiệu quả. Chính quyền chỉ nên làm vai trò xúc tác, trung gian hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và hộ nông dân trong quá trình thỏa thuận thuê, mua đất. Xu hướng chung là người nông dân không muốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tâm lý giữ đất vẫn phổ biến bất chấp nguồn thu nhập phi nông nghiệp được đảm bảo. Do đó, vai trò của thị trường thuê đất cần được chú ý để đảm bảo việc tiếp cận đất đai trong quá trình mở rộng sản xuất nông nghiệp. Mạnh dạn thay đổi chính sách, pháp luật nhằm khuyến khích việc chuyển đổi ruộng đất, cho thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Bỏ thời gian giao đất, nên xem xét giao đất nông nghiệp cho nông dân sử dụng lâu dài như đất ở, qua đó tăng giá trị tài sản cho họ khi góp đất vào DN hay cho DN thuê đất.

3. DN có vai trò đầu tàu trong liên kết giúp người nông dân sản xuất theo chuỗi sản phẩm phù hợp với tín hiệu thị trường cả trong và ngoài nước. DN tích tụ ruộng đất nhưng không làm người nông dân mất kế sinh nhai, giúp người nông dân có cuộc sống tốt hơn khi làm nông nghiệp cùng DN. Lúc đó, nông dân mới có điều kiện tự nguyện nhượng cho DN quyền sử dụng đất hay cho thuê đất dài hạn. DN tự thương thảo với người nông dân theo cơ chế thị trường, tức là gặp nhau giữa “cung và cầu”, chính quyền chỉ đứng ra làm chứng, xác nhận để dân yên tâm hơn. Nhà nước chỉ nên là người tạo ra các “luật chơi” và thực hiện vai trò kiến tạo của mình, chứ không nên tham gia trực tiếp vào “cuộc chơi” kiểu như đứng ra thuê đất của nông dân rồi cho DN thuê lại. Cần xem lại tư cách pháp nhân của chính quyền địa phương khi ký kết hợp đồng thuê đất và cho thuê đất giữa nông dân và DN.

4. Về kiến nghị bỏ hạn điền, cần suy xét cẩn trọng trong việc tích tụ ruộng đất quy mô lớn[4], nên chăng chỉ là nới hạn điền. Kiến nghị bỏ hạn điền  mang lại lợi ích không lớn, không chắc chắn, trong khi rủi ro tiềm ẩn lại khá cao. Hãy thử phân tích một số hệ quả và ích lợi mang lại.

Đã có một số DN tập trung được diện tích đất khá lớn nhưng kinh doanh không thành công, khi giao đất, chính quyền kỳ vọng từ các DN nông nghiệp là họ sẽ đầu tư lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, áp dụng giống mới, công nghệ mới, nhờ đó cung cấp khối lượng sản phẩm đạt quy mô xuất khẩu hiệu quả, đồng nhất về kích cỡ, chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn về thương nhãn, xuất xứ, thương hiệu… Nhưng, để xây dựng thương hiệu, cần một quá trình lâu dài. Quy mô lớn mà không có thương hiệu, không có thị phần ổn định thì rủi ro phá sản khi thị trường giảm giá càng lớn. Mà thị trường nông sản thế giới luôn hoạt động theo chu kỳ tăng, giảm khó đoán định, nhất là với DN Việt Nam, còn rất non trẻ, ít kinh nghiệm trên thương trường quốc tế. Ở khía cạnh này, DN kém “sức sống” hơn hộ gia đình. Bởi vì người nông dân kinh doanh ở quy mô hộ gia đình có khả năng “co giãn” nhu cầu, điều tiết cung cầu để thích ứng với rủi ro thị trường tốt hơn DN. Do đầu tư ít, họ ít chịu áp lực trả nợ ngân hàng; do không phân định rõ tiền lương và lợi nhuận nên hộ nông dân có thể duy trì sản xuất ở mức tiền lương tối thiểu, không có lợi nhuận. Vì thế, nông nghiệp nông hộ sẽ ít chịu hậu quả phá sản khi giá nông sản bước vào chu kỳ giảm so với DN nông nghiệp.

Các rủi ro đem lại tác động tiêu cực của việc bỏ hạn điền có thể là: (i) Sẽ có hiện tượng DN nỗ lực nhận quyền sử dụng đất để đầu cơ, bán lại dự án cho DN khác khiến ruộng đất bị bỏ hoang ở quy mô lớn trong thời gian dài, trong khi dân thiếu đất canh tác dẫn đến hiện tượng lấn chiếm trở lại như từng xảy ra trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ những năm qua; (ii) Người giàu có thể thành lập DN (trá hình) để mua đất nhằm tích trữ của cải một cách an toàn, tránh lạm phát và phá sản của ngân hàng. Do mục tiêu là tích trữ của cải nên họ không chú trọng đầu tư để phát triển nông nghiệp dẫn đến một số diện tích đất không được sử dụng hiệu quả, kích động lại chế độ phát canh thu tô ở quy mô nhỏ; (iii) Hiện tượng cho vay nặng lãi (hoạt động ngầm và thịnh hành ở nhiều nơi, không chỉ ở nông thôn) sẽ hỗ trợ cho những người giàu tích tụ đất đai không nhằm kinh doanh nông nghiệp, đồng thời xuất hiện trở lại nhiều hộ nghèo, vì hoàn cảnh khó khăn phải bán đất. Như vậy, quá trình tích tụ đất tự phát sẽ không còn bị ngăn cản bởi hạn điền (mặc dù hạn điền không thể ngăn chặn hoàn toàn quá trình tích tụ đất phi pháp, nhưng hạn chế động cơ tích tụ đất phi pháp do rủi ro lớn).

Như vậy, việc bỏ hạn điền không hứa hẹn một cách chắc chắn rằng có làn sóng đầu tư lớn của DN, tập đoàn lớn vào kinh doanh nông nghiệp, trong khi đó lại tiềm ẩn các tác động tiêu cực khá lớn. Vì vậy, vấn đề này, cần nghiên cứu thận trọng để nếu cần thiết thì mở rộng thêm hạn điền ở quy mô kinh doanh hiệu quả (nới hạn điền).

5. Nên có chính sách khuyến khích các DN, nhất là các DN có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến nông sản, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản và tổ chức thị trường nội địa và xuất khẩu (kết nối nông dân Việt Nam với thị trường toàn cầu) hơn là khuyến khích các DN tích tụ ruộng đất để sản xuất qui mô lớn theo mô hình phương Tây như hiện nay. Học viện Nông nghiệp Việt Nam (HVNNVN) đã có bài học về việc này khi tổ chức trồng dứa quy mô lớn ở Quảng Trị: (a) Ruộng đất vẫn của nông dân; (b) DN lo đầu vào (cung cấp giống chuẩn, vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chuẩn với giá bán buôn thấp nhất cho nông dân) và lo bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả đã được công bố công khai từ đầu vụ (trước khi trồng), nông dân mang nông sản đến các vị trí tập kết, xe tải của DN đến thu mua và trả tiền mặt cho nông dân tại các điểm tập kết gần ngay đồng ruộng của nông dân, khấu trừ tiền giống và vật tư DN đã ứng trước (không tính lãi); (c) HVNNVN cùng DN lo tập huấn (miễn phí) cho nông dân và cử cán bộ kĩ thuật cùng sinh viên thực tập tốt nghiệp chỉ đạo sản xuất trực tiếp; (d) Chính quyền địa phương làm trọng tài, đồng hành cùng nông dân và DN giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng phát sinh (nếu có), lo xác đinh các vị trí tập kết, lo tổ chức các nhóm hộ nông dân, Hợp tác xã (HTX) sản xuất theo yêu cầu kĩ thuật và công nghệ của DN và của HVNNVN, lo tu sửa đường xá, hệ thống cấp thoát nước phục vụ sản xuất và thu mua nông sản. Khi diện tích trồng dứa của tỉnh vượt quá 2.000hecta, DN sẽ đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến dứa tại chỗ, tỉnh có trách nhiệm tìm đất và tiến hành các thủ tục pháp lý giao đất cho DN xây dựng nhà máy. Như vậy là, DN không trực tiếp sản xuất ra nông sản, chỉ lo “đầu vào” và “đầu ra” của nông sản. Sản xuất trên đồng ruộng là việc của nông dân, tổ chức sản xuất là việc của chính quyền. Tất nhiên là, chính quyền, DN, HVNNVN luôn đồng hành cùng nhau vì lợi ích của DN và của người nông dân. Mô hình này cũng đang được triển khai thành công ở Tây Nguyên.

Với nông dân Việt Nam, trong điều kiện hiện nay, quy mô diện tích bao nhiêu là vừa? chưa ai nghiên cứu kĩ càng vấn đề này cho từng vùng miền, cho từng loại nông sản. Có người cho rằng đất trồng cây hàng năm khoảng 30 hecta, đất vườn trồng cây ăn trái khoảng 100 hecta, đất trồng rừng khoảng 300 hecta là phù hợp, là vừa sức với với trình độ quản lý và công nghệ hiện nay của hộ nông dân.

Nông nghiệp công nghệ cao

1. Cần có chính sách khuyến khích phát triển NNCNC quy mô lớn, tập trung, nhưng cũng phải quan tâm đúng mức, nếu chưa muốn nói là quan tâm hơn, đến sản xuất quy mô nông hộ[5], tổ/nhóm hộ nông dân, HTX. Xin nhắc lại là, sản xuất nông sản hàng hóa ứng dụng CNC quy mô nông hộ[6] rất thành công ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hà Lan và thậm chí là ở ngay Hoa Kỳ, đất nước với những cánh đồng nhìn hút tầm mắt. Cần phân định rõ và tôn trọng cả hai hình thức: NNCNC và ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp. NNCNC hay ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp thì cũng phải hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn, thân thiện với môi trường, tạo tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp.

Thận trọng trong việc nhập khẩu nguyên xi công nghệ tiên tiến “nhất thế giới” của các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và quan hệ xã hội rộng. Điều đó đóng góp không đáng kể cho việc tăng cường tiềm lực KH&CN quốc gia, buộc chúng ta phải lệ thuộc vào công nghệ, giống, vật tư của nước ngoài. Cần cân nhắc được-mất giữa nhập khẩu lương thực, thực phẩm sang nhập khẩu giống, vật tư, công nghệ; chưa ai đo đếm xem “đắt, rẻ” thế nào giữa hai hình thức nhập khẩu này.

2. Nông dân vẫn phải là chủ thể của ruộng đồng, muốn vậy, bằng một cách nào đó, họ phải được tham gia trực tiếp và gián tiếp vào quá trình vận hành và hoạt động của các khu NNCNC, không thể để nông dân bị đẩy ra “bên lề” của công cuộc phát triển NNCNC. Việc các DN thâu tóm diện tích quy mô lớn (kiểu AgroHolding của Ukraina), đẩy nông dân ra khỏi đồng ruộng của họ tiềm ẩn nhiều rủi ro và hậu họa khó lường trước, ví dụ khi DN bị thua lỗ, ai sẽ tạo sinh kế mới cho nông dân; và khi ấy DN có thể dùng con bài “nông dân” để mặc cả với chính quyền. Nhờ tham gia vào các hoạt động này, họ và con cháu họ học hỏi được kinh nghiệm quản lý và vận hành DN nông nghiệp, hiểu biết về các công nghệ phù hợp; từ đó hình thành tầng lớp nông dân mới, có tri thức, làm chủ công nghệ và biết quản lý, điều hành DN nông nghiệp, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, xác lập vị thế mới của nông sản Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

*** Những vấn đề trên cần có các nghiên cứu độc lập và tương đối toàn diện về tác động/hiệu quả của việc tích tụ ruộng đất, nới hạn điền, NNCNC đến phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường nói chung, đến phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nói riêng, nhất là tác động đến sinh kế của người dân (ngắn hạn và dài hạn).

Có thể học tập mô hình “Ngân hàng đất nông nghiệp” với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp và phát triển thế hệ các nông dân trẻ có tri thức như Pháp, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở đó, họ thành lập các công ty (ngân hàng) thu mua đất của nông dân theo giá thị trường, nếu như nông dân không có nhu cầu sử dụng đất để canh tác, và nông dân chỉ có thể mua bán đất hay gửi đất vào các ngân hàng đất này. Ai muốn sử dụng đất để canh tác (trồng trọt, chăn nuôi) thì phải có đề án khả thi, có bằng tốt nghiệp thấp nhất là Trung cấp nông nghiệp, sẽ được các Ngân hàng đất này cho thuê lại, và được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.

————–

Chú thích

[1] Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Việt Nam đã đánh mất 43% lượng rừng che phủ từ năm 1973 đến năm 2009.

[2] Ông Sergut Zorya, chuyên gia về nông nghiệp của WorldBank nhận xét: “Bên cạnh những tác động khách quan ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng nông nghiệp như hạn hán, xâm nhập mặn… thì nông nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức nội tại như cơ chế chính sách đất đai, trình độ sản xuất và thương hiệu. Đã vậy, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Xuất khẩu tiếp tục khó khăn cả về lượng lẫn về giá. Gạo Thái Lan có thể bán với giá 800 USD/tấn trong khi gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 400 USD/tấn”.

[3] Theo một số ghi nhận, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoạt động rất yếu, thậm chí có xu hướng giảm. Trong số đất nông nghiệp đã chuyển nhượng thì 29% chuyển nhượng trước 1994, 41% chuyển nhượng trong giai đoạn 1994 – 2003, 30% chuyển nhượng trong giai đoạn từ 2004 đến nay. Mặt khác, thị trường cho thuê đất còn kém hơn rất nhiều so với thị trường chuyển nhượng đất nông nghiệp.

[4] Có người cảnh giác: Chủ trương tích tụ ruộng đất có đi ngược lại mục đích của cuộc cải cách ruộng đất cách đây hơn 60 năm không? Nếu vậy thì mục tiêu cách mạng đã thay đổi? Đâu là cơ sở lý luận cho vấn đề này? Tích tụ ruộng rất có mâu thuẫn gì với mục tiêu của phát triển nông nghiệp bền vững (tăng trưởng kinh tế, cộng đồng thịnh vượng, bảo vệ môi trường)? Đặc biệt là với sinh kế của đại đa số nông dân trong điều kiện hiện nay khi công nghiệp và dich vụ chưa thể hấp thụ hết lao động dư thừa do “mất đất” ở nông thôn? Liệu cộng đồng nông thôn có thịnh vượng được không hay sẽ gây bất ổn về xã hội?

[5] Chính những hộ nông dân này (nông trại quy mô vừa và nhỏ) là những người đã làm nên kỳ tích của nông nghiệp VN thời gian qua, họ cũng cần được đối xử bình đẳng như DN. DN được thuê đất, mua đất, vay vốn để xây dựng NNCNC thì họ cũng có quyền được thuê đất, mua đất, vay vốn để ứng dụng CNC vào nông nghiệp. Nông dân với 1,5 hecta đất nông nghiệp nếu đem thể chấp ngân hàng chỉ được vay 200-300 triệu đồng, không bằng một chủ sở hữu một ngôi nhà 40m2 có thể thế chấp vay được 3-5 tỷ đồng! Cách làm này, vô hình trung đã hỗ trợ cho người giàu, làm gia tăng khoảng cách giàu-nghèo, gia tăng mâu thuẫn và các bất ổn xã hội.

[6] Trên thực tế, không ít nông hộ đã ứng dụng CNC vào sản xuất. Đa số các nông trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ của hộ nông dân đều nuôi lợn lai, hoặc lợn siêu nạc có giống gốc từ các “cường quốc” chăn nuôi châu Âu như Bỉ, Đan Mạch.., Bò giống từ Úc, Bỉ, Hà Lan… nuôi theo quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, giám sát thú y chặt chẽ, thức ăn chế biến sẵn theo quy chuẩn, v.v… Thế đã đủ để được gọi là CNC chưa?
————-

Tài liệu tham khảo chính

1. Trần Quốc Toản (2013), Đổi mới quan hệ sở hữu đất đai – Lý luận và thực tiễn. NXB Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2013.

2. Trần Quốc Toản (2013), Đổi mới và hoàn thiện thể chế phát triển nông nghiệp trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Hà Nội 2013.

3. Nông nghiệp Việt Nam đứng trước ngã ba đường, http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nong-nghiep-viet-nam-dang-dung-truoc-nga-ba-duong-20161030064014869.htm.

4. Luật đất đai 2013, NXB Chính trị Quốc gia, 2013

5. Nguyễn Ðình Bồng (2013). Chính sách tích tụ ruộng đất nhìn từ thực tiễn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tạp chí Cộng sản. 847 (5-2013). tr. 54-58

6. Nguyễn Cúc và Hoàng Văn Hoan (2010). Chính sách của Nhà nước đối với nông dân trong điều kiện thực hiện các cam kết của WTO. NXB Khoa học kỹ thuật. tr 98-209

7. Nguyễn Đình Bồng, Tạ Hữu Nghĩa (2010), “Phân tích, đánh giá vai trò quản lý Nhà nước tác động đến tích tụ ruộng đất”, Cục chính sách  hợp tác và phát triển nông thôn Bộ Nông nghiệp.

8. Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

9. Tích tụ ruộng đất: Giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, http://baoninhbinh.org.vn/tich-tu-ruong-dat-giai-phap-thyc-hien-tai-co-cau-nong-nghiep-2016121308363601p2c21.htm

10. Báo cáo số 13-BC/NN-NT ngày 25 tháng 11 năm 2016 của Vụ Nông nghiệp-Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, 2016.

11. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016, Báo cáo về tình hình tích tụ, tập trung đất đai của một số địa phương thuộc khu vực phía Bắc, 2016

12. Dương Đình Tường, 2009. Nông nghiệp công nghệ cao: Nặng trình diễn, nhẹ hiệu quả, http://nongnghiep.vn/nong-nghiep-cong-nghe-cao-nang-trinh-dien-nhe-hieu-qua-post36762.html

13. Đỗ Kim Chung, Nguyễn Văn Song, Trần Đình Thao, Trần Hữu Cường, Nguyễn Việt Long, Trần Thanh Phương, Nguyễn Xuân Trạch, 2017. Tích tụ đất đai và hạn điền; Trao đổi cá nhân

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)